Độ phức tạp vừa đủ, nhịp độ hài hòa cùng việc chấp nhận người chơi mọi lứa tuổi khiến cho dòng game chiến thuật này tồn tại sau 20 năm.
Tại sự kiện Gamescom 2017 vừa diễn ra tại Đức cuối tháng 8 vừa qua, Microsoft mang tới một bất ngờ khi ra mắt Age of Empires IV, phiên bản mới nhất của dòng game Age of Empires (AOE). Phiên bản game trước đó xuất hiện cách đây mười hai năm trước.
Theo Kotaku, dường như hãng công nghệ Mỹ cuối cùng đã quyết định hồi sinh lại một trong những thương hiệu trò chơi chiến thuật được yêu thích nhất mọi thời đại. AOE phát hành lần đầu năm 1997 và trên thực tế, trong suốt 20 năm qua nó không hề bị lãng quên mà tồn tại một cách khá âm thầm. Trò chơi này không nổi tiếng với các giải đấu, cốt truyện hấp dẫn hay sự thương nhớ của cộng đồng game thủ. Sự hấp dẫn đặc biệt của dòng game này đến từ cách tiếp cận độc đáo của nó đối với thể loại chiến lược thời gian thực (RTS).
Age of Empires II HD là phiên bản rất nổi tiếng ở các quốc gia phương Tây.
Nhiều người Việt cho rằng hiện nay chỉ còn lại hai quốc gia là Việt Nam và Trung Quốc còn cộng đồng chơi AOE. Trên thực tế, game chiến thuật này vẫn được bán và chơi nhiều tại các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Bắc Mỹ. Tuy nhiên, họ ưa chuộng các phiên bản khác trong khi cộng đồng Việt lại ưa thích phiên bản có tên The Rise of Rome.
Trước đây, Age of Empires II HD là game cổ điển được yêu cầu nhiều nhất trên hệ thống phân phối GOG. Còn theo SteamSpy, kể từ khi có mặt trên nền tảng Steam, Age of Empires II HD đã bán được hơn 4,6 triệu bản kể từ năm 2013, dù hầu như không có quảng cáo. Mọi người vẫn tìm kiếm, cài đặt và âm thầm trải nghiệm trò chơi này dù một mình hay với bạn bè qua mạng LAN hoặc Internet chứ không cần xuất hiện rầm rộ như các trò chơi trực tuyến khác.
“Bất biến” trong vòng xoáy công nghệ
Nhiều năm trở lại đây, với mong muốn có được lợi nhuận tốt, nhiều nhà phát triển game muốn phát hành trò chơi của mình cho nhiều nền tảng, trên cả PC và console. Những kết quả phần lớn là thất bại khi doanh số bán hàng sụt giảm, studio phải đóng cửa, dự án bị hủy ngang chừng. Bởi không ai cảm thấy thoải mái khi phải điều khiển rất nhiều đội quân, lựa chọn xây các loại nhà khác nhau, nâng cấp chúng liên tục bằng tay cầm điều khiển.
Việc quảng bá các trò chơi chiến thuật cũng rất khó khăn, bởi rất khó để diễn tả cho người xem trailer cảm thấy hứng thú với những điều như “tăng dân số”, “điều phối quân đội”, “xây nhà”…
Một phần trong “cây công nghệ” đồ sộ của game AOE.
Các nhà phát triển trò chơi cũng đã thảo luận về ảnh hưởng ngày càng tăng của thể loại MOBA trong việc thiết kế game chiến thuật. Nhưng đây là hai thể loại khác nhau và không thể mang lại hiệu quả khi sao chép hoặc tìm cách đối phó. Thời gian gần đây, ngay cả Starcraft II từng được xem là vua của thể loại eSports cũng bị soán ngôi bởi các game MOBA như DOTA 2 hay League of Legends.
Và khi nhiều người cần tìm lại một trò chơi chiến thuật thời gian thực đúng nghĩa, họ lại thấy Age of Empires.
Phiên bản I và II của dòng game này có tốc độ chơi nhanh hơn so với các trò chơi thể loại RTS hiện đại. Chúng bắt đầu với việc người chơi mở rộng dân cư, sau đó xây dựng một lực lượng quân đội để bảo vệ nhóm người này. Tiếp đó mở rộng dân số hơn nữa để hỗ trợ quân đội và dần dần xây dựng một đế chế. Thời gian chơi một trận đấu trung bình từ 30 phút trở lên và đôi khi có thể kéo dài cả tiếng nếu có nhiều người cùng tham gia hoặc trình độ cân bằng.
Mọi người hay quan tâm tới việc phá hủy nhà đối phương để kết thúc trận đấu, nhưng nhiều người vẫn thích chọn cách chiến thắng trong hòa bình bằng cách xây dựng và bảo vệ công trình có tên Wonder (ví dụ Kim tự tháp hay Đấu trường La Mã). Chế độ chơi này nhấn mạnh sự phát triển kinh tế kết hợp quân sự, hơn là tập trung vào sức mạnh các đội quân.
Thực tế trò chơi này có rất nhiều điểm chung với Civilization, trò chơi ưa thích nhất của ông chủ Facebook là Mark Zuckerberg, bởi đồng tác giả của Civilization là giám đốc sản xuất của dòng game AOE.
AOE là game có độ phức tạp vừa đủ
Với hầu hết các game RTS, như trò Starcraft, thường có hai loại tài nguyên để khai thác khá dễ dàng. Riêng với AOE, có tới bốn loại tài nguyên khác nhau và mỗi loại lại có nhiều cách để sở hữu. Ví dụ thực phẩm (thịt) có thể lấy được từ hái lượm, săn bắn hay trồng trọt. Để khai thác mỗi loại tài nguyên người chơi lại phải xây dựng nhiều loại công trình khác nhau, ở các vị trí riêng như nhà kho cạnh rừng, bến tàu dọc bờ biển hay ruộng gần nhà chính. Sự phức tạp này mở rộng và cho người chơi nhiều lựa chọn, khuyến khích game thủ suy nghĩ cẩn thận hơn về cách họ xây dựng trong khu vực của mình.
Tiếp đó, khi đủ tài nguyên game thủ sẽ bước qua các thời kỳ mới với nhiều công trình, quan đội và công nghệ mới. Và có thể nói đây là game sở hữu một trong những “cây công nghệ” lớn nhất của thể loại chiến thuật. Không phải trò chơi nào cũng cho phép nâng cấp tốc độ di chuyển của dân chúng, năng suất cây trồng, số liệu tấn công và phòng thủ của nhiều loại quân… Trò chơi này nhấn mạnh việc nâng cấp ở cả lĩnh vực dân sự lẫn quân sự, khiến người chơi có nhiều việc cần làm mà không tạo quá nhiều áp lực buộc phải học tập và nâng cấp tất cả.
Các công trình được xây dựng để tạo thành một vành đai bảo vệ cho dân cư.
Ngoài ra, còn một yếu tố đặc biệt quan trọng là vấn đề quy hoạch thành phố. Trong nhiều game chiến thuật khác, hầu hết các tòa nhà tồn tại để sản xuất các đơn vị quân sự mới hoặc để tạo điều kiện sản xuất. Điều này có nghĩa là người chơi có thể đặt chúng ở bất cứ nơi nào, miễn là an toàn trước sự tấn công của kẻ thù. Riêng với AOE, người chơi phải dành nhiều thời gian hơn trong việc quyết định sẽ xây cái gì ở đâu để mang lại lợi ích cao nhất. Nó khiến cho vị trí bản đồ, địa hình khu vực xây dựng trở nên quan trọng.
Có thể nói AOE đủ phức tạp để game thủ luôn có những việc cần làm và đủ chậm để game thủ không cảm thấy quá áp lực, nhưng cũng đủ nhanh để không trở nên sớm nhàm chán.
Người chơi AOE không có tuổi
Không có nhiều trò chơi bạn có thể trải nghiệm chúng lúc còn trẻ và tiếp tục theo đuổi trong vài năm, thậm chí cả chục năm sau.
Ở Mỹ, nhiều người tìm mua đĩa game AOE là nam giới từ 30 đến 60 tuổi. Khi mọi người được hỏi cha mẹ của họ chơi game gì, đáp án thường là: “Bố tôi chơi Age of Empires”. Đôi khi, hình ảnh của những người đàn ông lớn tuổi đang chơi game chiến thuật này xuất hiện trên Internet.
Một phần tạo nên thành công to lớn này của dòng game này là việc thay vì hấp dẫn các game thủ bởi chiến thuật phức tạp, theo đuổi tính cạnh tranh như game MOBA, nó chấp nhận cả các game thủ có thao tác tay chậm nhưng tư duy chiến thuật phong phú.
Một người 40 tuổi vẫn có thể tận dụng lợi thế kinh nghiệm, chiến thuật để chiến thắng một thanh niên 20 tuổi trong game này. Chỉ cần lựa chọn đúng hướng phát triển, thao tác cẩn thận thì game thủ không cần click chuột điên cuồng vẫn có thể làm đúng và đủ mọi yêu cầu của hệ thống.
Game AOE phù hợp cả người trẻ lẫn trung niên.
Dòng game AOE đã đánh đúng vào một thị trường bị bỏ quên lâu nay, khi các trò chơi chiến thuật khác quá chú trọng tới việc cạnh tranh giữa các người chơi và thi thố chuyện ai nhanh tay hơn ai. Đó là nhóm game thủ không đòi hỏi quá cao sự hơn thua, là những người quan tâm đến việc xây dựng căn bản, quản lý kinh tế, nghiên cứu định hướng chiến lược.
Đây là lý do quan trọng khiến game nổi bật so với những đại diện cùng thời, và tiếp tục có chỗ đứng vững chắc cho tới tận ngày nay.
“Đế chế” ở Việt Nam
Thành công của AOE, hay còn được gọi bằng cái tên Đế chế, được cho là dựa vào ba yếu tố chính. “Thiên thời”, chính là việc game xuất hiện cùng thời điểm máy vi tính bắt đầu du nhập vào Việt Nam cũng như thời điểm sơ khai của các quán Internet. Khi không có nhiều lựa chọn, trò chơi chiến thuật đầu tiên luôn hấp dẫn và thu hút được sự chú ý và nhanh chóng lan truyền bởi đông đảo thành viên trong cộng đồng.
“Địa lợi” là việc game yêu cầu cấu hình rất thấp, dễ tải về bởi dung lượng nhỏ và “miễn phí” do các bản bẻ khóa tràn lan. Người chơi có thể trải nghiệm nó năm này qua năm khác mà không cần nâng cấp thiết bị, dù đó là chiếc vi tính với chip Pentium đời đầu hoặc Celeron.
AOE phổ biến nhờ công lớn từ các quán Internet thời kỳ đầu.
“Nhân hòa” là việc các game thủ Việt khá “dễ dãi” trong việc lựa chọn và yêu thích một trò chơi. Họ chấp nhận việc lối chơi của AOE đôi khi không quá cân bằng, chấp nhận việc chơi game trên các thiết bị cổ lỗ và trong các quán Internet nghèo nàn cơ sở vật chất. Khi đã gắn bó với AOE trong nhiều năm, từ khi học cấp III cho tới đại học, nhiều người thậm chí không muốn chơi thử bất kỳ game chiến thuật nào khác dù chúng hấp dẫn và đẹp mắt tới đâu.
AOE cũng là một trò chơi đơn giản, có thể sớm nắm bắt qua một vài lần trải nghiệm và càng đi sâu lại càng có nhiều bí mật chờ đợi để game thủ khám phá. Thêm vào đó, bối cảnh cổ đại cũng khiến người chơi Việt dễ tiếp cận hơn so với thể loại viễn tưởng hay chiến tranh hiện đại.