TPO – Hầu đồng là một tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời. Trong một vài năm trở lại đây, tín ngưỡng này nở rộ, tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về tín ngưỡng hầu đồng nên có thể lạm dụng hoặc xem đây là trò “mê tín”.
Hầu đồng là gì?
Theo Ban tôn giáo Chính phủ, lên đồng là nghi lễ chính và rất quan trọng trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ. Đó là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ phủ (Tứ phủ gồm 3 phủ trong Tam phủ: Thiên, Địa, Thoải và có thêm phủ Thượng Ngàn gọi là Nhạc Phủ) vào thân xác các ông Đồng, bà Đồng. Đây là sự tái hiện hình ảnh các vị Thánh nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo mẫu. Nghi lễ này thường mang những đặc điểm và sắc thái khác nhau như đền Nguyệt Hồ, đền Suối Mỡ (Bắc Giang)… Đặc điểm riêng ấy được thể hiện ở việc thờ các vị thánh trong đền.
Trong mỗi giá đồng, các vị Thánh khác nhau sẽ nhập vào ông đồng hay bà đồng (gọi là giáng đồng) để làm việc quan, thể hiện ở chỗ các ông đồng, bà đồng làm nghi lễ nhảy, múa, ban lộc, phán truyền trong tiếng hát văn và nhạc cung văn. Mỗi vị thánh nhập được gọi là một giá đồng. Trong nghi lễ hầu bóng thường có rất nhiều giá đồng. Người ta tính có thể tới 36 giá. Nhưng trong nghi lễ nhập đồng tuỳ theo có thể nhiều hoặc ít giá đồng, ít khi tới 36 giá.
Lễ vật hầu đồng
Lễ vật gồm có chén đũa bạc, đĩa và cốc pha lê. Chính giữa là một cái gương trên phủ một chiếc khăn thêu. Hai bên bục và trước kỷ bày bốn mâm lễ Tứ Phủ mỗi mâm có chín quả trứng, một cái lược, một cái quạt, một đôi guốc, chín vuông vải màu phủ lên trên. Màu phải là màu chính của Tứ Phủ (xanh, đỏ, trắng và vàng). Bên cạnh mâm lễ có một cái chung nhỏ, một cái thau nhỏ. Cứ mỗi lễ phải thay một hình nhân (nộm) và bốn lốt. Bên cạnh mâm lễ Tứ phủ là mâm lễ sơn trang, mà bất cứ thứ lễ gì cũng phải chia ra làm 13 phần. Một phần lớn bày ở giữa còn 12 phần nhỏ bày xung quanh. Cạnh đó là một mâm hài sơn trang (hoặc giống) màu. Mũi hài có thêu hình chim phượng. Một trăm vàng thoi (giấy vàng xếp thành thoi).
Lễ mặn sơn trang gồm: có ốc, tôm, cá khô, cua (13 hoặc 15 con), mực, nếp cẩm, dừa tươi…
Lễ sơn trang về đồ chay thường có: 1 mâm hoa quả gồm khế chua, sung chát, gừng cay, chanh ớt, dứa…ở dưới bệ. Thường thì tán lộc sơn trang ở giá chầu bé hoặc cô bé hoặc bất kì giá chầu hoặc cô miền thượng.
Trước bàn thờ bầy đủ các loại mã và một chiếc thuyền rồng hình cánh phượng có 12 hình nhân chèo thuyền, một đôi ngựa và một đôi voi có đủ yên cương và hàm thiếc. Những đồ dùng mã người ta sẽ hóa (đốt) sau khi lễ xong.
Ngày nay lễ vật có thay đổi đôi chút tùy nơi, tuy nhiên vẫn phải giữ căn bản tối thiểu tùy đồng tiền dâng cúng.
Trình tự một buổi hầu đồng
Bắt đầu buổi hầu đồng, người ta đặt các lễ vật lên hương án. Người hầu đồng để các dụng cụ lên chiếu đồng, bước lên chiếu đồng, lấy hoa xoa lên mặt, quần áo rồi vẩy xung quanh để tẩy uế. Cung văn lên giây đàn, dạo nhạc, hát văn cộng đồng.
Ba động tác tiên khởi mà người hầu đồng phải làm là: Chấp tay chờ cho phụ đồng phủ khăn diên lên đầu trùm cả tay xong thì đưa tay lên trán rồi bước chân trái lên một bước, chân phải chụm lên với chân trái, lặp lại thêm hai lần mới quỳ xuống. Người hầu đồng làm lễ vái dập người, hai tay chống xuống chiếu, mặt úp sát, vái ba lễ. Sau đó đứng dậy đi dật lùi ba bước về vị trí cũ. Giá đệ nhất được bắt đầu.
Cũng như giá đầu, khi sang một giá khác, người hầu đồng sau khi thay đổi trang phục và lễ cụ sẽ bước lên chiếu đồng, cung văn chuẩn bị tấu nhạc. Người hầu đồng, chit xoa khăn vái, ngồi xếp bằng. Người phụ đồng kính cẩn đưa một chiếc khăn phủ diện mầu đỏ. Hầu đồng cầm khăn, vái mấy vái rồi phủ lên đầu, hai tay cầm hai mép khăn phủ ở đầu gối. Một lúc sau đầu hầu đồng lắc lư, đảo đảo rồi bất ngờ hét lên một tiếng, chỉ ngón trỏ trái lên trời. Đó là dấu hiệu giá quan lớn đệ nhất nhập đồng.
Trình tự của một giá đồng
1. Thay Lễ phục
2. Dâng hương hành lễ
3. Lễ thánh giáng
4. Múa đồng
5. Ban Lộc và nghe Văn chầu
6. Thánh thăng
Hiện, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch đã công nhận hầu đồng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định chuẩn bị hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh các giá trị xã hội và văn hoá, một số người lợi dụng nghi lễ hầu đồng vì lợi ích cá nhân. Hầu đồng là để yên căn, yên số, yên bản mệnh, xin sự an lành của chính mình chứ không phải là nơi xin “lộc, lá”.
Theo Tổng hợp