Ở miền Nam ăn gì ngon? Miền Nam có đặc sản gì?
Ẩm thực là một phần văn hóa, phong tục tập quán của đất nước. Mỗi nơi trên dải đất hình chữ S, từ miền Bắc đến Miền Nam luôn mang đến nét đẹp của văn hóa ẩm thực tươi đẹp của vùng miền đó. Món ngon miền Bắc vị vừa đủ, tinh tế, món ngon miền Trung cay mặn, còn món ngon Miền Nam đa dạng, đậm đà. Đối với ẩm thực miền Nam, đó là một sự biến tấu không ngừng để mang đến giá trị món ăn không chỉ đẹp về hình thức mà còn tinh túy về hương vị. Ẩm thực Miền Nam sở hữu một hương vị riêng mà chẳng thể tìm thấy ở một nơi nào khác, có chút ngọt dịu nhẹ và chút đa dạng màu sắc ở các món qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp. Hãy cùng khám phá những nét độc đáo của ẩm thực nơi này qua những món ngon gây thương nhớ dưới đây nhé!
Du Lịch Huế Nên Đi Thời Điểm Nào Đẹp Nhất
Cơm tấm Sài Gòn là cái tên được nhắc đến đầu tiên trong danh sách những món ngon làm nên tên tuổi của ẩm thực Miền Nam đấy, món ăn sáng – trưa – tối quen thuộc của không biết bao thế hệ người con Sài Gòn.. Cơm tấm ngon ở Sài Gòn rất nhiều, bất kể là cao cấp hay bình dân, máy lạnh hay quạt máy, vỉa hè lụp xụp hay quán xá khang trang… có thể gọi là “hơi thở” của thành phố. Người Sài Gòn phóng khoáng nên khi ăn cũng không quá cầu kì, dĩa cơm tấm là một minh chứng. Cả cơm, sườn chả, mỡ hành, đồ chua… đủ thứ cho hết lên một chiếc dĩa và chan nước mắm vào mà ăn, gọn gàng hết sức. Nếu một lần đến Sài Gòn hãy thử bắt đầu một buổi sáng thú vị của bạn ở đầu con hẻm nhỏ cùng dĩa cơm tấm và ly cà phê đen đá, cuộc đời thật là “sang” rồi đấy !!!
Ngày nay bạn có thể dễ dàng thưởng thức được món hủ tiếu Mỹ Tho ở nhiều nơi nhưng dám chắc rằng ngon và chuẩn vị nhất thì chỉ có ở Tiền Giang thôi. Hủ tiếu Mỹ Tho có sợi hủ tiếu mềm dai, nước dùng ngọt thanh nhã lại có thêm thịt, tôm tạo hương vị đậm đà cho món ăn nên du khách nào đến Tiền Giang cũng đều muốn thưởng thức món ăn này. Ăn kèm hủ tiếu Mỹ Tho còn có nhiều loại rau sống đặc trưng của vùng đất Tiền Giang. Hủ tiếu phải ăn nóng mới ngon. Giá trắng, hẹ xanh hoà với màu đỏ của củ cải, sườn và gan béo ngậy, mực và bao tử giòn giòn, sợi hủ tiếu dai dai, mát mịn, người ăn có thể bỏ thêm gia vị như xì dầu, chanh, tiêu, ớt… có khi xin thêm nước lèo, giá, rau thì người bán vui vẻ “bổ sung” mà không tính thêm tiền. Hồi trước, hủ tíu Mỹ Tho ngoài thịt, lòng còn có con tôm chẻ đôi bày lên mặt tô trông rất bắt mắt. Ngày nay thì người ta còn ưa chuộng thêm cả thịt sườn hay trứng cút…
Với những người dân miền Tây Nam Bộ, món bánh tằm khá quen thuộc và nơi nào cũng có nhưng để thưởng thức đúng vị ở nơi gọi là “chính gốc” của nó thì phải về xứ Bạc Liêu. Làm bánh tằm ngó bộ đơn giản chứ lại đòi hỏi sự công phu, tính kỹ lưỡng và cả nghệ thuật khéo léo vô cùng. Bánh tằm ngan dừa Bạc Liêu được chế biến từ bột gạo lúa mùa nên từng sợi bánh rất thơm ngon, vừa dẻo vừa dai lại được se thủ công nên khi ăn có cảm giác xừn xựt rất thú vị. Bánh tằm cho ra tô, cho vào nhúm rau sống, nào xà lách, dưa leo, giá đỗ các thứ, rồi gắp lên mấy gắp bì thịt, chan một vá đầy nước cốt dừa thơm béo, ít mỡ hành tươi xanh, lại chan vào nước mắm ớt chua ngọt rồi trộn đều lên… vị chua ngọt của nước mắm hòa cùng vị béo của nước dừa, xen lẫn là vị tươi mát của rau sống sẽ tạo thành một hương vị đặc biệt khiến bạn cứ gắp từng gắp lớn mà ăn hết dĩa bánh tằm mới thôi.
Lẩu mắm là một trong những đặc sản trứ danh của nền ẩm thực vùng Nam Bộ, đặc biệt là ở Cần Thơ và cũng là món ăn mà du khách nhất định phải thử một lần khi du lịch tại đây. Hai loại mắm chuyên dùng để nấu lẩu là mắm cá sặc và mắm cá linh. Nước dùng lẩu có thêm nước hầm xương heo để ngon ngọt hơn và khi ăn nước dùng được đặt trên nồi lẩu để sôi sùn sục. Lẩu Mắm dung nạp tất cả các loại “topping” một cách hào phóng, tôm, mực, lươn, cá, thịt tùy ý thích người ăn… Phần rau ăn với Lẩu Mắm cũng chẳng kém cạnh với hơn chục loại khác nhau: bông súng, rau nhút, hẹ, ngò ôm, cải xanh, rau muống, rau ngổ, cần nước, đậu rồng, tai tượng, bông lục bình, rau đắng, bông so đũa, bông điên điển, giá, bắp chuối… tất cả hòa quện với nhau và tạo nên nét đặc trưng cho văn hóa ẩm thực đồng vùng Nam Bộ. Hương thơm từ nồi lẩu tỏa ngát vào khắp không gian, làm cho con người ta thấy dung dị mà khoang khoái lạ thường. Bao nhiêu chật vật, buồn lo ngược xuôi tan biến, tim ta lại rộn rã những bình yên của thực tại…
Nhắc đến ẩm thực nơi này làm sao không nhắc đến món bánh xèo gây thương gây nhớ được chứ. Bánh xèo nơi đây kích thước lớn hơn so với bánh xèo miền Trung, được đúc trong chảo nhiều hơn là trong khuôn nên vỏ bánh vô cùng giòn rụm. Chiếc bánh xèo to vàng giòn với nhân là thịt heo, tôm hoặc mực cùng với giá, đôi khi lại có chút bông điên điển đặc trưng của ẩm thực vùng Tây Nam Bộ. Khi thưởng thức thì ăn kèm cùng rau sống và chấm nước mắm chua ngọt được pha chế chỉnh chu. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non… Ở Cần Thơ có thêm lá chiết, ở Đồng Tháp thêm lá bằng lăng, ở Vĩnh Long có thêm lá xoài non, ở Bạc Liêu có thêm lá cách… Tất cả hòa quyện lại mang đến một hương vị rất ngon và rất đã cho người thưởng thức.
Nếu có dịp du lịch các tỉnh miền Tây sông nước mùa nước nổi thì du khách thì có cơ hội bắt gặp món đặc sản này – Chuột đồng nướng. Đây không chỉ là món ăn dân dã quen thuộc mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ, đặc biệt là vào mùa gặt. Nghe tới món thịt chuột thì thực khách sẽ có chút e ngại và cân nhắc nhưng đừng lo, bởi món ăn này chắc chắn sẽ khiến bạn phải bất ngờ bởi hương vị thơm ngon của ngon. Bên cạnh đó thì nguyên liệu chuột đồng miền Tây rất sạch do chúng chỉ ăn lúa gạo trên những cánh đồng, cũng vậy mà người nông dân thường đặt bẫy chuột sau mùa gặt (thường là từ tháng 9 đến tháng 10 vào mùa nước nổi). Tùy vào khẩu vị nên mỗi người có một cách chế biến thịt chuột khác nhau như hấp, xào sa tế hay chiên mắm nhưng đặc sắc nhất là chuột đồng nướng. Chuột để nướng phải được làm sạch ruột, cắt hết móng, rồi tẩm ướp gia vị cho thấm, sau đó xếp từng con lên vỉ nướng trên than hồng. Vừa nướng vừa trở tay đều để cho lớp da bên ngoài vàng óng, giòn đều, không bị khô. Món ăn này có hương vị thơm ngon hấp dẫn chấm cùng muối tiêu chanh và ăn kèm với rau răm, dưa leo,… thì vô cùng tuyệt vời. Bạn có thể thưởng thức món chuột đồng nướng khi đến bất kì tỉnh nào thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu bạn là một người có niềm đam mê với ẩm thực và muốn hiểu được rõ, được hết cái hồn của hương vị ẩm thực vùng Nam Bộ thì đừng bỏ lỡ món bánh canh Trảng Bàng nhé! Nước hầm của món bánh canh Trảng Bàng chứa đựng tinh hoa ẩm thực vùng này Bộ, đặc trưng của món ăn là nước dùng trong veo, ngọt thịt từ xương heo, rau củ. Để nấu nước dùng cần hành tây, hành tím, mực khô nướng sơ cùng ngò gai, sau đó cho tất cả vào túi vải và thả túi gia vị vào nồi nước xương heo hầm kĩ để tạo ra hương vị thanh ngọt của nước lèo bánh canh. Tô bánh canh với sợi bánh trắng nần, mềm dai rất khác biệt những nơi khác vì nó được ra bằng gạo nàng Miên dẻo dai vừa phải. Khi ăn có cảm giác tan trong miệng, quyện cùng vị béo ngọt của thịt, thanh thanh ngọt vị của nước lèo thơm nóng đã làm nên món ăn trứ danh Trảng Bàng của vùng đất Tây Ninh.
Canh chua là món ăn quen thuộc với hầu hết người dân Việt Nam, mà đặc biệt là bà con miền Tây. Với đặc thù sông nước mênh mông, vườn tược sum suê, người dân miền Tây Nam Bộ luôn có sẵn, có đủ những nguyên liệu cho một nồi canh chua ngon lành từ chính ao nhà, rau vườn. Bởi vậy mà món canh chua cá lóc gần gũi và thân thiết với từng bữa cơm đạm bạc của mỗi gia đình. Nói đạm bạc vì nguyên liệu không quá tốn kém, vậy chứ cứ thử nhìn vào danh sách những món nguyên liệu đa dạng và cách chế biến kỳ công, tỉ mỉ thì sẽ chẳng thể xem nhẹ món ăn này được đâu. Nồi canh chua đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng như một bức tranh hòa sắc, với hương thơm nức mũi từ mùi ngò ôm, mùi tỏi phi, mùi ớt chín, từng khúc cá trắng nõn được gắp ra đĩa, tỏa nghi ngút khói. Bên cạnh đó thì món ăn này còn vô cùng bổ dưỡng, các loại rau giá, bạc hà, rau nhút, so đũa, bông súng… có tác dụng giải nhiệt, nhuận trường và tiêu trừ độc hại cho cơ thể. Vào những ngày hè nóng bức, mà được ăn tô canh chua cá lóc, kèm với bát cơm trắng thì mọi cảm giác mệt mỏi sẽ bay biến mất.
Đuông dừa là ấu trùng dạng sâu của bọ kiến dương, ấu trùng lớn lên nhờ ăn cổ hũ dừa đến khi xuyên thủng ngọn dừa. Đuông dừa sống trong thân cây dừa nên rất sạch và có nhiều protein có lợi cho sức khỏe. Mỗi con đuông dừa to bằng ngón chân cái người lớn mập ú, dài chừng 3-5 cm, toàn thân màu vàng nhạt. Có rất nhiều cách chế biến món đuông dừa, tuy vậy, không phải ai cũng dám thử món đặc sản này. Đuông dừa có thể rang mặn, tẩm bột chiên, nướng muối ớt, luộc,… nhưng ngon nhất là tăm mắm ăn sống. Đuông dừa khi tắm mắm bạn có thể ăn sống ngay, vị béo ngậy như kiểu nước cốt dừa, hòa với vị mặn và mùi hương độc đáo của mắm nhĩ, vị cay của ớt sẽ làm bạn nhớ mãi món đặc sản trứ danh của vùng Nam Bộ.
khi nhắc đến mảnh đất này thì người ta thường nghĩ đến câu “dưới sông có cá, trên bờ có rau”. Đây là một vùng đất phì nhiêu, màu mỡ được bồi đắp bởi hệ thống các sông, kênh, rạch chằng chịt. mảnh đất này luôn được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều sản vật đa dạng, phong phú. Ẩm thực Nam Bộ mang nét phóng khoáng và hoang dã bởi chính thiên nhiên trù phú và hào phóng của miền sông nước phương Nam. Tuy luôn du nhập và có sự hòa quyện với văn hóa ẩm thực của các vùng miền khác, nhưng ẩm thực Miền Nam vẫn giữ những dấu ấn riêng biệt với nét dân dã đặc trưng của mình.
PV-BT: KIM CHI