Những loài cá mập này phát sáng để tránh nguy cơ bị tấn công từ phía dưới. Ảnh: Guardian
Phát quang sinh học – sự tạo ra ánh sáng nhìn thấy được thông qua phản ứng hóa học của các sinh vật sống – là một hiện tượng phổ biến đối với các sinh vật biển. Thế nhưng đây là lần đầu tiên hiện tượng này được ghi nhận ở loài cá mập vây diều, cá mập đèn lồng bụng đen và cá mập đèn lồng phương Nam.
Tờ Guardian đưa tin những con cá trên được tìm thấy trong một cuộc khảo sát ngoài khơi phía Đông New Zealand hồi tháng 1/2020. Con cá vây diều dài 180cm chính là con cá có xương sống phát sáng lớn nhất từ trước đến nay, khiến các nhà nghiên cứu mô tả nó là “cá mập phát sáng khổng lồ”.
Nhóm nghiên cứu này bao gồm các chuyên gia tại Đại học Catholique de Louvain (Bỉ) và Viện Nghiên cứu nước và khí quyển New Zealand. Họ tin rằng phát hiện trên có những tác động nhất định đến sự hiểu biết của con người về cuộc sống dưới biển sâu – một những hệ sinh thái ít được khám phá nhất hành tinh.
Ba loài cá mập trên đều sinh sống ở tầng nước sâu trung bình, hay còn gọi là vùng “chạng vạng” của đại dương, với độ sâu từ 200 – 1.000 mét, nơi ánh sáng không thể chiếu đến. Nhìn từ phía dưới, những con vật này xuất hiện ngược sáng so với bề mặt sáng của nước biển, khiến chúng phải đối mặt với những kẻ săn mồi tiềm năng mà không có nơi nào để ẩn náu.