Nuôi rết trong nhà, coi chừng…mất mạng

Anh Lê Mạnh Cường (507, nhà E1, tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân) đam mê nuôi cá cảnh từ nhỏ. Gần đây, chạy theo phong trào “săn lùng” cá rồng, anh Cường chi hẳn triệu bạc mua đôi cá rồng về nuôi với niềm tin là “thần hộ mệnh”, là “linh vật” mang lại may mắn cho mình. Đôi cá rồng chỉ chừng 20-30cm nhưng ăn rất khỏe và ưa loại thức ăn “kinh dị” như sâu, dế, gián, thằn lằn…

Rết có chất độc khá nguy hiểm. Ảnh minh họa

Mới đây, đến số 8 Tăng Bạt Hổ, phát hiện rết là loại thức ăn “quý” cho cá rồng, anh mua hẳn 50 con rết về “dự trữ”. Giá rết đủ loại, dài từ 17cm trở lên giá 15.000 – 20.000đ/con, thậm chí có cả rết chúa, giá 30.000/con. Khách mua rết không ít, ai cũng túi lớn, túi bé xách về. “Mặc dù, rết được bọc 2 lớp nilon ở phía ngoài, nhưng trên đường về vẫn nơm nớp sợ chúng “xổng” ra ngoài; vừa mất tiền, lại vừa sợ nó tấn công chủ bất cứ lúc nào” – Anh Cường chia sẻ.

Về nhà, thay vì đựng trong túi nilon, phần lớn chủ nhà “giam giữ” rết trong những chiếc cốc nhựa mỏng dính, những cái chai để “hờ” nắp. Một chủ hàng đường Hoàng Hoa Thám đưa ra lời khuyên: “Chủ nhân có thể nuôi rết sống 2 tháng trong chai, chỉ cần đảm bảo không khí vẫn lưu thông, xịt thêm ít nước và thả một con dế làm thức ăn cho rết”.

Khi chúng tôi bày tỏ lo lắng về sự nguy hiểm khi để rết trong nhà, anh Cường phân bua: “Chắc cũng như ong đốt thôi. Tôi chưa bị rết cắn bao giờ nên… chẳng sợ”.

Anh Lê Vĩnh Khải, một người trong hội cá cảnh cùng anh Cường được một phen nhớ đời khi bị rết cắn vào tay. Chỉ sau 5 phút, ngón tay anh nhức và sưng tấy, người toát mồ hôi. Sợ vợ con lo lắng, anh lấy dầu xoa vết thương và tự uống thuốc giảm đau. Không những không đỡ đau, việc tự chữa càng khiến các khớp ngón tay sưng phồng lên, cứng lại.

Cả nhà tán loạn chở đi cấp cứu, anh Khải phải nằm viện để tiêm thuốc giảm đau và truyền dịch. 2 tuần sau, anh vẫn không ngủ được vì vết cắn đau nhức. Dấu tích còn lại của vết cắn hiện chỉ như một mụn nhỏ nhưng anh Khải vẫn chưa hoàn hồn: “Mua 4 con rết 50 nghìn mà tiền thuốc mất hơn 700 nghìn đồng, suýt mất mạng, sợ thật”.

Theo anh Nguyễn Đức Hiếu (Viện Công nghệ Sinh học), rết là một trong 4 loại (rắn, rết, bò cạp và nhện) có chất độc khá nguy hiểm. Mặc dù, nọc độc của rết không gây chết người, nhưng có thể khiến nạn nhân đau buốt tức thì, thậm chí bị sốt và có thể kèm nôn mửa.

Người lớn sức đề kháng tốt sẽ không sao, nhưng nếu trẻ em tò mò, nghịch ngợm, vô tình bị rết cắn sẽ không lường hết mọi biến chứng xấu có thể xảy ra. Các gia đình nuôi cá cảnh, nếu lạm dụng loại thức ăn nguy hiểm thế này thì cá rồng không biết có làm “thần hộ mệnh” được hay không trước nhưng hiểm họa ở ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Rate this post

Viết một bình luận