Những kỹ năng xã hội cần chú trọng ở trẻ Mầm Non | Little People

Trong bối cảnh các trường ở Mỹ vẫn còn đóng cửa vì dịch Covid 19, Tổ chức HighScope đã gửi về một số nội dung giáo dục để Phụ huynh hỗ trợ trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết. Ở Mỹ, dù homeschooling – học ở nhà, được chính phủ công nhận như một hình thức tương đương với các trường học truyền thống nhưng đa số Phụ huynh vẫn cho trẻ đến trường để con có môi trường tương tác với bạn bè, thầy cô. Tương tự, việc cách ly ở nhà quá lâu cũng cho thấy một số biểu hiện không tốt trong hành vi xã hội của các bạn nhỏ. Góc Phụ huynh lần này giới thiệu với ba mẹ các kỹ năng xã hội mà chương trình HighScope rất chú trọng. Trên thực tế, hệ thống giáo dục ở các quốc gia phát triển đều đề cao các kỹ năng xã hội từ rất sớm vì nó giúp trẻ nhận biết giá trị bản thân đồng thời tôn trọng quyền lợi và văn hoá của cộng đồng.

Theo HighScope, có 9 kỹ năng xã hội cần chú trọng phát triển cho trẻ Mầm Non bao gồm:

  1. Nhận thức về bản thân: việc giúp trẻ nhận biết và tự hào về điểm mạnh, sự khác biệt của bản thân sẽ giúp con tự tin, xoá bỏ những mặc cảm và ý nghĩ tự ti ảnh hưởng không tốt khi các bạn trưởng thành.
  2. Ý thức về năng lực: niềm tin mình sẽ làm được giúp con sẵn sàng học hỏi, tự tin giải quyết khó khăn dù vẫn cần sự hỗ trợ của người lớn khi cần thiết.
  3. Cảm xúc: gọi tên được cảm xúc của bản thân và hiểu rằng người khác có thể cảm thấy tương tự hoặc khác biệt là bước đầu tiên trong quá trình học cách kiểm soát cảm xúc bản thân.
  4. Sự thấu cảm: thấu hiểu cảm nhận của người khác. Do đặc tính tâm lý lứa tuổi, đến trước 8 tuổi trẻ khó mà đặt mình vào vị trí và hoàn cảnh của người khác vì vậy Phụ huynh cần kiên trì và đừng dán nhãn “ích kỷ” cho con.
  5. Tính cộng đồng: học cách hành xử như một thành viên của cộng đồng, bắt đầu từ chính lớp học, ngôi trường nơi mình theo học.
  6. Xây dựng mối quan hệ: biết cách tương tác và xây dựng mối quan hệ tích cực với bạn, với cô.
  7. Khả năng phối hợp: hợp tác tốt với bạn, với cô bằng cách chia sẻ học cụ, không gian và cả các ý tưởng chơi của mình.
  8. Phát triển đạo đức: hiểu biết ban đầu về cái đúng và sai.
  9. Giải quyết mâu thuẫn: bằng cách nhận ra vấn đề xảy ra khi chơi từ đó đưa ra giải pháp, lắng nghe bạn cùng chơi và cùng nhau đi đến giải pháp cả hai đồng thuận sẽ là những bài học kỹ năng cần thiết cho con.

Mong rằng những chia sẻ này hữu ích cho hành trình làm ba mẹ của tất cả chúng ta.

Rate this post

Viết một bình luận