Miền Bắc
Bánh chưng
Bánh chưng xanh là linh hồn của ngày Tết cổ truyền ở miền Bắc. Bánh chưng thể hiện lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên, đất trời. Đây là loại bánh có lịch sử lâu đời của Việt Nam.
Làm bánh chưng, ngồi canh bánh bên bếp lửa hồng bập bùng và trò chuyện đã trở thành nét văn hóa rất riêng trong ngày Tết của những gia đình người Việt miền Bắc.
Dưa hành
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” dường như đã là câu đối Tết quen thuộc của người dân Việt Nam. Dưa hành là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết ở miền Bắc. Nó được sử dụng như một món ăn kèm với bánh chưng hoặc các loại thịt nhiều mỡ (thịt kho tàu, thịt đông…).
Vị dưa hành chua dịu, cay nhẹ giúp không chỉ tăng hương vị, giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn mà còn là món “chống ngán” rất hữu hiệu ngày Tết.
Thịt đông
Đây là món ăn rất hấp dẫn và đặc trưng của miền Bắc. Trong thời tiết lạnh của miền Bắc những ngày đầu xuân thịt đông càng trở nên ngon hơn.
Thịt đông làm từ thịt ba chỉ, thủ lợn, đôi khi sử dụng cả thịt gà cùng với mộc nhĩ. Ăn thịt đông cùng với dưa hành quả thật là đúng không khí Tết miền Bắc.
Giò heo
Khi kể đến món ăn Tết ở miền Bắc, không thể thiếu món giò nạc bằng thịt heo. Giò được thái theo khoanh, màu trắng mịn bắt mắt, vừa dễ ăn lại tiện lợi và rất sang.
Chè kho
Người miền Bắc thường nấu món chè kho để đãi khách trong ngày Tết. Chè kho có hương vị đặc biệt, ăn vừa mềm, vừa mát, có mùi thơm của đỗ xanh và mùi hương thoang thoảng của hoa bưởi.
Đối với người Hà Nội, món chè kho phải được dâng cúng tổ tiên vào đêm giao thừa và mời khách vào ngày mồng một Tết. Chè kho khi kết hợp với trà sen thì ngon hết ý.
Mứt sen
Nhắc đến các món ăn cổ truyền miền Bắc thì không thể không nhắc đến mứt sen. Món mứt được làm rất kỳ công và cũng là loại thực phẩm ngày Tết cao quý bậc nhất.
Hạt mứt sen thơm ngon, vị thanh mát quyện lẫn trong hương sen thoang thoảng khi thưởng thức món mứt sen, nhấp ngụm trà thơm bạn sẽ thấy thoải mái và yêu thêm cái Tết đầm ấm, thi vị ở miền Bắc này.
Miền Trung
Bánh tét
Nếu như ở miền Bắc có bánh chưng thì ở miền Trung có bánh tét. Bánh tét có nguyên liệu giống bánh chưng, được gói bằng lá dong, lá chuối, chỉ khác là gói thành hình trụ dài chứ không phải hình vuông như bánh chưng.
Bánh tét được coi là dạng nguyên thủy của bánh chưng, cắt ra thành từng lát tròn có nhân đậu xanh, thịt mỡ ở giữa. Lát bánh tét mềm dẻo mang hương vị đậm đà, rất riêng chỉ ở miền Trung mới có được.
Giò bò tiêu sọ
Món ăn này nghe tên gọi có vẻ khá lạ nhưng lại là một món giò hấp dẫn, đặc trưng trên mâm cỗ ngày tết của người miền Trung. Vị béo béo mà không ngấy của giò hòa vào vị cay nồng của hạt tiêu khiến ai ăn một lần cũng không thể quên được.
Thịt lợn ngâm nước mắm
Thịt lợn ngâm nước mắm là món ăn được yêu thích trong dịp Tết cổ truyền ở miền Trung. Món ăn này được chế biến từ thịt lợn đem luộc chín, đường quẩy với nước mắm.
Để nguội các nguyên liệu rồi dùng hũ thủy tinh xếp thịt vào sau đó từ từ đổ nước mắm vào cho ngập miếng thịt, sau 3 ngày thịt ngấm nước mắm là có thể ăn được. Vị đậm đà của nước mắm, vị ngọt của đường, vị béo mềm của thịt cùng vị cay thơm của hạt tiêu tạo ra sự hài hòa đặc biệt của món ăn.
Dưa củ kiệu
Dưa củ kiệu là một trong những món ăn cực kỳ ngon miệng, có thể dùng chung với thịt chân giò, bánh tét, thịt quay… Giống miền Bắc ngày Tết không thể thiếu dưa hành muối thì dưa củ kiệu là món ăn phổ biến của người miền Trung.
Tôm chua
Nếu ai đã từng thưởng thức, chắc hẳn sẽ không thể nào quên hương vị của món tôm chua – đặc sản nổi tiếng và cũng là món ăn quen thuộc trong dịp Tết cổ truyền của người Huế.
Tôm chua có thể ăn cùng cơm, bún hay cuộn chung với bánh tráng đều ngon, nhưng nhất định phải có vài ba miếng thịt ba chỉ thái mỏng cùng chút bùi bùi của rau xanh thì mới quả thực tuyệt vời.
Bò kho mật mía
Bò kho mật mía là món ăn được người miền Trung ưa chuộng. Màu sắc hài hòa, đậm màu vàng nâu, những miếng thịt bò mềm với mùi thơm mật mía, trộn trong vị cay cay của gia vị gừng, sả, ớt thành một hương vị hoàn hảo không thể thiếu trong mâm cơm Tết.
Miền Nam
Bánh tét
Đây là loại bánh giống bánh chưng ở miền Bắc và bánh tét ở miền Trung. Được gói thành hình trụ dài như người miền Trung nhưng bánh tét ở miền Nam lại có hai loại nhân là nhân mặn và ngọt.
Nhân mặn được làm bằng đậu thịt và nhân ngọt được làm bằng chuối hay đậu xanh. Người miền Nam thường gói bánh tét 10 ngày trước Tết để cúng tổ tiên, làm quà biếu Tết.
Thịt kho trứng nước dừa
Vào những ngày Tết, các bà, các mẹ đều chuẩn bị cho gia đình một nồi thịt kho trứng nước dừa thơm ngon. Miếng thịt ba rọi được thái thành phần lớn, ướp với gia vị trong khoảng 30 phút. Trứng vịt được đem luộc chín, bỏ vỏ.
Khi đặt nồi lên bếp, cho nước dừa tươi, nước lạnh vào đun sôi, sau đó cho thịt vào. Thịt vừa mềm thì cho trứng vào, nêm gia vị, để nhỏ lửa và ninh mềm.
Canh khổ qua
Theo quan niệm của người miền Nam, thưởng thức canh khổ qua vào ngày Tết cổ truyền là mong muốn những cơ cực, khó khăn của năm cũ qua đi, cầu mong một năm mới tươi đẹp hơn.
Bên cạnh đó, món canh khổ qua nhồi thịt còn rất phù hợp trong thời tiết nắng ấm của miền Nam với tác dụng thanh nhiệt, giải mỡ, rất tốt cho sức khỏe.
Chả giò
Cũng giống như món ngon ngày Tết ở hai miền Bắc – Trung, chả giò là món ăn không thể thiếu của người miền Nam. Miếng chả giò thơm ngon, giòn rụm và đặc biệt ở miền Nam không chỉ có chả giò nhân mặn mà còn có chả giò nhân hoa quả vô cùng thú vị.
Củ kiệu tôm khô
Đây là món ăn “thượng hạng” dành cho dân nhậu ngày Tết được chuẩn bị ngay từ giữa tháng chạp. Vị chua ngọt của dưa kiệu được trộn vào vị mềm thơm của tôm đất cỡ nhỏ, càng nhai càng ngọt rất hấp dẫn. Củ kiệu tôm khô có thể ăn với bánh tét cũng rất ngon miệng.
Canh măng
Khác với canh măng miền Bắc được chế biến từ măng khô, canh măng ở miền Nam được chế biến hoàn toàn từ măng tươi.
Canh măng là món ăn cung cấp nhiều chất xơ và các vitamin cho cơ thể. Đây là món ăn hữu hiệu để làm giảm lượng chất béo được nạp vào ngày Tết, mang hương vị đậm đà, cuốn hút.
(Ảnh Sưu tầm)