Phát hiện cá mặt trăng khổng lồ cực đẹp, nặng gần 45kg

Gần đây, những người dân biển ở vùng Oregon đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra sự xuất hiện của một sinh vật với vẻ ngoài rực rỡ và sáng chói cùng với kích thước khổng lồ. Người ta dự đoán cân nặng của nó có thể lên đến 100 pound (45 kg).

Con cá được xác định là loài cá mặt trăng, với kích thước lên đến 3,5 foot (1 mét), nó được phát hiện trên bờ biển Sunset Beach ở phía bắc Oregon vào lúc 8 giờ sáng theo giờ địa phương vào ngày 14 tháng 7. Sinh vật này có màu sắc rực rỡ pha trộn giữa màu bạc và màu đỏ tươi – lớp vảy màu cam óng ánh bao phủ trên cơ thể hình tròn dẹt của nó, thỉnh thoảng có những chấm trắng và đôi mắt màu vàng lấp lánh rất đẹp.

Sau khi nhận được những bức ảnh của con cá mặt trăng từ những người dân địa phương, các nhân viên từ Thủy cung Seaside gần đó đã thu hồi nó và mang về trưng bày tại đó. Những người tham quan và nhân viên ở thủy cung đã có dịp chứng kiến tận mắt ​​mẫu vật quý hiếm này. Theo Tiffany Boothe, trợ lý giám đốc của Thủy cung Seaside cho biết: “Không rõ điều gì đã xảy ra với con cá mặt trăng này, nhưng nó được tìm thấy ở trong tình trạng hoàn toàn nguyên vẹn và còn rất mới, có lẽ nó chỉ mới chết gần đây khi trôi dạt vào bờ”.

Theo Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), Opah hay cá mặt trăng là loài cá nổi, chúng sống chủ yếu ở ngoài khơi bờ biển California và xung quanh đảo Hawaii. Tuy nhiên, việc tìm thấy chúng ở vùng xa ngoài khơi phía bắc này là điều cực kì hiếm. Có thể giải thích cho sự xuất hiện này là do nhiệt độ của đại dương đang ấm lên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, điều này buộc cá mặt trăng phải rời khỏi khu vực đó và chuyển sang một vùng nước lạnh hơn. Hiện chưa có thống kê chính xác về số lượng sinh vật biển di cư về phía bắc khi nhiệt độ đại dương tăng lên.

Bên cạnh đó, ngày nay việc đánh bắt cá mặt trăng đang ngày càng phổ biến hơn, chúng là nguồn lợi lớn trong việc kinh doanh thực phẩm và là nguồn hải sản phổ biến hiện nay. Điều này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng của chúng.

Thanh Mai – Theo Livescience

Rate this post

Viết một bình luận