Có thể nuôi ếch theo 2 cách : nuôi tự do và nuôi nhốt trong lồng hoặc trong bể. Nuôi tự do là hình thức nuôi ếch trong ao, trong vườn với điều kiện có tường bao quanh và có hệ thống nơi ở cho ếch. Còn nuôi ếch trong lồng và nuôi ếch trong bể là hình thức nuôi tập trung. Lồng được đặt sát trên mặt nước và có những vật liệu độn 1 phần đáy lồng lên khỏi mặt nước. Các cách này đều có thể áp dụng được và cho hiệu quả cao. Tùy điều kiện của từng gia đình mà chúng ta có thể chọn cách nuôi tự do hoặc nuôi lồng, nuôi bể.
Nuôi tự do
Ở bất cứ điều kiện nào cũng có thể tiến hành được cách nuôi này. Những gia đình không có ao, vẫn có thể bố trí nuôi ếch được. Đặc biệt, trong các khu vườn trồng rau hoặc trồng cây ăn quả ta nên bố trí thêm việc nuô ếch. Không biết chừng, hiệu quả của việc nuôi ếch lại còn cao hơn cả việc trồng cây. Có gia đình còn nuôi được cả ếch…trên đồi! Vì vậy, nhà nào cũng nên để tâm nghiên cứu xem mình có thể nuôi được ếch không? Nếu có điều kiện, không nên bỏ qua đối tượng vật nuôi hấp dẫn này. Người có khó khăn thì nuôi ít, người có điều kiện thì nuôi nhiều. Đã có người ở thành phố, chỉ có 20m2 phía sau nhà mà cũng tổ chức nuôi ếch được. Tất nhiên, nếu tạo được điều kiện tối ưu thì ếch sẽ phát triển tốt,lớn nhanh.
Thiết kế khu nuôi ếch
Để có nơi nuôi ếch tốt, cần chọn nơi yên tĩnh, đất thịt, không quá chua hoặc không quá mặn, đủ ánh sáng, có nguồn nước sạch và có thể lấy vào, tháo ra một cách chủ động. Trong tự nhiên, chúng ta thấy nơi nào có nước ngọt và không khí nóng ẩm thì nơi đó có nhiều ếch nhái.
Đời sống của ếch trải qua các giai đoạn rất khác nhau. Lúc nhỏ, chúng là nòng nọc sống hoàn toàn ở dưới nước. Khi biến thái thành ếch, chún sống cả ở dưới nước, cả ở trên cạn. Vì vậy, nơi nuô ếch phải phù hợp theo từng giai đoạn sống. Nếu có điều kiện, bạn nên có 4 loại ao hoặc bể để nuôi riêng các loại ếch đẻ, nòng nọc, ếch con và ếch thịt.
Nơi cho ếch đẻ có thể rộng từ 20 – 100m2. Không dứt khoát khu vực đó phải là ao hoặc bể. Nó có thẻ là một góc vườn, nhưng trong đó phải có một hố nước, mép nước phải nông, tốt nhất là có bờ thoai thoải để ếch cặp nhau đẻ. Cũng có thể bố trí trong khu vực này những hào hoặc rãnh lớn. Kích thước của chúng không bắt buộc, có thể rộng hoặc hẹp từ 40 – 50cm trở lên. Khi cặp đôi, ếch cái thường cõng ếch đực và đứng ở nơi nửa chìm, nửa nổi ven bờ. Trên mặt nước nên phủ một lớp bèo tây khoảng 1 nửa diện tích. Có thể lợi dụng bể xây hoặc ao nuôi ếch thịt làm nơi cho ếch đẻ. Tuy nhiên ,phải chú ý tẩy dọn sạch sẽ và bố trí cho phù hợp.
Nơi nuôi nòng nọc có kích thước rộng, hẹp tùy theo quy mô nuôi, diện tích 5 – 30 m2, mức nước từ 2 – 50cm. Nên dùng bể xaya ương nuôi nòng nọc để tránh các loại địch hại và dễ vớt khi thu hoạch.
Ở Trung Quốc, người ta bố trí nơi ương nuôi nòng nọc là các bể rộng từ 10 – 15m2. Một nửa bể thì trũng với độ sau nhất khoảng 50cm. Nửa kia thì cao hơn và chạy thoai thoải xuống mặt nước. Phía đầu cao của bể có nguồn nước luôn luôn chảy rỉ vào. Phía đầu sau hơn của bể có một ống nhỏ dẫn nước ra ngoài, miệng ống được bịt bằng lưới nhỏ hoặc vải màn để tránh nòng nọc thoát ra. Nòng nọc sẽ bơi lội dưới nước và khi đã mọc chân, chúng rất thích bò lên chỗ cao. Đặc biệt,ở vệt nước chảy xuống trên phần gồ cao nòng nọc rất thích tập trung ở đó. Bể ương loại này có ưu điểm là nước luôn sạch sẽ vì được thay thường xuyên.
Nơi nuôi ếch con, diện tích từ 5 – 20m2, diện tích mặt nước chiếm ½ – 3/5 khu nuôi, mức nước từ 2 – 20cm. Đáy ao hoặc đáy bể nen là nền đất thịt cứng, phần đất còn lại là nền bờ ao làm nơi ếch ở và hoạt động bắt mồi. Ngay sát mép nước làm các hang, hốc cho ếch ở. Nó thường được gọi là “mà”, dùng gạch xếp nghiêng nối nhau hteo chiều dài của “mà”, “mà” này sát “mà” kia, cách nhau 5 – 7cm, có thê bố trí 20 – 30 “mà” liền một chỗ rồi gác cây hoặc ván lên trên, sau đó lấp đất lên.Có thể trộn đất với rơm như kiểu trát vách để phủ dày lên 20 – 40cm. Cũng có thể làm các hầm bằng tre, gỗ, trên có phủ đất. Hàng ngày té hoặc hắt nước vào khu vực này để chúng luôn luôn được ẩm, tránh để “mà” của ếch bị khô. Trên mặt ao phủ ½ – 2/3 là bèo tây. Để phòng dịch hại và ếch chạy trốn, xung quanh ao hoặc bể nuôi, vậy bao bằng phen tre, nứa, lưới ni lông hoặc tường xây có chiều cao tối thiểu 0,5m. Cũng có thể sử dụng các ô nuôi lợn làm chỗ nuôi ếch con, cho đây nước vào máng ăn. Vứt bèo tây tươi vào quanh ô nuôi. Phải thường xuyên tưới ẩm cho bèo và cả ô nuôi đó. Chính giữa kê một miếng gỗ làm giá để thức ăn. Đây là thời kỳ luyện cho ếch tập ăn dần thức ăn tĩnh, việc luyện này mất khoảng 2 – 3 ngày. Tường chỉ cần cao 50cm là ếch không thể nhảy ra được. Mật độ thả từ 50 – 70 con/ m2, không nên thả mật độ quá dầy.
Cũng có thể dùng sân gạch quây xung quanh bằng ni lông làm chỗ nuôi ếch con. Lưu ý phải che mát và để một lượng nước sâm sấp khoảng 5 – 10cm trong sân. Bà con thường xếp gạch xung quan sân và lấy đất sét miết lại để giữ nước. Phía trên cao căng phên hoặc làm giàn lá phủ lá dừa, lá chuối cho mát sân. Không cần che kín toàn bộ vì ếch thích môi trường vừa được sửa nắng vừa được che mát. Ta cũng vứt bèo tây tươi vào sân vì ếch con thich chui rúc trong các cụm bèo.
Nơi nuôi ếch thịt cũng có điều kiện tương tự như nơi nuôi ếch con. Nó có thể là một khu vườn có tường hoặc ni long dầy bao xung quanh.Điều cần thiết nhất là trong khu vực nuôi phải có ao hoặc bể xi măng chìm, diện tích từ 20 – 100 m2, mức nước từ 0,8 – 1m. Bờ tường chắn cao từ 1,2m trở lên, xung quanh bờ ao và trên khu vực “mà” cần trồng khoai nước, khoai lang, chuối, đu đủ, cam quýt…và làm giàn mướp, giàn nhót để tạo thêm bóng mát,giữ ẩm cho khu nuôi ếch ở, đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập.
Ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (cũ) còn có người nuôi ếch ngay ở trên…đồi! Gia đình ấy có một vườn táo. Ông chủ rất thích nuôi ếch nên nghĩ ra cách tạo nguồn nước trên đồi bằng cách đào những hố rộng 1m, dài 2m và sâu 30cm trên khắp khu đồi, mỗi hố cách nhau 15m. Ông lót ni lông vào các hố đó và bơm nước ở dưới lên để đổ vào các hố, ngay cạnh các hố , ông làm hệ thống “mà” cho ếch bằng gạch. Ông đưa ếch vào nuôi. Cứ hai tuần ông lại múc hết nước trong các hố để tưới cho táo. Sau đó, lại bơm nước lên cho đầy. Bằng cách này, ông cũng nuôi và thu hoạch được hàng tá ếch.
Cũng cần lưu ý, ở tất cả các ao và bể nuôi ếch, đáy cần có độ dóc khoảng 3 độ để dễ tháo cạn và có đường dẫn nước vào, ra. Các đường này phải có đăng hoặc lưới chắn cẩn thận để ngăn ếch thoát ra ngoài.
Ếch giống
Nếu không có điều kiện để cho ếch ấp nở và đẻ thì chúng ta có thể mua ếch giống ở các cơ sở sản xuất giống hoặc thu bắt trong tự nhiên.
Việc thu bắt trong tự nhiên không khó, dùng biệt pháp câu ếch con. Dụng cụ là 1 cần câu như kiểu câu cá, điều khác biệt là nó không có lưỡi câu, thay vào đó là một đoạn dây ni lông màu hồng hay màu đỏ dài 2 – 3cm. Đường kính bằng ruột bút bi. Ngoài ra, phải có một cái vợt bằng vải, đường kính miệng vợt 30 – 40cm, chiều dài vợt khoảng 50cm.
Ta dùng cần câu nhử ở những chỗ nghỉ có ếch con, nên nhấc lên nhấc xuống nhẹ nhàng, đoạn ni lông màu đỏ sẽ giống như một chú sâu con nhấp nhô trên đám cỏ hoặc trên mặt nước. Ếch sẽ tưởng đó là con mồi và đớp ngahy. Ta lập tức nhấc lên và hứng ngay vợt để dỡ chú ếch con rơi vào trong vợt. Ếch câu được sẽ đưa vào khu vực ương nuôi, tốt nhất là cho vào những bể nhỏ. Như đã trình bày ở trên, hiện nay ta đang nhập ồ ạt giống ếch từ Thái Lan vào. Đó là giống lai giữa ếch bò Nam Mỹ và ếch đồng Thái Lan. Theo chúng tôi, bà con ta có thể tạo ra giống lai giữa ếch bò Nam Mỹ và ếch đồng ta để nuôi.
Cách cho ếch đẻ
Sau khi qua đông, chọn các cặp ếch bố mẹ tốt để cho đẻ. Ếch phải khỏe mạnh, không có nấm bệnh. Không lấy ếch đực, cái cùng 1 nơi để tránh bị đồng huyết. Ta có thể phân biệt ếch đực, ếch cái nhờ các đặc điểm sau:
Ếch đực thường nhỏ hơn ếch cái cùng lứa.
Hai bên hầu của ếch đực có hai nếp da nhăn màu vàng thẫm, to bằng 2 hạt nhô, gọi là “túi kêu”.
Tại ngón tay thứ nhất ở chi trước của ếch đực vào mùa sinh sản xuất hiện một mẩu lồi màu xám đen gọi là sừng. Ếch đực dùng “chai tay” để bám ếch cái khi cặp đôi. Chúng luồn hai tay vào nách, ghì chặt và dùng “chai tay” đó để và vào ngực ếch cái, thông báo chó nó biết : “ ta là ếch đực”. Ếch cái sẽ cõng “người tình” xuống nước, vị trí tốt nhất là ở những mép nước thoai thoải. Ở tư thế đó ếch cái phóng trứng ra, con đực sẽ phóng tinh lên trên để thụ tinh cho trứng. Ếch đực càng trưởng thành và càng gần đến mùa sinh sản thì “chai tay” càng dài và càng rõ. Ở ếch cái “chai tay” không rõ. Ta dùng 2 ngón tay cho vào phía đưới 2 chân trước và trượt đi trượt lại. Con nào khỏe, nó sẽ cặp chặt 2 ngón tay của chúng ta. Ta chọn con đó.
Đến mùa sinh sản, ếch cái phát dục tốt và bụng phình to, mềm trong lúc bụng ếch đực vẫn thon nhỏ. Khi ta sợ vào 2 nách phía trên của 2 chân thấy sần sùi và nhám hơn so với ếch đực.
Sau khi chọn được ếch bố mẹ tốt, ta thả chúng vào nơi cho đẻ đã được chuẩn bị từ trước. Tỷ lệ ghép đôi là 1 đực cho 1 cái, mật độ thả 1 đôi/m2.
Nơi ếch đẻ phải thật yên tĩnh, có thể là bể xây hoặc các hố nước, rãnh nước hoặc ao nhỏ. Cần quan sát thường xuyên, nhất là sau các cơn mưa rào tháng 3, tháng 4, lúc đó ếch thường ra để đẻ. Dấu hiệu thời kỳ đẻ trứng của ếch thường là hiện tượng ếch đực kêu liên tục trước khi ếch cái đẻ 3 – 4 ngày. Ếch thường đẻ trứng ở vùng ven bờ, giữa các đám bèo hoặc cạnh các mô đất, cọng cỏ nhô từ dưới nước lên. Trứng ếch có hình cầu, đường kính 1,5 – 1,8mm, có 2 phần rõ rệt : một nửa hình cầu màu đên luôn luôn hướng lên phía trên được gọi là cực động vật; một nửa hình cầu phía dưới màu trắng. Nếu xoay cực động vật xuống dưới thì sau một thời gian ngắn nó sẽ tự quay trở lại để hướng lên trên. Nếu thấy trứng không tự xoay được hoặc chỉ có màu trắng ngà là trứng bị ung, cần bị loại bỏ. Xung quanh trưng có một màng nhầy trong suốt bao bọc, nhờ màng nhầy này mà trứng liên kết lại với nhau và nổi thành từng đám trên mặt nước. Chất nhầy bao quanh trứng còn làm tăng độ hội tụ ánh sáng, nâng nghiệt độ lên để trứng nhanh nở. Ếch có thể đẻ ngay trong năm đầu khi ếch đực đát 45g và ếch cái khoảng 55g. Tuy nhiên, khi ếch được 2 – 3 tuổi thì cho đẻ tốt hơn, khoảng 2-3 đợt, mỗi ếch cái có thể đẻ 2.000 – 3.500 trứn/ đợt.
Trước lúc cho ếch gặp gỡ nhau, khoảng 6 giờ chiều, ta cho nước vào bể sinh sản với ngưỡng khoảng 6 – 7cm. Ta thả vào đó khoảng 30kg đá lạnh (nếu gặp lúc mưa thì không cần làm việc này). Đến 7 giờ tối, khi đá đã tan hết ta mới cho ếch bố mẹ vào . Mật độ nên là 1 cặp/1 m2. Cứ khoảng 10 cặp, ta lại cho thêm vào 1 – 2 con đực nữa. Ta có thể kích thích để ếch đẻ nhiều đợt trong năm bằng việc tạo mưa nhân tạo hoặc làm lạnh nước bằng nước đá như đã trình bày ở trên.
Nếu có điều kiện, ta dùng hoóc môn tiêm để kích thích cho ếch đẻ.
Cách ương trứng ếch
Sáng hôm sau, ta vớt ếch bố mẹ ra. Trứng ếch để tại chỗ hoặc vớt ra để đem đi ương ở những dụng cụ chuyên dùng.
Khi vớt trứng ếch, bạn cần làm khéo léo để tránh làm vỡ màng nhầy của trứng. Có thể dùng chậu thau ấn nhẹ xuống mặt nước để thu trứng. Trứng thu được đem ương trong 1 dụng cụ gọi là “giai” bằng ni lông hoặc tơ tằm. Giai ương cỡ 90 x 50 x 25 cm có thể ương được từ 1 – 3 vạn trứng. Cũng có thể ương trứng trong chậu hoặc khay men. Chú ý phải thay nước thường xuyên khoảng 3 – 4 giờ / lần. Mật độ ương khoảng 2- 3 trứng/ cm2. Để có nguồn nước sạch đưa vào thường xuyên, có thể sử dụng hệ thống bình thông nhau. Nếu dùng nước máy, cần trữ trước trong thời gian từ 2 – 3 ngày cho bay hết khí clo rồi hãy dùng. Giữ nhiệt độ nước không quá 33oC.
Tại các cơ sở sản xuất giống lớn, người ta ương trứng ếch trong giai hoặc trong hệ thống các bể nhỏ. Cần lưu ý, các giai để ngoài ao hoặc các bể nhỏ cần được chiếu sáng đầu đủ, tuyệt đối không để mưa xối vào. Nếu gặp mưa, nòng nọc sẽ chết nhiều, vì vậy cần chuẩn bị sẵn túi ni – lông hoặc các tấm che mưa để dùng khi có mưa.
Trứng ếch đã thụ tinh đem ương, chỉ sau 18 – 21 giờ ở nhiệt độ 23 – 27oC là nở thành nòng nọc. Chúng chìm xuống đáy, bơi lội rất yếu, sống nhờ bọc noãn hoàng ở phía bụng trong 2 – 3 ngày đầu. Sau đó, nòng nọc có thể tự bơi đi kiếm ăn.
Cách nuôi nòng nọc
Nơi nuôi nòng nọc cần được tẩy dọn sạch sẽ, có thể dùng vôi sống để tẩy với liều lượng 2 – 3kg/100m2 ao. Sau khi đã tẩy sạch, thay nước mới, 2 – 3 ngày sau mới có thể dùng được, thường thì ương nòng nọc trong các chậu to hoặc trong các bể nhỏ để dễ thay nước. Tốt nhất là ương trong bể có phần chìm và phần nổi, từ phần nổi có đường dốc thoai thoải xuống phần chìm. Khi nòng nọc bắt đầu mọc chân, chúng rất thích bò lên phần nổi. Nếu chỉ là bể cóc mặt bằng phẳng thì để những vật nổi vào trong đó để chúng bò lên. Nòng nọc có thể bơi trong nước hoặc bò lên những chỗ nổi để nghỉ ngơi. Người ta thường chặt những tấm lá dừa và thả vào bể ương. Khi hầu hết nòng nọc đã mọc chân thì ta nên đưa chúng sang những chỗ rộng hơn.
Thức ăn trong 10 ngày đầu của nòng nọc chủ yếu gồm các loại động vật phù du, giáp xác. Có thể bón chất hữu cơ với liều lượng 0,2 – 0,3 kg/m2 vào ao 2 – 3 ngày trước khi thả nòng nọc, bao gồm cám gạo, cám ngô, khô dầu hoặc tôm khô nghiền nhỏ. Cũng có thể bổ sung lòng đỏ trứng gà luộc, liều lượng cho ăn 30 – 50 g/ 1.000 con. Hiện nay, cũng có thể dùng các loại thức ăn tổng hợp cho cá dạng viên nhỏ cho nòng nọc ăn. Lưu ý vieenm thức ăn phải nhỏ để vừa miệng của nòng nọc. Độ đạm phải đảm bảo từ 40% trở lên. Mật độ thả nòng nọc từ 1000 – 2000 con/m2. Do nòng nọc lớn không đều sẽ dẫn tơi việc con lớn ăn tranh thức ăn của con bé. Vì vậy, từ ngày nuôi thứ 10 – 12 ta nên san đàn và phân ra các loại lớn, nhỏ khác nhau để nuôi riêng. Mọi việc phải được thực hiện hết sức gượng nhẹ vào lúc sáng hay chiều tối bằng các loại lưới hoặc vợt mềm. Thường xuyên theo dõi nơi nuôi nòng nọc để phát hiện các loại địch hại, bệnh tật, hiện tượng rò rỉ nguồn nước hoặc nước địch hại, bệnh tật, hiện tượng rò rỉ nguồn nước hoặc nước bị biến chất. Khi thấy nước có nhiều tăm bọt, màu đen và có mùi thối thì cần thay nước mới ngay. Ta tăng dần mức nước. Tới ngày thứ 15 thì giữ mức nước cố định ở ngưỡng 40cm. Quan sát thấy nòng nọc mọc 2 chân sau rồi 2 chân trước thì cần thả thêm bèo tây và một số miếng gỗ nổi trên mặt ao để ếch con bò lên nghỉ. Lúc này giảm dần và ngừng hẳn việc cung cấp thức ăn trong khoảng 2 – 3 ngày. Ếch sẽ sử dụng các chất dự trữ ở đuôi để sống trong quá trình biến thái . Đuôi của nòng nọc teo dần chứ không phải bị “rụng” đi. Người ta đã xác định được rằng, đuôi và mang của nòng nọc đã bị các tế bào bạch cầu phân hủy rồi tiêu biến dần. Con nòng nọc biến thành con ếch con hoàn chỉnh. Ếch bắt đầu sống cuộc đời nửa dưới nước, nửa trên cạn.
Cách nuôi ếch con
Mật độ thả nuôi ếch con phụ thuộc vào điều kiện nơi nuôi, khả năng cung cấp thức ăn và nguồn giống. Mật độ thả nuôi từ 100 – 150 con/m2, cỡ 2 – 5g/con. Thức ăn cho ếch con gồm các loại giun đất cỡ nhỏ, tôm, tép, giòi, cào cào, châu chấu, cua, nòng nọc… Tuy nhiên, cỡ mồi ăn phải có chiều dài nhỏ hơn chiều rộng của miệng ếch. Lượng thức ăn cho ăn khoảng 50 – 100g/100con/ngày. Ngay từ lúc này chúng ta cũng có thể luyện cho ếch con ăn thức ăn tĩnh, gồm : gạo, cám, rau xanh và cá. Cũng có thể thay thế cá bằng tôm, tếp, cua , ốc và các nguồn đạm động vật khác. Phải nấu chín thức ăn cho mềm để ếch con dễ ăn. Hiện nay, tốt nhất là nên cho chúng ăn thức ăn viên tổng hợp. Ở ếch con, dùng các loại thức ăn cho cá dạng viên cỡ nhỏ và nổi trên mặt nước, phải tập cho chúng ăn dần dân. Lúc đầu, cho ăn ít một cùng với các nguồn thức ăn động vật khác, sau tăng dần lên để đến lúc có thể thay hoàn toàn. Cho ếch ăn trên các sàn ăn bằng gỗ hoặc tấm phên nứa đặt nổi trên mặt nước. Cũng có thể đổ thức ăn lên các miếng chiếu rách hoặc các tấm ni lông đặt ở trước cửa hang của ếch, đồng thời theo dõi khả năng ăn của chúng để bổ sung thêm thức ăn cho phù hợp. Cho ếch ăn 2 bữa/ ngày vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Việc theo dõi chăm sóc ếch con cũng giống như nuôi nòng nọc. Cần thường xuyên quan sát tình hình hoạt động, sinh sống của ếch, sự biến đổi của mặt nước, đề phòng địch hại và phòng ếch trốn thoát.
Sau 1 tháng nuôi, ếch có thể đạt cỡ 20 – 25g/ con. Lúc này ta phân đàn nuôi riêng từng cỡ để tránh sự cạnh tranh và cắn lẫn nhau.
Cách nuôi ếch thịt
Nếu nuôi ếch giống cỡ 20 – 25g/con thì thả 40 – 60 con/m2, nuôi chúng lên cỡ 100 – 150g/ con. Chú ý đảm bảo cỡ ếch đồng đều trong khu nuôi.Thức ăn cho chúng cũng tương tự như thức ăn cho ếch con. Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 3 – 5% khối lượng ếch. Có thể cho ăn 1 – 2 lần/ ngày.
Cần tạo thêm nguồn thức ăn đạm cho ếch như sâu bọ, châu chấu, cào cào… nuôi thêm giun đất cho ếch ăn. Sau 3 – 4 tháng nuôi, ếch có thể đạt đủ tiêu chuẩn xuất bán.
Hiện nay, ở Thái Lan và nhiều nước, người ta phát triển việc nuôi ếch trong các ao có che chắn.
Mật độ có thể thả tới 150 con ếch con/ m2. Ta có thể thả nuôi ngay sau khi ếch mọc đủ 4 chân.
Cần lưu ý, trên mặt ao phải có bèo tây và các bè tre, nứa (bèo chiếm 30% diện tích bè và bè tre chiếm 30% diện tích).
Nếu ao nuôi có diện tích rộng từ 15m2 trở lên thì ta phải làm cầu đi lại trong ao để công nhân tiện chăm sóc ếch và vớt bèo cũ, thay bèo mới.
Xung quanh ao phải có lưới vây cao từ 1,2 cm trở lên để chống ếch nhảy ra và chống chuột, rắn chui vào. Người chăm sóc sẽ đi quanh ao và đi trên cầu.
Mô hình này rất có hiệu quả. Nó đầu tư thấp, nuôi được mật độ cao, ít hao hụt, ít bệnh tật và ếch lớn nhanh.
Tuy nhiên, ếch sẽ lớn không đồng đều và thu hoạch vất vả hơn. Ta có thể thu hoạch bằng vợt hoặc bơm cạn ao bắt bằng tay. Sau đó làm vệ sinh ao một thêm.
Nuôi trong lồng hoặc nuôi trong bể
Phương pháp nuôi ếch lồng đã được du nhập vào nước ta từ Thái Lan. Những nguồi đã nuôi ếch lồng đều khẳng định rằng đây là hình thức nuôi vừa dễ làm,vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Phương pháp này giảm được việc xây tường bao và chống địch hại lại rất đơn giản. Bất cứ gia đình nào có diện tích mặt nước đều có thể tổ chức nuôi ếch lồng.
Hiện nay, có rất nhiều tỉnh tiến hành việc nuôi ếch lòng. Ông Nguyễn Trường Thịnh ở xóm Liên Mỹ, xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho chúng tôi biết : chi phí gồm : lồng, con giống, thức ăn là 1,5 triệu đồng. Sau 3 tháng nuôi, ông bán và thu được 3 triệu; lãi 1,5 triệu ( chưa kể lồng còn có thể dùng để nuôi tiếp vụ sau). Như vậy, khó có nghề nào nhanh thu và cho lợi nhuận cao như nuôi ếch lồng! vì vậy, ai có điều kiện mặt nước mà không bố trí nuôi ếch lồng thì quả là thiệt thòi. Có người lo, ao đang thả cá, nay lại nuôi ếch ở bên trên thì sẽ bị ảnh hưởng? Theo chúng tôi, điều đó không xảy ra. Thậm chí, thức ăn thừa của ếch khi được rửa dọn lại rơi xuống ao, cá tha hồ ăn. Vì vậy, ta nên đồng thời nuôi cả 2 loại : trên ếch, dưới cá!
Lồng nuôi
Lồng nuôi được làm từ lưới ni lông, cỡ lưới ương cá hương. Chiều cao lồng từ 1 – 1,2m và dài 3 – 5m.
Tùy điều kiện của ao hoặc nguồn vốn sẵn có mà bố trí lồng rộng từ 6 – 8 – 10 m3.
Cấm các cây sào xuống ao và buộc lồng vào đó, sào phải được chôn vững chắc, tránh bị nghiêng ngả. Bốn góc lồng được néo thật chặt vào các cây sào. Theo chiều dọc, cách khoảng 1,5m có thêm 1 đôi cọc để làm chỗ néo cho lồng căng và vững chắc. Nên căng lồng hết cỡ, tránh để lồng bị chùng. Mặt đưới của lồng để sát mặt nước, dùng các miếng xốp lớn và ấn xuống dưới đáy lồng, nó sẽ tự nổi lên và đẩy mặt dưới ( sát mặt nước) của lồng nhô lên khỏi mặt nước. Ta xếp miếng xốp vao phía giữa lồng và để chừa lại phía mép lồng khoảng 20 – 30 cm. Ếch là loài lưỡng cư nên chúng sẽ tự bò lên các miếng xốp đó để nghe ngóng và nghỉ ngơi. Đó cũng là chỗ để vãi thức ăn cho ếch ăn.
Nếu trời quá nắng, dùng các miếng bìa rộng, miếng cót, hoặc lá dừa phủ lên phía trên mặt lồng để che nắng cho ếch. Hiện nay, bà con thường quây lồng xung quanh ao, cách mép ao 30 – 50cm. Nếu muốn có qui mô lớn hơn, có thể xếp lồng theo hàng và rải kín ao. Mỗi hàng lồng cách nhau 0,5m, ở giữa có một lối đi đuộc kê bằng gỗ tre trên các hệ thống cọc đỡ. Người nuôi có thể đi trên các cầu đó để chăm sóc cho ếch.
Phải thường xuyên kiểm tra lồng. Điều quan trọng nhất là kiểm tra xem lồng có bị thủng hay hỏng không. Lưới ni lông cũng như các loại ni lông khác đều bị lão hóa. Nó sẽ bị thời gian làm cho ròn dần và đứt, thủng. Vì vậy, ta không thể dùng nó vĩnh cửu, hàng năm phải thay lưới. Một lồng lưới tối đa chỉ nên dùng cho 2 – 3 vụ nuôi.
Nguồn nước
Ta có thể nuôi lồng trên nguồn nước chảy hoặc nước tĩnh. Nguồn nước phải sạch, không bị ô nhiễm.
Ở những ao tù, cần đặc biệt chú ý tới việc giữ cho nước sạch. Ta có thể nuôi bèo tây để chúng tham gia lọc nước. Bèo cần được thả trên một phần diện tích của ao nhưng phải được ngăn thành từng ô, từng khu vực riêng biệt, dùng sào tre ngăn chúng, không để bèo mọc kín ao vì nó sẽ cản nguồn ánh sáng chiếu xuống đáy ao, hạn chế sự phát triển của nhiều loại tảo có ích. Mỗi năm thay bèo 2 lần, loại bỏ các khóm bèo già. Tốt nhất, hàng năm nên tổ chức tát cạn để nạo vét ao và làm vệ sinh quanh ao, giữ cho nguồn nước luôn sạch.
Nếu việc nuôi ếch được tiến hành trong các bể xây thì việc thay nước là hết sức quan trọng, phải thường xuyên thay nước. Đặc biệt vào những ngày nóng nực, ta phải luôn quan sát mặt nước, nếu thấy nước nhiễm bẩn, nổi bong bóng phải thay nước ngay. Khi xây bể phải chú ý có đường thoát nước. Chỗ thoát phải được bịt lưới để ngăn cản ếch chui ra theo.
Ếch “uống” nước và bài tiết nước đều qua da nhưng khi nuôi với mật độ day, ếch sống chen chúc trong một bể hẹp thì lượng chất thải do chúng bài tiết ra trở nên đáng kể nên môi trường dễ bị ô nhiễm.
Thả giống
Ta có thể dùng giống ếch của chúng ta hiện có trên đồng ruộng hoặc dùng các giống ếch nhập nội. Giống ếch nhập nội có khả năng thích nghi hơn nhưng năng suất không cao bằng giống ếch Thái Lan và Malaixia. Khi sản xuất ếch giống, cần lưu ý tránh hiện tượng cận huyết. Ta nên lấy nguồn giống bố mẹ từ 2 nơi xa nhau. Nếu con bố và con mẹ đều tốt thì thế hệ con sẽ rất tốt. xu thế hiện nay, bà con thích nuôi giống ếch lai. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng, sản phẩm xuất khẩu của ếch chủ yếu chỉ là cặp đùi.
Vì vậy, nếu nuôi để xuất khẩu thì phải đặc biệt quam tâm tới những giống ếch cho cặp đùi lớn.
Việc ương ếch giống đã trình bày ở phần trên. Khi ếch đạt trọng lượng 150 – 250 con/kg thì ta có thể đưa ra nuôi.
Mật độ thả vào lồng lúc là 100 con/m2. Lúc này chúng khác hẳn trước. Nhưng tốc độ lớn của chúng không đồng đều. Bao giờ trong một đợt nuôi cũng xuất hiện con lớn và con bé hơn. Vì vậy, phải thường xuyên tách chúng ra bằng cách dùng vợt mềm để bắt những con quá lớn ra nuôi riêng. Việc này phải thao tác hết sức nhẹ nhàng, tránh làm xây xát ếch. Trung bình cứ 3 ngày phải kiểm tra ếch một lần để đưa con lớn, con nhỡ và con bé ra nuôi riêng.
Khi ếch lớn dần thì ta cũng giãn dần mật độ nuôi, khoảng 70 – 80 con/m2.
Cho ăn
Đối với nuôi lồng , nên sử dụng thức ăn công nghiệp. Hiện chưa có đơn vị nào sanrn xuất thức ăn riêng cho ếch. Cần chọn các viên thức ăn phù hợp với từng cỡ ếch. Việc luyện cho ếch ăn thức ăn tĩnh phải làm từ từ,ném các viên thức ăn lên phần nổi của lồng ( do các miếng xốp ở bên dưới độn lên), thức an sẽ lăn trên bề mặt, thấy động, ếch sẽ lao ra đớp ngay. Nó chỉ đớp khoảng 1 – 2 lần là phát hiện được đó là các hạt thức ăn. Sau đó, chúng sẽ lùng sục và tìm các hạt đó để ăn. Phản xạ này có tính lan truyền, con này ăn sẽ kích thích con khác ăn theo. Chúng sẽ chóng quen dần với việc ăn thức ăn tĩnh. Các hạt thức ăn rơi ra ngoài sẽ nổi trên mặt nước, ếch rất dễ nhận biết và ăn nốt. Việc cho ăn phpair luôn được theo dõi để chú ý điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Cho ếch ăn làm 2 bữa/ ngày, bữa sáng từ 7 – 10 giờ, bữa chiều từ 4 – 6 giờ. Như vậy, một ngày cho 1 con ếch ăn từ 4 – 6 hạt thức ăn tổng hợp, đây chỉ là mức tương đối. Thức ăn của cá thường có lượng đạm koong cao trong khi ếch lại cần thức ăn có độ đạm từ 30 – 40%, vì vậy cần tăng thêm lượng đạm cho thức ăn. Cách làm dễ nhất là trộn thêm trứng vịt vào thức ăn, trững sẽ bám đều lên các hạt thức ăn rồi tãi ra và phơ cho se khô, sau đó mới cho ếch ăn.
Nếu nuôi được giun quế để cho ếch ăn thì rất tốt, ếch sẽ lớn nhanh vì thịt giun quế có hàm lượng đạm rất cao.
Chăm sóc
Ngoài việc luôn luôn giữ cho nguồn nước sạch, cần thường xuyên tẩy dọn lồng nuôi. Tránh để thức ăn lưu cữu qua ngày sẽ bị thiu thối. Ếch ăn phải các thức ăn đó sẽ dễ bị các bệnh đường tiêu hóa như sình bụng, ỉa chảy v.v..
Hết vụ, sau khi đã thu hoạch ếch, đưa lưới lên và giặt sạch, phơi khô rồi cất vào nơi râm mát.
Thường xuyên dọn vệ sinh quanh ao, lấp hết các ổ chuột, hang rắn, phát bỏ các loại cây bụi. Quanh bờ ao nên trồng kín cây sả, theo kinh nghiệm rắn rất sợ mùi sả. Cần giữ môi trường yên tĩnh cho khu nuôi ếch. Tránh làm ếch giật mình, không nên la, hét, gõ, đập hoặc chạy, nhảy quanh khu nuôi ếch.
Nên cho ếch ăn đúng giờ và tạo phản xạ để chúng xác định được giờ ăn. Mọi thao tác đều phải tạo được cảm giác thân quen với đàn ếch. Thậm chí, thấy chủ đến là chúng nhao nhao nhảy lên “mừng rỡ” chờ được cho ăn.
Phải theo dõi để che nắng cho ếch. Bình thường, ếch rất thích sưởi nắng, khi được chiếu ánh sáng thường xuyên ếch sẽ lớn nhanh. Tuy nhiên, nếu trời nắng quá thì phải che bớt nắng cho ếch.
Cứ 3 ngày lại tiến hành chọn lọc để dưa những ếch lơn hơn ra nuôi riêng. Nếu ta để lẫn lộn sẽ có hiện tượng con lớn nuốt con bé, cần quan sát kỹ càng, tránh để lọt. Phải kiểm tra cả những con đang nằm dưới nước hoặc nằm ở các khe giữa hai miếng xốp. Ngoài rắn, chuột và cá dữ, ếch còn nhiêu kẻ thù khác như chim, cò, bói cá,cú mèo và cả…con người nữa. Ta phải luôn đề phòng và có biện pháp cụ thể.
Điều quan trọng nhất là sớm phát hiện ra các cá thể bị mắc một số bệnh để tiến hành điều trị. Đây là một khâu rất quan trọng. Trong điều kiện nuôi bể cũng phải hết sức lưu ý tới kẻ thù của ếch là mèo, chuột rình mò, chim chóc thường kéo tới. Ta có thể giăng lưới ni lông thưa trên mặt bể để bảo vệ cho ếch.
Các khâu chăm sóc ếch nuôi trong bể giống như chăm sóc ếch nuôi trong lồng.
Bệnh tật của ếch
Trong tự nhiên, rất ít khi bắt gặp ếch bị bệnh. Thế nhưng, khi tiến hành nuôi, ta vẫn gặp hiện tượng ếch mắc bệnh. Điều đó chứng tỏ, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do môi trường nuôi dưỡng và thức ăn cung cấp cho ếch. Vì vậy, phòng bệnh vẫn là việc phải làm ngay từ đầu để tránh cho ếch bị mắc bệnh.
Bệnh đường ruột
Cả nòng nọc và ếch trưởng thành đều có thể mắc phải bệnh này. Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ăn phải thức ăn thiu, thối. Ở nòng nọc, ta quan sát thấy chúng bị phình bụng và bơi khó khăn, cơ thể không nằm ngang mà thường thẳng đứng. Khi thấy có hiện tượng này cần phải thay toàn bộ nước mới cho chúng; vớt các con bị bệnh ra một chậu. Cứ 5 lít nước hòa 2 lọ penicillin 1 triệu đơn vị và cho nòng nọc bơi trong nước đó khoảng 5 tiếng. Sau đó, đưa chúng sang một chậu nước sạch khác hoặc 1 bể nhỏ. Cho chúng ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa trong một thời gian. Khi chúng đã phục hồi thì đưa chúng trở lại với bầy đàn.
Ở ếch con và ếch trưởng thành, nếu bị bệnh sẽ thấy chúng hoạt động chậm chạp, kém ăn, hậu môn lồi ra và có vết máu. Chữa bằng cách trộn thêm vào thức ăn ganidan hoặc becberin đã nghiền nát. Sau 3 – 5 ngày sẽ thấy ếch khỏi bệnh; cũng có thể dùng sunphadiazine với liều lượng 4 – 5g/ 1kg thức ăn trong 5 ngày hoặc metromidazole 3 – 5g/ 1kg thức ăn trong 1 tuần liền, bệnh sẽ giảm.
Tốt nhất, cho ếch nhịn ăn 1 – 2 ngày rồi mới cho ăn thức ăn đã trộn thuốc.
Bệnh trùng bánh xe
Bệnh này thường xuất hiện ở giai đoạn nòng nọc. Bệnh do ký sinh trùng trichodina (có hình giống như bánh xe) gây ra. Bệnh tạo nên những điểm màu trắng bạc trên màng vây và đuôi của nòng nọc. Con bị bệnh bơi ngắc ngoải và cựa quậy liên tục. Chúng sẽ bỏ ăn và chết hàng loạt. Bệnh thường xảy ra khi nguồn nước nuôi bị bẩn. Phải thay nước ngay và đưa những con bị bệnh ra chậu riêng để điều trị. Cho chúng tắm trong dung dịch sun phát đồng (CuSO4) với liều lượng 2 – 3g CuSO4/m3 nước hoặc với dung dịch penicillin ( 1 chai 1 triệu đơn vị cho 1 chậu lớn). Không nên ngâm chúng trong các dung dịch này quá 2 giờ. Khi thấy chúng hoạt động trở lại bình thường thì vớt ra ngay.
Cũng có thể trị bệnh này bằng nước muối nồng độ 2 – 30/00 ( hòa 2 – 3 lạng muối với 10 lít nước). Cho chúng vào đó trong vòng 5 – 10 phút. Gặp mặn, chúng bơi và nhảy tứ tung, trùng bánh xe sẽ bị tiêu diệt. Sau đó, vớt chúng ra và thả lại vào chỗ nuôi.
Bệnh giun, sán
Ếch thường bị bệnh sán lá, sán sơ mít và giun ký sinh. Trộn các loại thuốc sổ giun, sán lẫn với thức ăn của chúng, có thể dùng peperracin với tỷ lệ 0,1% so với thức ăn; phải sổ vài lần mới hết được giun sán. Nếu để ếch bị bệnh chúng sẽ lớn chậm.
Bệnh mù mắt
Bệnh này thưởng xẩy ra khi nuôi ếch trong các bể xi măng, quan sát thấy một mắt của ếch bị đục trắng. Nếu không chữa, nó sẽ lây sang mắt thứ 2 và ếch sẽ chết.
Hiện nay, bà con thường dùng các loại thuốc như cipro,antilv.v… có bán ở các quầy thuốc thú y và rai đều xuống nước ( liều lượng theo chỉ dẫn ở bao bì), bệnh cũng có thể khỏi được. Tốt nhất, khử trùng bể nuôi bằng Iodine(PVP Iodine) với liều lượng 5 – 10ml/m3 nước, bệnh sẽ giảm.
Bệnh tê liệt thần kinh
Ếch bị bệnh thường nhảy loạng choạng, đi lại lệch lạc, chân bị co giật liên tục rồi dần dần bị bại liệt và ếch sẽ chết. Chưa có loại thuốc đặc hiệu nào cho ếch. Ta có thể dùng các loại thuốc chữa bệnh thần kinh cho vịt để điều trị cho ếch như Frog 200 hoặc enroflox với liều lượng như hướng dẫ ngoài bao bì.
Bệnh nhiễm trùng ngoài da
Bệnh xuất hiện khi môi trường nuôi bị ô nhiễm hoặc ếch bị xây xát da, phải thay nước ngay. Theo kinh nghiệm của Thái Lan, có thể xử lý nguồn nước bằng dung dịch thuốc tím hoặc nước muối bằng cách hòa thuocs tím với liều lượng 3 – 5g/l m3 nước và hắt vào lồng nuôi. Cũng có thẻ dùng muối hạt để vãi vào lồng. Kết quả rất tốt, ếch mau khỏi bệnh.
Bệnh đốm trắng ở gan
Đây là bệnh phổ biến ở các loài cá da trơn. Bệnh do vi khuẩn Edwardseella gây ra. Ếch mắc bệnh này thường bỏ ăn, yếu, kém hoạt động và gầy nhanh. Khi mổ ra thấy gan có nhiều đốm trắng li ti. Dùng Entrofloxarin hoặc ciprofloxarin để trị bệnh.
Ta cũng có thể dùng các loại thuốc chữa gan cho người để cho ếch dùng với liều lượng 5 viên cho 1 kg thức ăn của ếch.
Bệnh chướng bụng đỏ chân
Ta có thể dùng muối hoặc thuốc tím để trị với liều lượng 100g thuốc tím hoặc 3kg muối cho 500m3 nước.
Cũng có thể cho uống Rimifon ( thuốc chống lao cho người) để chữa cho ếch.
Ta phải chữa liên tục trong vòng 5 – 7 ngày. Liều lượng ngày hôm sau cao hơn ngày hôm trước 20%.
Thu hoạch và vận chuyển
Đối với ếch giống cỡ 150 – 200 con/kg, trước khi xuất bán cho ếch tắm trong dung dịch thuốc tím khoảng 5 phút, nồng độ 50mg/10 lít nước. Sau đó, vớt chúng ra và cho vào các túi vải trong có đựng sẵn bèo tây tươi được băm thành từng đoạn cỡ 3 – 5cm. Nhúng cả túi trong nước cho ướt sũng. Buộc chặt miệng túi, cho túi vào hộp xốp có đục lỗ thông hơi xung quanh rồi mới vận chuyển đi xa. Đối với ếch thịt, trước khi thu hoạch 10 – 12 giờ phải ngừng cho ăn. Nếu để ếch ăn quá no, khi vận chuyển, chúng dễ bị tử vong.
Nuôi ếch là một nghề mới ở nước ta. Trong phong trào xóa đói giảm nghèo và từng bước vương lên làm giàu, ta có thể đưa ếch vào nuôi. Vốn đầu tư nuôi ếch không cao, lại mau cho thu hoạch, kỹ thuật nuôi không khó, ai cũng có thể làm được.
Khí hậu của nước ta rất thích hợp để phát triển nghề nuôi ếch. Thị trường thịt ếch lại ngày càng được mở rộng. Vì vậy, thịt ếch sẽ trở thành mặt hàng hấp dẫn và được tiêu thụ mạnh. Khác với trâu, bò, lợn, gà, ếch chưa có bệnh dịch gì gây hại cho người. Do đó, có thể coi ếch là một loại thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng và lại ngon miệng.