Phong cách văn học là gì? – LyTuong.net

(Last Updated On: 27/06/2022)

Phong cách là những nét riêng độc đáo về tư tưởng và nghệ thuật, những phẩm chất thẩm mỹ thể hiện trong sáng tác của một nhà văn, một giai đoạn, một thời đại, một nền văn học. Phong cách là một sự khẳng định thành tựu của văn học.

Về lịch sử, từ nguyên phong cách có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ là stylos nhằm để chỉ một cái que có đầu nhọn và đầu tù. Người La Mã thì gọi là stylus cũng để chỉ cái que, nhưng đầu nhọn dùng để viết, đầu tù dùng để xóa trên một đầu bảng nhỏ có thoa sáp. Đến người Pháp thì dùng chữ style, ban đầu có nghĩa là một nét chữ, sau đó là bút pháp (mang đặc điểm về ngôn ngữ và văn thể). Trong Bàn về phong cách, Buffon cho rằng: “Phong cách là cái còn lại hoặc hạt nhân mà sau khi từ nhà văn chúng ta bóc đi những cái không phải của bản thân anh ta, và tất cả những thứ mà anh ta giống với người khác”. (Dẫn theo Phương Lựu, Lý luận văn học, Sđd, tr.88) Nghĩa là, phong cách chính là cá tính, nhưng không phải cá tính trong đời sống, mà là cá tính trong sáng tạo nghệ thật.

Phong cách văn học là một phạm trù thẩm mỹ chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của các phương diện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của nhà văn, của một nền văn học dân tộc. Quá trình sáng tạo không chỉ là quá trình phản ánh mà còn biểu hiện, hay nói như Lê Ngọc Trà, là quá trình “nghiền ngẫm” hiện thực; không chỉ tái hiện hoặc tái tạo mà còn gửi gắm bao nhiêu tâm tư, tình cảm, bao nỗi niềm xúc động, là hoạt động của nội tâm mãnh liệt, tâm huyết gan ruột. M. Duras, tác giả tiểu thuyết Người tình nổi tiếng, từng nói rằng: “Viết là tự giết mình, nhưng không phải bằng cái chết”. Đó cũng chính là quá trình đi tìm chính mình. Các nghệ sĩ lớn xưa nay thường nhấn mạnh tầm quan trọng của nét riêng, những nét độc đáo cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật. Phạm Văn Đồng tâm sự với các nhà văn rằng: “Phải lắng nghe cái gì sâu xa nhất trong con người mình, bồi dưỡng cho mình một bản lĩnh vững vàng, một phong cách độc đáo, vì nghệ thuật không phải là sản xuất hàng loạt như sản xuất công nghiệp. Hãy suy nghĩ lời khuyên của M.Gorki: “Bạn hãy giữ lấy cái gì là của riêng mình, làm sao cho nó phát triển tự do.” Lúc một người không có cái gì là riêng của mình thì phải thấy ở người đó chẳng có cái gì hết” ( Bàn về văn hóa văn nghệ, Nxb Văn hóa nghệ thuật, H. 1963, tr.267). Vì vậy, nói đến phong cách văn học là khẳng định đóng góp riêng, thành tựu riêng của một nền văn học, nhất là của những nhà văn cụ thể. Nhà văn có phong cách là người tạo ra được nét khu biệt rất rõ cho mình. Các yếu tố ngỡ như mâu thuẫn lại hoàn toàn thống nhất với nhau, đó là vừa độc đáo lại vừa đa dạng, phong phú, vừa bền vững lại luôn vận động, đổi mới. Nhưng tất cả những yếu tố đó, chưa đủ để tạo nên một phong cách. Độc đáo, đa dạng, bền vững, đổi mới, nhưng còn phải hay, phải thức tỉnh đời sống thẩm mỹ trong bản chất người của con người, đem đến cho con người nội dung mỹ cảm mới. Vì vậy, xét cho cùng, người sáng tạo nào cũng có những đặc điểm riêng, nhưng không phải ai cũng có phong cách. Phong cách không chỉ là dấu hiệu trưởng thành của một tác giả, mà còn hơn thế nữa, khi nó thu hút nhiều người cùng vươn lên thể hiện chính mình, thì đó chính là bằng chứng của một nền văn học đã trưởng thành, đã tự khẳng định được mình.

Phong cách văn học khác với phong cách ngôn ngữ với tư cách là một khoa học với tên gọi là phong cách học tiếng Việt hoặc là một thứ tiếng nào đó. Trong thực tế sử dụng, ngôn ngữ được dùng trong phạm vi các tập đoàn người, các thành phần xã hội khác nhau, vì thế nó có mang những phong cách khác nhau. Đó chính là phong cách chức năng của ngôn ngữ trong giao tiếp của con người. Văn học là nghệ thuật ngôn từ, nó biểu hiện thông qua hệ thống ngôn ngữ, nó cũng mang những phong cách nhất định, đó chính là vấn đề thuộc phạm vi hình thức của tác phẩm. Mỗi người viết có thể có sự độc đáo ở những hệ thống tu từ khác nhau, không tìm thấy ở người khác. Những yếu tố mang sắc thái tu từ ấy lặp đi lặp lại, mang giá trị ổn định, bền vững làm nên thế giới nghệ thuật của bản thân nhà văn đó, nghĩa là đã chuyển hóa từ hình thức trở thành nội dung. Phong cách văn học không chỉ đòi hỏi ở phạm vi hình thức mà còn biểu hiện ở phẩm chất nội dung. Trong thực tế, có bao nhiêu yếu tố trong cả nội dung lẫn hình thức tác phẩm, thì có bấy nhiêu thành tố tùy thuộc vào cái “tạng” của mỗi người, tạo ra dấu vết cho phong cách nhà văn biểu hiện. Phong cách biểu hiện ở việc chọn đề tài. Có người thích những đề tài nên thơ, nhẹ nhàng, lại có những người thích những đề tài rắc rối, phức tạp, éo le như “cây tre trăm đốt”. Phong cách biểu hiện ở cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Có người tuôn trào theo cảm hứng chủ đạo thì lay động lòng người, nhưng phê phán, lên án, tố cáo thì lại thất bại. Ngược lại, có người phê phán thì đầy sức thuyết phục, nhưng ca ngợi thì lại nhạt nhẽo vô duyên. Phong cách còn biểu hiện ở nghệ thuật xây dựng nhân vật. Mỗi người viết thường quen thuộc, qua lại với một số nhân vật nhất định, khi miêu tả loại nhân vật khác, ngòi bút trở nên gượng ép, hời hợt. Phong cách còn biểu hiện ở thể loại. Mỗi nhà văn có thể viết được nhiều thể loại nhưng chỉ thành công ở một vài thể văn nhất định. Cũng là văn xuôi nhưng có người chỉ hợp với ký mà không thể viết truyện ngắn hay tiểu thuyết. Có người, chỉ viết được tiếu thuyết mà không viết được truyện ngắn. Hoàng Phủ Ngọc Tường viết truyện dài, truyện ngắn, bình luận văn học, chân dung tác giả… nhưng anh viết cái gì cũng thành ký mà thôi. Thành công để lại dấu ấn và nhất quán thành một phong cách ở nhiều thể văn, nhiều loại hình nghệ thuật như Nguyễn Đình Thi (tiểu thuyết, thơ, kịch bản văn học và cả âm nhạc) là trường hợp hiếm trong lịch sử văn học. Cái hay của Lịch triều hiến chương loại chí chính là ở chỗ, sau khi giới thiệu từng tác giả, Phan Huy Chú đã lẩy ra được phong cách của từng người qua một vài từ vài câu: Trần Thái Tông “lời thơ thanh nhã”, Trần Nguyên Đán “cảm khái thế sự, thân tuy ở ẩn nhưng lòng không quên việc nước”, Trần Quang Khải “lời thơ thanh thoát, nhàn nhã, xem có thể thấy tướng mạo, phong thái con người”… Những chấm phá tài hoa trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân cũng nêu được hơi thở và nhịp đập tâm hồn thể hiện một cách chuẩn xác phong cách thơ của các thi nhân, có thể sánh ngang với Phan tiên sinh của Lịch triều hiến chương loại chí.

Phong cách văn học có thể thiên về nội dung, nhưng phải trên cơ sở một hình thức nhất định. Cũng có thể thiên về hình thức nhưng cũng phải bắt nguồn từ một nội dung nhất định. Nguồn gốc của phong cách chính là cá tính sáng tạo, chủ yếu thuộc về nội dung, nhưng sự biểu hiện của phong cách, có thể hoặc thiên về nội dung, hoặc thiên về hình thức.

Phong cách văn học cũng khác với phương pháp sáng tác, khác với cả phương pháp riêng của từng cá nhân. Phương pháp sáng tác là thành tố bên trong thuộc tầng sâu của tác phẩm, với nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật chịu sự chi phối của một thế giới quan nhất định. Trong khi đó, phong cách văn học thiên về các dấu hiệu biểu hiện qua hình thức có thể cảm nhận được bởi nó vốn nổi lên trên về mặt của tác phẩm. Phong cách là dấu hiệu thành công, trưởng thành của tác giả thì phương pháp riêng là sở hữu tất yếu của bất kỳ tác giả nào. Ai cũng có một phương pháp riêng của mình, bởi vì khi đã tìm đến với việc sáng tạo nghệ thuật, tác giả vốn đã có một thế giới quan nhất định, hướng tới một lý tưởng xã hội – thẩm mỹ nhất định, trên cơ sở trình độ tư tưởng của họ. Và, tất nhiên, suy cho cùng, tác giả nào cũng có những đặc điểm thế hiện trong sáng tác, nhưng có khi đặc điểm còn mờ nhạt chưa đủ phẩm chất cần thiết làm nên phong cách. Sự khác nhau giữa nhiều phong cách và phương pháp riêng cụ thể được xem xét trên nhiều khía cạnh.

– Thứ nhất, về thế giới quan, là yếu tố quyết định hình thành phương pháp riêng, nhưng cá tính không có một tác dụng nào cả. Ngược lại, đối với sự hình thành phong cách thì toàn bộ đời sống tinh thần bao gồm tâm lý, khí chất, hứng thú, cảm quan, đặc biệt là cá tính, giữ vai trò quyết định, còn thế giới quan chỉ là cái bóng mờ, có đấy nhưng chỉ giữ vai trò “cảnh giới”. Trong Phê bình văn học, Chế Lan Viên cho rằng nhờ có cái đậm đà chất “suy nghĩ” của Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, cái “nhẹ nhõm tươi mát” của Bàng Sĩ Nguyên, “cái trục trặc gân guốc” của Trần Mai Ninh, “cái giản dị đáng mến” của Trần Hữu Thung, Anh Thơ, mà người đọc có thêm một cách riêng để nhìn sự vật” (Phê bình văn học, Nxb Văn học, H. 1962, tr.141) Tuy xuất phát cùng một thế giới quan, nhưng mỗi người có một cá tính sáng tạo khác nhau, mới có thể tạo ra sự đa dạng của màu sắc thẩm mỹ. Cũng chính vì thế, khi thế giới quan thay đổi thì phương pháp sáng tác sớm muộn gì cũng thay đổi, nhưng cũng có thể không thay đổi, hoặc chỉ thay đổi từng phần, từng bộ phận.

– Thứ hai, về đối tượng miêu tả, xét cho cùng không tác động gì đến phương pháp riêng, nhưng có tác động nhất định đối với phong cách. Đề tài càng được mở rộng bao nhiêu càng góp phần làm cho phong cách trở nên đa dạng bấy nhiêu. Đề tài, đối với chủ nghĩa cổ điển luôn hạn chế, phong cảnh không được phong phú, đối với chủ nghĩa lãng mạn có được mở rộng nhưng do cách nhìn chủ quan, đối tượng miêu tả cũng hạn chế, phong cách cũng hạn chế, chỉ với chủ nghĩa hiện thực mới có sự phong phú tương ứng giữa đề tài và phong cách.

– Thứ ba, đối với trào lưu văn học xuất phát từ tính tự giác và tính chiến đấu cao, mọi trào lưu cần phương pháp chung, càng nhất trí cao bao nhiêu thì trào lưu đó càng có thêm sức mạnh, nhưng đối với phong cách thì hoàn toàn ngược lại, trong một trào lưu càng đa dạng về phong cách bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.

Có ba loại hình phong cách văn học chủ yếu: phong cách cá nhân, phong cách thời đại, phong cách dân tộc. Mỗi con người đều có một cá tính riêng, mỗi tác giả phải có một phong cách riêng, mới có chỗ đứng trong lòng người đọc. Mỗi thời đại thường ẩn dấu trong sáng tác của một nhà văn hoặc toàn bộ nền văn học, tạo nên phong cách của một thời đại văn học. Tố Hữu tiêu biểu cho phong cách văn học thời đấu tranh giải phóng dân tộc, Nguyễn Huy Thiệp tiêu biểu cho văn học thời đại đổi mới. Mỗi nhà văn đều thuộc một dân tộc cụ thể, sáng tác của họ tất yếu đều ít nhiều mang phong cách dân tộc. Phong cách dân tộc còn là phẩm chất của một nền văn học đấu tranh cho lịch sử và vận mệnh của dân tộc mình, thể hiện qua tâm lý, lối sống, ngôn ngữ, thể loại và quan niệm mang tính truyền thống. Vì vậy có thể có sự kế thừa và phát huy những nét giống nhau của nền văn học dân tộc tạo nên một dòng phong cách.

Các yếu tố chủ yếu tạo thành một phong cách văn học tập trung ở cái nhìn, giọng điệu và thủ pháp nghệ thuật. Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của tác giả. Chính vì thế nó thể hiện cách nhìn, cách cảm nhận của chủ thế trong đó có những cá tính độc đáo, để chuyển hóa vào trong tác phẩm. Nơi xuất phát của cái nhìn là điểm nhìn nghệ thuật, nơi gắn bó chặt chẽ với người viết, nó cho ta thấy quan điểm, thái độ, tình cảm của người viết đối với thế giới nghệ thuật do mình sáng tạo ra. Điểm nhìn là điểm rơi của cái nhìn, là phương thức phát ngôn, trình bày, miêu tả phù hợp với cách nhìn, cách cảm thụ thế giới của tác giả. Cái nhìn thể hiện trong tất cả các loại hình, loại thể, thể hiện ở điểm nhìn của người trần thuật, của tác giả, của nhân vật; đối với văn xuôi tự sự gọi là điểm nhìn trần thuật.

Phong cách còn biểu hiện rõ nhất ở giọng điệu văn chương. Nếu trong đời sống mỗi người có một giọng nói khác nhau, thì mục tiêu cuối cùng trong sáng tạo văn chương chính là mỗi người tìm thấy một giọng điệu riêng cho mình. Giọng điệu không phải là ngôn ngữ. Giọng điệu lớn hơn nhiều so với ngôn ngữ. Thông qua giọng điệu, người ta cảm nhận được khẩu khí, ngữ điệu, âm thanh, màu sắc, cao hơn là thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng của tác giả đối với các hiện tượng miêu tả. Những tác gia lớn bao giờ cũng tạo ra một giọng điệu riêng không trộn lẫn với bất kỳ ai. Một giọng điệu kiêu bạc của Nguyễn Tuân, bên cạnh một giọng điệu đằm sâu chất suy tư của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bên cạnh giọng thơ đắm say giao hòa của Xuân Diệu, lại có một giọng điệu suy tư nặng đầy trí tuệ của Chế Lan Viên. Hãy cứ hình dung, các tác giả sau thời chống Mỹ đến nay, mấy ai đã tìm ra một giọng điệu riêng. Đối với một bài thơ, nếu che tên tác giả, đọc lên khó nhận ra là của ai. Trong khi đó, chỉ cần đọc vài câu có thể nhận ngay ra đó là Chế Lan Viên, là Hàn Mặc Tử, là Bích Khê không trộn lẫn, mặc dù họ cùng viết về một đề tài, ra đời cùng một thời điểm:

Trăng nằm sóng soải trên cánh liễu (Hàn Mặc Tử)

Vừa dâm tục ôm trăng vờ vật ngủ (Chế Lan Viên)

Chén trăng vừa tầm với

Chàng ơi, vàng ròng đây Kề môi say ân ái… (Bích Khê)

Cùng một câu nói, giọng điệu khác nhau, nội dung cũng đã khác nhau. Trong tác phẩm tự sự, giọng điệu biểu hiện chủ yếu ở ba phương thức: giọng điệu trần thuật, giọng điệu miêu tả, giọng điệu nhân vật.

Phong cách còn biểu hiện ở các thủ pháp, các biện pháp nghệ thuật với tư cách là những yếu tố kỹ thuật về mặt hình thức nhằm thể hiện nội dung.

Tóm lại, phong cách văn học là những nét riêng độc đáo, lặp đi lặp lại mang giá trị ổn định bền vững về tư tưởng, – nghệ thuật thể hiện trong sáng tác của một nhà văn, một thời đại, một dân tộc, là những phẩm chất góp phần tạo nên tiến trình văn học.

(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)

5/5 – (1 bình chọn)

Rate this post

Viết một bình luận