Ngày 14/01/2020 17:06 PM (GMT+7)
Ông Công Ông Táo là một ngày lễ vô cùng quan trọng trong văn hóa người Việt Nam. Chuyên gia phong thủy tư vấn cúng lễ chuẩn nhất.
Tục cúng cá chép
“Cá chép là loài cá duy nhất vượt Vũ Môn hóa rồng, là cá Thần hóa Rồng, cá linh, chỉ có cá chép mới hóa thành rồng nên ngày 23 cứ ai mua cá chép về phóng sinh sẽ rất lợi lạc. Chúng ta cứ tưởng tượng cứ mỗi gia đình Việt Nam phóng sinh 1 con cá chép thì chỉ riêng ngày 23 tháng Chạp đã có rất nhiều con cá không bị giết thịt, đó là một nét đẹp nhân văn. Tuy nhiên không phải là mua cá chép về mổ thịt rán lên cúng Ông Táo mà phải cúng cá chép sống rồi phóng sinh”, chuyên gia phong thủy Nguyễn Đức Thiêm (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa cổ phương Đông) cho biết.
Ngày nay, rất nhiều loại cá nhỏ nhìn rất đẹp mắt được bày bán ngoài chợ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp cúng lễ Ông Công Ông Táo. Tuy nhiên nhiều người mua nhầm phải cá vàng, cá chép vàng. Đây đều là những loại cá không nên mua để cúng phóng sinh.
Ông Thiêm hướng dẫn cách lựa chọn cá chuẩn nhất: “Các bạn lưu ý là các loại cá vàng nhỏ bán ngoài chợ không phải cá chép. Cá chép vàng là loại cá cảnh nhập từ Trung Quốc về. Loại cá đó không có ý nghĩa gì trong ngày này. Để mua cá chép chuẩn nhất, các bạn nên ra hàng cá bình thường ở chợ, chọn 1 con cá chép còn sống khỏe mạnh, nếu mua được cá cái đang chửa thì tốt nhất vì sẽ phóng sinh được rất nhiều cá con. Đây là những con cá mà đáng ra sẽ bị giết làm thịt nhưng giờ được chúng ta mua về cúng và thả phóng sinh – đó mới là có ý nghĩa nhất”.
Không nên mua những con cá vàng hay cá chép vàng bán ngoài chợ về để cúng
Ngoài ra, khi thả cá chép nên thả những ao hồ sạch sẽ mà cá có thể sống được. Không nên thả cá từ trên cầu xuống sông hay thả cá trong túi nilon.
Ý nghĩa thực sự của ngày Ông Công Ông Táo
Ngày Ông Công – Ông Táo là một nét đẹp cổ truyền, là một tập tục của dân tộc Việt Nam. Dù bận rộn đến mấy thì đến ngày 23 tháng Chạp nhà nhà đều chuẩn bị lễ nghi để cúng Ông Công Ông Táo, tiễn ông về trời. Ai cũng làm, ai cũng theo nhưng ít ai biết rõ nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết đặc biệt này.
Trao đổi với chuyên gia phong thủy Nguyễn Đức Thiêm, ông cho biết ngày Ông Công Ông Táo có tới 5 ý nghĩa thể hiện sự nhân văn và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
“Văn minh của loài người được đánh dấu khi có sự xuất hiện của “Lửa”. Lửa nấu chín đồ ăn thức uống trong mỗi gia đình, nơi chế biến nấu chín thức ăn gọi là “Bếp” – Táo Bếp. Vì vậy Táo Quân cũng chính là “Thần Lửa” trông coi sự sống cho mỗi con người, rất thiêng liêng”, ông Thiêm nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa cổ phương Đông chia sẻ về ngày Ông Công Ông Táo
Theo Phật giáo, Táo Quân là Thần đứng đầu trong Ngũ Thần trong gia đình. Ngũ Thần là Táo Quân, Thổ Công, Thổ Địa, Thần Tài và Ngũ Phương Long Mạch. Theo Đạo giáo, Táo Quân là Thần định phúc cho cả nhà nên gọi là “Định Phúc Táo Quân. Theo Nho giáo, Táo Thần Quân là vị Thần do Ngọc Hoàng phái xuống giám sát định phúc, theo dõi toàn bộ các hoạt động của mỗi gia đình để định phúc cho họ.
“Ngày Ông Công Ông Táo 23 tháng Chạp có 5 ý nghĩa. Thứ nhất là thể hiện sự biết ơn của con người, tạ ơn Thần Lửa đã ban cho cuộc sống văn minh. Thứ 2 là cảm tạ Táo Quân – thần định phúc – cho mỗi gia đình trong một năm có cuộc sống an lành. Thứ 3 là ngày chúng ta sám hối nhưng đồng thời hiểu được lỗi lầm, sai trái của mình đã hành xử trong 1 năm và cũng là để xin Thần linh tha lỗi không ghi tội. Ý nghĩa thứ 4, đó là ngày chúng ta hứa hẹn tu sửa sai trái, sẽ sống tốt hơn cho năm mới để mỗi gia đình có 1 năm tốt hơn. Cuối cùng, đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống để ta biết ơn Thần linh và tự bản thân hành xử, giáo dục các thế hệ kế tiếp sống hướng thiện…”, chuyên gia phong thủy Nguyễn Đức Thiêm chia sẻ.
Cúng Ông Công Ông Táo vào ngày, giờ nào?
Năm nay ngày 23 tháng Chạp vào Thứ Sáu (ngày 17/1 Dương lịch). Vì vào ngày thường nên nhiều gia đình sắp xếp cúng Táo Quân trước đó 1 – 2 ngày. Theo ông Thiêm, từ Rằm tháng Chạp trở đi các gia đình đều có thể cúng Ông Công Ông Táo miễn chọn ngày đẹp và phù hợp thời gian của các thành viên trong nhà.
“Theo truyền thuyết, Ông Công Ông Táo sẽ khởi hành bay về trời vào giờ Hợi ngày 23 tháng Chạp (từ 21h tối). Vậy nên các gia đình quá bận rộn hoàn toàn có thể làm lễ cúng miễn sao trước 21h tối ngày 23”, ông Thiêm hướng dẫn.
Cúng Ông Công Ông Táo cần chuẩn bị những gì?
Theo ông Thiêm, tùy điều kiện của từng gia đình mà mâm cúng có sự khác nhau. Có một số thứ không thể thiếu là một bộ đồ vàng mã cho Ông Công Ông Táo, hoa tươi, hoa quả tươi. Mâm cúng cũng không cần quá cầu kỳ và tùy vào sở thích, điều kiện của mỗi gia đình. Thông thường sẽ có gà, bánh chưng, xôi, giò.
“Không nên cúng bái quá xa hoa, lãng phí. Miễn chúng ta thành tâm và dâng được tấm lòng của mình để Thần linh thấu hiểu là được”, ông Thiêm nhấn mạnh.
Mâm cỗ cúng không cần quá xa hoa, quan trọng là lòng thành
Nguồn: http://khampha.vn/tin-tuc-viet-nam/nhieu-nguoi-tha-nham-loai-ca-tien-ong-cong-ong-tao-c…Nguồn: http://khampha.vn/tin-tuc-viet-nam/nhieu-nguoi-tha-nham-loai-ca-tien-ong-cong-ong-tao-chuyen-gia-tu-van-cach-lam-chuan-nhat-c17a753036.html
Theo H.M (Khám phá)