“Nói có sách, mách có chứng” là câu thành ngữ răn dạy con người ta phải trung thực, không vu oan cho người khác, mọi lời nói phải dựa trên sự thật, bằng chứng rõ ràng.
1. “Nói có sách mách có chứng” nghĩa là gì?
Ý nghĩa của câu thành ngữ “Nói có sách mách có chứng”
Vận dụng hình ảnh “sách” rất quen thuộc cùng cấu trúc đối nhau, câu thành ngữ “nói có sách mách có chứng” được chia làm hai vế riêng biệt là “nói có sách” và “mách có chứng”.
“Sách” trong quan niệm dân gian được coi là kho báu của nhân loại. “Sách” là nơi lưu giữ mọi điều hay, lẽ phải ở trên đời, được người đời chiêm nghiệm, chọn lọc và tổng kết. “Sách” chính là “bậc thánh hiền” của những điều tin cẩn, rõ ràng và sự sáng suốt, là thước đo để minh chứng cho mọi kiến thức, mọi lời nói.
Theo Lênin, “Không có sách thì không có tri thức. Không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Tức là sách đóng vai trò vô cùng quan trọng mà người ta tin rằng “soi” trong sách có thể nhận được ra đúng sai và tính chính xác, sự yên tâm ở lời nghe được và những lời nói ra.
“Nói có sách mách có chứng” nếu hiểu theo nghĩa trên tức là mọi lời nói, mọi thông tin chúng ta truyền đạt đến người khác đều cần đối chứng, chứng minh tính xác thực. Ngay trong những bài báo hay tác phẩm của nhiều nhà văn nổi tiếng đều cần dẫn chứng từ “sách”, thì dĩ nhiên chúng ta cũng vậy.
Vận dụng hình ảnh “nói có sách”, vế sau của câu thành ngữ “mách có chứng” mang ý nghĩa trước khi chúng ta “mách” hay nói bất cứ chuyện gì cũng cần có bằng chứng cụ thể, phải tận mắt thấy, chính tai nghe, không bịa đặt điều sai hay mách lẻo về người khác.
Tuy nhiên, ý nghĩa của câu thành ngữ “Nói có sách mách có chứng” không dừng lại ở đó. Nghĩa sâu xa hơn mà thế hệ ông bà ta muốn gửi gắm đến con cháu sau này chính là đức tính trung thực, ngay thẳng, nói đúng sự thật và không bịa đặt về người khác.
Sự trung thực là phẩm chất cao đẹp hình thành nên nhân cách con người, chính đức tính này sẽ giúp chúng ta đạt được nhiều thành công trong cuộc sống, cũng như chắt lọc những người bạn, đối tác tin cậy làm việc cùng chúng ta.
Xem thêm: Cá không ăn muối là gì và liệu câu tục ngữ đó còn đúng trong cuộc sống hiện đại
2. “Nói có sách mách có chứng” là phương châm gì?
Câu thành ngữ dân gian “Nói có sách mách có chứng” được hiểu theo nghĩa hướng người giao tiếp nói đúng sự thật, không bịa đặt, bịa chuyện, bởi vậy chúng là phương châm về chất.
Phương châm về chất chính là khi giao tiếp nên tránh đề cập đến những điều mà mình không chắc là đúng hay không, hoặc không có bằng chứng xác thực. Phương châm về chất đóng vai trò rất quan trọng trong một cuộc hội thoại, chúng giúp xây dựng niềm tin và giúp chúng ta tạo dựng được những mối quan hệ chất lượng.
Câu thành ngữ “Nói có sách mách có chứng” định hướng cho chúng ta học cách trung thực, thẳng thắn, không nên vì tư lợi cá nhân mà bịa đặt câu chuyện về người khác.
3. Phân biệt “Nói có sách mách có chứng” và bịa chuyện hài hước
“Nói có sách mách có chứng” nhắc nhở con người ta cần sống trung thực
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, để tăng tính kịch tính cho câu chuyện hay chỉ đơn giản là một hình thức của sự hài hước, nhiều người thường bịa thêm chi tiết cho những câu chuyện để chúng thêm hấp dẫn. Tuy nhiên, sự hài hước chỉ được đề cao không chỉ bằng cách bịa chuyện sao cho thú vị mà còn ở cách dùng nó đúng nơi, đúng chỗ.
Bịa chuyện chỉ hài hước khi nó không làm người khác khó chịu hay khiến người khác hiểu nhầm về một người hay vấn đề nào đó trong câu chuyện của bạn. Việc bạn liên tục bịa đặt về một tình huống quá khích hoặc bịa chuyện sai lệch về một người khiến người khác hiểu nhầm theo hướng xấu, lúc này bạn sẽ không khác gì ngoài hình ảnh một kẻ xấu tính chuyên ngồi lê, mách lẻo.
4. Những câu nói hay, câu thành ngữ, tục ngữ có nghĩa tương tự “Nói có sách, mách có chứng”
Bên cạnh câu thành ngữ “Nói có sách mách có chứng”, còn có rất nhiều câu tục ngữ, danh ngôn nhắc nhở chúng ta về sự trung thực, không gian dối, bịa đặt về người khác. Dưới đây là một số câu nổi bật.
- Ăn ngay nói thật mọi tật mọi lành.
Ý nghĩa: Sống trung thực, không nói lời dối gian, xuyên tạc, bịa đặt thì tâm sẽ nhàn. - Ăn không, nói có.
Ý nghĩa: Câu này muốn nhắc nhở những người chuyên đặt điều, vu khống, bịa chuyện về người khác sẽ không được mọi người yêu quý, kính trọng. - Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe.
Ý nghĩa: Trước khi nói, khi làm bất cứ điều gì cũng phải có bằng chứng xác thực để tránh rước họa vào thân. - Ăn bớt bát, nói bớt lời.
Ý nghĩa: Họa từ miệng mà vào, bởi vậy bớt ăn thì sẽ bớt bệnh, nói ít thì tránh nói ra những lời làm người khác không vừa lòng, tránh gây xích mích, thị phi. Bớt ăn, bớt nói thì bớt sinh chuyện. - Hôm nay bạn nói xấu người khác thì chắc gì ngày mai bạn sẽ được người khác nói tốt.
Ý nghĩa: Cuộc đời vận hành theo vòng tròn, khi bạn nói xấu, bịa đặt, đặt điều cho người khác, rồi sẽ có ngay có người đáp trả những lời đo lại cho bạn. - Sẩy chân còn hơn sẩy miệng
Ý nghĩa: Nói chuyện không “Nói có sách mách có chứng”, bịa đặt về người khác sẽ gây đến những hậu quả lớn đến chính cuộc sống của bạn.
- Một lời nói dối, sám hối bảy ngày
Ý nghĩa: Khi bạn đặt điều, bịa chuyện thì bạn sẽ luôn lo lắng liệu lời nói dối của mình có bị phát giác. Lúc này tâm bạn không yên, cuộc sống ắt sẽ gặp nhiều khó khăn. - Một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng.
- Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối
- Chim bị vướng vì chân, người bị vướng vì lưỡi – Thomas Fuller
- Miệng là cái cửa họa ,phúc – Quách Yên
Người xưa có câu “Học ăn học nói, học gói học mở” mọi lời ăn, tiếng nói chính là thứ chúng ta cần học đầu tiên để làm người. Hãy nói chuyện bằng sự trung thực, bằng tấm lòng chứ đừng đặt điều cho bất cứ ai !
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet