Hai mươi hai tuổi, phần lớn chúng ta đều đứng trước một ngưỡng cửa mang tên “Tốt nghiệp”. Bạn sẽ phải chọn giữa bắt đầu đi làm, hay học lên bậc cao hơn; tự đi tìm việc, hay chờ để được giới thiệu; ở lại thành phố này, hay chuyển đi nơi khác; chọn công việc thu nhập đều đều, hay lương cứng 6 triệu và có hoa hồng, v.v.? Đâu là kinh nghiệm phỏng vấn cho sinh viên mới ra trường để có được công việc như ý?
Got It hiểu rằng, tuổi 22 gắn liền với quá nhiều câu hỏi và bỡ ngỡ. Vậy nên, Got It đã soạn ra 05 kinh nghiệm phỏng vấn cho sinh viên mới ra trường, mà mọi chàng trai, cô gái ở lứa tuổi 20 đều nên hiểu trước khi tìm việc, hay cụ thể hơn là trước khi đi phỏng vấn. Nếu làm chủ được 05 điều này, Got It tin rằng bạn sẽ trở nên nổi bật hơn rất nhiều trong cuộc đua sắp tới đấy!
1. Biết chọn công ty để nộp hồ sơ
Got It vẫn hay ví von rằng tìm công ty cũng giống như tìm người yêu, mà thậm chí còn phải kỹ hơn. Bởi công ty, những đồng nghiệp và công việc là những thứ bạn gắn bó đến 8 tiếng/ngày, ngót nghét ⅓ thời gian tuổi trẻ. Chẳng có lí do gì để ta phải làm khổ bản thân khi làm việc ở một nơi không như ý phải không?
Hãy chọn một công ty nơi bạn được làm việc một cách thoải mái nhất
Có 5 câu hỏi bạn nên trả lời trước khi đi phỏng vấn, hay thậm chí là trước khi nộp CV vào một công ty, đó là:
- Công việc hàng ngày của bạn là gì?
- Bạn có thể học được gì từ công việc này?
- Chúng có trùng khớp với mục tiêu nghề nghiệp của bạn không?
- Môi trường làm việc của công ty có phù hợp với bạn không?
- Bạn có lộ trình phát triển ở công ty đó không?
Tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm được tất cả những thông tin này trước khi phỏng vấn. Tuy vậy, Got It sẽ mách bạn một vài cách tìm hiểu, cũng như cách tạo network dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp để tìm được nhiều thông tin nhất có thể như sau:
- Tìm hiểu kỹ về trang web và các sản phẩm của công ty
- Liên lạc và trao đổi với HR (qua LinkedIn, Zalo, Facebook, v.v.)
- Hỏi thăm từ một (hoặc vài) nhân sự hiện tại của công ty
- Hỏi thăm từ một (hoặc vài) nhân sự cũ của công ty
- Tham gia hội Alumni của trường để tìm “cao nhân” chia sẻ kinh nghiệm
Hãy tìm hiểu các thông tin này với góc nhìn trung lập và tỉnh táo, để từ đó có những giả định đầu tiên cho mình. Việc này không chỉ giúp bạn đỡ mất thời gian cho những công ty không phù hợp, mà còn giúp bạn tự tin hơn khi đi phỏng vấn đấy.
Mới tốt nghiệp, network bằng 0, bạn nên làm gì?
2. Biết làm một CV vừa đủ
Chỉ với một vài từ khoá và một cú click chuột, bạn sẽ dễ dàng tìm được hơn 10 triệu kết quả trên Google về cách viết CV hay kinh nghiệm phỏng vấn cho sinh viên. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhắc tới một điểu tưởng chừng quá đơn giản: “CV dài bao nhiêu là đủ?”. Có phải CV càng dài, càng chi tiết thì càng tốt? Sinh viên mới ra trường thì nên viết bao nhiêu trang CV là vừa?
Với kinh nghiệm của Got It, bạn chỉ cần DUY NHẤT 01 TRANG CV để khiến mình trở thành ứng viên nổi bật. Các nhà tuyển dụng có kinh nghiệm thường chỉ dành không đến 01 phút để đọc lướt CV của các ứng viên. Và việc của chúng ta chính là “bắt” ngay sự chú ý của họ một cách nhanh nhất, để họ phải đọc kỹ hơn và đưa CV của mình vào vòng tiếp theo.
Tuyệt đối KHÔNG tự chấm điểm theo cảm tính trong CV để tránh gây “bối rối” cho cả hai bên
Bởi vậy, hãy gói gọn tất cả những điểm nổi bật nhất của bạn vào 01 trang CV và loại bỏ hết các thông tin thừa thãi (như giới tính, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, địa chỉ nhà riêng, sở thích, v.v.). Thử tưởng tượng mình chính là nhà tuyển dụng, bạn muốn thấy gì từ CV của một ứng viên? Kinh nghiệm, những con số rõ ràng, thành tựu có tính xác thực, hay những câu chữ dài dòng được copy & paste từ một template nào đó?
Cách viết CV chỉ trong 01 trang: http://bit.ly/gotit-huong-dan-viet-cv
3. Biết cách tư duy dựa trên dữ liệu
Một vấn đề của nhiều sinh viên mới ra trường đó là không biết mình có gì để “khoe ra” lúc đi phỏng vấn. Điều này dẫn đến việc bạn thường viết CV dài dòng, trả lời thiếu trọng tâm, không biết đâu là thế mạnh của mình, hoặc không biết chứng minh thế mạnh đó một cách nổi bật
Kinh nghiệm phỏng vấn cho sinh viên mới ra trường nói riêng, hay mọi ứng viên nói chung, đó là hãy luyện cho mình cách tư duy dựa trên số liệu, hiểu nôm na là dùng dữ liệu cụ thể để chứng minh mọi thông tin bạn đưa ra. Điều này không chỉ giúp bạn trình bày mạch lạc hơn về mình, mà còn dễ gây ấn tượng hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Để thực hành, bạn có thể sử dụng cấu trúc: “Tôi đã đạt được thành tựu [X] với con số [Y] bằng cách sử dụng công cụ [Z]”. Ví dụ, hãy so sánh 2 câu:
- “Tôi có một blog về lập trình và với lượng truy cập khá cao”
- “Tôi đang điều hành một trang blog về lập trình với hơn 10.000 lượt đọc mỗi tháng, nội dung là các kiến thức dành cho Front-end Engineer”
Rõ ràng câu thứ hai với các con số gây ấn tượng hẳn phải không nào? Về lâu dài, hãy học cách đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu cụ thể, bởi nó sẽ giúp bạn tư duy rành mạch hơn, cũng như tránh tình trạng đưa ra quyết định một cách cảm tính, mơ hồ.
Một ví dụ về cách dùng dữ liệu để làm nổi bật thành tích trong CV
Hướng dẫn viết CV từ A đến Z dành cho Software Engineer
4. Biết bản thân cần gì
Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân, 01 năm sau bạn muốn đạt được điều gì? Nếu có kế hoạch đến 03 hay 05 năm sau, dĩ nhiên đó là điều đáng mừng. Nhưng Got It hiểu rằng, không phải mọi sinh viên khi ra trường đều xác định được mục tiêu dài hơi của mình. Nhưng bạn đừng lo, bởi chúng ta vẫn còn thời gian để bước từng bước nhỏ, vừa đi, vừa tìm kiếm con đường dành cho mình.
Hãy nghĩ về:
- 03 người bạn muốn làm việc cùng nhất, 03 người mà bạn ngưỡng mộ và luôn muốn trở thành, và
- 03 người bạn không bao giờ muốn làm việc chung, những kẻ mà bạn luôn tránh xa khi có bài tập nhóm.
Sáu người ấy có cách làm việc như thế nào? Ưu-nhược điểm của họ là gì? Bạn có thể học hỏi điều gì, tránh xa điều gì? Hãy trả lời các câu hỏi này để biết được bạn cần gì trước khi bắt đầu một công việc.
Những người xung quanh bạn chính là một trong những yếu tố nói lên bạn là ai
Và nhớ bẻ nhỏ mục tiêu theo từng năm hoặc 03-05 năm một thôi nhé, bởi kế hoạch sẽ luôn thay đổi và bạn không cần phải bắt mình nhọc lòng suy nghĩ xa xôi quá đâu!
5. Hiểu về quy tắc win-win trong công việc
Thời nay, chúng ta hiếm khi dùng từ “xin việc”, bởi công việc nên được coi như một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi (win-win) giữa nhà tuyển dụng và người lao động. Và khi nói đến win-win nghĩa là nói đến một mối quan hệ HAI CHIỀU:
- Bạn là người bỏ sức lao động để nhận lại lương, phúc lợi xứng đáng. Đổi lại, bạn có nghĩa vụ đóng góp cho các dự án, mục tiêu chung của công ty.
- Công ty bỏ ra tiền của, xây dựng chính sách, cơ sở vật chất để nhận lại thành quả lao động từ nhân viên. Đổi lại, họ có nghĩa vụ chăm sóc nhân viên, trả thù lao xứng đáng và các phúc lợi khác để nhân viên cảm thấy hài lòng trong công việc.
Công việc nên là một mối quan hệ cùng nhau có lợi
Nếu không đặt hai vế này ngang nhau, bạn rất dễ rơi vào cảnh bị bóc lột sức lao động, hoặc có những kì vọng không hợp lí. Nếu bạn không đi làm vì đam mê, thì nhà tuyển dụng cũng không tuyển bạn về chỉ để đào tạo. Bạn muốn nhận lại phúc lợi xứng đáng, thì nhà tuyển dụng muốn có được kết quả tương đương với số tiền họ bỏ ra. Vậy nên, hãy làm việc hết mình ở một công ty tôn trọng sức lao động của bạn, đừng để cán cân này quá lệch về một bên.
Lời kết
Bạn thấy sao về 05 điều trên? Got It hy vọng rằng chúng đã giúp bạn trả lời những câu hỏi về kinh nghiệm phỏng vấn đang trăn trở bấy lâu nay, từ đó bớt đi phần nào nỗi bỡ ngỡ khi bước chân vào thế giới của người trưởng thành. Bạn cũng có thể đọc các bài viết tương tự ở mục Sharing trên trang blog của Got It nhé!