Trước tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp, nhiều địa phương tích cực phát động người dân nuôi cá bảy màu. Nuôi cá bảy màu là biện pháp diệt lăng quăng hiệu quả, không cho chúng phát sinh thành muỗi, trung gian truyền bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh SXH. Phương pháp này đang được một số địa phương trong huyện Phú Tân áp dụng có hiệu quả để phòng, chống bệnh SXH trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Xã Rạch Chèo là một trong những đơn vị thực hiện tốt mô hình nuôi cá bảy màu trên địa bàn huyện Phú Tân. Tại Trạm Y tế xã Rạch Chèo, tất cả các dụng cụ như thùng xốp, vỏ nhựa đều được tận dụng để nuôi cá bảy màu. Hằng ngày đều có cấp phát cho bà con đến khám và điều trị bệnh để thực hiện việc diệt lăng quăng, phòng, chống dịch.
Cấp cá bảy màu cho người dân tại Trạm Y tế xã Rạch Chèo.
Nuôi cá bảy màu để phòng, chống dịch là biện pháp dễ làm, ít tốn chi phí, nhưng lại hiệu quả cao mà ngành chuyên môn khuyến cáo người dân thực hiện.
Theo Bác sĩ Tô Hoàng Vĩnh, Trưởng Trạm Y tế xã Rạch Chèo, hiện nay, xã có 54 ao nuôi cá bảy màu, chủ yếu ở trạm y tế, trường học, trụ sở văn hoá ấp, khu đông dân cư… Ðây là nguồn cung cấp cá để cho người dân thả nuôi ở các dụng cụ chứa nước gia đình.
Ðầu năm đến nay, Trạm Y tế xã Rạch Chèo cấp phát hơn 20.000 con cá bảy màu cho hộ dân để thả nuôi trong hộ gia đình. Qua khảo sát, gần 90% hộ gia đình trên địa bàn xã có nuôi cá bảy màu để diệt lăng quăng.
Hiện tại, phần lớn người dân đều hiểu vai trò của cá bảy màu trong việc diệt lăng quăng nên có ý thức tốt, phối hợp với ngành y tế và địa phương để thực hiện. Ông Ninh Quang Trung, ấp Tân Thành Mới, xã Rạch Chèo, vừa được trạm y tế xã cấp cá bảy màu, cho biết, nuôi cá bảy màu rất có lợi, nhất là nó diệt lăng quăng. Hiện giờ bệnh Zika và SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bởi vậy người dân tăng cường nuôi cá bảy màu để diệt lăng quăng, diệt trung gian truyền bệnh.
Trạm Y tế xã Rạch Chèo thường xuyên phối hợp với chính quyền cơ sở đến từng gia đình cấp cá, hướng dẫn người dân thả vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng. Ðồng thời, hướng dẫn bà con các biện pháp phối hợp nhằm phòng, chống dịch bệnh tốt hơn. Một khi lượng cá tại trạm hết thì có thể xúc cá ở các ao khác như: trụ sở UBND xã, trường học, hộ gia đình nuôi nhiều để cấp lại cho bà con khác.
Ông Tô Quang, ấp Rạch Chèo, xã Rạch Chèo, cho biết, cán bộ xã, cộng tác viên y tế thường xuyên đến để hướng dẫn, rồi cấp cá để thả. Nước sử dụng trong gia đình ông Quang giờ sạch sẽ, đậy kín, nước xài thường xuyên thì thả cá, không còn lăng quăng.
Rạch Chèo là tâm điểm vùng dịch của huyện Phú Tân năm 2015. Song, do thực hiện tốt việc phát động người dân thả cá bảy màu diệt lăng quăng, nên trong những tháng đầu năm nay, trên địa bàn xã dịch bệnh giảm đáng kể so cùng kỳ năm trước. Riêng trong cả quý II và quý III này, trên địa bàn xã chỉ ghi nhận 7 ca bệnh SXH, giảm 4 ca so với quý I.
Theo Bác sĩ Tô Hoàng Vĩnh, lúc đầu do chưa thực hiện tốt chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng, cũng như chưa kịp thời cấp cá cho bà con nên số ca bệnh cũng khá cao. Vào tháng 4, tháng 6, xã triển khai 2 vòng chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng, phối hợp cấp cá cho bà con nuôi, trực tiếp thả cá vào các dụng cụ chứa nước và duy trì đến nay, rõ ràng lượng lăng quăng giảm đáng kể. Từ đó, số ca bệnh cũng giảm xuống.
Hiệu quả nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng phòng, chống dịch SXH đã được khẳng định. Bởi một khi không có lăng quăng, đồng nghĩa với không có muỗi, trung gian truyền mầm bệnh. Chính vì vậy, huyện Phú Tân đang phát động mạnh mẽ và khuyến cáo người dân tích cực nuôi cá bảy màu kết hợp với các biện pháp dân gian diệt muỗi, phòng muỗi đốt.
Theo Bác sĩ Hồng Mùng Hai, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Tân, đây là giải pháp rẻ tiền, dễ thực hiện mà đem lại hiệu quả tốt. Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện làm tham mưu cho UBND huyện phát động và hướng dẫn, khuyến cáo tất cả hộ dân nên nuôi cá bảy màu, hoặc ít nhất là một khu vực 100 hộ thì phải có ao cá bảy màu để cung cấp cho bà con. Người dân cần phải duy trì nuôi suốt mùa mưa để diệt lăng quăng triệt để.
Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân xảy ra hơn 190 ca bệnh SXH, tăng cao so cùng kỳ. Dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, phòng bệnh bằng cách nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng là cách làm hiệu quả, rẻ tiền mà người dân cần phải quan tâm thực hiện để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và cộng đồng./.
Bài và ảnh: Quốc Hiệp