Dù bạn là sinh viên mới ra trường hay là người đã đi làm lâu năm, ngày đầu tiên bắt đầu công việc mới luôn là ngày quan trọng đối với bạn. Để có một khởi đầu thật suôn sẻ với công việc mới, việc chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi làm là rất cần thiết. Sau đây là một danh sách những điều bạn nên có và làm trước và trong ngày đầu tiên nhận việc.
Những điều bạn nên có trong ngày đầu tiên đi làm
Các câu hỏi
Là người mới, đặc quyền của bạn là được hỏi vì bạn vẫn chưa quen với công việc và môi trường của công ty. Bạn có thể đặt câu hỏi về quy trình, công việc,… Nhưng bạn cần lưu ý, hãy lắng nghe những hướng dẫn và tự tìm hiểu câu trả lời trước khi hỏi, chỉ hỏi những câu hỏi cần thiết để bắt đầu công việc (những thắc mắc khác, bạn có thể tìm hiểu sau khi đã quen dần với công việc).
Phần giới thiệu bản thân
Một số công ty sẽ có hình thức giới thiệu bằng cách gửi mail hoặc đứng trước tập thể phát biểu. Bạn cũng có thể sẽ được giới thiệu với nhiều phòng ban, đồng nghiệp một cách riêng lẻ, vì vậy hãy chuẩn bị một bài biểu khoảng 30s về bản thân (bạn tên gì, đến từ đâu, công việc trước đây của bạn là gì, công việc hiện tại bạn đảm nhận là gì,…).
Thái độ thân thiện, năng lượng tích cực
Sự thân thiện và năng lượng tích cực (nụ cười hay lời chào) sẽ khiến mọi người có ấn tượng tốt về bạn và có thể dễ dàng tiếp cận, làm quen với bạn. Điều này cũng giúp thể hiện bạn đã sẵn sàng để làm việc tại công ty mới. Và tại sao không thể hiện niềm vui của mình khi bạn đã vượt qua các vòng sơ tuyển và phỏng vấn để có được công việc này?
Thái độ chuyên nghiệp, lịch sự
Thái độ này được thể hiện trong lời nói, hành động, ngôn ngữ cơ thể và cách ăn mặc. Bạn nên hỏi bộ phận nhân sự về trang phục trước khi đi làm. Nhưng để chắc chắn, bạn hãy cẩn trọng và thực hiện tất cả như lúc phỏng vấn.
Những chủ đề để bàn luận khi ăn trưa, uống cà phê cùng đồng nghiệp
Ngày đầu tiên bạn nên tìm hiểu và làm quen con người nhiều hơn. Và để tránh rơi vào trường hợp lúng túng, hãy chuẩn bị trước những mẩu chuyện về thời sự, công việc để có thể thảo luận cùng mọi người (tránh các chủ đề nhạy cảm như chính trị, tôn giáo,…)
Các giấy tờ cần thiết cho nhân sự
Ngày đầu tiên sẽ rất bận rộn với nhiều thủ tục hành chính. Phòng nhân sự sẽ yêu cầu bạn nộp nhiều loại giấy tờ vì vậy hãy mang theo chúng để có thể lấy ra ngay lập tức và không làm mất thời gian ở những thủ tục này.
Bút và sổ
Đây là một trong những chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi làm mà bạn không thể thiếu. Có rất nhiều thứ để học hỏi và nhiều hướng dẫn, lời khuyên từ nhân sự, từ đồng nghiệp và từ sếp, hãy ghi chú lại tất cả. Có thể máy tính của bạn chưa sẵn sàng trong ngày đầu tiên đi làm, hoặc không hoạt động như mong muốn, nên tốt nhất là dùng bút và sổ để ghi lại những điều này.
Những điều bạn nên làm
Đến sớm nhưng đừng về sớm
Hãy tìm hiểu đường đi, thời tiết trước khi đến nơi làm vào ngày đầu tiên. Đến sớm văn phòng trước khoảng 10-15 phút trước giờ làm để có thời gian chỉnh trang và làm quen dần với không khí làm việc tại văn phòng. Cuối ngày, bạn cũng đừng vội về quá sớm. Lúc ra về là thời điểm tốt để chuẩn bị trước những việc cần làm vào ngày mai và dành thời gian để làm quen với các đồng nghiệp.
Làm quen với đồng nghiệp
Làm quen với đồng nghiệp là một trong những việc quan trọng nhất trong ngày đầu tiên đi làm. Những đồng nghiệp có thể giúp bạn hiểu hơn về công việc, môi trường làm việc, những luật ngầm, và cả “chính trị” trong công ty. Hãy làm quen với tất cả những người có thể liên quan đến công việc của bạn, chứ không chỉ những người cùng nhóm, cùng phòng ban (ví dụ như: kế toán, hành chính, nhân sự,…).
Nếu bạn được mời đi ăn trưa hay cà phê vào giờ giải lao, đừng từ chối. Mọi người đang muốn làm quen với bạn. Và nếu mọi người không tìm đến bạn thì cũng không sao, bạn hãy chủ động bắt chuyện. Bạn có thể hỏi về công việc của họ, nhờ họ hướng dẫn những điều còn chưa hiểu.
Tìm hiểu về công ty và đồng nghiệp
Ngoài những hướng dẫn được nhận vào ngày đầu tiên đi làm, bạn cũng nên tự trang bị những kiến thức về công ty và những người bạn sẽ làm việc cùng bằng cách xem trang LinkedIn công ty và nhân viên, đọc các bài báo, sơ đồ công ty, các bảng tin nội bộ,…. Khi có những kiến thức này, bạn sẽ bớt lo lắng hơn, có thể đặt những câu hỏi và suy nghĩ cách tiếp cận phù hợp với những vấn đề và con người trong công ty.
Nghỉ ngơi để có tinh thần làm việc tốt hơn
Tuy ngày đầu tiên đi làm, bạn sẽ chưa phải lao ngay vào công việc khó khăn nhưng là một ngày quyết định và cũng có tính chiến lược. Nghỉ ngơi vào tối hôm trước cũng là một cách chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi làm, giúp đầu óc bạn thoải mái hơn, dễ dàng tiếp nhận những điều mới, quan sát và phân tích tốt hơn.
Lắng nghe và quan sát
Ngoài việc lắng nghe, quan sát những thứ căn bản như vị trí phòng ban, vật dụng văn phòng, và những việc liên quan đến công việc như dự án, mục tiêu, ưu tiên của công ty, bạn cũng cần chú ý để nắm được:
- những quy định ngầm hiểu
- cách sử dụng các thuật ngữ
- cách ra quyết định trong công ty (khi cần thiết hay khi có kế hoạch)
- cách thức liên lạc (qua email, điện thoại, nói chuyện trực tiếp,…)
Bạn cần tự tìm hiểu những việc này để có thể điều chỉnh bản thân cho phù hợp với tác phong làm việc mới. Quá trình tự tìm hiểu qua việc quan sát và lắng nghe giúp bạn hòa nhập nhanh hơn mà không cần hỏi hay làm phiền đến những người xung quanh, thể hiện bạn là người chủ động trong công việc.
Tìm hiểu tất cả về công việc của mình
Từ ngày đầu tiên đi làm, bạn cần làm rõ trách nhiệm công việc của bạn, quy trình làm việc, và các nội quy công ty để thực hiện đúng và tránh những mâu thuẫn về sau. Trong quá trình làm việc, đặc biệt khi bắt đầu công việc mới, bạn nên giúp đỡ những đồng nghiệp của mình để tạo mối quan hệ với họ nhưng hãy chắc là mình có khả năng hoàn thành công việc đó, và biết rõ ai mới là người có thể giao việc cho bạn.
Thể hiện sự quan tâm, luôn sẵn sàng để học hỏi
Mọi người còn chưa biết về khả năng làm việc của bạn, nhưng tinh thần ham học hỏi và sự quan tâm của bạn đến mọi việc và mọi người xung quanh sẽ thể hiện sự cầu tiến, mong muốn, cũng như ý định làm việc lâu dài của bạn.
Luôn sẵn sàng để làm việc với cấp trên trực tiếp
Trong ngày đầu tiên đi làm, bạn sẽ tốn rất nhiêu thời gian và bị cuống vào những thủ tục nhân sự, gặp gỡ đồng nghiệp, cấp quản lý,… Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn có thời gian để gặp gỡ và làm việc với cấp trên trực tiếp của mình, vì đây là người bạn cần hiểu rõ nhất để có thể báo cáo và làm việc cùng.
Đọc thêm: Bí kiếp để hòa hợp với sếp mới
Thể hiện sự cảm kích
Bạn không phải cảm ơn tất cả mọi người, nhưng khi có thể hãy thể hiện sự cảm kích đối với những người đã giúp đỡ bạn làm quen với môi trường mới, người đã cho bạn cơ hội làm việc tại công ty. Tuy không giúp ích được nhiều cho công việc chuyên môn, nhưng sẽ giúp những mối quan hệ của bạn tại công ty tốt hơn.
Những điều bạn không nên làm
Đừng vội phán xét con người hay sự việc quá vội vàng
Ở môi trường mới, bạn sẽ nghe hay thấy những con người hay sự việc không giống với những gì bạn quen trước đây. Đó là điều bình thường nên đừng vội phán xét con người hay sự việc quá sớm vì điều này dễ tạo thành các thành kiến ngăn trở việc bạn cởi mở đón nhận công việc mới.
Đừng bỏ qua các buổi training
Khi đã vào guồng quay của công việc, có thể bạn sẽ không có thời gian để được đào tạo như khi mới vào công ty. Những buổi training này cũng là cơ hội tốt để bạn học hỏi và làm quen với những đồng nghiệp có kinh nghiệm.
Đừng nhắc quá nhiều về công ty, đồng nghiệp, công việc cũ
Mọi người sẽ nghi ngờ ý định làm việc lâu dài cũng như khả năng thích nghi của bạn với môi trường mới nếu bạn thường xuyên so sánh công ty mới và công ty cũ. Mỗi nơi sẽ có cách vận hành của mình nên hãy tìm hiểu và học cách làm quen trước khi bạn muốn có những thay đổi.
Đừng vội đưa ra ý kiến nếu chưa được hỏi tới
Bạn cần có chính kiến trong công việc nhưng chính kiến phải dựa trên nền tảng hiểu biết về công việc và công ty của mình. Vì vậy cũng đừng vội đưa ra ý kiến của mình trong ngày đầu tiên đi làm nếu chưa được hỏi tới.
Không cần phải cố gắng để gây ấn tượng với tất cả mọi người
Bạn còn nhiều cơ hội để thể hiện bản thân về sau. Bạn không nên tạo ra một kỳ vọng quá cao về bản thân rồi sau đó cứ phải gồng mình để duy trì hình tượng đó. Có rất nhiều thứ cần chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi làm, nhưng cứ hãy thoải mái và là chính mình để mọi người có thể hiểu đúng con người của bạn.
Bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới dành cho mình?
👍 Follow Reeracoen Vietnam HR Facebook và Reeracoen Vietnam LinkedIn của Reeracoen Vietnam để được cập nhật công việc hấp dẫn mỗi tuần.
🌏 Tham khảo website www.reeracoen.com.vn để tìm kiếm sâu hơn những cơ hội mới cho bản thân.