Tiền Thái Bình Hưng Bảo là đồng tiền đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập.
Niềm tự hào của nhà Đinh
Khi PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, tổ chức nhà trưng bày của cố đô Hoa Lư, ông đã không phải suy nghĩ nhiều trong việc chọn các hiện vật tiêu biểu. “Hiện vật quý nhất là đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo – đồng tiền đầu tiên của triều Đinh. Sau khi xưng đế năm 968, tới năm 970, vua Đinh Tiên Hoàng phát hành đồng Thái Bình Hưng Bảo này với khát vọng cháy bỏng cho sự hưng thịnh của đất nước. Ngoài ra còn có hiện vật quý giá không kém là viên gạch có chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên, nghĩa là gạch xây quân thành nước Đại Việt. Cả hai hiện vật đều thể hiện ý chí tự lập tự cường, tự chủ của một quốc gia độc lập thống nhất”, PGS-TS Trí cho biết.
GS Đỗ Văn Ninh, Viện Khảo cổ học, cũng khẳng định trong cuốn Tiền cổ Việt Nam: “Cho tới nay, mọi người đều thừa nhận rằng đồng tiền đầu tiên trong lịch sử nước ta được đúc dưới thời Đinh Tiên Hoàng (968 – 980)”.
Tiền Thái Bình Hưng Bảo đúc bằng đồng. Tiền tròn, lỗ vuông, có gờ với viền mép và viền ô cả ở mặt tiền lẫn lưng tiền. Chữ đọc chéo từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. GS Đỗ Văn Ninh cũng đặt ra vấn đề liệu có đồng tiền nào của Trung Quốc cũng có tên là Thái Bình Hưng Bảo để có thể bị lẫn với tiền Thái Bình Hưng Bảo thời Đinh của nước ta hay không.
Theo GS Ninh, ở Trung Quốc, đời Tống Thái Tông, nhà Bắc Tống đặt niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc vào những năm 976 – 983. Vào thời này, tiền thông bảo, tiền mang niên hiệu nhà vua đã ra đời. Tuy nhiên, ghi chép về tiền tệ Trung Quốc cho hay vua Tống Thái Tông chỉ đúc tiền Thái Bình Thông Bảo. Đồng tiền này sau lưng không có chữ gì nên không khó phân biệt với tiền Thái Bình Hưng Bảo của ta. Vua Liêu Thái Thông những năm 1021 – 1030 cũng có niên hiệu Thái Bình nhưng lại không đúc tiền theo niên hiệu của mình.
Theo khảo cứu của GS Đỗ Văn Ninh, sách Quan tự đắc trai tùng thư viết rằng tiền có chữ Đinh ở phía lưng là tiền Thái Bình Hưng Bảo của nhà Đinh nước ta. “Về mặt hình dáng, tiền Thái Bình Hưng Bảo khác hẳn các loại tiền Trung Quốc với niên hiệu này. Do vậy, vấn đề đồng Thái Bình Hưng Bảo là sản phẩm đúc thời Đinh Tiên Hoàng không còn điều gì đáng phải bàn thêm”, GS Ninh đánh giá.
Đồng tiền chúc phúc, mừng độc lập
PGS-TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia, cho biết kỹ thuật đúc tiền Thái Bình Hưng Bảo tương đối thô. Căn cứ vào tiêu bản mẫu vật có thể phân biệt tiền Thái Bình Hưng Bảo làm 2 loại chủ yếu. Thứ nhất là loại lưng trơn. Tiền này có nhiều bản, có loại tiền to chữ to, tiền nhỏ chữ nhỏ, có loại nét chữ mảnh, có loại nét chữ thô to. Loại thứ hai, tiền mặt lưng có chữ Đinh là họ của vua. Mặc dù vậy, mặt tiền thuần phác, phong cách cơ bản thống nhất, có nhiều điểm giống với tiền thời Ngũ Đại của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Quân, tiền Thái Bình Hưng Bảo cũng có những điểm khác biệt so với các loại tiền Trung Quốc trước và đồng thời với nó. Trước thế kỷ 10, hầu hết các loại tiền Trung Quốc đều ghi chữ “thông bảo”, ngoài ra còn ghi “nguyên bảo”, “trọng bảo”. “Chữ Hưng trong tiền Thái Bình Hưng Bảo của Đinh Bộ Lĩnh là một điểm sáng tạo của tiền Việt Nam. Hưng Bảo tức là khác với loại tiền thông bảo truyền thống của Trung Quốc. Câu này còn mang ý nghĩa chúc phúc nước Đại Cồ Việt quốc vận hưng thịnh, đời đời hưởng thái bình”, PGS-TS Phạm Quốc Quân phân tích.
PGS-TS Quân cho rằng giai đoạn đầu của triều Đinh, chiến tranh liên miên, nông dân phiêu tán, nông nghiệp đình đốn, thủ công nghiệp chủ yếu phục vụ việc chế tạo vũ khí. Sau khi chiến tranh kết thúc, Đinh Bộ Lĩnh bắt đầu khôi phục sản xuất, nông dân trở về quê cũ, thương nghiệp thành thị bắt đầu xuất hiện. Sau khi triều Đinh được thành lập đúc tiền niên hiệu Thái Bình, tức loại tiền Thái Bình Hưng Bảo.
Ông Quân cũng cho biết tiền Thái Bình Hưng Bảo có lẽ được đúc tập trung trong khoảng niên hiệu Thái Bình từ năm thứ nhất đến năm thứ 8. “Sau đó, nội bộ chính quyền nhà Đinh không ngừng tranh chấp, chính cuộc rối ren, việc đúc tiền có phần bị hạn chế, hoặc ngừng hẳn. Tiền Thái Bình Hưng Bảo chủ yếu được sử dụng ở miền Bắc Việt Nam, lưu thông trong địa bàn của chính quyền nhà Đinh”, ông Quân cho biết.
Chính vì thế, ông Quân cho rằng: “Tiền Thái Bình Hưng Bảo là đồng tiền đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập. Cho dù phạm vi lưu thông còn hạn chế, nhưng đối với lịch sử phát triển tiền tệ Việt Nam có một ý nghĩa vô cùng trọng yếu”.