Từ lâu, giới khoa học luôn cho rằng cá là loài động vật máu lạnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ mới đây đã phát hiện loài cá đầu tiên có khả năng tự làm ấm cơ thể tương tự các loài động vật có vú và các loài chim thuộc loài máu nóng.
Cá mặt trăng có kích thước to bằng một chiếc lốp xe ô tô.
Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí “Science” (Khoa học) của Mỹ số ra ngày 14/5, các chuyên gia đến từ Trung tâm Khoa học thủy sản Tây Nam thuộc Cơ quan Đại dương và khí quyển quốc gia của Mỹ (NOAA) khẳng định cá mặt trăng là loài động vật máu nóng, có “hệ thống sưởi” tự tạo tương tự bộ tản nhiệt xe hơi.
Để đưa ra kết luận này, các nhà khoa học đã gắn trên mình các các con cá mặt trăng ở bờ biển phía Tây nước Mỹ một thiết bị theo dõi nhiệt độ. Kết quả cho thấy mô cơ của loài cá này có nhiệt độ cao hơn khoảng 5 độ C so với nhiệt độ nước trong môi trường cách bề mặt đại dương 45-300 mét. Các chuyên gia cho biết trong các mang của cá mặt trăng chứa các mạch máu có nhiệm vụ vận chuyển máu nóng từ bộ phận chính của cơ thể. Ngoài mạng lưới mạch máu tự sưởi này, cá mặt trăng còn có mô mỡ gần các mang, mô tim và mô cơ để giữ nhiệt. Loài cá này có thể giữ ấm ngay cả khi nhiệt độ nước xuống thấp hơn.
Cơ chế tự sưởi còn giúp ích cho hoạt động của não và hệ cơ của cá, giúp loài cá này “tăng tốc” khi săn bắt mồi và có thể di trú một khoảng cách rất xa. Trưởng nhóm nghiên cứu Nicolas Wegner nhận định kết quả nghiên cứu là một khám phá bất ngờ bởi với thân hình tròn ngắn, cá mặt trăng được biết đến là loài cá bơi ì ạch dưới đáy vùng nước sâu giống như các loài cá máu lạnh khác. Do đặc tính di chuyển chậm, các loài cá vùng nước sâu này cũng thường “phục kích” thay vì rượt đuổi con mồi. Một số loài cá khác như cá ngừ và cá mập cũng có khả năng tự sưởi một vài bộ phận của cơ thể, song các bộ phận này thường nhanh chóng bị lạnh, buộc chúng phải bơi lên các vùng nước nông để giữ ấm.