Nhiễm sán chó có lây từ người sang người không? Dấu hiệu nhận biết là gì
Thứ Hai ngày 27/09/2021
Nhiễm sán chó có lây từ người sang người không? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa nhiễm bệnh như thế nào? Những chia sẻ từ bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này nhé!
Hầu hết các trường hợp bị nhiễm sán chó đều không quá nghiêm trọng đối với những người trưởng thành. Nhưng đối với trẻ nhỏ khi nhiễm bệnh có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé. Chính vì vậy, bạn cần phải chú ý đến việc phòng ngừa và quan tâm đến các dấu hiệu nhiễm bệnh để phát hiện và điều trị kịp thời nhé! Vậy nhiễm sán chó có lây từ người sang người không và dấu hiệu nhiễm bệnh là gì? Cùng tìm lời giải đáp trong bài viết này nhé!
Nhiễm sán chó là bệnh gì?
Nhiễm sán chó có tên gọi chính thức là Toxocariasis, đây là một loại bệnh nhiễm trùng lây truyền từ động vật sang người. Bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ bị nhiễm sán chó nhưng trẻ nhỏ hoặc người nuôi thú cưng thường sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Căn bệnh này được tạo ra bởi 2 loại ký sinh trùng là Toxocara canis (thường được tìm thấy trong ruột của chó) và Toxocara cati (thường được tìm thấy trong ruột của mèo).
Nhiễm sán chó là một loại bệnh nhiễm trùng lây truyền từ động vật sang người
Nhiễm sán chó có lây từ người sang người không?
Khi chó mèo bị nhiễm giun sán thì phân mà chúng thải ra thường sẽ có lẫn với trứng của ký sinh trùng Toxocara canis hay Toxocara cati. Trứng này thường sẽ tồn tại trong đất, sân vườn hoặc công viên. Chính vì vậy, bạn hoặc trẻ có thể bị nhiễm sán chó mèo do vô tình tiếp xúc với thức ăn hoặc tay đã dính chất bẩn có thể sẽ bị lẫn với trứng của giun sán chó mèo trong đó.
Nhiễm sán chó mèo thường sẽ có nguy cơ xảy ra với trẻ nhỏ hơn vì các bé thường vô ý đưa tay bẩn vào miệng khi vui chơi trong sân vườn hoặc công viên. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên chủ quan với nguy cơ bị nhiễm giun sán từ chó con. Bởi nếu có mẹ bị nhiễm ký sinh trùng Toxocara canis thì chó con cũng sẽ nhiễm bệnh trước khi sinh hoặc khi bú sữa mẹ.
Sau đó, chúng sẽ thải phân lẫn trứng của giun sán ra ngoài môi trường để tiếp tục truyền bệnh. Vậy nhiễm sán chó có lây từ người sang người không? Trên thực tế, bệnh này chỉ lây truyền từ động vật sang người chứ không lây từ người sang người như bệnh cảm cúm hoặc cảm lạnh.
Lưu ý: Một số trường hợp bị nhiễm sán chó nếu ăn thức ăn chưa được nấu chín và có chứa ấu trùng Toxocara trong đó. Do đó, bạn nên hạn chế ăn đồ sống và nấu chín kỹ nếu gia đình có trẻ nhỏ và đang nuôi thêm chó mèo.
Nhiễm sán chó có lây từ người sang người không
Triệu chứng khi bị nhiễm sán chó là gì?
Bệnh nhiễm sán chó thường hiếm khi gây ra nguy cơ nghiêm trọng, trừ khi người bệnh bị nhiễm trùng nặng. Thông thường, nhiều người trưởng thành thậm chí còn không biết mình nhiễm bệnh vì không có triệu chứng điển hình nào. Tuy nhiên, nhiễm sán chó vẫn gây ảnh hưởng đáng kể đến trẻ em dưới 6 tuổi. Khi bị nhiễm trùng, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như:
- Khi ấu trùng Toxocara di chuyển đến mắt có thể gây ra giảm thị lực, viêm mắt hoặc những tổn thương võng mạc. Và thường chỉ ảnh hưởng đến một mắt.
- Khi ấu trùng Toxocara di chuyển đến các cơ quan như gan, hệ thần kinh sẽ gây nhiễm độc tố nội tạng. Các triệu chứng bao gồm sốt phát ban, ho, thở khò khè, đau bụng, chán ăn…
Cách điều trị bệnh nhiễm sán chó
Nếu có các triệu chứng kể trên và nghi ngờ bị nhiễm sán chó thì hãy đi khám ngay để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. Tùy thuộc vào loại nhiễm trùng và các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chữa trị phù hợp.
Đối với tình trạng nhiễm sán chó ở nội tạng, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc để tiêu diệt ký sinh trùng, đội khi kết hợp thêm với thuốc chống viêm. Tuy nhiên, nếu giun sán chó di chuyển đến mắt thì việc điều trị thường sẽ phức tạp hơn để tránh tổn thương mắt và ngăn ngừa biến chứng mù lòa. Người bệnh có thể sẽ được chuyển qua bác sĩ nhãn khoa để điều trị nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Cách điều trị bệnh nhiễm sán chó
Làm thế nào để phòng nhiễm sán chó cho trẻ?
Để tránh nguy cơ nhiễm sán chó, đặc biệt là khi nhà có nuôi thú cưng thì cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Đưa thú cưng đến gặp bác sĩ thú y để được tẩy giun định kỳ, đặc biệt là với chó con dưới 6 tháng tuổi.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trong các trường hợp như sau khi chơi hoặc chạm vào vật nuôi, sau các hoạt động ngoài trời, trước khi tiếp xúc với thực phẩm để chế biến và ăn uống.
- Dạy trẻ nhỏ rửa tay đúng cách và không cho tay bẩn hoặc dính đất cát vào miệng.
- Đối với những trẻ quá nhỏ tuổi, bạn nên quan sát liên tục khi trẻ vui chơi ngoài trời để ngăn chặn việc bé cho tay bẩn vào miệng hoặc bốc đất bỏ vào miệng.
- Giữ trẻ tránh xa khu vực có phân có thú cưng hoặc động vật, nếu sử dụng hộp cát vệ sinh cho thú cưng thì nên chú ý đậy nắp khi không sử dụng.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lồng nuôi và túi đựng thú cưng ít nhất 1 lần/tuần, sau đó rửa tay lại thật kỹ với xà phòng.
- Rửa sạch trái cây, rau củ trước khi chế biến hoặc ăn. Đồng thời, luôn ăn chín uống sôi, đặc biệt là nên nấu chín thịt trước khi ăn.
Mặc dù nhiễm sán chó hiếm khi phát triển thành bệnh nghiêm trọng nhưng vẫn gây hại cho trẻ em nấu bé chẳng may nhiễm phải. Vì vậy, cần phải hiểu rõ về các dấu hiệu và cách phòng ngừa để thể phát hiện và điều trị kịp thời.
Thủy Phan
(Nguồn: Tổng Hợp)
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.