Những lưu ý khi dùng thuốc cinnarizin trị rối loạn tiền đình

Thuốc Cinnarizin ngoài việc trị rối loạn tiền đình thì còn có tác dụng trong việc điều trị rối loạn tuần hoàn và chống say tàu xe. Tuy nhiên, cũng cần có những lưu ý khi dùng thuốc Cinnarizin để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Thuốc trị rối loạn tiền đình

Tiền đình được xem là một cơ quan thuộc hệ thần kinh, với vị trí giải phẫu nằm ở sau ốc tai 2 bên và nắm giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong cơ thể đó là giữ thăng bằng khi thực hiện các tư thế, dáng đi, điều hợp những cử động của các bộ phận trong cơ thể như mắt, đầu, thân.

Khi con người thực hiện bất cứ động tác nào như đi, đứng, chạy, cúi người, xoay người… thì hệ tiền đình cũng di chuyển theo và giữ thăng bằng cho cơ thể khi thực hiện những động tác này. Một khi cơ thể bị rối loạn tiền đình thì sẽ có một số biểu hiện như chóng mặt, hoa mắt, đầu óc quay cuồng, ù tai, buồn nôn, mất thăng bằng khi thực hiện tư thế dẫn đến việc rất dễ bị té ngã khi di chuyển.

Thiếu máu não và rối loạn tiền đình

Bệnh rối loạn tiền đình nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách thì rất dễ có nguy cơ tái diễn nhiều lần và có xu hướng ngày càng nặng hơn gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trong những trường hợp này cần dùng thuốc trị rối loạn tiền đình để kiểm soát những triệu chứng này. Hiện nay, thuốc Cinnarizin là thuốc được lựa chọn rất nhiều để điều trị những triệu chứng của rối loạn tiền đình cũng như chống say tàu xe.

2. Thuốc Cinnarizin

Thuốc Cinnarizin là nhóm thuốc kháng Histamin H1 với tác dụng làm ngăn chặn những thụ thể trong các cơ quan sau cùng của hệ tiền đình, từ đó gây ức chế quá trình sản sinh Histamin và chất Acetylcholin. Ngoài ra, thuốc Cinnarizin còn là chất đối kháng với Calci nên gây ức chế co tế bào cơ trơn có ở mạch máu hay còn gọi là thuốc chẹn Calci.

Thuốc Cinnarizin được chỉ định trong các trường hợp như sau:

  • Bệnh nhân bị rối loạn tiền đình với những triệu chứng như hoa mắt, choáng váng, ù tai, giật nhãn cầu, buồn nôn, nôn tháo…
  • Người bị say tàu xe
  • Bệnh nhân mắc phải hội chứng đau nửa đầu
  • Bệnh nhân có các triệu chứng do tổn thương mạch máu não gây ra như hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, mất trí nhớ, kém tập trung
  • Bệnh nhân mắc phải những bệnh lý liên quan đến rối loạn tuần hoàn ngoại vi như hội chứng Raynaud, triệu chứng đi cách hồi, tình trạng rối loạn dinh dưỡng, triệu chứng loét giãn tĩnh mạch, co thắt cơ…

Liều của thuốc Cinnarizin đối với người lớn và trẻ em được quy định như sau:

  • Đối với người lớn

Bệnh nhân dùng thuốc Cinnarizin để điều trị các bệnh lý về tuần hoàn não: Cinnarizin 25mg x 1 viên/lần x 3 lần/ngày.

Bệnh nhân dùng thuốc Cinnarizin để điều trị các triệu chứng rối loạn tiền đình như hoa mắt, chóng mặt: Cinnarizin 25mg x 1 viên/lần x 3 lần/ngày

Bệnh nhân dùng thuốc Cinnarizin trong rối loạn tuần hoàn ngoại biên: Cinnarizin 25mg x 2 – 3 viên

Người sử dụng thuốc Cinnarizin để ngăn ngừa say tàu xe: Cinnarizin 25mg x 1 viên uống trước ăn 2 tiếng đồng hồ.

  • Đối với trẻ em

Thường thì liều thuốc Cinnarizin ở trẻ em giảm một nửa so với liều thuốc ở người lớn và được dùng sau bữa ăn của trẻ để thuốc có hiệu quả cao nhất.

Thuốc

3. Lưu ý khi dùng thuốc Cinnarizin

Một số tác dụng phụ mà thuốc Cinnarizin gây ra cho người sử dụng đó là:

  • Rối loạn hệ tiêu hóa, buồn ngủ… nhưng những triệu chứng này thường có xu hướng thuyên giảm khi tiếp tục sử dụng thuốc Cinnarizin.
  • Các triệu chứng của ngoại tháp như co cứng, thực hiện động tác một cách chậm chạp, rối loạn vận động bao gồm múa vờn, múa giật, rung giật cơ…, đặc biệt rất hay gặp khi sử dụng thuốc Cinnarizin trên người cao tuổi, nếu không được xử lý kịp thời thì sẽ theo chiều hướng nặng hơn.
  • Đau đầu, khô miệng, tăng tiết mồ hôi, tăng cân

Một số lưu ý khi dùng thuốc Cinnarizin đó là:

  • Thuốc Cinnarizin được khuyến cáo sử dụng có hiệu quả nhất là sau bữa ăn để giảm kích thích dạ dày vì thuốc có thể gây đau vùng thượng vị
  • Trong trường hợp thuốc Cinnarizin dùng với mục đích chống say tàu xe thì nên uống trước bữa ăn 2 giờ đồng hồ để thuốc phát huy tác dụng tối đa.
  • Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần lưu ý khi dùng thuốc Cinnarizin đó là không được dùng thuốc chung với rượu hoặc những chất có khả năng ức chế hệ thần kinh trung ương khác, thuốc chống trầm cảm ba vòng vì trong những trường hợp này sẽ có nguy cơ làm tăng lên tác dụng an thần của thuốc.
  • Những bệnh nhân có cơ địa dị ứng với thành phần của thuốc cũng như người gặp phải những rối loạn trong chuyển hóa Porphyrin thì không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
  • Vì thuốc có thể gây nên tình trạng ngủ gà do có tác dụng an thần nên người sử dụng cần lưu ý tránh dùng thuốc Cinnarizin khi đang làm những công việc cần sự tỉnh táo của đầu óc như lái xe, làm việc ở độ cao hoặc làm các công việc liên quan đến vận hành máy móc.
  • Không nên sử dụng thuốc Cinnarizin trên những bệnh nhân cao tuổi vì có khả năng gây ra những triệu chứng liên quan ngoại tháp.
  • Phụ nữ mang thai muốn dùng thuốc Cinnarizin thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi sử dụng
  • Bệnh nhân bị bệnh Parkinson chỉ dùng thuốc Cinnarizin trong trường hợp thật sự cần thiết vì theo một số nghiên cứu thì thuốc Cinnarizin có khả năng làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh lý này.
  • Bệnh nhân gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa, ngủ gà thì có thể dùng thuốc Cinnarizin với liều tăng dần và nếu cần thiết có thể ngưng thuốc khi các triệu chứng ngày càng nặng hơn.
  • Nên bảo quản thuốc ở nhiệt độ trung bình, dưới 30°C để tránh làm mất tác dụng sinh học của thuốc.

Buồn ngủ, ngủ ngày, ngáp ngủ, mệt mỏi

Mặc dù thuốc Cinnarizin là một loại thuốc dung nạp khá tốt và có hiệu quả điều trị cao trong số những thuốc trị rối loạn tiền đình cũng như một số bệnh lý khác, tuy nhiên thuốc vẫn có thể để lại một số tác dụng không mong muốn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, vì vậy cần lưu ý khi dùng thuốc Cinnarizin và tốt nhất là có chỉ định của bác sĩ trước khi dùng thuốc, đồng thời tuân theo những chỉ dẫn là cách dùng mà bác sĩ điều trị tư vấn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Rate this post

Viết một bình luận