Trong ngày vui hôm nay, chúng ta càng bâng khuâng xúc động nhớ tới các thế hệ cha anh đã anh dũng ngã xuống, vì một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong số những người con ưu tú ấy, có Anh hùng – liệt sỹ Phan Đình Giót, sinh năm 1922, dân tộc Kinh; quê ở xóm Tam Quang, thôn Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh…
Anh hùng – liệt sỹ Phan Đình Giót.
Xuất thân từ thành phần bần nông, gia đình Phan Đình Giót sống rất nghèo khổ, đã mấy đời chịu cảnh cày thuê cuốc mướn. Bản thân Phan Đình Giót cũng phải đi ở cho địa chủ, từ năm chưa đầy 13 tuổi. Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng với bạn bè trang lứa, Phan Đình Giót hăng hái tham gia Tự vệ đoàn, chiến đấu bảo vệ quê hương. Đầu năm 1950 anh 4 lần viết đơn, xung phong vào bộ đội chủ lực. Chỉ sau 3 tháng huấn luyện cấp tốc, Phan Đình Giót đã lần lượt được tham dự hàng loạt các chiến dịch lớn, như: Trung Du, Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ… Chiến dịch nào Phan Đình Giót cũng có mặt trong những trận đánh quyết định, đảm nhiệm những vị trí then chốt của trận địa. Trận Tràng Bạch (Chiến dịch đường 18), sau khi đánh sập 1 lô cốt chìm của địch thì anh bị thương, băng bó qua loa xong anh nằng nặc xin ở lại tiếp tục chiến đấu, đến tận khi trận đánh kết thúc. Tại trận Chùa Tiếng cuối năm 1950, một mình Phan Đình Giót dũng cảm và mưu trí tiêu diệt liên tiếp 4 ụ đại liên của địch, gây cho giặc sự hoảng loạn cao độ.
Mùa xuân năm 1951, trung đoàn của anh nhận lệnh phục kích đánh địch khi chúng di chuyển lên Hoà Bình; đại đội Phan Đình Giót được giao nhiệm vụ vượt sông Đà, tiến công đồn Ba Vì. Không may bị phát hiện, đội hình ta bị máy bay và đại bác địch oanh tạc dữ dội liền trong mấy giờ đồng hồ. Phan Đình Giót không quản hy sinh, dẫn đầu một tổ chủ công xung phong dưới làn bom đạn, áp sát mục tiêu, san bằng đồn địch trước sự ngạc nhiên, thán phục và vô cùng khiếp sợ của bọn hàng binh. Song, thành tích xuất sắc nhất, vẻ vang nhất của Phan Đình Giót, là ở chiến dịch Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
… Dạo ấy là cuối mùa đông năm 1953, sau khi Bộ Chính trị và Tổng Quân uỷ Trung ương quyết định mở chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ); Phan Đình Giót cùng đại đội 58 (tiểu đoàn 428, trung đoàn 141, đại đoàn 312 – Bến Tre), nô nức tiến quân lên Tây Bắc. Với tinh thần giải phóng Điện Biên Phủ, các chiến sỹ chân đồng vai sắt đã băng qua gần 500km đường rừng với muôn vàn đèo cao, vực thẳm; đơn vị vừa hành quân, vừa tự xẻ núi mở đường và hỗ trợ các đơn vị bạn kéo pháo vào trận địa. Theo Chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận – dù gian khổ, hy sinh thế nào cũng phải tập kết kịp thời, sẵn sàng đợi lệnh…
Đúng 17 giờ 05 phút ngày 13 tháng 3 năm 1954, được sự chi viện của 40 khẩu pháo và súng cối các cỡ, đại đoàn 312 đồng loạt tấn công vào cụm cứ điểm Him Lam (Bêatơrixơ). Cứ điểm Him Lam gồm 3 vị trí (101A, 101B và 102) nằm trên 3 quả đồi, hình thành theo thế “chân kiềng”, có thể yểm trợ, giải vây cho nhau một cách dễ dàng. Him Lam là trận địa phòng ngự vững chắc, địch bố trí ở đây nhiều hoả điểm lợi hại, xung quanh được bao bọc bởi những hàng rào dây thép gai kiên cố rộng 200m, mìn gài dày đặc. Ngoài 1 đại đội nguỵ quân người Thái, Him Lam còn được trấn giữ bởi tiểu đoàn 3, thuộc bán lữ đoàn Lê dương số 13 (13 ème D.B.LE) nổi tiếng gan dạ và thiện chiến, do viên quan tư Pêgô chỉ huy. Trong thế chiến thứ hai tại Libi, đội quân lê dương này từng được mệnh danh là “đơn vị thần thoại”.
Trong trận mở màn tấn công vào Him Lam – một trận đánh với tư tưởng chỉ đạo là phải bằng mọi giá giành chiến thắng để tạo tiếng vang – Phan Đình Giót với cương vị tiểu đội trưởng bộc phá, có nhiệm vụ bật tung cửa mở, tạo điều kiện cho tiểu đoàn công binh 428 ào ạt xốc tới, đánh chiếm mục tiêu số 2 của giặc. Ngoài quả bộc phá thứ 9 được phân công, Phan Đình Giót còn tự nguyện xông lên đánh thay phần đồng đội bị thương. Sau quả thứ 11, chính anh cũng bị ngất đi do vết thương ở đùi khá nặng, mất rất nhiều máu. Khi tỉnh dậy, anh giật mình thấy các mũi xung kích của ta vẫn bị chặn lại, bởi hoả lực di động của địch đột nhiên xuất hiện từ cánh tả. Trung liên ta vận động lên thì bị pháo 155 ly của địch từ Mường Thanh và Độc Lập bắn tới, nhiều người bị vùi lấp cùng với cả vũ khí, cán bộ trung đội cũng đã hy sinh hết.
Tình thế không cho phép chần chừ, Phan Đình Giót thận trọng ép mình xuống sát mặt đất rồi nhích dần, nhích dần về phía hoả lực địch. Từ trong lô cốt, địch bắn ra như vãi đạn; những đường đạn đan kín mặt đất, nhuộm đỏ cả trời đêm, tiếng gió xé sát sạt mang tai, cuốn theo mùi tóc cháy khét lẹt. Mặc! Phan Đình Giót vẫn lặng lẽ nhoài lên phía trước từng ly một. Gần tới lô cốt giặc, anh dồn hết sức bình sinh nhô hẳn người lên, quẳng quả lựu đạn cuối cùng vào lỗ châu mai. Sau mấy giây địch lại tiếp tục bắn ra, Phan Đình Giót nghiến răng kề khẩu tiểu liên vào tận miệng lỗ, bắn liên tiếp hai băng đạn còn lại. Nhưng, khi xung kích ta tiến lên vẫn gặp phải sức chống trả điên cuồng của hoả lực địch, gây thêm nhiều thương vong cho chiến sỹ.
Đúng phút này, phẩm chất sáng ngời của người đảng viên cộng sản bừng cháy trong anh! Anh run lên, quên hết cả nỗi đau đớn do 4 vết thương; rồi bằng một động tác nhanh nhẹn và dứt khoát, Phan Đình Giót bất ngờ nằm nghiêng xuống chân lô cốt, áp lồng ngực thanh xuân của mình vào đúng lỗ châu mai. Hoả lực địch câm bặt, thừa thế đồng đội ào lên như vũ bão diệt gọn cứ điểm địch ngay sau đó; lúc ấy là 22 giờ 30 phút, ngày 13 tháng 3 năm 1954. Phan Đình Giót, người con ưu tú của quê hương Xô – Viết, đã anh dũng ngã xuống trên chiến trường Điện Biên lịch sử; xứng đáng với lời hứa trong lần anh được gặp Bác Hồ kính yêu, tại “Đại hội Anh hùng và Chiến sỹ thi đua, lần thứ I” (1952). Ngày 31 tháng 8 năm 1955, anh được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và Huân chương Quân công hạng Nhì.
Nghĩa trang A1 – 60 năm qua, đây là nơi các thế hệ tìm về dâng hương tưởng niệm các anh hùng – liệt sỹ
đã hiến dâng đời cho mảnh đất Điện Biên.
Giờ đây – tại Nghĩa trang Liệt sỹ A1 giữa lòng thành phố Điện Biên Phủ anh hùng – Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, cũng như khách hành hương từ khắp mọi miền đất nước, vẫn thường xuyên tổ chức viếng thăm. Đời đời ghi nhớ công ơn của các anh, những người đã xả thân cứu nước. Trong làn khói thơm nghi ngút toả ra từ lớp lớp hương trầm, tôi rưng rưng mỗi khi nhẩm đọc những dòng lạc khoản trang trọng trên các vòng hoa: “Đoàn… tỉnh… Kính viếng hương hồn các Anh hùng, liệt sỹ!”…
Nguồn: baodienbienphu.com.vn