Chỉ có người nào rất là vị kỷ mới có thể không ích kỷ. Nhưng điều đó cần phải hiểu rõ ràng rành mạch bởi vì nó giống như là một nghịch lý.
Vị kỷ có nghĩa là gì? Định nghĩa cơ bản thứ nhất của vị kỷ là “tự kỷ trung tâm” (tự cho mình là trung tâm). Định nghĩa cơ bản thứ hai là luôn luôn đi tìm hạnh phúc cho chính mình.
Nếu bạn là người tự kỷ trung tâm, bạn sẽ ích kỷ đối với bất cứ việc gì bạn làm. Ngay cả vấn đề phục vụ mọi người, bạn vui vẻ làm vì chính bạn thích làm như vậy, bạn cảm thấy sung sướng khi làm công việc đó. Bạn không phải hành động vì bổn phận trách nhiệm, bạn không phải và cũng không có bổn phận phải phục vụ nhân lọai. Bạn không phải là một kẻ tử vì đạo, một nghĩa sĩ nổi danh nào cả; bạn không hy sinh một cái gì cả. Những danh từ “tử vì đạo, nghĩa sĩ, hy sinh…” đều rỗng tuếch, vô nghĩa, dỏm. Bạn làm mọi công việc, bạn hành xử với mọi người chung quanh bạn thật dễ thương, thật tự nhiên, không gò bó, không bắt buộc, bạn đơn giản làm và sung sướng làm theo khuynh hướng của bạn, cá tánh của bạn, bản chất tự nhiên của bạn – và điều đơn giản đó khiến bạn vui vẻ, hài lòng, sung sướng.
Bạn đi đến nhà thương, phục vụ giúp đỡ những bệnh nhân hay bạn đi đến những người nghèo và giúp đỡ họ, bạn làm với tình thương chân thật trong bạn, phát xuất thật tự nhiên và bạn yêu thích những công việc đó. Đúng, chính những hành xử phóng khoáng đó nuôi dưỡng bạn lớn lên, trưởng thành. Tận cùng đáy tâm khảm, thật sâu kín tận đáy lòng, bạn cảm thấy được ân sủng và yên lặng, hạnh phúc với chính bạn, về chính bạn.
Con người tự kỷ trung tâm luôn luôn đi tìm hạnh phúc cho chính hắn. Và đó chính là cái Đẹp, cái Chân Thiện Mỹ của nhân loại, vì càng đi tìm hạnh phúc cho chính mình bao nhiêu thì bạn sẽ giúp mọi người được sung sướng bấy nhiêu, bởi vì đó là phương cách độc nhất, con đường độc nhất để sống hạnh phúc ở cuộc đời này. Nếu mọi người chung quanh bạn không hạnh phúc, bạn sẽ không cảm thấy hạnh phúc đâu, bởi vì con người không phải là một hải đảo hoang vu. Con người là một phần thể của đại dương mênh mông kia. Nếu bạn muốn sung sướng hạnh phúc, bạn sẽ và cần phải giúp người khác chung quanh bạn được hạnh phúc. Và rồi – chỉ khi đó, bạn mới có hạnh phúc.
Bạn cần phải gây tạo ra một bầu không khí vui tươi, sinh động chung quanh bạn. Nếu mọi người đều đau khổ, làm sao bạn có thể vui vẻ một mình được? Bạn sẽ bị ảnh hưởng đó. Bạn không phải là hòn đá hay cây cỏ vô tri kia, bạn là một con người hữu tình, rất nhậy cảm. Nếu mọi người chung quanh bạn đều đau khổ, sự đau khổ đó của họ sẽ lây lan và ảnh hưởng tới bạn. Sự đau khổ dễ ảnh hưởng đến chúng ta còn hơn bất cứ một bệnh dịch truyền nhiễm nào nữa. Và ân sủng thiêng liêng cũng vậy, cũng dễ ảnh hưởng đến chúng ta hơn bất cứ một căn bệnh nào.
Nếu bạn giúp người khác vui vẻ sung sướng, có nghĩa là rốt cuộc bạn đang giúp cho chính bạn sống an lạc vui vẻ đấy. Người nào thực sự quan tâm, quan tâm thật sâu xa đến niềm hạnh phúc tâm linh của chính hắn ta thì sẽ luôn luôn quan tâm đến hạnh phúc của người khác – nhưng không phải “cho” người khác đâu – hắn ta thực sự chỉ chú tâm đến hạnh phúc của chính hắn, vì thế hắn đã giúp người khác sống hạnh phúc để hắn được hạnh phúc.
Nếu trên cuộc đời này, ai ai cũng được chỉ bảo là hãy sống vị kỷ trước, vì mình trước đi, thì cả thế giới này đã an vui rồi. Sẽ không còn chỗ cho đau khổ gì nữa. Hãy chỉ bảo mọi người sống vị kỷ trước đi – lòng vị tha sẽ từ từ đơm hoa từ vị kỷ. Vị tha, không ích kỷ chính là vị kỷ – có thể lúc ban đầu, chúng ta thấy chưa quen, nhưng từ từ rốt cuộc, niềm vui sống cho người, vì người sẽ dâng tràn tâm hồn chúng ta, và hạnh phúc đó sẽ nhân lên gấp ba, bốn lần.
Càng nhiều người vui vẻ sống chung quanh bạn, niềm hạnh phúc đó sẽ tiếp tục phát triển mạnh và rơi phủ xuống tâm hồn bạn. Bạn sẽ vô cùng an lạc, nhẹ nhàng.
Và một người, khi đã rất an lạc, hoan hỷ rồi, hắn ta lại muốn được ở một mình để tận hưởng niềm vui tự tâm đó. Hắn muốn thế giới riêng tư của hắn phải được trân trọng gìn giữ. Hắn muốn sống với hoa lá, cỏ cây, với nhạc, với thơ… Tại sao phải nhọc công gây tạo ra sóng gió, chiến tranh, đi giết người khác và sẽ bị giết? Tại sao hắn phải đi tìm sự hủy diệt hay tự tử? Chỉ có những người ra vẻ “vị tha, sống cho người” mới làm như vậy, bởi vì họ không bao giờ biết đến ân sủng thiêng liêng có thể đến với họ. Họ không có một kinh nghiệm tâm linh nào để chào mừng, đón nhận. Họ không bao giờ nhẩy múa hát ca, họ chưa bao giờ hít thở sự sống, cảm nhận dòng sống. Họ chưa bao giờ biết được bất cứ một cái nhìn thánh thiện nào, tất cả những cái nhìn thánh thiện chỉ phát xuất từ nỗi hoan hỷ trào dâng của con tim, từ sự chán chường kinh khiếp nhất dục lạc thế gian, từ niềm an lạc sâu thẳm nhất của vùng nội tại tââm linh.
Một con người không có ích kỷ thì bị bật gốc rễ, không có trung tâm gì cả. Mọi người có thể bình phẩm là kẻ đó đang ở sâu trong trạng thái không bình thường, bởi vì kẻ đó đang chống đối lại thiên nhiên, hắn không thể mạnh khỏe minh mẫn được. Hắn ta đang chống đối lại dòng sống, chống đối lại nhân lọai, chống đối lại hiện hữu – hắn ta đang cố gắng tạo ra cho mình thái độ và phong cách vị tha. Không, hắn ta không thể là người vị tha được – bởi vì chỉ có người nào sống vị kỷ thực sự mới có thể hành xử vị tha, mới dám sống cho người khác được.
Khi bạn thực sự có hạnh phúc, bạn mới có thể chia sẻ niềm vui đó với người khác chứ, nếu không có thì bạn lấy gì để chia sẻ với người? Để chia sẻ cái gì đó cho nhau, cùng nhau, điều trước tiên, người ta cần có cái để chia sẻ. Một con người không vị kỷ luôn luôn có dáng vẻ nghiêm nghị, cứng rắn, khô khốc, lạnh lùng, nhưng sâu tận cùng bên trong hắn ta thực mang tâm bệnh, lo âu và phiền não. Hắn đã đánh mất chính cuộc đời hắn. Và hãy nhớ kỹ là, một khi bạn đánh mất cuộc đời bạn, bạn sẽ dễ biến thành kẻ sát nhân hay bạn sẽ dễ dàng mưu toan tự tử. Khi một con người sống trong đau khổ, hắn sẽ luôn có khuynh hướng tự hủy diệt chính mình.
Nghèo khốn, đau khổ là sự phá họai, hủy diệt; hạnh phúc là sự sáng tạo. Chỉ có một sự sáng tạo và sự sáng tạo đó là sự sáng tạo của ân sủng, của hoan hỷ, của vui mừng, của cảm thán. Khi bạn hoan hỷ vui mừng, bạn luôn cảm thấy trong mình có một sức phấn chấn mãnh liệt, một động lực mạnh mẽ khiến bạn ham thích sáng tạo ra một cái gì mới – có thể là một món đồ chơi cho trẻ con, có thể là một bài thơ, có thể là một bức họa, hay một cái gì đó. Khi bạn quá phấn chấn với cuộc đời, bạn sẽ làm gì để biểu lộ niềm vui đó? Bạn sẽ sáng tạo cái gì đó – cái này hay cái kia, bạn sẽ làm một cái gì đó. Nhưng khi bạn đau phiền, bạn muốn dẹp bỏ hết, vứt bỏ hết, và hủy diệt hết, hủy diệt tất cả những gì bạn cho là chướng ngại trên con đường đau khổ của bạn. Và với tâm trạng trầm uất bệnh họan đó, bạn sẽ muốn trở thành một chính trị gia, bạn muốn trở thành một chiến sĩ ra trận chiến đấu – bạn muốn cấu tạo ra một tình huống trong đó bạn sẽ tha hồ bùng nổ những uất ức đè nén của bạn và hủy diệt chính mình và kẻ khác.
Đó là lý do vì sao đó đây, khắp nơi trên thế giới, chiến tranh đã xảy ra liên tiếp, lây lan rộng ra, liên tục diễn ra cho mọi dân tộc, mọi quốc gia với đủ danh xưng, nhãn hiệu. Thật là một căn bệnh dịch chiến tranh tàn khốc và ghê tởm! Và tất cả những chính trị gia trên khắp năm châu đều to tiếng rêu rao tranh đấu cho hòa bình – họ sửa sọan, chuẩn bị chiến tranh và đàm phán hòa bình. Thực ra, họ đều nói (cùng một loại câu) “Chúng ta chuẩn bị chiến tranh để bảo vệ hòa bình!” Thật phi lý và buồn cười hết sức! Nếu bạn chuẩn bị sửa sọan chiến tranh, làm sao bạn có thể bảo vệ hòa bình được chứ? Muốn bảo vệ hòa bình, người ta cần và nên củng cố duy trì, bảo vệ, và phát triển hòa bình nhân ái thực sự. Đó cũng là lý do vì sao thế hệ mới, thế hệ trẻ tuổi ngày nay trên khắp thế giới là một nguy cơ lớn cho cơ cấu tổ chức quốc gia.
Tuổi trẻ chỉ quan tâm thực sự đến hạnh phúc, sống hạnh phúc. Họ quan tâm đến tình yêu, đến thiền định, âm nhạc, múa hát … những chính trị gia rất đề phòng cảnh giác tuổi trẻ, nhưng thế hệ trẻ không thèm chú ý gì cả đến chính trị – khuynh tả hay khuynh hữu gì ráo. Không, họ không thèm để ý những thứ vặt vãnh này. Họ không thuộc về bất cứ một tôn giáo, một đảng phái nào, một học thuyết nào cả. Đồ dỏm hết!
Người hạnh phúc thực sự chỉ thuộc về mình hắn.
Tại sao hắn phải lệ thuộc vào bất cứ một tổ chức nào? Sự lệ thuộc là cách thức, là con đường của kẻ không hạnh phúc: lệ thuộc vào một hệ thống học thuyết này, một tổ chức này, một tôn giáo nọ, một triết thuyết kia, lệ thuộc vào một tầng lớp đám đông nào đó. Bởi vì một kẻ sống lệ thuộc không có mầm mống gốc rễ bên trong nội tại con người hắn, hắn cho rằng hắn phải thuộc về một cái gì bên ngòai – và sự kiện nếu hắn không thuộc về bất cứ một cái gì đó khiến hắn bối rối, lo âu, sợ hãi, sống không hạnh phúc. Hắn phải thuộc về một cái gì. Hắn phải tạo ra một sự lệ thuộc vay mượn, giả tạm, thay thế. Và thế là hắn phải đi tìm và biến mình thành một phần tử của một đòan thể, một đảng phái chính trị, một tập đòan cách mạng hay một cái gì đó, chẳng hạn – một tôn giáo. Bây giờ hắn cảm thấy là hắn đã thuộc về một cái gì rồi. Đám đông ở đó, ở cái nơi mà hắn đang trồng cội rễ lệ thuộc, nô lệ vào.
Người ta cần nên trồng sâu gốc rễ vào chính mình bởi vì con đường của chính mình lưu chuyển sâu vào hiện hữu thực tại nhiệm mầu. Nếu bạn thuộc về một đám đông, bạn đã nô lệ vào sự bế tắc, một đường cống tắt nghẽn ứ đọng không thoát nước, và không có một sự phát triển nào, một mầm sống tương lai nào có thể sanh sôi nẩy nở ra được. Sự nô lệ đó, dù nô lệ tư tưởng, cũng là con đường cùng, con đường bế tắc, một ngõ cutï. Vì thế, tôi không khuyên bảo bạn hãy sống không vị kỷ bởi vì tôi biết nếu bạn vị kỷ tất nhiên bạn sẽ tự động vị tha, vì hạnh phúc của người khác một cách tự nhiên, không kiểu cách, không giả tạo. Nếu bạn không vị kỷ, bạn đã đánh mất chính mình, bấy giờ bạn không thể tương quan giao lưu với một ai khác – vì cái nền tảng cơ bản tương quan giữa người và người, giữa mình và người đã đánh mất hướng rồi. Bước đầu tiên đã hụt mất rồi.
Hãy quên đi, hãy quăng dẹp qua một bên cái thế giới này, cái xã hội này, và những điều hoang tưởng, và Karl Marx. Hãy quên sạch hết những thứ vớ vẩn đó đi. Bạn chỉ có vài năm sống trên đời này mà thôi. Bạn chỉ có một khỏang thời gian vài chục năm góp mặt vào dòng đời luân chuyển này mà thôi. Hãy tận hưởng niềm vui, hãy sống thật với bạn, hãy hát ca, hãy nhảy múa, hãy yêu thương; và từ trong nguồn nội lực sung mãn tràn đầy khả tánh thương yêu kia, bạn sẽ dễ dàng chia sẻ niềm hạnh phúc an lạc tâm linh vô biên kia với người, cho người, cùng người. Bạn và người là một, tuy hai mà một, tuy một mà hai.
Tình yêu, tôi nói rất quả quyết, là một trong những điều vị kỷ nhất. Vị kỷ để rồi vị tha thực sự.
Cao Bảo Vy (theo Cosmopolitan)