Những vật dụng mẹ cần chuẩn bị để ăn dặm không là cuộc chiến

Khoảng từ tháng thứ 6, mẹ và bé sẽ bắt đầu một giai đoạn thú vị trong cuộc đời con, đó là ăn dặm. Bé sẽ bắt đầu làm quen với những thức ăn rắn ngoài sữa mẹ. Một số bé có thể rất thích thú với mùi vị của thức ăn trong khi có những bé lại kén ăn hơn. Để giúp bé hào hứng với việc ăn dặm, AVAKids đã tổng hợp những kiến thức mà mẹ có thể áp dụng ngay.

Mẹ có thể biết bé yêu sẵn sàng để làm quen với các loại đồ ăn mới khi bé có thể tự ngẩng cao đầu, tự ngồi không cần trợ giúp. Bé thể hiện sự quan tâm đến đồ ăn và đã tăng gấp đôi trọng lượng cơ thể so với khi sinh. Khi đến với cột mốc quan trọng này, chắc hẳn mẹ sẽ băn khoăn không biết mình cần những vật dụng gì để giúp trải nghiệm ăn uống đầu tiên của bé trở nên thú vị. Ngoài những thức ăn được chế biến đẹp mắt, có những thứ mà mẹ sẽ cần chuẩn bị để ăn dặm không trở thành cuộc chiến.

1 Ghế ăn dặm

Trẻ có thể tự ngồi vào ghế ăn dặm khi cơ thể bé giữ thăng bằng được mà không cần sự trợ giúp như những tháng đầu đời. Mẹ có thể yên tâm khi sử dụng ghế ăn dặm cho bé vào khoảng 5 hoặc 6 tháng tuổi. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại ghế với nhiều phân khúc giá cũng như kiểu dáng để mẹ lựa chọn. Tuỳ vào nhu cầu, ngân sách và không gian nhà mà mẹ có thể cân nhắc để sử dụng loại ghế phù hợp.

Ghế ăn dặm là dụng cụ đầu tiên mẹ nên chuẩn bị khi bé bắt đầu ăn dặm

Ghế ăn dặm là dụng cụ đầu tiên mẹ nên chuẩn bị khi bé bắt đầu ăn dặm. Nguồn ảnh: freepik

Mẹ không nhất thiết phải đầu tư vào một chiếc ghế cao cấp. Nhưng để đảm bảo an toàn cho bé thì ghế phải có độ bền đạt tiêu chuẩn cũng như kích thước hợp với vóc dáng của bé. Trước khi mua, mẹ nên cho bé ngồi thử một vài kiểu dáng ghế. Yêu cầu đối với ghế ăn dặm là mẹ có thể đưa bé vào ngồi hoặc nhấc bé ra dễ dàng. Bàn ăn kèm ghế hoặc đai an toàn không làm hằn da bé. Ngoài ra, hãy chọn loại ghế dễ vệ sinh và có tính năng tháo rời các bộ phận khi cần.

Nếu không gian nhà quá nhỏ hoặc mẹ cần một chiếc ghế để có thể mang đi cùng bé khi ra ngoài thì có thể tìm hiểu thêm về ghế kẹp ăn dặm. Loại ghế này có thể kẹp vào bàn để bé ăn cùng gia đình.

2 Yếm ăn dặm silicon

Hiện có khá nhiều loại yếm để mẹ có thể sử dụng cho con khi tập ăn. Ở độ tuổi 6 tháng trở lên, bé khám phá thức ăn bằng nhiều cách như bốc, nếm thử và có thể làm rơi vãi thức ăn. Vậy nên, mẹ sẽ cần một chiếc yếm dễ dàng làm sạch.

Yếm được làm bằng chất liệu silicon mềm, dẻo, không thấm nước và an toàn cho da của bé. Túi hứng thức ăn ở phía trước cũng là một đặc điểm thiết kế thực sự hữu ích. Yếm đeo vào cổ bé phải che được vùng ngực và tạo cảm giác thoải mái. Còn nếu mẹ sử dụng yếm vải thì hãy mua ít nhất 2 chiếc để có thể thay thế khi bé làm bẩn cũng như có thời gian giặt khô giữa các lần ăn.

3 Thìa ăn dặm

Mặc dù việc cho bé tiếp xúc với đồ ăn bằng cách cầm nắm là một ý tưởng khá thú vị. Thế nhưng ở thời điểm 6 tháng tuổi, các bé đều bắt đầu với thức ăn xay nhuyễn. Lúc này, những chiếc thìa dành cho người lớn có kích thước quá to so với miệng của trẻ. Vì vậy, mẹ cần có sẵn một vài chiếc thìa ăn dặm dành cho bé.

Mẹ có thể sử dụng 2 chiếc thìa ăn dặm cho bé cùng sử dụng. Nguồn ảnh: freepik

Mẹ có thể sử dụng 2 chiếc thìa ăn dặm cho bé cùng sử dụng. Nguồn ảnh: freepik

Mẹ nên chọn loại thìa mềm, dẻo để giúp bé không bị nôn trớ. Bé chỉ cần một lượng thức ăn rất nhỏ nên mẹ có thể yên tâm dù thìa có kích thước bé xíu. Những chiếc thìa có màu sắc tươi sáng có thể khiến bé hào hứng hơn khi ăn.

Mẹ sẽ cần ít nhất hai hoặc ba thìa vì trong khi ăn, bé có thể làm rơi. Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng một thìa cho bé ăn và một thìa để bé tự cầm.

4 Bát ăn dặm

Ngoài những dụng cụ ở trên thì bát ăn dặm cũng rất cần thiết cho trẻ. Mẹ hoàn toàn có thể sử dụng bát của gia đình nhưng kích cỡ bát người lớn thường quá to so với nhu cầu của bé. Thay vào đó, một chiếc bát được làm từ chất liệu bền bỉ, chống vỡ, có nhiều màu sắc, hình ảnh vui nhộn sẽ giúp bé hứng thú với bữa ăn của mình.

Chuẩn bị hai chiếc bát trong mỗi bữa ăn dặm là lý tưởng nhất cho bé. Các mẫu bát có nhiều ngăn cũng là dụng cụ mà mẹ có thể sử dụng để chứa nhiều loại đồ ăn cùng lúc cho bé nếm thử.

5 Cốc uống nước

Khi bắt đầu ăn dặm, trẻ nhỏ cũng cần được bổ sung thêm nước. Bé sẽ học cách uống nước từ một chiếc cốc thay cho việc ngậm núm ti. Đây là lúc mẹ cần sắm thêm một chiếc cốc sippy.

Cốc sippy giúp bé uống nước dễ dàng hơn. Nguồn ảnh: freepik

Cốc sippy giúp bé uống nước dễ dàng hơn. Nguồn ảnh: freepik

Cốc sippy có vòi hút dành cho trẻ với những ưu điểm như thiết kế tay nắm giúp bé học cách tự cầm, tự đưa vào miệng. Cốc cũng giảm tình trạng tràn nước, đổ nước. Mẹ nên chọn loại cốc không chứa BPA và dễ làm sạch.

Lúc đầu, mẹ sẽ chỉ cần một hoặc hai chiếc cốc cho bé. Kích thước cốc không cần quá lớn. Khi bé lớn hơn, cốc sippy cũng là dụng cụ thiết thực để mang theo khi bé vui chơi và đi dạo.

6 Tấm lót sàn

Như đã giới thiệu, việc ăn dặm của bé có thể biến thành một “cuộc chiến” khi mà mẹ vừa phải cho con làm quen với thức ăn vừa phải dọn dẹp những thứ mà bé làm rơi vãi trên sàn nhà. Nhất là, những thức ăn nhuyễn, nước sẽ có nguy cơ dính vào bàn ghế, chảy xuống sàn. Vậy nên, sử dụng một tấm lót sàn sẽ cho phép mẹ tiết kiệm thời gian dọn dẹp. Đừng quên giặt hoặc rửa sạch tấm lót thường xuyên để hạn chế vi khuẩn, nấm mốc tồn tại tấn công hệ miễn dịch của bé.

7 Một số loại máy chế biến thức ăn

Để có thể đảm bảo an toàn thực phẩm thì mẹ có thể tự chế biến thức ăn cho bé. Trong những tháng đầu đời, bé chỉ cần những món ăn xay nhuyễn đơn giản. Mẹ sẽ quản lý những món mà bé nạp vào cũng như lượng thức ăn của bé một cách dễ dàng. Lúc này, mẹ cần một số loại máy chế biến thức ăn như máy xay, máy nghiền,…

Bên cạnh đó, các dụng cụ hấp, rây,… cũng sẽ cần thiết trong quá trình chế biến. Mẹ không cần đến những loại máy to, nhiều chi tiết vì bé sẽ lớn rất nhanh và chuyển dần từ thức ăn xay nhuyễn sang nấu chín mềm.

Mẹ chuẩn bị thức ăn cho bé bằng cách dùng máy xay nhuyễn. Nguồn ảnh: freepik

Mẹ chuẩn bị thức ăn cho bé bằng cách dùng máy xay nhuyễn. Nguồn ảnh: freepik

8 Khăn ăn, dụng cụ làm sạch

Cuối cùng, mẹ có thể cần thêm khăn để lau mặt, lau miệng cũng như một chiếc khăn khác để làm sạch tay chân của bé nhanh chóng. Một chai dung dịch dạng xịt để làm sạch bàn ăn trước khi cho bé ngồi cũng sẽ giúp mẹ an tâm hơn.

Kết luận

Ăn dặm là cả một quá trình mà mẹ và bé đồng hành cùng nhau. Bé cần có thời gian để làm quen cũng như có sự yêu thích với đồ ăn. Vậy nên, mẹ cũng sẽ cần có sự đầu tư phù hợp để hỗ trợ bé trong quá trình này. Mong rằng những thông tin trên đây mà AVAKids mang đến sẽ giúp các mẹ nuôi con “nhàn tênh”.

Thu Phương dịch từ verywellfamily

1. American Academy of Pediatrics. Starting solid foods

Rate this post

Viết một bình luận