Không dễ chịu chút nào khi đặt bút viết một bài báo có không khí Xuân mà lòng chưa cảm nhận những tín hiệu đặc trưng của đất trời sắp giao hòa. Nhưng rất may, có một gợi ý mạnh mẽ từ H’Hen Niê – Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vào top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới.
Theo trực giác, H’Hen Niê hoàn toàn không phải là mẫu hoa hậu như tôi đã từng nghe và biết nhiều ở đây đó. Giản dị, tự tin, hiện đại, cởi mở, thân tình, khoan dung và trách nhiệm với cộng đồng – quá nhiều nét đẹp hội tụ nơi một cô gái người dân tộc Ê Đê. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ mượn lòng khoan dung của H’Hen Niê để nói về chính phẩm chất này như một giá trị phổ quát nhưng lại đang mờ nhạt, nếu không muốn nói là mai một nhanh, trong đời sống thường nhật của chúng ta.
Dù đang có sự va đập giữa hai quan niệm “nhân chi sơ tánh bản thiện” và “nhân chi sơ tánh bản ác”, lòng khoan dung vẫn tồn tại, phát triển theo cách của nó trong thế giới, trong tôn giáo, trong lịch sử và trong hiện thực cuộc sống. Hãy nghe những suy tư của các bậc vĩ nhân, đại thánh từng là nạn nhân của sự thù hận.
Sinh thời, Đức Phật từng nói: “Tài sản quý giá nhất của đời người chính là lòng khoan dung. Tha thứ cho người khác thể hiện tâm hồn của một người có tu dưỡng, giống như biển lớn đón nhận trăm sông nghìn suối. Tha thứ không thể thay đổi quá khứ mà là thay đổi tương lai”.
Chúa Giêsu thì dạy các môn đồ: “Trên hết, hãy tha thiết yêu thương nhau, vì tình yêu thương che lấp vô số tội lỗi”. Trong Kinh Thánh (Tân ước) có ghi lại câu chuyện này: Luật sĩ và biệt phái dẫn một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và họ buộc nàng đứng trước mặt mọi người rồi hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?”. Chúa Giêsu muốn hướng con người nhìn về tâm hồn mình, để họ nhận biết tội lỗi bản thân và ăn năn trước khi kết tội anh em đồng loại, bèn bảo họ: “Ai trong các người sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Sau khi nghe Chúa Giêsu nói, rất may là mọi người đều nhận thức được mình từng phạm tội và tất nhiên không ít người cũng phạm tội ngoại tình nên họ đều bỏ đá và ra về. Khi mọi người về hết, Chúa Giêsu bảo người phụ nữ ngoại tình nọ: “Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!”.
Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dù ở trong hoàn cảnh lịch sử nào, tổ tiên ta vẫn luôn giương cao ngọn cờ đại nghĩa, nhân văn và nhân đạo, tạo nên lũy thành vững chắc, trường tồn, chiến đấu và chiến thắng oanh liệt những kẻ thù hung bạo nhất. Trong “Bình Ngô đại cáo” bất hủ của Nguyễn Trãi, tinh thần khoan dung, nhân nghĩa của dân tộc ta rực sáng như ngôi sao soi đường: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Lòng vị tha và khoan dung được thể hiện không chỉ đối với đồng bào trong nước mà còn cả với kẻ thù. Nó kết tinh trong nhiều câu ca dao, tục ngữ và bàng bạc trong từng cộng đồng cư dân người Việt, trở thành nguồn mạch tinh thần và văn hóa không bao giờ cạn.
Bản chất của lòng khoan dung không đồng nghĩa với sự hèn yếu, nhu nhược hay thỏa hiệp. Ngược lại, nó chính là bản lĩnh của người biết lắng nghe, thấu cảm và nhẫn nhịn. Nó là biểu hiện của thái độ văn hóa và văn minh. Chừng nào chúng ta còn chưa học được cách khoan dung với những người không phải lúc nào cũng đồng ý với mình, chúng ta sẽ không bao giờ thành công hay hạnh phúc.
Có ý kiến đòi cần có giới hạn của sự tha thứ. Điều này đúng nhưng lại là một vấn đề lớn khác. Tuy vậy, một khi chúng ta chưa sẵn sàng cho sự khoan dung, còn lấn cấn bởi cảm giác ghét bỏ, thù hận trong lòng thì sự đòi hỏi kia lại là điều không công bằng. Câu nói “Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” mà Chúa Giêsu căn dặn thiếu phụ bị kết án ngoại tình được đề cập ở trên không phải là giới hạn đối với lòng khoan dung đó sao? Hãy thực hành khoan dung trước khi đòi hỏi giới hạn đến đâu, đó mới là đạo đức thật!
Quay lại chủ đề khoan dung, đặt nó vào cuộc đua tranh rộn ràng chung quanh, chúng ta không thể không tự hỏi lẽ nào đời sống càng hiện đại lại càng thiếu vắng tinh thần bao dung. Mọi thứ đang thay đổi nhanh, với đủ loại gia tốc. Có vẻ như ngày nay chúng ta không còn quá mặn mà với những ý niệm như lòng tốt, sự khoan dung và nhân hậu, bởi những giá trị “xưa cũ” kia đang trong giai đoạn chao đảo dữ dội. Và đó là lý do thế giới đang trở nên bệnh hoạn.
“Không khoan dung cũng là một hình thức bạo lực và là trở ngại cho một tinh thần dân chủ thật sự”. Mahatma Gandhi – vị Thánh và là linh hồn của nhân dân Ấn Độ – đã cảnh báo về điều đó bằng chính những trải nghiệm ngục tù đau đớn của ông. Tư tưởng này của Gandhi xuất phát từ rất lâu nhưng luôn mới mẻ, có thể dùng nó để soi chiếu các dạng thức bạo lực hằng ngày, từ bạo lực thể chất đến bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục đến bạo lực ngôn ngữ… Nó xuất hiện khắp nơi, kể cả ở những “đền đài” thiêng liêng trong tâm thức người Việt.
Ngày nay, với những phương tiện thông tin hiện đại trong tay, con người không chỉ bơi lội trong thế giới phẳng mà còn dễ dàng biểu đạt, cả tư duy và tình cảm, với tất cả hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục. Mạng xã hội có thể giúp người này làm giàu tri thức, trau dồi phẩm hạnh nhưng cũng là phương tiện để người kia mở hết biên độ của cái tôi nhỏ nhen, sân hận… Có vẻ như mặt trái của nó đang phá vỡ tâm tính thiện lành của người Việt, nhất là giới trẻ. Chỉ một chút sơ suất, lầm lỡ của người nổi tiếng nào đó thì lập tức xuất hiện trên mạng những lời phán xét, chửi rủa, phụ họa ồn ào bằng thứ ngôn ngữ rẻ tiền nhưng có sức sát thương lớn.
Những người “nhả ngọc phun châu” kia không hề muốn người lầm lỡ có cơ hội sửa chữa; không hề nghĩ đến tác động lây lan mà vợ con nạn nhân phải gánh chịu; càng không hề nghĩ đến tình trạng “gây nhiễm” cho cộng đồng, xã hội từ cách “tự do phát ngôn” của họ… Rốt cuộc, họ chỉ bộc lộ sự ích kỷ, yếu đuối và cô đơn bằng thứ ngôn ngữ khó đọc nhưng gây chết người.
Họ đang mang gánh nặng mà ông bà ta gọi là khẩu nghiệp!
Tha thứ không thể thay đổi quá khứ mà thay đổi tương lai.