Chắc hẳn nhiều bạn khi đi trên đường sẽ thấy các biển hiệu ở các cửa hàng như “Đổ nước mui” “Cơm bình dân – Có nước mui“… Và các bạn cũng không hiểu Nước mui là gì? Có uống được không? Tại sao xe tải cần đổ nước mui. Bài viết sẽ giải thích tất tần tật về nước mui cho các bạn hiểu hơn.
Nước mui là gì?
Nước mui thực chất là nước sinh hoạt thông thường, được đựng trong thùng phía đầu xe, chủ yếu là xe tải. Nước mui cũng có tác dụng làm mát nhưng không phải loại dung dịch nước làm mát hay đổ vào hệ thống.
Đổ nước mui vào đâu?
Két (thùng) nước trên nóc xe – đầu xe, chủ yếu là các xe tải. Khi các xe chở nặng phải leo đèo dốc, động cơ hoạt động hầu như hết công suất, gây nóng máy (dĩ nhiên nóng cao hơn khi chạy bình thường) nên khi qua đèo dốc thì lái xe xả nước xuống để làm mát động cơ và lốp.
Mặc dù nước trong két được bơm tuần hoàn, song người ta vẫn phải trích ra một đường để làm mát lốp và một số bộ phận khác
Trước đây, công nghệ động cơ và làm mát còn chưa phát triển, nên những xe tải chở nặng, chạy đường dài, hay phải leo đèo dốc thường bị nóng lên rất nhanh. Để giúp giảm nhiệt, xe tải thường chế thêm thùng nước đặt trên đầu xe và dẫn vòi xuống két nước cùng các lốp, phanh. Khi nóng quá, tài xế sẽ cho nước xả một phần giúp làm mát nhanh động cơ, phần khác xả thẳng vào cụm phanh, lốp giảm nhiệt tránh cháy phanh, nổ lốp.
Hiểu thêm về nước làm mát xe
Nước làm mát là gì?
Dung dịch nước làm mát động cơ không phải là loại nước lọc dùng trong sinh hoạt hàng ngày mà là chất lỏng chuyên dụng. Thành phần chính là nước cất (nước tinh khiết) và dung dịch làm mát ethylene glycol có tác dụng truyền dẫn nhiệt nhanh, cùng các chất phụ gia giúp chống bay hơi, ăn mòn động cơ…
Két nước làm mát đặt ở đâu?
Két nước là bộ phận có nhiều lớp lá kim loại xếp sát nhau như mang cá. Cấu trúc này giúp tăng tối đa diện tích và không gian cho nước mát chảy qua. Về cấu tạo cơ bản của hệ thống làm mát, nước làm mát sau khi tiếp xúc với động cơ sẽ nhận nhiệt lượng và nóng lên, sau đó theo các đường ống chạy về két nước. Tại đây, két nước có quạt tản nhiệt cộng gió tự nhiên làm mát lượng nước vừa tới và tiếp tục quay trở lại động cơ làm mát tiếp theo một vòng khép kín.
Hầu hết xe dân dụng hiện nay đều có cấu tạo động cơ đặt ở phía trước, dưới nắp ca-pô. Trong khoang này, két nước thường được thiết kế đặt ở phía đầu xe, ngay sau lưới tản nhiệt. Cách thiết kế này giúp luồng gió qua lưới tản nhiệt gặp két nước giúp giảm một phần nhiệt của lượng nước phía trong.
Bao lâu cần thay nước mát?
Lời khuyên của các chuyên gia là cứ sau mỗi 40.000-50.000 km lăn bánh (khoảng 2-3 năm), tài xế nên thay nước mát để đảm bảo khả năng làm mát hiệu quả nhất. Với xe lần đầu thay có thể để lâu hơn 50.000 km mới thay, nhưng những lần tiếp theo nên đều đặn theo tần suất này.
Bên cạnh đó, những khi bảo dưỡng xe nhất là trong mùa hè, cần thường xuyên kiểm tra mực nước trong bình chứa, nếu thấp hơn mức tiêu chuẩn cần châm thêm, đồng thời kiểm tra hệ thống làm mát vì có thể sẽ bị rò rỉ.
Khi xe báo quá nhiệt cần làm gì?
Khi động cơ đang nóng, nước mát trong bình có thể sôi. Nếu lúc này mở nắp bình ngay, áp lực nước sẽ phun ra ngoài khiến tài xế bị bỏng. Do đó, cần mở nắp ca-pô và đợi cho tới khi máy nguội hơn mới tiến hành mở nắp bình nước kiểm tra hoặc châm thêm nước.
Có thể trộn nước sinh hoạt với nước mát được không?
Nước lọc hay những loại nước dùng trong sinh hoạt tự nhiên chứa nhiều hợp chất khác nhau như cặn đá vôi, kim loại. Do đó, khi vào hệ thống làm mát, ở nhiều độ cao có thể khiến cặn đóng ở két nước, giảm hiệu suất tản nhiệt. Những chai nước khoáng bán sẵn để uống cũng không an toàn vì trong nước này có những chất khoáng tốt cho cơ thể người nhưng lại có thể gây đóng cặn.
Trong những trường hợp khẩn cấp bắt buộc phải dùng nước lọc hoặc nước khoáng thì vẫn có thể châm vào bình nước mát, nhưng sau đó cần tới ngay trạm bảo dưỡng để nhân viên vệ sinh két nước và châm đúng loại dung dịch.
(Tổng hợp)
Bài liên quan:
- Thủ tục và nơi nộp hồ sơ khai lệ phí trước bạ khi mua ô tô mới