Cá trê từ lâu đã trở thành một nguyên liệu vô cùng thân thuộc trong bữa cơm gia đình với hương vị hấp dẫn và giá trị dinh dưỡng cao. Hãy cùng chúng tôi phân biệt các loài cá trê phổ biến tại Việt Nam và những món ngon được chế biến từ chúng nhé!
Các loại cá trê phổ biến hiện nay thuộc Họ cá trê (Clariidae), họ này bao gồm 15 chi và khoảng 114 loài. Tất cả các loài cá trê đều là cá nước ngọt, thường sống nơi ao, hồ, ruộng mương với nhiều bùn lầy – nơi có hàm lượng oxy thấp. Nhờ có cấu tạo cơ quan hô hấp phụ đặc biệt mà cá trê sẽ có thể hô hấp bằng khí trời.
Nước ta hiện đang nuôi và khai thác 5 loại cá trê chính gồm: Cá trê Đen (Clarias focus), cá trê vàng (Clarias macrocephalus), cá trê Trắng (Clarias batrachus), cá trê phi (Clarias gariepinus) và cá trê lai (được nuôi rất phổ biến ở nước ta nhờ lợi ích kinh tế cao). Mỗi loại đều có những đặc điểm hình thái khác nhau để người mua có thể phân biệt, lựa chọn tùy theo sở thích và mục đích của mình.
Cá trê đen (Clarias focus)
Cá có màu sắc vàng nâu hoặc xám, bao tử màu trắng xám, có hàng chấm trắng ở cơ quan đường bên. Cá trê đen đôi khi rất dễ bị nhầm với cá nheo, tuy vậy ta có thể phân biệt chúng qua số lượng râu: Cá nheo chỉ có 2 râu dài trong khi cá trê đen sẽ có từ 4-6 râu dài. Chiều dài thông thường sẽ vào khoảng 9.6 cm, tối đa có thể đạt mức 24.5 cm.
Cá trê đen thích sống ở tầng nước sâu hơn những loại cá trê khác và có xu hướng ẩn mình dưới những tán thực vật thủy sinh, là loài cá hay ăn đêm với thức ăn là các loài cá nhỏ, sâu, giáp xác và côn trùng.
Cá trê trắng (Clarias batrachus)
Khác với tên gọi, cá trê trắng lại có màu sắc sậm đồng nhất với nhiều đốm trắng sắp xếp thành những vạch ngang trên thân và rải rác ở mặt dưới của thân. Cá không có gai lưng mà thay vào đó sẽ là các tia vây lưng mềm.
Chiều dài tối đa cá trê trắng có thể đạt đến 47cm với khối lượng gần 1.2kg. Chiều dài thường gặp vào khoảng 26.3cm. Cá trê trắng ưa thích các vùng đất trũng thấp như: ruộng lúa, đầm lầy, ao sình bùn.
Cá trê vàng (Clarias macrocephalus)
Cá trê vàng có cấu tạo thân hình thon dài và hẹp dần về phía đuôi. Đầu cá to, rộng và dẹp đứng, đầu có 4 đôi râu dài đến khoảng gốc vây ngực. Góc xương chẩm có hình vòng cung.
Cá có vây lưng dài, không có gai cứng và không liền với vây đuôi. Vây đuôi tròn. Vây bụng nhỏ. Lưng và đỉnh đầu màu đen, bụng vàng nhạt. Hai bên thân có những chấm tròn trắng tạo thành các hàng thẳng đứng. Vây có màu đen, điểm các đốm thẫm. Cá trê trắng có chiều dài tối đa ngoài tự nhiên có thể đạt đến 120cm.
Cá trê phi (Clarias gariepinus)
Cá trê phi có thân hình thon dài. Đầu lớn, xương với mắt nhỏ, miệng lớn. Cá có bốn cặp râu dài không đều nhau, vây lưng dài. Ngạnh trước có răng cưa gắn ngực và vây đuôi tròn. Màu sắc thay đổi từ vàng cát cho đến màu xám ô liu xen những mảng màu nâu, xanh tối. Bụng màu trắng.
Cá trê lai
Phổ biến nhất là cá trê vàng lai – con lai giữa cá trê phi đực và cá trê vàng cái. Cá trê lai khi còn nhỏ có màu sắc giống như cá trê vàng, có vài đốm trắng sáng trên cơ thể nhưng khi lớn lên lại giống cá trê phi có những màu sắc loang lổ.
Giống cá này khá phổ biến ở nước ta, do đặc tính cá trê phi thường có khối lượng thịt cao tuy nhiên lại có sức sống kém, sau khi đã lai tạo với trê vàng thì có được sức sống và khả năng sinh sản cao hơn.
Một số món ăn ngon chế biến từ cá trê
Cá trê kho tiêu kho gừng
Cá trê kho tiêu/kho gừng là một món ăn dân dã nhưng rất đậm vị, ngon cơm. Cá trê được sơ chế để loại bỏ nhớt và kho với tiêu, gừng làm át đi mùi tanh của cá và giúp mang đến hương vị đậm đà của ruộng đồng.
Cá trê chiên giòn chấm mắm gừng
Một món ăn vô cùng đơn giản dễ làm nữa với cá trê chính là cá trê được chiên giòn rụm và chấm với mắm gừng cay ngọt. Thường để làm món này nên lựa chọn những con nhỏ, vừa để cá chiên sẽ được giòn đều và không bị nát thịt.
Cá trê nấu canh chua
Canh chua là món ăn giải nhiệt, kết hợp với cá trê đồng cũng là một sự lựa chọn rất tuyệt hảo vào những ngày hè nóng bức.
Cá trê có hàm lượng dinh dưỡng cao: Protid, canxi, lipid, sắt, vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP,… Cá trê còn là một vị thuốc quý giúp điều trị và hỗ trợ nhiều loại bệnh như: Giải cảm, giải nhiệt; có tác dụng bổ thận, dưỡng huyết; kiện tỳ, điều kinh, hỗ trợ điều trị quầng thâm mắt, đau lưng, mỏi gối, hoa mắt, chóng mặt, ù tai,…; chữa những triệu chứng mất ngủ, biếng ăn, chân tay đau nhức,…
Lời kết
Qua bài viết này, hi vọng các bạn có thể phân biệt được các loài cá trê phổ biến ở nước ta hiện nay để lựa chọn nguyên liệu, làm phong phú thêm cho bữa cơm gia đình nhé.
Xem thêm: