Với đặc tính trời ban, con cá rô có khả năng sống được trong những điều kiện khắc nghiệt như ẩn thân trong bùn sình, vùng đất khô nứt nẻ chỉ cần bên dưới còn ẩm ướt là được và chỉ cần một trận mưa lớn là lập tức chúng trồi lên.
Với kỹ năng di chuyển bằng bụng, với sự hỗ trợ của bộ vây và cặp mang sắc bén nên cá rô có tài vượt địa hình, đào thoát một cách tài tình…
Cá rô đồng
Không ngạc nhiên khi bắt gặp cảnh nhiều con cá rô chờ đúng dịp trời mưa lớn là rủ nhau thành đàn vượt qua những bờ đất cao hoặc băng qua lộ để tìm đến nơi có nước như đồng ruộng, ao hồ để sinh tồn và thỏa sức vẫy vùng. Nhớ lại hồi nhỏ ở miền quê đi học, chống xuồng trên những dòng kinh thường bắt gặp từng đàn cá rô con bơi lội tung tăng giữa đám rong đuôi chồn trong làn nước phèn trong vắt.
Khi đến lớp, những ai không phân biệt âm g với r thì cô giáo bắt phải đọc câu:“bắt con cá rô bỏ vô rổ nhảy rồ rồ!”, làm cả lớp có dịp ôm bụng cười lăn, cười lóc. Chuyện học hành ngày xưa là vậy, thầy cô luôn để mắt quan tâm chuyện học của trò, còn học sinh trong đầu phải luôn giữ chữ “tôn sư, trọng đạo”.
Nghĩ đến chuyện học ngày nay có những chuyện nghe thêm buồn, vì có những thầy cô đến lớp chẳng quan tâm, để mắt đến học sinh, ứng xử chẳng ra sư phạm, còn trò thì nhiều đứa mất dạy, chẳng thích học hành… Thôi, xin miễn bàn tiếp, kẻo lạc chủ đề. Khi lúa vừa trổ đòng đòng cũng là lúc những con cá rô non bắt đầu trưởng thành, chịu khó vác cần câu kiếm mồi câu là tép hoặc trứng kiến vàng là có thể đem về nhà mớ cá rô vàng óng ánh.
Cá rô đồng thịt béo, thơm ngon, có nhiều xương nên khi ăn cần phải cẩn trọng, khi bắt cá cũng vậy, nếu không khéo thì với bộ vây sắc nhọn, khi cá vùng vẫy có thể gây vết thương chảy máu bàn tay. Cũng đã xảy ra trường hợp tai nạn hy hữu khi người bắt được cá rô chủ quan ngậm cá trong miệng, bất ngờ con cá quẫy mạnh chui tọt vào trong cổ họng phải chở đi bệnh viện để mổ cấp cứu.
Cá rô khi còn nhỏ cỡ đầu ngón tay gọi là cá rô bí có thể chiên giòn ăn luôn cả xương. Còn những con cá lão làng được gọi là cá rô mề, phần bụng rất béo và dĩ nhiên có thể gặp những con có cặp trứng màu vàng nghệ. Riêng dân nhậu thích món cá rô chiên xù, nghĩa là để nguyên con mà chiên, ăn kèm với rau sống, chấm nước mắm tỏi ớt hoặc mắm me. Nhưng ngon nhất có lẽ là kho tiêu với tóp mỡ, kế đến là nướng trui, rang muối hoặc nấu canh…
Còn nhớ một thời trên thị trường xuất hiện con cá rô đầu vuông, có con nặng hơn 200g, thịt ăn cũng ngon, tuy nhiên bỗng có nguồn tin ác ý thiếu chứng cứ khoa học là ăn cá rô này bị bệnh… thì cá rô đầu vuông bắt đầu rớt giá, lượng tiêu thụ ít đi, làm những người nuôi cá phải một phen khốn đốn!
Tục ngữ nước ta có câu: “Thả con săn sắt, bắt con cá rô” (cá săn sắt còn có các tên gọi khác như: cá lia thia, cá cờ…) là loại cá nhỏ hơn cá rô. Ngụ ý câu nói trong mần ăn kinh doanh, ứng xử với đời là một cách tính toán, thà chấp nhận bỏ đi cái lợi nhỏ để thu về món lợi lớn hơn.
Cá rô có ngoại hình không được đẹp, cặp mắt luôn đỏ ngầu như say rượu, tên gọi cũng chẳng hay ho gì, độc nhất một từ rô. Chất lượng thịt cũng không có gì quá nổi trội, lại nhiều xương, nên cá rô không thể sánh với các loại cá đặc sản, quý hiếm mà những người có tiền ưa săn lùng trong các nhà hàng, quán nhậu…
Vì vậy, có thể yên tâm xếp cá rô vào phân khúc… cá bình dân vì chúng dễ gặp, dễ mua, giá không đắt đỏ… Nói là vậy, nhưng nhiều khi thèm, muốn ăn con cá rô mề cũng không phải dễ.
Thân em như cá rô mề
Lao xao giữa chợ biết về tay ai!
Lại một mùa mưa nữa sắp đi qua, thỉnh thoảng tôi lại nhìn ra khoảng sân trước nhà, nơi trận mưa đêm qua vẫn còn ngập nước. Như chờ, như đợi những con cá rô đồng bất ngờ xuất hiện… nhưng chúng vẫn biệt tăm. Tôi thầm nhủ: Chắc có lẽ chúng đã thoát đi từ lâu, lúc tôi còn đang say ngủ.
Ôi những chú cá rô nhỏ bé, nhưng mạnh mẽ trong cuộc chiến sinh tồn, với sức lực của chính bản thân mình đã dũng cảm vượt qua những chặng đường dài cùng biết bao chướng ngại vật, để tìm về vùng nước bình yên.