Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại và một số vấn đề đang đặt ra

PGS.TS. TRẦN THỊ MINH THI

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Tóm tắt: Dựa trên một số kết quả của đề tài “Các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì thực hiện năm 2017-2018 và số liệu thống kê về hôn nhân, gia đình từ các cuộc Tổng Điều tra Dân số, Nhà ở của Tổng cục Thống kê, bài viết phân tích một số giá trị nổi bật của gia đình Việt Nam hiện nay và đưa ra khuyến nghị về các giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong bối cảnh mới. Kết quả nghiên cứu về giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cho thấy rõ nét các biểu hiện phong phú của giá trị gia đình truyền thống và giá trị gia đình hiện đại, sự bền vững của văn hóa trong hiện đại hóa, sự chuyển đổi từ giá trị hiện đại sang hậu hiện đại, khác biệt giới, và sự ảnh hưởng của quá trình thể chế hóa hệ thống pháp luật và chính sách đến việc hình thành các giá trị và quan niệm mới của các gia đình. Bốn giá trị gia đình quan trọng bài viết đề xuất cần quan tâm trong giai đoạn tới đó là an toàn, thịnh vượng, bình đẳng, trách nhiệm.

Từ khóa: Gia đình; Giá trị gia đình; Truyền thống và hiện đại; Giá trị và quan niệm mới.

 

1. Đặt vấn đề

Gia đình là một thiết chế xã hội độc lập, có mối quan hệ tương tác với các thiết chế xã hội khác và có tác động to lớn đến sự phát triển xã hội nói chung. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, triển khai, thụ hưởng các chính sách chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa; là thiết chế quan trọng đảm bảo quy mô và chất lượng dân số thông qua chức năng sinh đẻ, giáo dục, và đầu tư phát triển nguồn lực con người. Gia đình là nơi giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, vun đắp, xây dựng gia đình là điều kiện quan trọng để phát triển bền vững.

Trong vài thập niên qua, hôn nhân và gia đình Việt Nam trải qua những biến chuyển quan trọng, từ kiểu mẫu truyền thống sang kiểu gia đình với những đặc điểm mới, hiện đại và tự do hơn, nhất là từ sau Đổi mới. Các quá trình kinh tế xã hội đi cùng với những chính sách kinh tế, văn hóa xã hội của Việt Nam đang tác động lớn đến quan điểm, lối sống và hành vi ứng xử của cá nhân trong xã hội, trong đó có giá trị gia đình của người dân Việt Nam. Một mặt, những thay đổi về kinh tế, xã hội tác động trực tiếp đến gia đình, đặt ra nhu cầu gia đình cần có những hỗ trợ và bảo vệ tốt hơn. Mặt khác, những biến đổi của gia đình có những tác động quan trọng đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa.

Bài viết này phân tích một số giá trị nổi bật của gia đình Việt Nam hiện nay dựa trên một số kết quả của đề tài “Các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam” do tác giả là chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì thực hiện năm 2017-2018, với mẫu khảo sát 1759 cá nhân, tuổi từ 16-70, được chọn theo đại diện các vùng, giới tính, nông thôn/đô thị, dân tộc, tôn giáo, mức sống, tình trạng hôn nhân và tuổi, khảo sát bằng phương pháp hỏi trực tiếp giữa điều tra viên và người trả lời ở tất cả các địa bàn khảo sát của 6 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng miền trên cả nước gồm Yên Bái, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh và Cà Mau. Đồng thời, các số liệu thống kê về hôn nhân, gia đình từ các cuộc Tổng Điều tra Dân số, Nhà ở của Tổng cục Thống kê được phân tích nhằm làm rõ hơn các chiều cạnh giá trị gia đình Việt Nam đương đại.

2. Khái niệm và tiếp cận lý thuyết

Giá trị là điều mong muốn (Kluckhohn, 1951), niềm tin bền vững về một phương thức hành động hay thực tại, có khả năng thống nhất những lợi ích đa dạng khác nhau của hành vi con người, là nhu cầu (Rokeach, 1973), là niềm tin, mong ước, có tính phổ biến, chuẩn mực, có trật tự ưu tiên, và định hướng hành động (Schwartz, 2012). Giá trị có tính đặc trưng phức tạp, có thể thống nhất và mâu thuẫn theo các xã hội và nền văn hóa, mang tính đa dạng văn hóa, (Schwartz, 1992, 1996; Inglehart, 1997, 2000; Inglehart và Baker, 2000; Rokeach,1973). Có nhiều hệ thống giá trị khác nhau, từ vĩ mô, bao gồm các giá trị phổ quát, giá trị quốc gia, dân tộc, giá trị văn hóa, giá trị đạo đức; đến vi mô, bao gồm giá trị cá nhân, giá trị con người. Các nghiên cứu trên thế giới gần đây phân chia các giá trị thành hai cặp giá trị cơ bản: (1) giá trị truyền thống và giá trị thế tục-lý trí và (2) giá trị sinh tồn và giá trị phát triển cá nhân (Inglehart và Baker, 2000). Mỗi quốc gia thường nêu bật một số giá trị cốt lõi dựa trên đặc điểm văn hóa xã hội riêng. Giá trị được hình thành, thay đổi theo bối cảnh lịch sử xã hội nhưng cũng có độ trễ nhất định so với lịch sử, vì thế, giá trị mang tính bền vững tương đối.

Bài viết này sử dụng nội hàm giá trị như trên để định nghĩa khái niệm giá trị gia đình. Theo đó, giá trị gia đình là niềm tin, quan điểm, chuẩn mực, điều đáng mong muốn hay không mong muốn, một hệ thống trật tự các ưu tiên định hướng cho suy nghĩ và hành động của con người về các lĩnh vực đời sống hôn nhân, gia đình dưới ảnh hưởng của bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Giá trị gia đình được nhìn nhận theo các loại hình sau:

Một là các giá trị gia đình truyền thống, được phân loại theo quan điểm của các nhà phi nữ quyền học, muốn thúc đẩy giá trị vị gia đình (Beck và Beck-Gernsheim, 2002). Gia đình truyền thống đề cập đến một hình thức gia đình chiếm ưu thế trong giai đoạn tiền xã hội chủ nghĩa trước những năm 1950, coi gia đình là một tổ chức có cùng số phận và bắt buộc các thành viên trong gia đình tham gia vào các hoạt động vì lợi ích chung của gia đình. Chủ nghĩa gia đình đặt ưu tiên hạnh phúc và sự thịnh vượng của gia đình trên tự do cá nhân và quyền tự trị. Những biểu hiện tiêu biểu của giá trị gia đình truyền thống bao gồm những quan điểm về đề cao giá trị hôn nhân, ý nghĩa quan trọng của gia đình, của con cái, vai trò lao động giới truyền thống, hiếu thảo với cha mẹ, v.v. Giá trị truyền thống của gia đình, cùng với các giá trị văn hóa truyền thống, tồn tại đồng thời trong hiện đại hóa.

Hai là các giá trị gia đình được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật và chính sách. Điều này được xem xét trong bối cảnh có những thay đổi đương đại trong luật pháp hôn nhân, gia đình và những khả năng những thay đổi đó giải thích cho việc thay đổi các giá trị gia đình truyền thống (Beck và Beck-Gernsheim, 2002). Ví dụ, Luật Hôn nhân và gia đình 1959 chính thức xóa bỏ hôn nhân sắp đặt, chế độ đa thê và hình thành giá trị hôn nhân mới, là hôn nhân dựa trên tình yêu và hôn nhân một vợ một chồng.

Ba là các giá trị phản ánh những thay đổi gần đây về gia đình trong hệ tư tưởng chính trị như một cách thức thể hiện mối quan hệ giữa các cá nhân, quốc gia và dân tộc trong bối cảnh hiện nay (Beck và Beck-Gernsheim, 2002) (giá trị cộng đồng). Theo đó, mối quan hệ của gia đình với cộng đồng, với quốc gia, dân tộc về tình yêu quê hương, đất nước được phân tích qua các giá trị cụ thể của mối quan hệ này như mức độ sẵn sàng hi sinh lợi ích gia đình cho lợi ích chung.

Bốn là các giá trị phản ảnh sự chuyển đổi từ hiện đại sang hậu hiện đại (Beck và Beck-Gernsheim, 2002). Trong quá trình hiện đại hóa và hội nhập, một số giá trị mới của gia đình được hình thành. Chẳng hạn, do sự tham gia rộng rãi của phụ nữ vào thị trường lao động và việc làm, các giá trị gia đình truyền thống bị thách thức và cần có một cách tân và tái cấu trúc thể chế để cân bằng giữa công việc và việc nhà. Công việc chăm sóc hiện nay chủ yếu do gia đình thực hiện nên những cải cách về thể chế cần bao gồm hai khía cạnh. Một là coi việc nhà và việc chăm sóc là công việc có lương. Hai là tiêu chuẩn hóa những công việc vốn được cho là không tiêu chuẩn này, để cho phép nhận được những quyền lợi của người lao động như bảo hiểm hay lương hưu, v.v. Một số hiện tượng hôn nhân gia đình vốn không được chấp nhận trong truyền thống, nhưng đã dần được chấp nhận về mặt xã hội, như làm mẹ đơn thân, hôn nhân đồng tính, chung sống không kết hôn, gia đình độc thân, v.v.

Giá trị gia đình Việt Nam được xem xét trên các lĩnh vực giá trị của hôn nhân và gia đình (ý nghĩa của hôn nhân, thứ tự ưu tiên hôn nhân, gia đình trong cuộc sống; mức phổ biến của hôn nhân; sự sẵn sàng kết hôn); giá trị kinh tế của gia đình (việc làm, sự giàu có, tài sản, v.v.); giá trị con cái (số con, giới tính của con, ý nghĩa của việc có con, đạo hiếu, v.v.); giá trị đạo đức, tâm lý, tình cảm (giá trị tình yêu, trinh tiết, sự chung thủy; sự quan tâm, tôn trọng, trách nhiệm và cam kết); giá trị của các mối quan hệ vợ chồng, người cao tuổi và con cháu, đặt trong bối cảnh của những thay đổi về chính sách, văn hóa và hội nhập quốc tế.

3. Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam từ kết quả nghiên cứu

Hôn nhân, gia đình có ý nghĩa quan trọng

Bất chấp những cảnh báo gần đây về nguy cơ giải thể, tan rã của hôn nhân, hôn nhân vẫn là một giá trị quan trọng ở Việt Nam hiện nay. Phần lớn những người được hỏi vẫn khẳng định tầm quan trọng của hôn nhân, theo đó, thanh niên đến tuổi trưởng thành nhất thiết cần lập gia đình. Tỷ lệ người đồng ý với việc sống độc thân thấp hơn nhiều so với số người không đồng ý (Bảng 1). Gia đình tiếp tục là ưu tiên hàng đầu.

Bảng 1. Mức độ đồng ý với một số nhận định về ý nghĩa của hôn nhân (%)

 (N=1759)

 

 

Hoàn toàn không đồng ý

Không đồng ý

Nửa đồng ý nửa không

Đồng ý

Rất đồng ý

Thanh niên đến tuổi trưởng thành nhất thiết cần lập gia đình

4,1

25,1

24,6

35,4

10,8

Tôi muốn kết hôn và có gia đình trong tương lai

7,0

6,8

5,7

42,4

38,1

Tôi thích độc thân và không có ý định kết hôn

20,9

48,5

17,3

10,3

3,0

Nguồn: Trần Thị Minh Thi, 2021a.

 

Thực tế số liệu Tổng Điều tra Dân số nhà ở 2019 khẳng định thêm giá trị của hôn nhân, gia đình của người dân Việt Nam. Tuổi kết hôn lần đầu của dân số Việt Nam khá trẻ (25,2 tuổi), trong đó, dân số nông thôn kết hôn sớm hơn đô thị, nữ kết hôn sớm hơn nam (Bảng 2). Điều đáng lưu ý là, tuổi kết hôn lần đầu đang có xu hướng tăng lên trong bốn thập niên qua, cho thấy chủ nghĩa cá nhân tăng lên. Vì kết hôn là một trong những sự kiện quan trọng hình thành gia đình nên việc cần quan tâm đến đặc điểm này trong việc giữ gìn sự bền vững của thiết chế gia đình.

Bảng 2. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của Việt Nam, 1989-2019

 

1989

1999

2009

2019

Chung

23,8

24,1

24,5

25,2

Nông thôn

 

 

 

24,5

Đô thị

 

 

 

26,4

Nam

24,4

25,4

26,2

27,2

Nữ

23,2

22,8

22,8

23,1

Nguồn: 1) Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019; 2) Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009: Cấu tuổi tuổi – giới tính và tình trạng hôn nhân của dân số Việt Nam (Tổng cục Thống kê, 2011).

 

Khi bắt đầu kết hôn, thông thường các cá nhân sẽ không tính đến việc ly hôn. Thực tế, ly hôn có xu hướng giảm nhẹ trong một vài thập niên gần đây ở phương Tây, trong khi ly hôn ở Việt Nam vẫn tăng lên, tương tự các quốc gia châu Á, do ở những giai đoạn khác nhau của hiện đại hoá và văn hoá. Ly hôn ở Việt Nam cho thấy xu hướng đang tăng lên cả về số lượng và tỷ lệ. Năm 2000, tỷ lệ ly hôn thô là 0,66 và tăng lên 2,22 vào năm 2017. Tỷ lệ ly hôn chung đã tăng từ 0,97 năm 2000 lên 2,69 vào năm 2017 (Bảng 3). Thực tế này đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm về hệ quả kinh tế, văn hoá, xã hội của ly hôn, cũng như các loại hình gia đình mới hậu ly hôn.

Bảng 3. Mức độ ly hôn ở Việt Nam giai đoạn 2000-2017

Năm

Số cuộc ly hôn*

Dân số**

Tỷ lệ ly hôn thô

Dân số 15+***

Tỷ lệ ly hôn chung

2000

51.361

77.630.900

0,66

53.148.971

0,97

2001

54.226

78.685.000

0,69

53.872.252

1,01

2002

56.487

79.727.000

0,71

55.405.348

1,02

2003

58.708

80.902.000

0,73

56.935.391

1,03

2004

65.336

82.031.000

0,80

58.613.453

1,11

2005

65.929

82.393.500

0,80

60.065.667

1,10

2006

67.058

83.313.000

0,80

61.279.802

1,09

2007

69.646

84.221.100

0,83

62.618.033

1,11

2008

76.490

85.122.300

0,90

63.702.050

1,20

2009

90.092

86.025.000

1,05

64.948.875

1,39

2010

97.627

86.932.500

1,12

65.311.641

1,49

2011

110.677

87.860.400

1,26

66.542.699

1,66

2012

127.130

88.809.300

1,43

67.389.982

1,89

2013

137.842

89.759.300

1,54

67.790.723

2,03

2014

150.600

90.728.900

1,66

68.819.816

2,19

2015

166.179

91.709.800

1,81

69.521.305

2,39

2016

189.605

92.692.200

2,05

70.425.919

2,69

2017

208.419

93.671.600

2,22

71.282.961

2,92

Nguồn: Trần Thị Minh Thi, 2021b.

 

Chọn lựa bạn đời ưu tiên các tiêu chuẩn mang tính cá nhân

Các tiêu chuẩn mang tính cá nhân như tình yêu, vốn nhân lực (học vấn, sức khỏe, nghề nghiệp), phẩm chất cá nhân (tính cách, ngoại hình) được cho là quan trọng hơn các tiêu chuẩn về điều kiện kinh tế. Những giá trị mang tính tập thể như gia đình môn đăng hộ đối, nội hôn (cùng địa phương/dân tộc) không còn được coi trọng như trước. Điều này nói lên rằng những giá trị về tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời đã có sự chuyển đổi rõ nét từ giá trị truyền thống sang các giá trị hiện đại (Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1. Tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời hiện nay (N=1759)1

Nguồn: Trần Thị Minh Thi, 2021a.

 

Mức độ chấp nhận cởi mở dần với một số hiện tượng hôn nhân gia đình mới

Có khoảng một nửa (49,6%) người trả lời chấp nhận hiện tượng làm mẹ đơn thân, thể hiện sự biến đổi trong nhận thức và sự nhân văn trong bảo vệ quyền của phụ nữ. Các gia đình chấp nhận thấp với hiện tượng sống độc thân (38,5%) nhưng mức chấp nhận tăng dần ở nhóm mang đặc điểm hiện đại và phụ nữ. Gia đình Việt Nam cũng có mức chấp nhận thấp, rất dè dặt với kết hôn đồng giới (27,7%), và thấp hơn ở nhóm nam giới, cao tuổi, học vấn thấp, dân tộc thiểu số. Chung sống không kết hôn được nhìn nhận cởi mở hơn với 67,5% đồng ý. Các hình thức hôn nhân, gia đình này thường rất hiếm hoặc không có trong truyền thống nhưng lại khá phổ biến trong các xã hội đang chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ở Việt Nam, một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân tộc Kinh, trẻ tuổi, học vấn cao, ở thành thị có sự chấp nhận những kiểu loại gia đình mới cao hơn.

Bảo lưu các giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị hiện đại tiến bộ

Các giá trị quan trọng trong đời sống hôn nhân, gia đình được chọn lựa và xếp trật tự ưu tiên bao gồm chung thủy, yêu thương nhau, bình đẳng, trách nhiệm, chia sẻ, hòa hợp tình dục, có thu nhập, và sống riêng. Chung thủy là điều được mong đợi nhất, đặc biệt là ở nhóm nam giới, dân tộc thiểu số. Gia đình Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của tình yêu thương trong gia đình, nhưng có khác biệt với các nhóm xã hội. Dường như, các nhóm mang đặc điểm hiện đại ít đánh giá tầm quan trọng của tình yêu thương, vì điểm trung bình thấp hơn ở nhóm dân tộc Kinh, sống ở đô thị, hay ở khu vực kinh tế phát triển như Đông Nam Bộ. Nhóm mang đặc điểm hiện đại hơn cũng cho thấy mức sinh thấp hơn, tuổi kết hôn cao hơn (Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương, 2019), ly hôn cao hơn (Trần Thị Minh Thi, 2021b). Điều này đặt ra yêu cầu cần quan tâm trong quá trình xây dựng, vun đắp giá trị gia đình ở các nhóm xã hội chịu ảnh hưởng khác nhau của hiện đại hóa và tập tục văn hóa. Đồng thời, các gia đình nhận thức cao về tầm quan trọng của trách nhiệm, bình đẳng, chia sẻ trong đời sống gia đình, nhất là nhóm gia đình mang nhiều đặc điểm hiện đại như sống ở đô thị, học vấn cao, mức sống cao, v.v. (Bảng 4).

Bảng 4. Giá trị trung bình về tầm quan trọng của các giá trị đạo đức, tâm lý, tình cảm trong hôn nhân, gia đình theo đặc trưng người trả lời (N=1789)

 

Tiêu chí

Chung

Có con

Sống

Tình yêu

Hòa hợp

Trách nhiệm, Có thu

Bình

 

 

thủy

 

riêng

thương

tình dục

chia sẻ

nhập

đẳng

 

Chung

4,55

4,24

3,01

4,40

3,96

4,08

3,91

4,30

Giới tính Nam

4,59***

4,25

2,94**

4,42

4,01***

4,07

3,81***

4,28

 

Nữ

4,51***

4,22

3,06**

4,38

3,91***

4,09

4,01***

4,32

Năm

Trước 1960

4,59

4,33***

3,05

4,44

4,06***

4,13***

3,91

4,30***

sinh

1960-1975

4,52

4,28***

3,06

4,35

4,03***

4,09***

3,87

4,23***

 

 

1976-1985

4,54

4,27***

3,00

4,43

3,98***

4,15***

3,95

4,33***

 

1986 trở đi

4,57

4,11***

2,92

4,40

3,81***

3,99***

3,92

4,36***

Dân tộc

Kinh

4,53***

4,23

3,02

4,38***

3,95*

4,07*

3,90**

4,29*

 

DTTS

4,66***

4,31

2,92

4,54***

4,05*

4,17*

4,04**

4,39*

Học vấn

=< Tiểu học

4,53

4,20**

2,96

4,42

3,85**

4,01**

3,82

4,21***

 

THCS

4,51

4,28**

2,95

4,34

3,95**

4,05**

3,90

4,24***

 

THPT

4,60

4,19**

3,00

4,44

3,94**

4,10**

3,93

4,35***

 

>= THPT

4,53

4,29**

3,11

4,40

4,04**

4,15**

3,97

4,39***

Cư trú

Nông thôn

4,55

4,27**

2,90***

4,43***

3,91***

4,02***

3,84***

4,26***

 

Thành thị

4,55

4,19**

3,15***

4,35***

4,01***

4,15***

4,01***

4,35***

Vùng

TD&MNPB

4,62***

4,35***

2,74***

4,57***

4,04***

4,10***

3,82***

4,29***

 

ĐBSH

4,46***

4,33***

3,08***

4,34***

4,08***

4,04***

3,97***

4,25***

 

BTB&DHMT 4,54***

4,22***

3,14***

4,38***

3,91***

3,98***

3,91***

4,23***

 

Tây Nguyên

4,58***

4,33***

3,04***

4,55***

4,02***

4,15***

4,07***

4,36***

 

ĐNB

4,63***

4,10***

3,04***

4,28***

3,95***

4,26***

4,05***

4,45***

 

ĐBSCL

4,54***

4,01***

2,73***

4,39***

3,66***

4,05***

3,56

4,36***

Mức ý nghĩa thống kê: *p < 0,01, ** p< 0,01, *** p<0,001.

Nguồn: Trần Thị Minh Thi, 2021a.

 

Mô hình cả vợ và chồng đóng góp kinh tế gia đình là phổ biến

Đa số các gia đình cho rằng điều kiện kinh tế quyết định hạnh phúc gia đình (gần 60%). Vì thế, việc làm của người dân Việt Nam hiện nay có tỷ lệ rất cao. Lao động nữ chiếm 47,3%; nam chiếm 52,7% tổng số lao động có việc làm năm 2019. Tỷ số việc làm trên dân số năm 2019 là 80,3% với nam giới và 70,3% với nữ giới, thành thị thấp hơn so với nông thôn (67,7% so với 79,5%) (Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương, 2019). Tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động cao, chỉ thấp hơn một chút so với nam giới.

Trong kinh tế, nam giới được coi là trụ cột trong gia đình. Quan niệm về vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình là người chồng cao gấp khoảng 10 lần quan niệm trụ cột nên là người vợ, cho thấy kỳ vọng xã hội đặt gánh nặng và trách nhiệm kinh tế lên người chồng cao hơn nhiều lần so với người vợ và sự dai dẳng của quan niệm truyền thống về phân công lao động theo giới. Một quan niệm mang tính ngược lại với vai trò giới truyền thống, như chồng chỉ ở nhà làm nội trợ chỉ có khoảng gần ¼ số người ủng hộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người vợ có đóng góp quan trọng vào kinh tế gia đình (Bảng 5).

Bảng 5. Quan niệm và thực tế về người trụ cột kinh tế trong gia đình (%)

(N=1693)

Tiêu chí

Người

Người

Cả

Người kiếm

Người

 

chồng

vợ

hai

được tiền

khác

Quan niệm về người là trụ cột kinh tế trong gia đình

44,4

4,6

40,5

6,9

3,6

Thực tế người có thu nhập cao nhất trong gia đình

34,7

15,5

20,2

n/a

29,6

Nguồn: Trần Thị Minh Thi, 2021a.

 

Điều này đặt ra vấn đề bình đẳng giới với cả phụ nữ và nam giới. Với nam giới, việc đặt kỳ vọng gánh vác vai trò trụ cột kinh tế có thể là một gánh nặng tâm lý đối với nam giới bởi vì không phải người nam giới nào cũng có đầy đủ khả năng đảm đương được những trách nhiệm đó, nhất là trong bối cảnh phụ nữ tham gia rộng rãi vào thị trường lao động, cạnh tranh với nam giới. Với phụ nữ, sự khác nhau giữa kỳ vọng và thực tế đóng góp kinh tế cho thấy vấn đề về giới thậm chí còn lớn hơn. Thứ nhất, xã hội dường như đánh giá vai trò kinh tế trong gia đình của phụ nữ thấp hơn thực tế. Thứ hai, phụ nữ được mong đợi và thực tế thực hiện vai trò kép ở cả gia đình và xã hội. Nghiên cứu cho thấy những giá trị phân công lao động mang dấu ấn gia trưởng đặt gánh nặng kép lên người vợ còn khá đậm nét. Một mặt, người vợ được mong đợi gánh vác cùng người chồng trong tạo thu nhập cho gia đình và thừa nhận ý nghĩa của việc làm cho phụ nữ đối với bình đẳng giới trong gia đình. Mặc dù đại đa số gia đình đồng ý rằng “làm nội trợ cũng đóng góp kinh tế tương tự như đi làm có thu nhập” nhưng sự chấp nhận này dường như mới trên bề nổi vì thu nhập vẫn được đại đa số coi là một tiêu chí mang lại sự bình đẳng hơn cho phụ nữ.

Mặt khác, việc làm được cho là có ý nghĩa, quan trọng hơn đối với người chồng. Ví dụ, các gia đình ủng hộ mô hình vợ chồng đều đi làm nhưng nhấn mạnh hơn vai trò chăm sóc gia đình của phụ nữ, nhất là khi đã có con. Trong nghề nghiệp, các gia đình cũng có xu hướng cho rằng người chồng nên được tạo điều kiện hơn người vợ (Bảng 6), nhất là ở nhóm nhân khẩu xã hội thuộc nhóm ít có đặc điểm hiện đại như lớn tuổi, có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, là người dân tộc thiểu số, cư trú ở nông thôn, vùng kinh tế xã hội phát triển chậm hơn, đặt ra những vấn đề cần quan tâm về bình đẳng giới ở những khu vực còn lưu giữ đậm nét dấu ấn của gia trưởng, phong kiến.

Khi phụ nữ vừa đi làm đóng góp kinh tế cho gia đình, vừa đảm nhiệm trách nhiệm chính trong nội trợ chăm sóc, vừa phải vượt qua được các rào cản về định kiến giới trong công việc, sự nghiệp, trong khi các dịch vụ xã hội hỗ trợ cho gia đình còn hạn chế, thì áp lực đối với người phụ nữ là rất lớn. Một số hệ quả xã hội có thể diễn ra, chẳng hạn như phụ nữ sẽ kết hôn muộn và sinh con ít hơn. Xu hướng sinh ít con hơn, kết hôn muộn hơn, hoặc không kết hôn, là xu hướng của quá trình hiện đại hóa. Sự pha trộn giá trị truyền thống và hiện đại cũng như các kỳ vọng xã hội đang đặt ra những gánh nặng kép cả về văn hóa và kinh tế đối với phụ nữ, đòi hỏi cần có những giải pháp tiếp tục thay đổi định kiến giới và những chính sách, dịch vụ hỗ trợ phụ nữ cân bằng công việc và gia đình.

Bảng 6. Giá trị trung bình về giá trị truyền thống về nghề nghiệp và việc làm theo đặc trưng của người trả lời

Đặc trưng

Cả chồng và vợ đều phải đóng góp thu nhập cho gia Đình

Phụ nữ có việc làm sẽ có vị trí bình đẳng trong gia đình

Có việc làm là tốt nhưng hầu hết phụ nữ cần gia đình hơn

Người chồng nên được tạo điều kiện trong nghề nghiệp hơn người vợ

Khi có con, phụ nữ nên lui về chăm sóc gia đình hơn

Giới

Nam

3,5

3,6

3,3

4,0

3,3

tính

Nữ

3,7

3,6

3,3

4,0

3,2

Dân tộc

Kinh

3,6

3,6

3,3

4,0

3,2

 

Dân tộc thiểu số

3,5

3,7

3,2

4,0

3,4

Tuổi

Trước 1960

3,9

3,6

3,5

4,1

3,4

 

1960 – 1975

3,7

3,7

3,4

4,1

3,4

 

1976 – 1985

3,6

3,6

3,3

4,1

3,2

 

1986 trở đi

3,4

3,5

3,1

3,9

3,0

Học vấn Tiểu học trở xuống

3,7

3,8

3,6

4,1

3,7

 

THCS

3,7

3,7

3,5

4,0

3,6

 

THPT

3,6

3,5

3,1

4,0

3,1

 

Trên THPT

3,5

3,4

3,2

4,0

2,7

Khu

Nông thôn

3,5

3,6

3,4

4,0

3,4

vực

Thành thị

3,7

3,5

3,2

4,1

3,0

Nguồn: Trần Thị Minh Thi, 2021a.

 

Con cái có ý nghĩa quan trọng nhưng giá trị con cái đang biến đổi

Con cái tiếp tục là một giá trị quan trọng trong hôn nhân nhưng người Việt Nam hiện nay không mong muốn có nhiều con, nhất là nhóm mang nhiều đặc điểm hiện đại. Nhóm mong muốn có nhiều con là dân tộc thiểu số, nông thôn, học vấn thấp và ở khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất của Nho giáo là đồng bằng sông Hồng. Nhóm lớn tuổi thể hiện mức đánh giá cao vai trò quan trọng của con cái trong duy trì bền vững hôn nhân và không chấp nhận không có con (Bảng 7). Thực tế cho thấy, tổng tỷ suất sinh của người dân Việt Nam trong 20 năm qua khá ổn định quanh mức sinh thay thế, nhưng một số khu vực đã có mức sinh thấp (Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương, 2019). Những người có đông con thường sinh trước năm 1976, có trình độ trung học cơ sở trở xuống, mức sống không khá giả, cư trú ở nông thôn và tập trung ở một số vùng miền như đồng bằng sông Cửu Long, miền núi và trung du phía Bắc và miền Trung (Trần Thị Minh Thi, 2021a).

Bảng 7. Một số quan điểm của gia đình Việt Nam về con cái

Giới tính

Có càng nhiều con càng tốt

Nếu vợ không sinh được con, chồng có thể có con ở bên ngoài

Không có con cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì

Nam

2,32

2,33

3,36

Nữ

2,39

2,36

3,43

 

Năm sinh

**

***

***

Trước 1960

2,50

2,57

3,62

1960-1975

2,39

2,41

3,59

1976-1985

2,34

2,37

3,42

1986-nay

2,27

2,15

3,07

Trình độ học vấn

**

*

***

Tiểu học trở xuống

2,52

2,44

3,63

THCS

2,37

2,44

3,65

PTTH

2,27

2,29

3,27

Trên PTTH

2,42

2,27

3,16

Dân tộc

*

**

***

Kinh

2,38

2,38

3,36

DTTS

2,23

2,13

3,69

Nơi cư trú

 

 

**

Nông thôn

2,35

2,38

3,47

Thành thị

2,37

2,30

3,30

Vùng kinh tế – xã hội

***

***

***

MNTDPB

2,19

2,55

3,67

ĐBSH

2,60

2,56

3,62

BTB&DHMT

2,13

2,06

3,30

TN

2,09

2,12

3,16

ĐNB

2,44

2,42

3,31

ĐBSCL

2,34

2,06

3,23

Nguồn: Trần Thị Minh Thi, 2021a.

 

Các giá trị của con cái đang chuyển dần từ giá trị xã hội (ưa thích con trai) an sinh (có người chăm sóc khi về già), kinh tế (có nguồn lao động) sang giá trị tâm lý-tình cảm (gắn kết hôn nhân, hoàn thiện bản thân). Nhóm mang những đặc điểm truyền thống, có trình độ hiện đại hóa thấp, thì coi trọng giá trị kinh tế của con cái nhất, bao gồm, nhóm lớn tuổi nhất, học vấn thấp, dân tộc thiểu số, nhóm thuộc khu vực kinh tế hộ gia đình, tư nhân hay liên doanh, nhóm góa, li thân và li hôn, mức sống nghèo, và các khu vực kinh tế phát triển chậm hơn như Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Theo giới tính, nữ giới coi trọng giá trị kinh tế của con cái hơn nam giới (Trần Thị Minh Thi, 2021a).

Giáo dục con trong gia đình có khác biệt giới

Trong việc giáo dục con hiện nay, đại đa số người trả lời cho rằng đây là trách nhiệm chung của hai vợ chồng nhưng một bộ phận người dân vẫn coi đó là trách nhiệm chính của người vợ. Theo giới, phụ nữ đề cao vai trò của chính mình trong việc nuôi dạy con cái hơn nam giới. Mức điểm trung bình nam giới dành cho quan niệm “nuôi dạy con là trách nhiệm chung của hai vợ chồng” là 4,44 điểm, cao hơn so với phụ nữ (4,35 điểm). Ngược lại, quan niệm vợ nên chịu trách nhiệm chính trong nuôi dạy con cái thì phụ nữ đồng ý ở mức 3,17 điểm và nam đồng ý ở mức 2,95 điểm. Những người trẻ, học vấn cao, dân tộc thiểu số, có cách nhìn hiện đại hơn và bình đẳng hơn về việc nuôi dạy con cái theo hướng là trách nhiệm của hai vợ chồng chứ không phải của phụ nữ. Ví dụ, mức độ đồng ý của nhóm trẻ nhất, sinh năm 1986-nay, với nhận định “vợ nên chịu trách nhiệm chính trong nuôi dạy con” chỉ là 2,82 điểm, thấp hơn so với các nhóm sinh trước đó (trên 3 điểm). Như vậy, chính phụ nữ là nhóm đối tượng bảo lưu cách nhìn truyền thống hơn về việc phân công nuôi dạy con cái trong gia đình giữa vợ và chồng và điều này có thể tạo ra gánh nặng và áp lực cho chính họ.

Trong việc giáo dục đạo đức cho con cái, cha mẹ chú trọng giáo dục các đức tính tốt đẹp cho cả con trai và con gái, không có sự phân biệt theo giới tính của con, trong đó cha mẹ coi trọng nhất việc con cái nghe lời và khéo cư xử với tỷ lệ lựa chọn gần như tuyệt đối. Ngược lại, việc cha mẹ dạy con làm các công việc nhà có sự phân biệt theo giới một cách rõ nét. Cha mẹ thường dạy con gái hai công việc thường được gắn cho phụ nữ gồm dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn, may vá trong khi việc sửa chữa các vật dụng trong gia đình, cha mẹ thường dạy con trai nhiều hơn. Cách thức giáo dục này của cha mẹ có thể góp phần hình thành quan niệm về sự phân công lao động theo giới của con cái sau này.

Xu hướng hạt nhân hóa gia đình có biến đổi

Số liệu cho thấy gia đình Việt Nam đang theo xu hướng hạt nhân hóa, giảm dần về quy mô, nhất là ở khu vực hiện đại như đô thị. Năm 2009, trung bình có 3,66 người/hộ, trong đó, đô thị là 3,78 người/hộ và nông thôn là 3,84 người/hộ. Năm 2019, quy mô giảm xuống còn 3,6 người/hộ (chung), 3,4 người/hộ (đô thị) và 3,6 người/hộ (nông thôn) (Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương, 2019). Nghiên cứu này cho thấy xu hướng tương tự, gia đình hạt nhân gồm cha mẹ và con cái, hoặc ông bà với cháu, hoặc chỉ hai vợ chồng chiếm đa số. Gia đình hạt nhân có xu hướng mạnh hơn ở các khu vực đô thị.

Điều đáng lưu ý là, mong muốn sống chung nhiều thế hệ không còn mang tính phổ biến. Số lượng người cao tuổi (NCT) sống riêng ngày càng tăng cao. NCT mang nhiều đặc điểm hiện đại hóa như sống ở khu vực đô thị có mong muốn sống riêng cao hơn nhiều so với những người ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ những người trẻ sống trong gia đình nhiều thế hệ ở thành thị cao hơn và có xu hướng ngược lại ở những người lớn tuổi hơn do sức ép nhà ở thành phố, di cư nông thôn-đô thị (Trần Thị Minh Thi, 2021a). Đây là một thay đổi lớn so với hệ giá trị gia đình Việt Nam trong lịch sử.

Hiếu thảo là giá trị bền vững nhưng đang có sự biến đổi về cách thức biểu hiện

Gia đình Việt Nam thể hiện mức độ gắn kết cao về tình cảm, chăm sóc giữa cha mẹ và con cái. Trong trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già, theo văn hóa truyền thống, con trai cả hoặc con trai út được kỳ vọng sẽ chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ. Nghiên cứu này cho thấy những người trẻ hơn mong muốn tất cả con cái chăm sóc cha mẹ già chứ không cụ thể là người con nào. Kỳ vọng sống cùng con trai cả khi về già giảm dần ở những người trẻ tuổi hơn. Sự chăm sóc của con cái dành cho cha mẹ cao tuổi hiện nay đang chuyển từ chăm sóc trực tiếp hàng ngày sang chăm sóc gián tiếp qua hỗ trợ tài chính, quan tâm đời sống tâm lý, tình cảm, chăm sóc sức khỏe. Mức trợ giúp tài chính của con cái cho cha mẹ già tăng dần theo tuổi (Biểu đồ 2). Mức cung cấp hoặc nhận trợ giúp công việc nhà từ bố mẹ là ngang nhau ở mọi mức độ trợ giúp, cho thấy sự hỗ trợ liên thế hệ ở Việt Nam là khá mạnh. Sự trợ giúp từ bố mẹ cho con cái cao hơn khi con cái trẻ tuổi hơn. Chăm sóc tinh thần cho NCT bằng hình thức thăm hỏi, gọi điện thoại, có thể thông qua các hoạt động tập thể của gia đình, tham gia các sự kiện gia đình, v.v.

Biểu đồ 2. Trợ giúp tiền bạc, vật chất giữa cha mẹ – con cái

Nguồn: Trần Thị Minh Thi, 2021a.

 

Gắn kết gia đình với cộng đồng, quốc gia, dân tộc

Gia đình chấp nhận mức độ cao về mối quan hệ gắn kết với dòng họ. Mức độ đồng ý của người trả lời với nhận định “mỗi gia đình, thành viên cần luôn gắn kết với dòng họ để giúp đỡ lẫn nhau” có điểm trung bình trên 4/5, rất cao. Nhóm nam giới, cao tuổi hơn, cư trú ở đô thị, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung có mức đồng ý với việc giữ gìn nền nếp gia phong cho con cháu cao hơn. So với điểm trung bình về mức độ gắn kết với dòng họ, mức độ gắn kết giữa gia đình với cộng đồng là thấp hơn. Cụ thể, điểm trung bình về nhận định “Bạn bè xóm giềng giúp đỡ bất cứ khi nào tôi cần” là 3,52/5 điểm. Mức độ tham gia các hoạt động cộng đồng của gia đình và thành viên gia đình là 3,54, cho thấy tính cộng đồng của người dân Việt Nam đang giảm sút.

Nhóm mang nhiều đặc điểm truyền thống như cao tuổi, nông thôn, học vấn thấp, nghèo, dân tộc thiểu số thì có sự gắn kết với dòng họ cao hơn, tính cộng đồng cao hơn những nhóm có đặc điểm hiện đại. Điều này chứng tỏ, mức độ hiện đại hóa, tự chủ, tính cá nhân hóa cao hơn sẽ làm giảm nhu cầu gắn kết với dòng họ, cộng đồng của mỗi cá nhân và gia đình (Trần Thị Minh Thi, 2021a).

Giá trị gia đình có sự biến thiên theo các vùng kinh tế xã hội

Các khu vực kinh tế-xã hội cho thấy sự biến thiên về giá trị gia đình do ở những giai đoạn khác nhau của phát triển và chịu ảnh hưởng của văn hoá nội sinh tại khu vực đó.

Khu vực ảnh hưởng mạnh của Nho giáo (đồng bằng sông Hồng) đánh giá cao giá trị con cái trong duy trì bền vững hôn nhân, mong muốn nhiều con và bảo tồn cách nhìn truyền thống nhất về con cái so với các vùng khác trên cả nước. Khu vực này coi trọng giá trị xã hội của con cái, cho thấy mức ảnh hưởng của trọng nam khinh nữ khá mạnh mẽ ở vùng này do ảnh hưởng của Nho giáo. Gia đình ở đồng bằng sông Hồng cũng cho thấy mức độ ủng hộ với việc giữ gìn nền nếp gia phong cho con cháu cao, có sự gắn kết cộng đồng cao hơn. Các gia đình thuộc đồng bằng sông Hồng cho thấy sự giằng co giữa các giá trị truyền thống và hiện đại (Trần Thị Minh Thi, 2021).

Trong khi đó, các gia đình thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng chấp nhận hiện tượng sống độc thân với tỷ lệ thấp nhất. Các gia đình khu vực này thực tế nhiều con, coi giá trị kinh tế, giá trị an sinh (có con để có người chăm sóc khi về già) của con cái là những giá trị quan trọng. Họ thể hiện sự gắn kết cộng đồng cao.

Các gia đình cư trú ở khu vực Tây Nguyên cho thấy xu hướng chấp nhận hôn nhân đồng giới thấp nhất. Khu vực này đánh giá cao nhất tầm quan trọng của giá trị nội hôn trong hôn nhân như gia đình tương đồng về hoàn cảnh và kết hôn với người cùng địa phương/dân tộc. Điều này khá tương đồng với đặc điểm văn hóa bản địa của khu vực này. Người dân khu vực này coi trọng giá trị kinh tế, giá trị an sinh của việc có con để có người chăm sóc khi về già, mong muốn nương tựa vào con cái khi về già. Gia đình khu vực này có sự gắn kết cộng đồng cao.

Các gia đình ở khu vực Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh) có đặc điểm nổi bật so với các khu vực khác về mức độ chấp nhận cao các giá trị hiện đại của hôn nhân và gia đình. Mức độ hiện đại hóa và chủ nghĩa cá nhân thể hiện mạnh nhất so với các khu vực khác. Chẳng hạn, gia đình ở khu vực này có điểm số trung bình cao nhất trong ủng hộ các giá trị chia sẻ, lắng nghe (4,34/5). Mức độ chấp nhận các hiện tượng mới, trong đó có sống độc thân, ủng hộ không sinh con khi kết hôn, hiện tượng làm mẹ đơn thân, hôn nhân đồng giới, chung sống không kết hôn đều cao hơn so với các khu vực khác (Biểu đồ 3, 4, 5). Gia đình khu vực này cũng đề cao nhất giá trị tình cảm của con cái và đánh giá giá trị an sinh thấp nhất. Đồng thời, mức độ ủng hộ quan điểm bình đẳng trai gái rõ ràng nhất ở các gia đình thuộc Đông Nam Bộ.

Nguồn: Trần Thị Minh Thi, 2021a

 

Theo khu vực cư trú nông thôn và đô thị, người dân nông thôn thể hiện sự bảo lưu đậm nét các giá trị hôn nhân, gia đình truyền thống như có quan điểm giữ gìn nền nếp gia phong cho con cháu cao và có sự gắn kết cộng đồng cao hơn. Gia đình nông thôn vừa chấp nhận những giá trị hiện đại như cả vợ và chồng đều phải đóng góp thu nhập cho gia đình, phụ nữ có việc làm để có vị trí bình đẳng vừa đồng thời cho rằng, phụ nữ cần gia đình hơn việc làm, người chồng nên được tạo điều kiện trong nghề nghiệp hơn người vợ, khi có con phụ nữ nên lui về chăm sóc gia đình hơn. Gia đình nông thôn Việt Nam hướng nhiều vào giá trị con cái truyền thống, ví dụ, coi trọng giá trị con cái trong duy trì bền vững hôn nhân, coi trọng việc có con để làm hài lòng bố mẹ và coi trọng giá trị an sinh của con cái. Nhóm gia đình này mong muốn nhiều con và thực tế nhiều con hơn các gia đình ở khu vực đô thị.

Trong khi đó, các gia đình ở đô thị có mức độ ủng hộ cao hơn với các giá trị hiện đại như không sinh con khi kết hôn, sống độc thân, hôn nhân đồng giới, làm mẹ đơn thân, chung sống không kết hôn. Các gia đình ở đô thị đề cao giá trị tình cảm của con cái, đánh giá giá trị an sinh thấp hơn. Người dân thành thị cũng ưa thích các giá trị của cuộc sống vợ chồng riêng tư trong đảm bảo sự bền vững gia đình và mong muốn sống riêng khi về già cao hơn nhiều so với các gia đình nông thôn.

Những khác biệt này đặt ra yêu cầu cần chú ý tới các giá trị của nhóm thuộc khu vực phát triển chậm hơn trong hiện đại hóa để có thể tiếp tục vun đắp những giá trị truyền thống tốt đẹp đang bảo lưu rõ nét ở khu vực này. Đồng thời, có những hỗ trợ về dịch vụ xã hội, tư vấn xã hội cho các nhóm hiện đại, đang có xu hướng theo những giá trị hiện đại của gia đình để một mặt phát huy sự tự do cá nhân, cởi mở trong quan niệm, một mặt, hạn chế những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, ích kỷ.

Khác biệt giới rõ nét trong giá trị gia đình

Trong lựa chọn bạn đời, nữ đánh giá tầm quan trọng của giá trị truyền thống trong hôn nhân như gia đình tương đồng về hoàn cảnh và kết hôn với người cùng địa phương/dân tộc cao hơn. Nữ giới cũng có xu hướng đề cao giá trị vật chất hơn nam giới (76,6% phụ nữ và 48,8% nam giới chọn thu nhập là tiêu chí quan trọng để kết hôn). Tỷ lệ phụ nữ chọn công việc là tiêu chí quan trọng để lựa chọn bạn đời cũng cao hơn nam giới (85% so với 69%). Giá trị này dường như khá xuyên suốt từ truyền thống tới hiện đại theo khuôn mẫu phụ nữ quan tâm nhiều hơn tới các điều kiện tài năng, kinh tế của bạn đời, còn nam giới có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới phẩm hạnh, ngoại hình, sức khoẻ của người bạn đời.

Có thực tế là nữ giới tự trói buộc, tự định kiến mình trong những khuôn vàng thước ngọc của quan điểm giới trước đây. Phụ nữ đề cao tầm quan trọng của trinh tiết và tự đưa ra những chuẩn mực về trinh tiết khắt khe hơn nam giới. Ví dụ, tỷ lệ phụ nữ đồng ý với nhận định “không còn trinh tiết khi kết hôn là một điều đáng xấu hổ với phụ nữ” là 42%, trong khi nam giới là 33%. Trong khi phụ nữ dường như tự nghiêm khắc với chính mình trong những nhận định liên quan đến trinh tiết, thì nam giới lại có cái nhìn rộng lượng hơn. Có 52,7% nam giới đồng ý với nhận định “Phụ nữ quan hệ tình dục trước hôn nhân là bình thường”, cao hơn so với của phụ nữ (41%). Trinh tiết ít quan trọng hơn ở những nhóm có đặc điểm hiện đại hơn như sống ở đô thị, học vấn cao, mức sống khá giả, nhóm trẻ tuổi, dân tộc Kinh, đi làm, nhóm các vùng kinh tế phát triển như Đông Nam Bộ (Trần Thị Minh Thi, 2021a).

Đồng thời, phụ nữ Việt Nam đang có xu hướng giải phóng tư tưởng khá mạnh mẽ, có nhiều quan điểm hiện đại và cởi mở về hôn nhân và gia đình, thoát li khỏi những định kiến giới và phân công vai trò giới truyền thống qua việc thể hiện xu hướng đồng ý nhiều hơn so với nam giới ở các giá trị hiện đại. Chẳng hạn, số phụ nữ thích sống độc thân và không lập gia đình, ủng hộ làm mẹ đơn thân cao hơn nam giới (16,6% so với 10%) và tỷ lệ nữ đồng ý với nhận định về mô hình hôn nhân truyền thống “Thanh niên đến tuổi trưởng thành nhất thiết cần lập gia đình” thấp hơn so với nam (35,8% so với 55,6%). Điều này cho thấy xu hướng muốn phá vỡ các khuôn mẫu giới truyền thống của phụ nữ Việt Nam, cũng như nhận thức về tự do, bình đẳng giới, chủ nghĩa cá nhân của phụ nữ cao hơn trong khi nam giới vẫn muốn duy trì khuôn mẫu hôn nhân truyền thống, trong đó bảo vệ quyền gia trưởng cho nam giới.

Đối với nam giới, dường như đang trong xung đột của hệ giá trị cũ và mới, và mức độ chấp nhận việc giảm dần vai trò và tiếng nói của mình theo chế độ gia trưởng chậm hơn so với mức độ phụ nữ nhận thức được quyền bình đẳng và vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Nam giới vẫn thiên về bảo lưu những giá trị gia đình, vai trò giới truyền thống. Chẳng hạn, tỷ lệ nam giới ủng hộ việc đến tuổi trưởng thành nhất thiết cần lập gia đình và cho rằng khi có con, phụ nữ nên lui về chăm sóc gia đình cao hơn so với nữ giới. Nam giới cũng mong đợi sự chung thủy trong quan hệ vợ chồng nhiều hơn (Trần Thị Minh Thi, 2021a).

4. Các giá trị gia đình cần quan tâm trong bối cảnh mới

Bối cảnh mới hiện nay như kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, v.v. đặt ra yêu cầu cần có cách nhìn mới, “động” hơn về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác như kinh tế, văn hóa, chính trị, v.v., tìm hiểu và thúc đẩy vai trò và sự tham gia của gia đình vào các quá trình phát triển xã hội bền vững, vì các mục tiêu và động lực phát triển hiện nay đều nhấn mạnh đến nhân tố phát triển con người, cũng chính là đảm bảo sự ổn định và phát triển của gia đình, nơi mỗi cá nhân con người của xã hội sinh ra, lớn lên và trưởng thành.

Cách mạng công nghệ lần thứ 4 với đặc điểm là sự kết hợp một cách sâu rộng các lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hôn nhân và gia đình Việt Nam. Việc bùng nổ các thiết bị thông minh khiến cá nhân dễ dàng đắm chìm trong thế giới vô tận ảo và giảm sút các giao tiếp trực tiếp trong gia đình và xã hội. Khả năng kết nối thực và ảo, tạo nên một thế giới phẳng khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội thực sự bị đảo lộn. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa một mặt, mang lại tiềm năng lớn giải phóng sức lao động của con người, nhưng mặt khác, đang tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo-như robot tình dục, hẹn hò trực tuyến, v.v. có nguy cơ tạo nên một thế hệ trẻ không cần tình yêu, thậm chí không cần cả tình dục, gia đình, con cái, và đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực. Thực tế, một số quốc gia trên thế giới đã ghi nhận hiện tượng hẹn hò và cưới robot tình dục hoặc một thế hệ trẻ đắm chìm trong thế giới công nghệ mà lảng tránh đời sống thực. Đây là một nét rất mới của bối cảnh chuyển đổi cần quan tâm.

Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XXI vẫn là việc làm thế nào vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, lại vừa phải giữ được bản sắc dân tộc và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước.

Những giá trị gia đình được định hình thông suốt và thống nhất trong các văn kiện Đại hội Đảng là “ấm no”, “tiến bộ”, “hạnh phúc”, “văn minh”, “bình đẳng”. Đây là những giá trị quan trọng, mang hàm nghĩa rộng mà đời sống xã hội có những biểu hiện cụ thể hơn. Các kết quả nghiên cứu về giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cho thấy rõ nét các biểu hiện phong phú của giá trị gia đình truyền thống và giá trị gia đình hiện đại, sự bền vững của văn hóa trong hiện đại hóa, sự chuyển đổi từ giá trị hiện đại sang hậu hiện đại, khác biệt giới, và sự ảnh hưởng của quá trình thể chế hóa hệ thống pháp luật và chính sách đến hình thành các giá trị và quan niệm mới của các gia đình.

Từ bối cảnh quốc tế, văn hóa, kinh tế, xã hội hiện nay, bài viết này khuyến nghị bốn giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn tới là an toàn, thịnh vượng, bình đẳng, trách nhiệm.

An toàn: Gia đình trước hết và quan trọng nhất là môi trường sống lành mạnh, yêu thương, không có bạo lực, xâm hại, xao lãng, nơi cá nhân tìm về khi gặp khó khăn, giúp cá nhân không xa lánh xã hội và rơi vào các thách thức khó khăn kế tiếp, cân bằng tâm lý-tình cảm cho cá nhân trước áp lực cuộc sống. Gia đình đồng thời phải có khả năng phòng vệ, chống chịu trước những thách thức và rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, cũng như các tình huống bất ngờ. Xu hướng người dân tự an sinh cho gia đình và bản thân khá phổ biến. Vì thế, gia đình đang là nguồn lực an sinh xã hội quan trọng, chia sẻ gánh nặng an sinh xã hội với nhà nước. Đồng thời, những hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách an sinh trực tiếp cho các thành viên gia đình như trợ cấp xã hội, lương, việc làm, xóa đói giảm nghèo hay các chính sách an sinh xã hội gián tiếp như dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế cần tiếp tục hoàn thiện, có tính bao phủ cao hơn.

Tính đến hết ngày 30/11/2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 15,886 triệu người, đạt tỷ lệ 32,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế là 86.888 nghìn người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,1% dân số2. Hiện nay, có khoảng 3,1 triệu người được nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội trong tổng số khoảng 12 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 25,8% và khoảng khoảng 3,2 triệu NCT, chiếm 26,7% tổng dân số cao tuổi, nhận trợ cấp xã hội hoặc trợ cấp người có công với cách mạng hàng tháng3. Do đó, cả trợ cấp xã hội và lương hưu có thể chi trả cho khoảng một nửa số NCT dưới dạng một số hình thức hỗ trợ hàng tháng. Khoảng 50% NCT còn lại phải sống dựa vào gia đình và tự hỗ trợ bản thân.

Thịnh vượng: Sự an toàn của gia đình gắn liền với điều kiện kinh tế. Đời sống kinh tế, phúc lợi gia đình Việt Nam trên các khía cạnh nhà ở, tiện nghi, thu nhập, chi tiêu đã tăng khá mạnh mẽ từ sau thời kỳ Đổi mới. Thu nhập bình quân đầu người một tháng hiện nay là 4,295 triệu đồng, trong đó đô thị cao hơn rõ so với nông thôn (6,022 triệu đồng so với 3,399 triệu đồng) (Tổng cục Thống kê, 2019). Theo niên giám thống kê năm 2019, chủ hộ là nữ có thu nhập bình quân cao hơn chủ hộ là nam giới (4,828 triệu đồng so với 4,132 triệu đồng) (Tổng cục Thống kê, 2020). Khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, thì xây dựng khát vọng thịnh vượng của gia đình là phù hợp với chiều hướng phát triển. Xây dựng gia đình Việt Nam thịnh vượng cũng là đảm bảo thêm một lớp an sinh từ gia đình, tăng khả năng chống chịu rủi ro, an toàn cho gia đình.

Trách nhiệm của gia đình được thể hiện trong các hoạt động gia đình (việc sinh con, chăm sóc các thành viên, giáo dục con cái và với cộng đồng, xã hội. Xây dựng gia đình trách nhiệm là điều kiện để xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”.

Với đặc điểm mức sinh và giá trị con cái hiện nay, chính sách dân số đã có những điều chỉnh quan trọng, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Mức sinh của khu vực đô thị luôn thấp hơn mức sinh thay thế trong nhiều năm, trong khi mức sinh ở khu vực nông thôn dao động khá phức tạp (Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương, 2019) thì giữ gìn ý nghĩa của giá trị con cái là cần thiết.

Dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng, tuổi thọ ngày càng cao nên số lượng người cao tuổi ngày càng tăng trong bối cảnh mức sinh giảm kéo theo lực lượng chăm sóc giảm, phụ nữ – người chăm sóc chính trong gia đình, tham gia ngày càng nhiều hơn vào thị trường lao động, trong bối cảnh hệ thống dịch vụ chăm sóc còn hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu xây dựng các chiến lược quốc gia toàn diện chăm sóc và phát huy vai trò NCT phù hợp với nền tảng kinh tế xã hội và văn hóa hiện nay. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách chăm sóc dài hạn, vai trò, trách nhiệm của gia đình là khó có thể thay thế.

Với vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ em, hình thành nhân cách trẻ em, góp phần quan trọng trong xây dựng chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội cũng như sự ổn định của các quan hệ gia đình, việc quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống là cực kỳ quan trọng. Hiện nay, giáo dục con cái trong gia đình vẫn chủ yếu hướng tới các giá trị cốt lõi và lối sống truyền thống như trung thực, hiếu thảo, thương yêu, tiết kiệm với phương pháp giáo dục truyền thống như làm gương, khuyên nhủ, và nhiều gia đình còn lúng túng trong xác định nội dung và phương pháp giáo dục con cái trong bối cảnh bùng nổ thông tin, không gian mạng và không gian xã hội đang biến đổi mạnh mẽ.

Bình đẳng giới: Trong hôn nhân và gia đình, đã có những dấu hiệu đáng mừng đánh dấu sự thể hiện vai trò cùng làm chủ gia đình của người phụ nữ, bước đầu khẳng định sự tồn tại của bình đẳng giới trong gia đình, cho dù sự biến đổi này diễn ra chưa mạnh và đồng đều ở tất cả các loại hình công việc và các nhóm xã hội. Bình đẳng giới trong gia đình rõ nét hơn ở khu vực thành thị, ở nhóm dân cư có trình độ học vấn cao, ở những gia đình mà người vợ có đóng góp nhiều hơn (so với người chồng) vào kinh tế hộ gia đình. Phụ nữ, khác với nam giới, là phải đảm nhiệm trách nhiệm gia đình với các chuẩn mực xã hội và văn hóa liên quan đến việc làm mẹ, và phải xác định ưu tiên giữa “công việc” và “gia đình”, vì nó là hai không gian riêng biệt. Vì thế, hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng, được hạnh phúc, và tự thể hiện bản thân, đồng thời đóng góp tốt cho xã hội.

 

Ghi chú

1. Trong nghiên cứu này, sự đồng ý với các nhận định được xây dựng theo thang đo Likert 5 mức độ: 1) Hoàn toàn không quan trọng, 2) Không quan trọng, 3) Nửa quan trọng, nửa không, 4) Quan trọng, và 5) Rất quan trọng. Giá trị trung bình (mean) có giá trị càng lớn và tiến về 5 thì mức độ quan trọng/đồng ý càng cao. Ngược lại, giá trị trung bình của các đánh giá càng tiến về 1 thì mức độ quan trọng/đồng ý càng thấp.

2. https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat-dong-he-thong-bao-hiem-xa-hoi.aspx?ItemID =5916&CateID=52).

3. http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Nam-2021-Tat-ca-nguoi-cao-tuoi-deu-co-BHYT/419886.vgp.

 

Tài liệu trích dẫn

Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương. 2019. Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019. Nxb. Thống kê. Hà Nội.

Beck, U. and Beck-Gernsheim, E. 2002. Individualization: Institutionalized Individualism and its Social and Political Consequences. SAGE Publications Ltd. 2002. DOI:http://dx.doi.org/10.4135/9781446218693.

Beck, U. 1992. Risk Society: Towards a New Modernity. Translated by Ritter, Mark. London: Sage Publications. ISBN 978-0-8039-8346-5.

Inglehart, R. 1997. Modernization and Postmodernization: Cultural, Economic and Political Change in Societies. Princeton, NJ: Princeton University Press.

Inglehart, Ronald F., Baker, Wayne E. 2000. “Modernization, Cultural Change, and the Persistance of Traditional Values”. American Sociological Review, Vol 65, Feb 2000, pp.19-51.

Inglehart, Ronald, F. 2000. “Globalization and Postmodern Values”. The Washington Quarterly, Vol.23, No.1, pp.215-228.

Kluckhohn, C. 1951. “Values and Value-orientations in the Theory of Action. An Exploration in Definition and Classification”. In T. Parsons & A. Shils (Ed.), Toward a General Theory of Action, pp.390-415. Havard University Press

Rokeach, M. 1979. Understanding Human Values: Individual and Societal. New York: Free Press.

Rokeach, M. 1973. The Nature of Human Values. New York: Free Press.

Schwartz, S. H. 1992. “Universals in the content and structure of values: Theory and empirical tests in 20 countries”. In M. Zanna (Ed.), Advances in experimental social psychology (Vol. 25, pp. 1-65). New York: Academic Press.

Schwartz, S. H. 2006. “Value orientations: Measurement, antecedents and consequences across nations”. In Jowell, R., Roberts, C., Fitzgerald, R. & Eva, G. (Eds.) Measuring attitudes cross-nationally – lessons from the European Social Survey (pp.169-203). London, UK: Sage.

Schwartz, S. H. 1996. “Value priorities and behavior: Applying a theory of integrated value systems”. In C. Seligman, J. M. Olson, & M. P. Zanna (Eds.). The psychology of values: The Ontario symposium (Vol. 8, pp. 1-24). Hillsdale, NJ: Lawrence Erlbaum.

Schwartz, Shalom, H. 2012. An Over view of the Schwartz Theory of BasicValues. Online Readings in Psychology and Culture. http://dx.doi.org/10.9707/2307-0919.1116.

Tổng cục Thống kê. 2011. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009. Mức sinh và mức chết ở Việt Nam: Thực trạng, xu hướng và những khác biệt.

Tổng cục Thống kê. 2020. Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2019. Nxb. Thống kê.

Trần Thị Minh Thi (chủ biên). 2021a. Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Tran Thi Minh Thi. 2021b. “Complex Transformation of Divorce in Vietnam under the Forces of Modernization and Individualism”. International Journal of Asian Studies 18, no. 2 (2021): 225–45. doi:10.1017/S1479591421000024.

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới. Quyển 31, số 2, tr.13-32

Rate this post

Viết một bình luận