Đăng 3 năm trước
150.077
Nước dừa tươi dùng để giải khát rất tuyệt vời trong ngày nắng nóng, không những thế nước dừa còn chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Vậy nước dừa có công dụng như thế nào và bảo quản ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1Công dụng của nước dừa tươi
a. Giảm nguy cơ mất nước
Nước dừa rất giàu kali và các khoáng chất giúp điều hòa dịch nội bộ và bổ sung nước cho cơ thể. Nước dừa được dùng để điều trị chứng mất nước mỗi khi bạn bị bệnh lỵ, dịch tả, tiêu chảy, cúm và cần sự cân bằng chất điện phân.
Uống một cốc nước dừa mỗi ngày giúp giảm nguy cơ bất thường của đường tiêu hóa, tạm biệt nhiệt miệng và nhanh chóng hồi phục cơ thể sau khi mất nước.
b. Giảm vấn đề về tiết niệu
Nếu bạn uống nước dừa thường xuyên có thể làm giảm các vấn đề về tiết niệu. Những người bị bệnh tiểu rắt, và các bệnh tiết niệu khác nên uống nhiều nước dừa để làm giảm triệu chứng của bệnh.
c. Có lợi cho hệ tiêu hóa
Nước dừa chứa axit lauric mà khi vào cơ thể chúng sẽ chuyển đổi thành monolaurin. Monolaurin sẽ giúp kháng vi-rút, kháng khuẩn, chống giun đường ruột, ký sinh trùng và nhiễm trùng đường tiêu hóa khác ở trẻ em và người lớn.
Ngoài ra, nước từ dừa đóng vai trò như một loại thuốc kháng sinh và là một phương thuốc đơn giản cho những vấn đề về đường ruột. Bạn có thể áp dụng bằng cách trộn một thìa cà phê dầu ôliu vào một cốc nước dừa và uống hàng ngày (ít nhất ba ngày/ tuần).
Đối với các vấn đề về táo bón, tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa thông thường khác nên uống một cốc nước dừa ngày 2 lần.
d. Tốt cho tim mạch
Theo các nhà nghiên cứu, những bệnh nhân có huyết áp cao thường có mức độ kali thấp. Vì vậy, uống nước dừa thường xuyên có thể khá hiệu quả trong việc điều hòa huyết áp do nồng độ cao kali và axit lauric.
Tương tự, một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nước dừa có thể giúp tăng HDL (tốt) cholesterol, và làm cho nó là một thứ nước tuyệt vời tự nhiên để điều trị duy trì sức khỏe tim mạch.
e. Làm đẹp da
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng cytokinin được tìm thấy trong nước dừa giúp điều chỉnh sự phát triển tế bào da. Bên cạnh đó trong nước dừa có chứa acid lauric có thể giảm thiểu sự lão hóa của tế bào da, cân bằng độ PH và giữ cho các mô da liên kết mạnh mẽ, làm ẩm cho da.
Vì vậy, chỉ cần áp dụng thoa nước dừa lên vùng da xấu xí mỗi tối trước khi đi ngủ có thể giúp hạn chế mụn trứng cá, nếp nhăn, vết rạn, ngứa da.
f. Giúp giảm cân
Thay vì các loại sinh tố hay đồ uống nhiều calo, nước dừa là lựa chọn tuyệt vời nhất nếu bạn muốn một loại nước vừa tự nhiên, vừa ngon, giúp cơ thể khỏe và đẹp.
Nước dừa rất giàu chất dinh dưỡng, có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất bằng cách cung cấp nhiều oxy hơn cho cơ thể.
Quá trình trao đổi chất hoạt động thích hợp sẽ điều hòa tốt lượng đường trong máu, từ đó giúp kiểm soát các cơn thèm ăn không đáng có. Khi kết hợp nước dừa vào chế độ ăn kiêng, bạn sẽ thấy việc giảm cân trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Do khả năng điều hòa lượng đường máu tốt, nước dừa cũng được coi là thực phẩm tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
g. Tăng cường năng lượng
Do đặc tính dồi dào vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng hơn hẳn các thức uống khác, nước dừa là một thức uống tăng cường năng lượng tuyệt vời.
Trong đó, nước dừa có chứa ít đường và hàm lượng natri ít hơn hẳn so với các nước uống thể thao khác nhưng lại có nhiều kali, canxi và chloride giúp bổ sung và nâng cao mức năng lượng của cơ thể cho bạn năng lượng tối ưu.
h. Tăng cường hệ miễn dịch
Nước dừa là một chất lỏng vô trùng ít calo và chất béo nhưng lại giàu vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác.
Một vài chất dinh dưỡng chính trong dừa nước bao gồm acidlauric, chloride, và sắt, kali, magiê, canxi, natri, và Phospho. Trong thực tế, lượng kali có trong nước dừa gấp 2 lần lượng kali có trong chuối.
Điều này giúp cân bằng sức khỏe cơ bắp, tim mạch, hệ thần kinh và hệ miễn dịch, cũng như hấp thụ và cân bằng các chất lỏng bên trong của cơ thể.
2Cách bảo quản nước dừa
a. Nước dừa để được bao lâu?
Thông thường, nước dừa tự nhiên vừa hái xuống sẽ bảo quản được trong vòng 7 ngày. Nếu sử dụng dừa tươi thì tốt nhất bạn nên uống nước dừa ngay tại gốc, khi ấy nước dừa sẽ đảm bảo được độ ngon ngọt, thanh mát tự nhiên. Nếu muốn bảo quản lâu hơn thì bạn có thể để nước dừa vào ngăn mát tủ lạnh.
Dù được bảo quản trong tủ lạnh nhưng cũng không nên để nước dừa quá lâu. Nếu để nước dừa quá lâu có thể sẽ làm cho nước dừa không còn ngon ngọt như ban đầu nữa, cũng có trường hợp để nước dừa quá lâu khiến nước dừa biến chất, gây đau bụng, khó chịu cho người sử dụng.
Đối với những trái dừa đã được tiêm hóa chất metabisulfit natri sau đó được bọc một lớp bảo vệ ở ngoài, có tác dụng làm trắng và tiêu diệt vi sinh vật ngoài gáo dừa, giữ được tính tự nhiên của nước dừa thì có thể bảo quản từ 4 đến 6 tuần lễ và bảo quản trong nhiệt độ là 5 độ C.
Hiện nay, còn có một số cách bảo quản dừa khác có thể làm tăng thời gian tươi cho quả dừa như làm lạnh sâu ở nhiệt độ âm 35 đến 40 độ C hoặc bảo quản ở âm nhiệt độ 18 độ C. Tuy nhiên, những quả dừa như thế này thường có giá thành cao hơn so với những quả dừa thông thường khác và ít nhiều cũng làm thay đổi hương vị của nước dừa.
b. Để nước dừa sau 1 ngày có nên uống không?
Các chuyên gia luôn khuyến khích mọi người nên uống nước dừa ngay sau khi được hái xuống, vì dừa càng tươi thì càng ngon và đảm bảo được chất lượng nguyên thủy của nó.
Bạn có thể uống nước dừa đã để qua một ngày nhưng với điều kiện là phải bảo quản nó trong ngăn mát của tủ lạnh.
Trong trường hợp bạn không bảo quản nước dừa trong tủ lạnh thì nên cẩn trọng, nước dừa có thể đã bị hư, biến chất, nếu uống có thể gây đau bụng, tiêu chảy…
3Những lưu ý khi uống nước dừa tươi
a. 5 lưu ý khi sử dụng nước dừa
Không nên lạm dụng nước dừa: uống hơn 3 – 4 trái và uống liên tục nhiều ngày.
Không nên uống nước dừa vào buổi tối (gây đầy bụng).
Uống nước dừa từ từ (không nên pha đá hoặc kèm các hóa chất khác).
Sau khi đi ngoài trời nắng về uống nước dừa từng chút một (tránh uống quá nhiều sẽ dẫn đến các triệu chứng: ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt hoặc sốt cao).
Khi thi đấu thể thao, uống nước dừa nhiều, sẽ làm cho tay chân rũ nước, giảm sức dẻo dai và phản xạ nhanh lẹ cần thiết.
b. Khi nào không nên uống nước dừa?
Những người có thể tạng thuộc âm: da xanh tái, bắp thịt mềm nhão, mát, tay chân lạnh, ăn uống chậm tiêu, ăn ít, ít khát nước, thích uống ấm, dễ bị tiêu chảy, phân mềm, người nặng, bải hoải, chậm chạp… không nên dùng nước dừa.
Phụ nữ có thai không nên uống nước dừa vào quý thứ 1 của thai kỳ (khi uống nước dừa cần tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa).
Người bị bệnh trĩ, huyết áp thấp, thấp khớp,… không nên uống nước dừa.