1. Bến Ninh Kiều và cầu đi bộ
“Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu”, hay “Cần Thơ có bến Ninh Kiều/Có dòng sông đẹp có nhiều gia nhân” khi cất lên câu hát, câu thơ này thì đa phần ai cũng biết bến Ninh Kiều ở TP Cần Thơ.
Bến Ninh Kiều. Ảnh: Công thông tin Du lịch Cần Thơ
Bến Ninh Kiều có vị trí đắc địa, nằm tại ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ. Hầu như du khách đến Cần Thơ ai cũng phải “check-in” địa điểm nổi tiếng này. Vì vậy, ngày thường và kể cả những dịp lễ và Tết, bến Ninh Kiều luôn tấp nập người.
Cầu đi bộ ở Cần Thơ. Ảnh: Ca Linh
Tại đây có khu công viên với nhiều cây xanh và tượng đài Bác Hồ. Vì là nơi sông nước hữu tình nên vào buổi sáng, rất nhiều người dân đến đây tập thể dục và ngắm bình minh. Ngoài ra, nếu muốn đi tham quan chợ nổi Cái Răng và vườn trái cây thì du khách đến đây thuê thuyền.
Ban đêm, du khách cũng có thể đến đây tham quan và lên du thuyền ăn uống, nghe đờn ca tài tử và ngắm sông Hậu về đêm. Cạnh đó, cũng có thể đi dạo trên cầu đi bộ hoặc lên skybar trên cao nhìn xuống ngắm toàn bộ bến Ninh Kiều về đêm. Nếu bạn có “tâm hồn ăn uống” thì dừng chân ở các điểm bán đồ ăn và khu chợ đêm gần đó.
2. Chợ nổi Cái Răng:
Hầu hết du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, rất thích thú khi tham quan chợ nổi Cái Răng. Đây được xem là địa điểm du lịch nổi tiếng nhất và là “báu vật” của vùng đất Tây Đô. Tạp chí Du lịch Rough Guide của Anh từng bình chọn chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới. Năm 2016, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã công nhận văn hóa chợ nổi Cái Răng là di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Ca Linh
Từ bến Ninh Kiều, du khách lên thuyền và khởi hành khoảng 15 phút dọc theo sông Cần Thơ là đến với chợ nổi. Chợ nổi Cái Răng tấp nập nhất vào lúc sáng sớm, khoảng từ 5 giờ. Tại đây có nhiều ghe, xuồng của thương hồ buôn bán nông sản, đồ thủ công và nhu yếu phẩm. Các ghe nhỏ thường tới thuyền chở khách để mời mua bán đồ ăn sáng (bún riêu, hủ tiếu…) và nước giải khát. Nếu muốn trải nghiệm, du khách có thể lên ghe của thương hồ để thưởng thức trái cây tươi ngon.
3. Nhà cổ Bình Thủy:
Nhà cổ Bình Thủy cách bến Ninh Kiều khoảng 10 km, tọa lạc tại số 144 đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy. Ngôi nhà được ông Dương Văn Vị xây dựng lần đầu tiên bằng gỗ, lợp ngói vào năm 1870 để thờ tổ tiên, sau thời gian sử dụng trên 30 năm ông đã cho thiết kế xây dựng lại.
Du khách tham quan nhà cổ Bình Thủy. Ảnh: Ca Linh
Năm 1904, sau khi ông mất, con trai út là Dương Chấn Kỷ đã tiếp tục công việc này đến khoảng năm 1911 mới hoàn thiện. Công trình có hình khối kiến trúc độc đáo vừa mang nét cổ kính, trang nghiêm, vừa thể hiện tính phóng khoáng, trang nhã.
Đây là ngôi nhà duy nhất trong 3 ngôi nhà cổ nổi tiếng nhất ĐBSCL bên cạnh nhà cổ Công tử Bạc Liêu (Bạc Liêu) và nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Đồng Tháp) còn thuộc sở hữu tư nhân.
Vào năm 2009, nhà cổ Bình Thủy đã được bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
4. Các điểm tham quan lịch sử – văn hoá:
Chùa Ông: Ngôi chùa nằm cạnh bến Ninh Kiều, mang đậm kiến trúc Trung Hoa lâu đời. Chùa Ông được xây dựng vào năm 1894 trên một mảnh đất có diện tích 532 m2, hoàn công năm 1896. Chùa nằm ở khu dân cư đông đúc, là địa điểm tín ngưỡng của người Hoa lúc bấy giờ. Đến năm 1993, chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Chùa Phật Học: Tọa lạc tại số 11, đại lộ Hòa Bình, phường Tân An, quận Ninh Kiều và cách bến Ninh Kiều khoảng 500 m. Chùa Phật Học Cần Thơ sở hữu kiến trúc bề thế, trang nghiêm theo phong cách Phật giáo hệ Bắc Tông với tòa tháp 5 tầng. Khuôn viên trong chùa mát mẻ do được phủ nhiều cây xanh.
Dù tọa lạc giữa đô thị đông đúc nhưng chùa vẫn giữ được không gian thanh tịnh. Đây cũng là địa điểm quen thuộc của các đoàn phật tử và là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.
Một góc Thiền Viện Trúc Lâm phương Nam
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam: Tọa lạc tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, đây là thiền viện có diện tích và quy mô lớn nhất ĐBSCL. Mang kiến trúc độc đáo, cửa vào mái vòm, đầu rồng tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách. Vì là ngôi chùa thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử nên hầu hết các hạng mục đều mang đậm lối phong cách kiến trúc thuần Việt thời Lý – Trần.
Chính điều này mà khi bất kỳ ai nhìn vào cũng đều phân biệt được với phong cách kiến trúc của những ngôi chùa Khmer Nam Tông hoặc Bắc Tông tại ĐBSCL.
5. Các địa điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng:
Du lịch cộng đồng Cồn Sơn: Cồn Sơn là một cù lao nằm giữa sông Hậu, thuộc quận Bình Thủy. Du khách khi đến với Cồn Sơn sẽ được dạo mát quanh các vườn trái cây theo mùa như: chôm chôm, nhãn, dâu xanh, cam xoàn, bưởi Năm Roi, măng cụt,…với giá vé trung bình từ 15.000-30.000 đồng/khách/vườn.
Xem cá lóc bay ở cồn Sơn. Ảnh: Ca Linh
Ngoài ra, du khách có thể tham quan mô hình cá lóc bay, tìm hiểu mô hình nuôi cá bè, trải nghiệm khi tự tay làm ra các chiếc bánh dân gian Nam Bộ; tát mương bắt cá hay đắm chìm trong giai điệu nồng ấm chân quê với đờn ca tài tử.
Sau những buổi tham quan, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn mang hương vị miền Tây với gà thả vườn, cá các loại, các món lẩu như lẩu mắm, lẩu mắm, lẩu cua đồng…
Đua heo trong Làng du lịch Mỹ Khánh
Làng du lịch Mỹ Khánh: ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Tại đây, có các chương trình phục vụ du khách như: đua heo, cá bú bình, đua chó, thử thách 18 tầng địa ngục… Ngoài ra, khách đến đây sẽ rất thích thú khi chiêm ngưỡng và “check-in” vườn hoa với hơn 30 loại, tham quan nhà cổ Nam Bộ và thưởng thức nhiều món ăn đậm chất miền Tây như: bánh xèo, bánh khọt, cá lóc nướng…
Bạn trẻ thích thú khi chèo xuồng trong khu du lịch Ông Đề. Ảnh: Ca Linh
Khu du lịch Ông Đề: Nằm gần Làng du lịch Mỹ Khánh, khu du lịch Ông Đề rất thích hợp cho du khách đi theo nhóm đông hoặc gia đình nhiều người. Ở đây thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian như: đạp xe đạp qua cầu ván, đi cầu khỉ, đi thăng bằng qua cầu dây, cầu thăng bằng…
Vú sữa trong một vườn trái cây ở Phong Điền. Ảnh: Ca Linh
Các vườn trái cây ở huyện Phong Điền như Chín Hồng, Rạch Kè… ngoài phục vụ nhiều loại trái cây ngon, đặc sản như: chôm chôm, nhãn, vú sữa… còn có nhiều món ăn ngon đậm chất miền Tây theo yêu cầu thực khách.