Ở Sài Gòn không lo ‘chết đói’, chỉ không biết làm sao để giàu thôi – Phong Mã Express

Sài Gòn ‘dễ sống’

Khoan xét đến khoản ồn ào, kẹt xe, khói bụi thì các bạn có công nhận với tôi rằng cái đất Sài Gòn này được thiên nhiên ưu đãi lắm không?! Mà, nguyên nhân Sài Gòn quanh năm kẹt xe, khói bụi cũng là do 2 từ ‘dễ sống’ của mảnh đất ôn hòa này mà ra thôi. Ngẫm mà xem, dân Sài Gòn gốc chiếm được bao nhiêu phần trăm trên tổng số dân hiện đang sống tại Sài Gòn. Tết đến là dịp chúng ta thấy rõ nhất, khi những người con từ khắp mọi miền đất nước đang cư trú tạ đây trở về quê ăn Tết cùng gia đình, thì cũng là lúc Sài Gòn cũng trở nên vắng vẻ và bình yên đến lạ.

sai-gon-mot-buoi-chieu-yen-a.jpg
Đường Sài Gòn trở nên vắng lặng ngày Tết. Ảnh minh họa: Internet

Dân Sài Gòn quanh năm chỉ biết đi làm, đi chơi chứ nào có biết phải trữ lương thực, sơ tán con người, đồ vật khi bão, lũ đến cảm giác nó như thế nào. Còn nhớ vào năm 2013 khi được dự báo cơn bão số 13 sẽ đổ bộ vào Sài Gòn trong đêm 6/11, trái với người dân các vùng miền khác, người Sài Gòn đua nhau chia sẻ trên các trang mạng xã hội về cảm giác ‘hân hoan’  khi hay tin bão tới. Cộng đồng mạng khắp cả nước đùa với nhau rằng “Người Sài Gòn đón bão như đón Tết”.

Quanh năm hai mùa mưa, nắng, khí hậu ôn hòa. Người Sài Gòn phải chăng được thiên nhiên ưu đãi quá đâm ra tính tình cũng ‘dễ dãi’: “Chuyện gì cho qua được là cho qua”. Như bài viết của bạn P.T từng chia sẻ trên trang cá nhân về việc va quẹt xe giữa người Sài Gòn và của người dân vùng miền khác. Theo bạn P.T thì ở địa phương khác, có thể sẽ có một cuộc tranh cãi hoặc thậm chí dẫn đến ẩu đả khi bạn vô tình tông vào xe người đứng trước trong lúc đứng đợi đèn đỏ. Tuy nhiên, ở Sài Gòn bạn sẽ chỉ nhận lại một cái ngoái đầu theo quán tính của nạn nhân khi bạn vô tình ‘hun’ vào sau xe họ tại điểm dừng giao thông mà thôi.

 

Nhiều cách để ‘moi’ tiền người Sài Gòn

Cụ thể một ngành nghề mà tôi thấy dễ ‘moi’ tiền khách hàng nhất là nghề giữ xe tại các địa điểm ăn uống. Lương nhân viên giữ xe ở Sài Gòn có thể ‘khá khẩm’ hơn những địa phương khác, tuy nhiên cũng không được gọi là ‘đủ sống’ với mức chi phí sống xếp thứ 4 và thứ 6 cả nước (năm 2013-2014) về mức độ đắt đỏ theo công bố chỉ số SCOLI. Vì vậy để tăng thêm thu nhập, những con người này không ‘xin đểu’ như tại các địa phương khác mà họ nghĩ ra cách khéo léo hơn để ‘moi’ tiền khác hàng một cách ngọt ngào nhất. Người Sài Gòn không bao giờ tiếc 5.000 – 10.000 VND khi thấy anh giữ xe luôn giữ thái độ tôn trọng khách hàng, một tiếng ‘dạ’, hai tiếng ‘thưa’, hài hước trong từng câu nói, nhiệt tình lấy xe và cẩn thận lau yên xe ‘sạch không tỳ vết’ cho khách. 

Tôi còn nhớ có lần tôi cùng bạn đi ăn tại một quán ăn trên đường Trần Hưng Đạo Quận 1, vào quán tôi chọn ngồi ngay góc nhìn ra đường để ngắm xe cộ ngày cuối tuần. Trò chuyện được một lúc, tôi thấy chú bảo vệ không biết là vô tình hay cố ý (mà theo tôi chắc là cố ý) đang loay hoay dùng khăn sạch lau cẩn thận chiếc xe của bạn tôi. Và chắc hẳn chú biết chúng tôi đang dõi theo nhưng vờ như không biết, chú cứ thế lau từng chút, từng chút một, không bỏ sót một ngóc ngách nào. Biết là chiêu trò để ‘moi’ tiền của chú đấy, ấy vậy mà sao chúng tôi vẫn cứ tự nguyện muốn biếu chú thêm 10.000 VND để chú cà phê, thuốc lá.

14101714_1051517134918094_332847126_n.jpg
Chú bảo vệ ‘tung chiêu’ lau xe cẩn thận cho khách. Ảnh: An Nhi

Đó là về nhân viên giữ xe, còn các chú xe ôm thì ‘chiêu trò’ tinh tế hơn: nhiệt tình với khách ‘quá mức quy định’. Lần đấy, do xe không khởi động được tôi phải đi bộ một đoạn để bắt xe ôm đi làm. Vì ngại phiền chú nên khi thấy có xe bánh mì trên đường đi tôi kêu chú tấp vào đấy để tôi mua cho tiện. “Con muốn mua đồ ăn sáng hả?” – Chú xe ôm hỏi. Sau khi nhận được câu trả lời “Vâng ạ” của tôi, chú nói tiếp: “Con có trễ giờ không? Không thì chú chở đến gần đây mua đồ ăn sáng. Chỗ đó bán nhiều đồ lắm, con tha hồ lựa. Có gì chú đợi cho”. Mà, chú đợi thật. Đến nơi chú vẫn lấy giá như ban đầu chú đã thỏa thuận với tôi, không hề đòi thêm một đồng nào. Thương chú, tôi lại tự nguyện biếu chú thêm 10.000 VND xem như phụ chú tiền xăng đi lại.

 

185321_xe_om_2.jpg
Khi đến nơi đây mưu sinh thì cho dù các chú là người địa phương nào cũng có một điểm chung là nét ‘dễ thương’ rất Sài Gòn. Ảnh minh họa: Internet

Và không thể bỏ qua ‘chiêu trò’ của nhân viên phục vụ trong ngành dịch vụ ăn uống.

Hôm đấy, một buổi tối cuối tuần, tôi cùng anh bạn đến một nhà hàng bia Tiệp trên đường Phổ Quang quận Gò Vấp ‘làm’ vài ly cho vài câu chuyện xoay quanh công việc và cuộc sống của chúng tôi. Chuyện cứ nối tiếp chuyện, trời đã khuya từ khi nào chúng tôi không hay biết. Ấy vậy mà các bạn nhân viên vẫn rất vui vẻ và nhiệt tình phục vụ đến mức chúng tôi không biết mình là hai vị khách cuối cùng của quán. Khi tính tiền, số tiền anh bạn tôi đưa cho nhân viên so với số tiền trên hóa đơn là chênh lệch không nhỏ nên khi thấy anh rời ghế ra về, tôi sợ anh quên lấy tiền thừa nên hỏi: “Anh có cần lấy tiền thừa không?”

“Không, anh boa cho tụi nhỏ. Tội nghiệp, ngồi vật vờ nãy giờ đợi mình”

Người Sài Gòn là vậy, chỉ cần bạn ‘dễ thương’ một cách chân thành với họ thì họ sẽ không tiếc với bạn thứ gì đâu.

Sống ở Sài Gòn không sợ thiếu nghề để làm đâu

Lần nọ, tôi nghe một anh bạn tuổi đã gần ba mươi tâm sự: “Chắc anh về quê sống thôi. Ở Sài Gòn khó sống quá”. Nhận xét của anh là không sai, nhưng nó chỉ đúng với một người từ sáng đến khuya chỉ ở nhà chơi game online và sống nhờ vào 3 – 4 triệu đồng tiền chu cấp của bố mẹ gửi từ quê lên như anh thôi. Khi được hỏi vì sao anh không tìm lấy cho mình một cái nghề, anh nói ở Sài Gòn khó tìm việc lắm và anh cũng chẳng có ‘nghề ngỗng’ gì cả.

Tôi tự hỏi anh có hiểu Sài Gòn không nhỉ? Ở cái chốn này mà anh lại than rằng khó tìm việc và không biết làm nghề gì. Nghề ở Sài Gòn phong phú, đa dạng và ‘ngộ nghĩnh’ lắm. Cũng bởi cái chốn này là nơi hội tụ của những con người ‘tha phương cầu thực’, muốn thoát khỏi cái khổ, cái nghèo, cái đói nơi quê nhà.

Nghề nhổ tóc bạc

Sỡ dĩ người ta lại chịu bỏ ra 30.000 VND – 60.000 VND cho một giờ tại các tiệm nhổ tóc bạc vì tại nơi đây ngoài cảm giác ‘phê’ khi bàn tay người thợ cứ nhẹ nhàng, khéo léo lôi từng sợi tóc bạc ra thì khách nơi đây còn có được những giây phút sẻ chia những câu chuyện của cuộc sống, của những thăng trầm cuộc đời và của những người con xa xứ đang phải ‘oằn mình’ mưu sinh ở chốn hoa lệ này. 

Nghề bắt gián

Nhiều người thấy gián là sợ hãi, nhưng với cô Kim Anh, nó là một con vật gắn bó và giúp cô nuôi gia đình trong nhiều năm qua. Cái nghề đầy rẫy nguy hiểm này đã giúp cô Anh (52 tuổi) sửa sang được ngôi nhà xập xệ cho gia đình. Mỗi con gián được khách mua với giá 100 đồng. Mỗi đêm đi làm, cô cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. Tuy vất vả và nguy hiểm nhưng cô Anh luôn tâm niệm luôn tâm niệm đã có duyên với nghề thì mình gắn bó đến khi không thể làm được nữa thì thôi.

Nghề ngủ trong quan tài lấy may

Chỉ cần sau khi xuất xưởng, hòm không bán được thì một số người chuyên ‘ngủ trong quan tài’ sẽ nhận được điện thoại mời đến ngủ một đêm trong quan tài. Sỡ dĩ có dịch vụ ‘kỳ quái’ này là do các chủ trại hòm tin rằng cách mà những người này ‘giả chết’ sẽ giúp đem lại may mắn cho trại hòm và ‘hàng hóa’ sẽ bán đắt hơn. Cái nghề ‘kinh dị’ này lại có thể khiến người ta ‘nhơ nhớ’ khi lâu không ‘hành nghề’. 

10-04-yen-sao-uy-tin-anpha.jpg
Và còn vô số những ngành nghề không tên khác đã và đang nuôi sống cả gia đình những con người ở thành phố hoa lệ này. 

Vậy đó, Sài Gòn chỉ dễ thương khi bạn thật sự chân thành trong cư xử và dễ sống khi bạn thật sự muốn sống bằng chính sức lao động của mình mà thôi.

An Nhi/yeah1

Rate this post

Viết một bình luận