Phở bò
Dẫu nhắc tới phở, nhiều người vẫn quen nhớ gọi tên Hà Nội nhưng ít ai biết nguồn gốc của phở ở Hà thành hay Nam Định cho tới nay vẫn còn là đề tài tranh cãi. Nếu phở Hà Nội phong phú, đa dạng nguyên liệu cũng như cách thưởng thức thì phở Nam Định chỉ là các biến tấu từ phở và thịt bò. Phở bò Nam Định được nấu theo công thức bí truyền của mỗi gia đình nhưng vẫn có nét đặc trưng ở nước dùng ngậy thơm đậm đà, bánh phở nhỏ sợi và thịt bò ngọt, mềm.
Ngày nay, với bảng hiệu quảng cáo “Phở bò Nam Định” có mặt ở các đô thị lớn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, hay ra cả nước ngoài, nhưng muốn ăn món phở bò ngon như danh tiếng lưu truyền, thì hãy một lần thưởng thức món phở bò Nam Định tại chính mảnh đất Nam Định.
Nem nắm Giao Thủy
Nem nắm là món ăn gần gũi với nhiều người, đặc biệt là cánh mày râu. Nem nắm được dùng làm mồi nhậu quen thuộc trong các cuộc vui dân dã. Nem Giao thủy là đặc sản đáng tự hào của huyện Giao Thủy, Nam Định.
Nem nắm được chế biến từ thịt, bì lợn thái mỏng, trộn với thính gạo và các gia vị. Sợi nem Giao Thủy được thái mỏng bằng tay, không dùng máy như nhiều nơi, nên sợi nem mềm mà vẫn giòn và thấm gia vị. Khi ăn nem gói trong lá sung, lá đinh lăng, chấm với nước mắm Sa Châu (huyện Xuân Thủy) thì dậy lên hương vị đặc trưng, béo ngậy và ngọt.
Cá nướng úp chậu
Cá nướng úp chậu chế biến cầu kỳ, thường chỉ được chuẩn bị trong những dịp lễ Tết đầu năm nhưng không vì thế mà mất đi tính đặc trưng của vùng đất Nam Định.
Những ngày đầu xuân, vào bất cứ gia đình nào tại Nam Định, bên cạnh những món ăn truyền thống, bạn sẽ được chủ nhà mời một món cá nướng độc đáo này. Cá có phần da cá vàng ươm, giòn dai như mực nướng, phần thịt chắc nịch, thơm phức.
Cá lựa con ngon, tươi rói đem úp trong một chiếc chậu chuyên dụng rồi được đốt rơm, om trấu trong khoảng 5 tiếng mới có thành phẩm. Cá hấp thụ nhiệt qua chậu nên không cháy, không chảy nước mà săn chắc tự nhiên rất thơm ngon.
Củ niễng xào rươi
Những ngày đầu đông khi nổi gió heo may, các hàng rau ở Nam Định bắt đầu thấy bày bán củ niễng. Đây là một loại cây mọc ngập trong nước hoặc ở những chỗ nhiều bùn, phần được gọi là củ trông hơi giống cây sả.
Nhẩn nha thưởng thức một miếng rươi quyện với những từng miếng niễng có vị ngọt mát, một chút nước với gia vị vừa chuẩn sẽ cảm nhận được hương vị lạ lùng của món ăn đặc trưng này: beo béo, ngon ngọt, mùi vỏ quýt hăng hắc, thì là, húng… mùi sực hương thơm tất cả cộng vào nâng món củ niễng xào rươi lên hàng yến tiệc.
Nộm rau câu
Nộm rau câu là món ăn phổ biến của người dân các huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ. Rau câu là một loại rong biển, món nộm rau câu được làm từ 20 nguyên liệu khác nhau như: rau câu, cà rốt, mùi tàu, kinh giới, tía tô, giá đỗ, thịt gà, vừng hoặc lạc rang sẵn,…
Nộm rau câu là một trong những món ăn đặc biệt của vùng biển Giao Thủy (Nam Định). Người dân nơi đây có cách chế biến, hòa trộn độc đáo tạo nên món ăn đặc sản của quê hương mình, nhất là vào dịp lễ tết, ai đã có cơ hội thưởng thức đều không thể nào quên được.
Mùi thơm, vị chua, cay, mặn, ngọt, giòn, tính khả dụng trong đời sống hàng ngày của rau câu cộng với cách biến tấu khéo léo của người nội trợ đã khiến món nộm rau câu trở thành đặc sản được yêu thích của người Nam Định.
Thịt bò thui chợ Viềng
Thưởng thức món thịt bò đặc sản, giờ đây cũng là một lý do để du khách lặn lội tìm đến chợ Viềng mỗi độ xuân về.
Thịt bò thui nguyên con bằng rơm rạ theo kiểu truyền thống, nên tươi ngon hơn mà phải để cả con xẻ ra, ai thích mua chỗ nào thì chỉ vào chỗ ấy, mua bán thế mới sướng. Những tiệm phở bò “mùi xuân” luôn rực lửa với món tủ của mình; những chiếc đầu bò, chân bò nguyên bộ chỉ riêng chợ Viềng mới nhiều đến vậy; nào là sách bò, nào là lòng bò, tim bò đều rủ nhau ra chợ…, người người mua thịt bò, nhà nhà mua thịt bò, đến cả những thanh niên hay những người đàn ông cả đời không biết đi chợ giờ cũng sờ nắn những miếng thịt bò tươi rói để mua. Chuyện đắt rẻ không còn là vấn đề quá lớn ở chợ Viềng. Chỉ với 130.000- 150.000 đồng là đã có cả 1 cân thịt bò mang về để chế biến thành những món đơn giản như thịt bò xào rau cần, lẩu bò…
Chè kho
Chè kho là món ăn có ở nhiều nơi, nhưng có lẽ không ở đâu là món ăn thông dụng và được yêu thích như ở thành phố Nam Định. Chè kho Nam Định không cầu kỳ như chè cung đình Huế, không đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu như chè miền Nam. Chỉ bằng những hạt đỗ xanh nhỏ, lòng vàng, tơi bở và lượng đường vừa đủ, qua bàn tay khéo léo của người nấu, ta đã có những đĩa chè ngon.
Vào các dịp lễ, Tết, trong góc chợ hay đầu phố thành Nam, các đĩa chè kho vàng rực, bên những đĩa xôi gấc đỏ thắm thu hút các bà, các cô đi chợ. Du khách cũng có thể tìm đến một hàng bán xôi chè nào đó để thưởng thức món quà quê dân dã mà thơm ngon này.
Giò lụa
Nếu bạn đã một lần thưởng thức giò lụa Nam Định, có lẽ khó có thể quên được vị ngọt đậm đà, mềm mà vẫn giòn thơm rất riêng. Người Nam Định rất cẩn thận trong việc chọn lựa, pha và luộc thịt. Giò được làm từ thịt lợn nguyên nạc ở mông hoặc thăn. Từng miếng giò thành phẩm khi thái ra có màu hồng, mặt giò có nhiều lỗ rỗ, tỏa mùi thơm, ăn ngọt, giòn, không bị bã. Đặc biệt, giò để lâu không thiu, có thể bảo quản ở môi trường bình thường khoảng một tuần mới hỏng.
Giò lụa Nam Định không chỉ là quà biếu ngày tết, dùng trong những dịp cỗ bàn quan trọng, đó còn là món ăn bình dị, góp mặt trong mâm cơm đãi khách của người dân quê.
Cá nấu ám
Phiên chợ ngày xuân chỉ có gánh rau cần ao là đắt khách nhất bởi sau tết nhiều người thèm rau xanh ăn cho mát ruột và còn vì vừa qua tiết một, chạp, cây rau cần mới thật mềm thật ngọt và thật thơm lại trắng nõn nà. Rau cần lúc này xào thịt bò, thịt trâu đều ngon nhưng có lẽ nấu ám cùng cá quả thì khó có gì sánh được. Nếu như rau cần được coi là ngon nhất vào tiết xuân thì giống cá quả vào thời điểm này cũng ngon không kém. Mâm cơm ngày xuân có món canh cá ám rau cần vừa dễ ăn, ngon miệng, bổ dưỡng hợp khẩu vị của nhiều người. Từ xa xưa, món canh cá nấu ám đã trở thành món đinh trong những bữa cỗ giỗ, chạp, việc làng ở nhiều huyện trong tỉnh như Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc…
Mắm cáy Hoành Nha
“Về xơi mắm cáy Hoành Nha / Hương thơm níu giữ người xa người gần”
Thôn Hoành Nha (xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) có nghề làm mắm cáy ngon nức tiếng. Thức nước chấm sậm màu phù sa, mặn mòi, hăng nồng ấy không dễ ăn nhưng đã mê rồi thì vắng bao nhiêu năm vẫn nhớ.
Mắm cáy là thức chấm cho nhiều món ăn nhưng đặc biệt ngon với rau lang luộc. Những ngọn rau khoai lang mập mạp, xanh mướt được luộc chín tới chấm với mắm cáy pha chút tỏi, chút ớt tươi thì không gì thú vị bằng. Cái thức chấm dân dã, tinh nguyên là một phần ký ức, ám ảnh người xa quê sau những ngày vui Tết ê hề nem chả, thịt thà.
Chuối ngự Chợ Rồng
Nhịp sống của người Thành Nam tươi rói, nhộn nhịp khi bước vào các phiên chợ mai. Toàn thành có 17 khu chợ, nhưng nhộn nhịp nhất phải kể đến chợ Rồng. Chợ Rồng xưa nổi tiếng bởi có lụa tơ tằm và chuối ngự. Nhà thơ Nguyễn Bính trong bài thơ viết tặng quê hương, hạ bút:
“Vườn Điện Biên hai con rồng phun nước
Cạnh Giàn Leo, máy Sợi, Vọng Cung
Cầu phao nổi bến Đò Quan gợn sóng
Chuối ngự thơm hương vàng rực chợ Rồng”.
Chuối ngự nay không bày bán ở chợ Rồng mà toả ra chợ Lý Thường Kiệt và các nơi lân cận, nhưng dù ở đâu người ta vẫn quen gọi là chuối ngự chợ Rồng.
Kẹo sìu châu
Đặc sản Nam Định trong trí nhớ của nhiều người có khi lại là vị ngọt ngào, giòn tan, bùi ngậy của những viên kẹo lạc sìu châu. Chỉ từ những hạt lạc, hạt vừng, qua bàn tay khéo léo của người dân xứ thành Nam đã tạo nên thứ quà quê đậm đà mà tinh khiết.
Kẹo Sìu châu gần giống với kẹo lạc, nguyên liệu làm kẹo Sìu châu cũng tương tự gồm lạc, vừng, đường, mạch nha nhưng đặc sản Nam Định thường dùng nhiều lạc ít nha nên thơm và ngon hơn.
Kẹo sìu châu được ưa chuộng đặc biệt mỗi dịp Tết đến xuân về. Ăn miếng kẹo Sìu châu giòn tan, thơm bùi và ngọt thanh mà không dính răng. Thưởng thức kẹo cùng một chén trà nóng trong không khí se lạnh và lất phất mưa xuân thì ngon không gì bằng.
Kẹo dồi
Kẹo dồi có xuất xứ từ tỉnh Nam Định, ban đầu chỉ được bán trong các chợ ở một số làng quê trong tỉnh. Dần dần, nó đã trở thành một món quà quê, một đặc sản của vùng, tiến đến thành phố và tỏa đi nhiều nơi.Sở dĩ kẹo có cái tên thú vị như vậy bởi nó mang hình dạng giống như món dồi rất được ưa chuộng tại khu vực miền Bắc – Việt Nam.
Kẹo có lớp vỏ màu trắng đục, giòn tan, bao tròn lấy nhân lạc rang bùi thơm, ăn không bị quá ngọt hay ngấy. Cùng với kẹo lạc, kẹo dồi là thứ quà nhâm nhi với nước chè xanh được nhiều người ưa chuộng.
Bánh rang Cát Thành
Bánh rang là loại bánh đặc biệt, mang hương vị riêng của mảnh đất Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Bánh rang là loại bánh dễ ăn, mang nét đặc trưng của hương vị quê hương nên rất được ưa chuộng. Ai về Nam Định tiện đường đều ghé qua Cát Thành mua bánh, vừa để ăn vừa để làm quà cho người thân, bạn bè”.
Theo ông Đồng Văn Nhân, một người làm bánh ở thị trấn Cát Thành, bánh rang xưa kia chỉ có nhà giàu mới có điều kiện để làm hoặc mua bánh rang để thưởng thức. Bánh thường được dùng nhiều vào dịp Tết, ăn cùng với bánh chưng hoặc dịp lễ hội đầu năm.
Sau hàng trăm năm, đến nay, người dân nơi đây vẫn gìn giữ nghề làm bánh rang truyền thống mang đặc trưng của miền Bắc.
Bánh nhãn Hải Hậu
Bánh nhãn không phải được làm từ long nhãn hay có hương thơm của nhãn mà chỉ đơn giản vì nó tròn và có màu giống quả nhãn. Bánh được làm từ một trong những sản phẩm nông sản của vùng đất nông nghiệp giàu có – loại gạo nếp hương hay nếp cái hoa vàng Hải Hậu từng nổi tiếng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Nguyên liệu làm bánh cũng như các khâu chế biến đều được chọn lựa, thực hiện kĩ càng công phu. Gạo nếp, trứng gà, đường kính, mỡ lợn đều phải lựa loại ngon để bánh rán xong tròn trịa, màu giống quả nhãn và đều nhau nhìn bề ngoài có độ bóng. Khi ăn có độ giòn và có vị mát.
Ai đã từng thưởng thức bánh nhãn hẳn không quên hương vị thơm giòn, béo ngậy của bánh. Ngày nay bánh nhãn có mặt khắp nơi trong tỉnh Nam Định, góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của địa phương.
Bánh xíu páo
Bánh xíu páo (xíu báo) là một trong những thức quà ngon, dân dã của người Hoa trước đây sống trên phố Khách (nay là phố Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong) thuộc tỉnh Nam Định.
Bánh xíu páo có vỏ bóc được ra thành từng lớp như vỏ bánh pía, nhưng nhân bánh là nhân mặn gồm thịt xá xíu, mộc nhĩ, mỡ lợn, trứng gà….Chiếc bánh xíu páo chiên vàng ruộm từ lâu đã là món ăn vặt quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh nơi đây.
Giờ tan trường, cầm trên tay chiếc bánh nóng hổi, cắn vào lớp vỏ nghe rồm rộp, cảm nhận vị ngậy béo, thơm ngọt của thịt, của trứng, của gia vị quế hồi thơm nức ứa ra từ nhân bánh, nghe nôn nao bồi hồi khó tả.
Bánh gai
Nam Định là mảnh đất sinh ra những chiếc bánh gai thơm ngon, dẻo ngọt và nó là thứ đặc sản tiêu biểu của đất Thành Nam này. Bánh gai Nam Định nổi tiếng nhất là Bánh gai Bà Thi. Đây là món bánh gai truyền thống giữ được hương vị nguyên bản của lá gai và gạo nếp. Cùng với nhân bánh là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu như đỗ xanh bỏ vỏ, thịt mỡ, lạc, sen, dừa… mỗi loại một chút nhưng những nguyên liệu đó đủ để hòa quyện vào nhau và tôn lên một mùi vị khác biệt, thơm ngậy và ngọt bùi.
Bánh cuốn làng Kênh
Người làng Kênh vẫn truyền cho con cháu kinh nghiệm tráng bánh ngon: Gạo làm bánh là loại dẻo, bột không được ngâm quá lâu vì bánh sẽ chua, nhão, khi tráng thoa một lớp bột mỏng nhưng đều. Muốn bánh có độ dai, mỏng và giòn, để lâu bánh không bị cứng thì khi pha bột bánh thêm một lượng nhỏ bột dong. Trước đây khi tráng bánh người ta thường xếp bánh trên lá sen hoặc là chuối trông rất ngon mắt và chỉ chấm không với nước mắm. Ngày nay, khi ăn người ta thường cho thêm vài lát chả quế thơm vào cho đậm vị. Món ăn qua bao đời vẫn được người làng Kênh gìn giữ để hương vị không đổi theo thời gian, chiều lòng được cả những vị khách khó tính nhất.