Tuần trước, ca sĩ Thái Trinh bị quấy rối bằng lời nói. Khi Trinh lên tiếng, một số người nói cô làm lố.
Ngày 16/03, vụ nổ súng tại 3 cửa hiệu spa ở Atlanta, Mỹ đã lấy đi sinh mạng của 8 người, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á. Động cơ thật sự khiến nghi phạm xả súng là gì, nếu không phải tội ác vì thù hằn (hate crime)?
Ngày 29/03, một phụ nữ người Mỹ gốc Philippines 65 tuổi đã bị một người lạ hành hung khi đang trên đường đến nhà thờ. Người bảo vệ ở toà nhà trước nơi bà bị đánh chứng kiến tất cả, và anh ta quyết định đóng cửa, ngó lơ. (Nguồn: washingtonpost.com)
Đó là những chuyện phi lý vẫn đang diễn ra hằng ngày trên thế giới. Và nếu bạn nghĩ rằng nó ở xa bạn lắm; rằng những vụ tấn công do thù ghét và thành kiến sẽ không bao giờ xảy đến với bạn… hãy nhớ lại, bạn có từng nhận được những lời khen tưởng chừng vô hại, nhưng bên trong có ý kỳ thị (microaggression) thế này:
- “Người châu Á mà nói tiếng Anh tốt nhỉ!” – Một người Mỹ nói với chị họ của tôi, một người đã sống ở Mỹ hơn 20 năm.
- “Em nữ mà tửu lượng tốt quá ha!” – Anh đồng nghiệp, nhân một dịp cả công ty đi uống.
- “Hên là em con gái nhưng không “bánh bèo”!” – Người yêu cũ.
- “Em xinh quá, nhìn không giống người nước A. Anh cứ tưởng em đến từ nước B!” – Một người lạ gặp phải khi đi du lịch nước ngoài.
Có nên tiếp tục im lặng?
Khi im lặng không phải là giải pháp
Tôi nhớ mãi một buổi chiều muộn nhiều năm về trước, khi tôi và 3 chị em đồng nghiệp khác ngồi lại trò chuyện sau giờ làm. Ngày hôm ấy, chủ đề “xâm hại tình dục” vô tình được nhắc tới.
Với tôi, là giữa một sân bay rộng lớn tấp nập người qua lại, một người đàn ông ngoại quốc xa lạ ngang nhiên chạm vào vùng kín, khi tôi vừa tròn 10 tuổi. Với những người còn lại, có người bị hàng xóm xâm hại khi còn rất nhỏ; có người biết em gái mình bị xâm hại, vì chính bạn cũng từng bị người đó xâm hại…
Chúng tôi đã im lặng lâu nhất có thể. Gia đình chúng tôi cũng chọn cách im lặng. Vì không muốn lời ra tiếng vào, và chúng tôi tổn thương hơn nữa.
10 – 15 – 20 năm trôi qua, không ai còn nhớ về cơn sang chấn ngày hôm ấy, ngoại trừ chúng tôi. Nếu như sự im lặng và thời gian có thể chữa lành tất cả, tại sao chúng tôi vẫn khóc nghẹn khi kể câu chuyện này?
Nạn nhân của xâm hại tình dục im lặng vì họ sợ người khác không tin những gì mình nói; vì mặc cảm với một phần danh dự, nhân phẩm mà họ cảm thấy đã mất. Nạn nhân của tội ác vì thù hằn im lặng vì họ sợ phải ra toà, bị trả thù và thiếu sự thấu hiểu từ phía cảnh sát. Nạn nhân của kỳ thị giới tính im lặng vì họ sợ không được chấp nhận và mất đi cảm giác thuộc về.
Những người xung quanh nạn nhân im lặng – có thể vì họ sợ mũi rìu dư luận làm đau nạn nhân; có thể vì họ không thể thấu cảm hết những điều mà họ chưa từng trực tiếp trải qua; và có thể vì họ cũng mang nỗi sợ ‘là nạn nhân tiếp theo’.
Sự im lặng có thể là liều thuốc bình tâm tạm thời, nhưng bao bọc trong nó là một vấn đề chưa có lối thoát, những nỗi đau âm ỉ, và sự uất ức chỉ chực chờ vỡ toang…
Im lặng, chưa bao giờ là giải pháp triệt để.
Nguồn: Anh Thư @immortal_wrust cho Vietcetera
Đã đến lúc thôi im lặng?
Kể từ sau khi đại dịch bùng lên, các vấn đề liên quan đến sắc tộc và giới tính, với lịch sử kéo dài hàng thế kỷ, đang ngày càng trở nên tệ hơn.
Trong năm qua, trên toàn nước Mỹ đã có gần 3.800 vụ tấn công do kỳ thị người châu Á, trong số đó, 68% trường hợp nhắm đến đối tượng là phụ nữ gốc Á. Trong đó, người Trung Quốc là nhóm dân tộc lớn nhất bị kỳ thị (42,2%), tiếp đến là người Hàn Quốc (14,8%), Việt Nam (8,5%) và Philippines (7,9%). (theo tổ chức Stop Asian American Pacific Islander (AAPI)
Tệ hơn nữa, là cách mà truyền thông Mỹ ngó lơ. Họ nói thể như vụ nổ súng tại Atlanta là vì nghi phạm nghiện tình dục, trong khi, “rõ ràng là hắn nhắm vào những phụ nữ này vì họ là người châu Á.” – Nhà văn người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt.
Gốc rễ của vấn đề xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc (anti-racist) và vì truyền thông vẫn đang làm méo mó hình ảnh người phụ nữ châu Á. Nhiều người đã xuống đường để thể hiện “Mạng sống của người châu Á cũng đáng giá”, nhưng cuộc đối thoại về chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc thì vẫn đang ở giai đoạn khởi điểm – tại Mỹ, và chính tại những quốc gia châu Á, nơi mà “giấc mơ Mỹ” vẫn còn hiện hữu.
Phá vỡ im lặng, ngay lúc này, chỉ đơn giản là để nạn nhân được lên tiếng, lắng nghe và đồng cảm với họ. Phá vỡ im lặng, ngay lúc này, chỉ đơn giản là để kiến thức về bình đẳng sắc tộc và giới tính được lan rộng đi.
Nguồn: Anh Thư @immortal_wrust cho Vietcetera
Bắt đầu cuộc đối thoại, từ đâu?
Tôi rất yêu mẹ mình, và tôi biết bà cũng yêu tôi, nhưng số lần chúng tôi ngồi xuống nói chuyện với nhau, như những người phụ nữ, đếm trên đầu ngón tay. Vì khoảng cách thế hệ, và vì lựa chọn của chúng tôi không giống nhau. Những cuộc trò chuyện đi đến tranh cãi rồi dừng tại đó.
Hoá ra tôi chưa bao giờ cùng mẹ thực hành “tôn trọng những lựa chọn cá nhân” – điều cơ bản nhất của “quyền nữ”. Tôi cũng chưa bao giờ nói mẹ nghe về khái niệm này, và tại sao bây giờ chúng ta vẫn đang trên con đường đi tìm bình đẳng cho phụ nữ.
Tương tự như thế, tôi cũng chưa chỉ em trai mình cách để khen ngợi một người khác giới mà không khiến họ bị tổn thương bởi những hàm ý vô tình.
Hoá ra, tôi thậm chí còn chưa phá vỡ im lặng với những người mà mình gần gũi nhất. Mà đáng lý ra, những cuộc đối thoại quan trọng thế này nên là những cuộc đối thoại đời thường nhất – để chúng ta cùng biết tại sao trên thế giới người ta vẫn phải đấu tranh giành lại từng quyền bình đẳng một; và để chúng ta không trở thành một phần của vấn đề, vì thiếu hiểu biết.
Trò chuyện, gửi link, chia sẻ bài đăng… đó là những gì cơ bản nhất chúng ta có thể làm. Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, hãy ghé thăm Việt Activism – một nguồn thông tin về những phong trào và vấn đề xã hội trên thế giới, dành cho người Việt.
Được chấp bút bởi Hoà My.