Những kỹ năng sống ở Sài Gòn mà tân sinh viên nên biết – Multi-contents

Sài Gòn là nơi mà không ít bạn chọn để theo đuổi ước mơ của mình, trải nghiệm cuộc đời sinh viên, học tập và có thể là làm việc luôn ở đó. Các tân sinh viên có cảm thấy lo lắng một chút gì đó khi sẽ phải bắt đầu cuộc sống tự lập ở một thành phố xa hoa không? Mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm về một số kỹ năng sống ở Sài Gòn mà các bạn nên trang bị để không phải “chân ướt chân ráo” bước vào thành phố nhé!

Kỹ năng tham gia giao thông

Bạn đang nghĩ rằng việc tham gia giao thông thì bình thường, ở đâu cũng vậy có gì mà đáng để nói đúng không? Đừng vội! Mình sẽ cho các bạn thấy những kỹ năng sau đây cần thiết như thế nào khi bạn tham gia giao thông ở Sài Gòn.

Trình độ sử dụng Google Map thượng thừa

Mới lên Sài Gòn, để tránh mất thời gian cho việc lạc đường thì bạn chắc chắn phải tốt nghiệp bằng thạc sĩ về kỹ năng sử dụng Google Map. Hãy luôn thủ sẵn 3G – 4G trong người và luôn đảm bảo điện thoại còn pin trước khi ra đường để hạn chế đi lạc.

Tuy nhiên là nên tìm hiểu đường xá cho quen để không phụ thuộc vào chị Google nữa. Chứ nhiều lúc chị ấy chỉ đường khó đi, đường kẹt xe nhiều hoặc địa chỉ ở hẻm chị hay chỉ sai lắm. Thậm chí đường cụt mà chị ấy bảo đi tiếp nữa.

Kỹ năng cầm lái xuất thần

Bạn phải có khả năng cầm tay lái thật chắc vì bạn sẽ không lường trước được có bao nhiêu tình huống oái oăm ở trên đường đâu. Thấy xe đằng trước xi nhan trái thì đừng vội tin, có thể nó quẹo phải đấy. Rồi đặc biệt là những ninja Lead, nhân vật đó không phải lời đồn đâu.

Rồi thêm khúc kẹt xe, đừng nhẹ nhàng mà nhường người ta qua rồi hiền hiền đứng yên một chỗ sẽ không về được đến nhà đâu. Phải luồn lách, thấy chỗ trống là chạy lên, mà đừng thấy người ta leo lề rồi bắt chước nha, rủi ro không chừa một ai.

Xem thêm: Những điều nên làm truosc khi vào đại học

Nắm thật kỹ luật giao thông và đừng chủ quan

Tại sao lại như thế? Tại vì chúng ta cứ nghĩ mình đã hiểu rõ hết luật và sẽ không vi phạm được đâu. Nhưng có những con đường, có những điểm chốt xuất hiện những luật mà khi vi phạm và bị công an bắt rồi thì mới ngộ ra “Thì ra mình đi vậy là sai”.

Hoặc bạn nghĩ đêm khuya đường vắng không có ai vượt đèn đỏ tí chắc không sao. Sai rồi nhá! Bị “hốt” lúc nào không hay đó. Đừng bao giờ quên xi nhan khi rẽ, đừng lấn làn, đừng quên bật đèn vào ban đêm. Mọi lỗi vi phạm bạn đều có thể phải “trả giá” bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Nếu lỡ xui mà bị bắt do một sự ngây thơ nào đó thì đừng hoảng, đừng nghe CSGT phạt bao nhiêu là đưa bấy nhiêu nha. Cũng đừng tỏ vẻ ngầu để người ta lập biên bản thì mệt mình thôi à. Hãy dùng kỹ năng năn nỉ, “khổ nhục kế” các kiểu để giảm “mức phạt” đến mức thấp nhất.

Đây là mẹo cho các bạn sinh viên tài chính hạn hẹp đối phó tức thời thôi. Tốt nhất thì hãy chấp hành thật đúng luật khi tham gia giao thông nhé.

Đề phòng bảo vệ tài sản

Đây chắc chắn là kỹ năng sống không thể thiếu khi ở Sài Gòn rồi. Không phải Sài Gòn ở đâu cũng cướp giật, móc túi, nhưng cảnh giác bảo vệ tài sản của mình là việc không thừa.

Ra đường nhớ đừng cầm điện thoại quơ quơ, hay mở bóp ví lấy tiền thì để ý trước sau, cầm cho chắc vào, bồ câu gắp lẹ lắm. Bỏ điện thoại ở túi áo thì kéo khóa lại, không thì bỏ vào balo đeo ở trước cho chắc. Ví tiền tốt nhất để ở cốp xe.

Đi những nơi đông người như bến xe, chợ, trên xe buýt,… thì cẩn thận tài sản cất kỹ một chút. Có bỏ tiền ở túi quần cũng không chắc còn đâu.

Còn có những kiểu mà bạn tự dâng tiền cho lừa đảo nữa nè. Tuyệt đối không động lòng trước những câu như: “Mình có bán trà thảo dược/cafe/trà sữa… để gây quỹ từ thiện”, “Mình ở câu lạc bộ từ thiện ABC, bán sữa chua giúp các bé mái ấm XYZ”, mà giá đưa ra trên trời í. Thì một là đa cấp đang chạy KPIs, hai là giả danh từ thiện. Dù 20-30k không nhiều nhưng cũng không nên từ thiện sai chỗ.

Nhận dạng và né các anh/chị/bạn đa cấp

kỹ năng sống ở Sài Gòn - tránh đa cấp - Multicontents

Đa cấp không xấu nhưng mà ở Sài Gòn thì đa số người ta lợi dụng đa cấp để lừa đảo. Nên tốt nhất là né ra cho an toàn.

Nếu có một anh/chị/bạn nào đó vui vẻ tiếp cận bạn và làm quen các kiểu, cho bạn thấy là giữa hai người có điểm chung. Sau đó mời bạn tham gia buổi training kỹ năng mềm cho sinh viên hay đại loại là vậy. Thì chính nó rồi đó, đừng đi, tuyệt đối không, vừa mất thời gian mà vừa có thể làm bạn lung lay vì họ nói rất hay, rất thuyết phục.

Hay là anh chị nào đó nhắn tin cho bạn và hỏi đại loại như: “Em có muốn thành công không?”, “Em có muốn phát triển bản thân để trở thành gì gì đó không?”. Né ra nhanh nhanh nha, đừng nghe mà ham. Nếu rảnh thì nhắn tin lại nhây nhây như tui cũng được, nhưng xác định là không dính vào nhá.

À còn một kiểu nữa là đăng tin tuyển dụng nhân viên bán hàng sản phẩm gì đó nhưng không ghi rõ địa chỉ, có câu “inbox/điện thoại cho mình”, lương hấp dẫn. Đừng có dại thấy “ngon” mà lao vào, không có gì màu hồng như thế đâu.

Kỹ năng chi tiêu/mua sắm tiết kiệm

Nếu bạn là một đứa sinh viên gia đình không có nhiều điều kiện, bạn muốn tiết kiệm các khoản chi tiêu. Nhưng làm thế nào khi mà mức sống ở Sài Gòn lại quá cao. Tham khảo những bí kíp mà mình đã sử dụng xem bạn có áp dụng được không nè.

Đầu tiên là việc ăn uống. Nếu mà nấu ăn được thì sẽ tiết kiệm hơn ăn ngoài rồi. Đi siêu thị hoặc bách hóa xanh sẽ dễ mua hơn là đi chợ đấy. Nhìn vậy chứ đồ ăn ở chợ cũng không rẻ hơn mấy đâu nhiều khi còn mắc hơn. Còn nếu ăn ngoài thì vẫn có những quán ăn sinh viên, giá bình dân cho các bạn ở KTX không nấu ăn được.

Còn mua sắm áo quần, giày dép thì có những shop thời trang giá cũng ok như: FMstyle, MWC,… Hoặc bình dân hơn, giá rẻ hơn nữa thì: chợ Hạnh Thông Tây, chợ đêm làng đại học, con đường “thời trang” Nguyễn Trãi,… Mà đã ra chợ rồi thì phải biết trả giá nha.

Gần cuối tháng rồi thì nhớ đừng có mà ham vui, hạn chế đi mấy chỗ chanh sả các kiểu. Để không phải lâm phải tình trạng mì tôm cứu đói và hủ tiếu gõ qua ngày.

Và còn một kỹ năng đặc biệt nữa sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá đấy.

Biết săn và áp mã giảm giá trên 1001 cái app

sử dụng mã khuyến mãi - Multicontents

Grab, Beamin, Gojek, Now… sẽ mang đến cho bạn những bữa ăn sang chảnh giá rẻ. Chỉ cần bạn biết sử dụng mã giảm giá đúng chỗ, đúng lúc và đúng cách. Muốn đi quán cafe học bài, dùng Jamja đặt chỗ hoặc một số quán có app tặng voucher. Ví dụ như The coffee house, tải app về bạn sẽ được tặng khá nhiều voucher.

Sinh viên mà, tìm cách tiết kiệm thì đâu có gì sai, đúng không?

Mua sắm thì sao? Shopee, Lazada tài trợ liền luôn, cần mua gì mà thấy khó khăn, khó kiếm thì cứ đặt qua mấy sàn này cho nó tiện. Nhớ áp dụng nhiều mã nhất có thể, mua gì cần thiết thôi, chứ đam mê shopping online là thua rồi.

Kỹ năng giao tiếp và ứng xử

Biết cách đối nhân xử thế sao cho phù hợp cũng là một kỹ năng sống ở Sài Gòn mà bạn nên biết. Sài Gòn tuy phóng khoáng là thế nhưng biết cách ứng xử một chút thì cuộc sống sẽ thoải mái hơn.

Đổi giọng vùng miền

Nếu bạn là người miền Trung nói giọng địa phương thì đây là điều đầu tiên giúp bạn giao tiếp dễ dàng hơn. Đổi không có nghĩa là quên luôn giọng quê hương của mình. Đổi để thuận tiện trong việc giao tiếp hằng ngày thôi.

Vì không phải ai cũng hiểu được giọng địa phương. Nhiều khi nói chuyện phải hỏi đi hỏi lại, điều này rất bất tiện và mất thời gian.

Thái độ và cách ứng xử đẹp, văn minh

Khi gặp một người lạ, không biết về tuổi tác của họ thì cứ gọi họ là “anh/chị” nhé. Khi đối phương cũng gọi lại bạn như thế thì đó chính là cách xưng hô rất lịch sự của người miền Nam.

Ở đâu cũng vậy, biết “cảm ơn” và “xin lỗi” sẽ giúp cuộc sống bạn trở nên dễ dàng hơn. Đâu mất gì với hai từ đó đâu, đúng không?

Sài Gòn có những nghề nghiệp mà mình chưa thấy bao giờ ở các vùng quê. Nhưng dù nghề nghiệp nào cũng đáng trân trọng, miễn không phạm pháp là được, đừng tỏ thái độ với những người làm nghề nghiệp thấp hèn. Nhé!

Hãy tôn trọng những người làm dịch vụ, họ phục vụ tận tình và chu đáo, thì mình cũng nên có thái độ tôn trọng họ.

Thích ứng với thời tiết Sài Gòn

Chắc bạn cũng từng nghe rằng “Sài Gòn có 2 mùa, mùa nóng và mùa rất nóng”. Đúng vậy nó nóng thật, hãy tập thích nghi với cái nực của Sài Gòn đi nhé.

Tuy nhiên, không phải là Sài Gòn không có mùa lạnh, nó vẫn có một mùa tiết trời se se và mưa. Mưa thất thường, sáng nắng chiều mưa, đang nắng thích thì mưa. Cho nên nhớ trữ sẵn thuốc cảm vào mùa này. Đi đâu nhớ mang theo áo mưa và né mấy cái đường ngập nước ra nhé.

Và một số tips nhỏ giúp bạn “dễ thở” hơn khi sống ở SG…

Đến quận 1 “hoa lệ” cái gì cũng có, riêng chỗ gửi xe thì ít mà giá thì “trên mây”. Nên nhớ hỏi giá trước khi gửi xe ở quận 1.

Còn một điều ở quận Nhất nữa nói cho luôn là đừng thấy quán nước, xe bán nước, xe đồ ăn vặt ở lề đường mà tưởng nó rẻ, mua xong hỏi giá là “đứng hình mất 5 phút” luôn đó.

Đang có việc gấp, nhất là giải quyết “nhu cầu cá nhân” thì né mấy đường: đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu. Biết sao không? Tụi nó chứa 1001 cái cột đèn đỏ.

Rồi tiếp theo, giờ cao điểm thì né đường CMT8 với Cộng Hòa. Nếu vẫn muốn đi vào những con đường này thì nhớ mang theo sách để đọc luôn.

Trên đây là một số kỹ năng sống ở Sài Gòn có thể giúp các bạn tân sinh viên “sống sót” tốt ở đây. Mọi thứ đều do mình đúc rút được từ kinh nghiệm cá nhân và trên góc nhìn cá nhân. Nếu có điều nào không phù hợp với bạn thì bạn có thể bỏ qua nhé! Sài Gòn tuy có nhiều “tính xấu” vậy thôi chứ vẫn đáng yêu vô cùng! Và ở thành phố đáng yêu này có rất nhiều điều thú vị đang chờ bạn trải nghiệm khám phá đấy.

Trên đây là bài viết của Multicontents về nhũng kỹ năng sống ở sài gòn mà tân sinh viên nên biết. Cảm ơn bạn đã xem bài viết và hẹn gặp bạn ở các bài viết sau. Nếu có gì thắc mắc vui lòng bình luận hoặc để lại ý kiến tại fanpage Multicontents của chúng tôi!

Xem thêm: 10 điều thú vị ở Sài gòn bạn nên thử

Rate this post

Viết một bình luận