Phụ nữ làm thế nào để có được một giọng nói đẹp?

Em được ưu ái rất nhiều khi được mọi người khen là có giọng nói đẹp. Không phải khen mặt đẹp, dáng đẹp mà là Giọng đẹp các chị em ạ. Mà một giọng nói đẹp không những cần hay, truyền cảm, ngọt ngào mà còn chứa đầy cảm xúc, hồn nhiên, có sự biểu đạt tinh tế và thần thái của người nói nữa. 

Trước tiên, có lẽ chúng ta cần phải thừa nhận rằng giao tiếp đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Không chỉ là những công việc đòi hỏi phải nói nhiều như: giáo viên, hướng dẫn viên, phát thanh viên, giao dịch viên, điện thoại viên, bán hàng, hay ca sĩ, diễn viên, MC… mới cần phải chú ý tới điều này. Mà em có thể khẳng định rằng “khéo ăn khéo nói, thu phục được cả thiên hạ”; và cũng chẳng ngẫu nhiên mà ông cha ta đã đúc kết “nói ngọt lọt đến xương” hay “chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”. Bất cứ ai, độ tuổi nào, ở đâu, làm nghề gì thì cũng cần trau dồi cho bản thân mình kỹ năng giao tiếp, thể hiện ngôn ngữ nói, quan tâm tới giọng nói. 

Có rất nhiều người nhắn tin hỏi em là tại sao một người Nghệ An như em, vốn có chất giọng rất nặng nhưng lại có thể nói hay được đến như vậy, có bí quyết gì không? 

Câu trả lời là “Có” các chị em nhé. Và thông qua bài viết này em cũng muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng mà mình đã đúc kết, tích lũy được trong quá trình rèn luyện bền bỉ để có được một “Giọng nói đẹp” các chị em nhé, tất cả là NHỜ LUYỆN TẬP chứ không phải do em có một chất giọng trời phú cho đâu các chị em nhé. 

Để có được một giọng nói đẹp cần trải qua quá trình luyện tập kiên trì và liên tục trau dồi kiến thức

Để có được một giọng nói đẹp cần trải qua quá trình luyện tập kiên trì và liên tục trau dồi kiến thức

1. PHÁT ÂM THẬT RÕ RÀNG

Đây là yếu tố tiên quyết đầu tiên nhé, chưa cần phải nói hay nói ngọt, các chị em phải nói tròn vành, rõ chữ trước đã. Phát âm là cái mà chúng ta nên học và luyện tập khi học bất cứ một ngôn ngữ nào. Từ bé chúng ta cũng được học phát âm cả bảng chữ cái, rồi mới đến ghép vần và học cả câu. Phát âm khi nào cho chuẩn, cho đúng câu nói chị em phát ra mới rõ ràng, rõ nghĩa và dễ nghe. Dù là vùng miền, địa phương nào thì các chị cũng đừng xem đó là vấn đề hay trở ngại. Như em ở Nghệ An toàn mô tê răng rứa trọ trẹ, nếu như bắn như liên thanh thì chắc chắn ở đây chả có ai hiểu em nói cái gì luôn. Nhưng em nói từ tốn, rõ ràng, mạch lạc thì tự nhiên lại được khen giọng dễ thương.

Mẹo nhỏ để tập phát âm rõ là đọc sách mỗi ngày, nên tự quy định cho mình đọc bao nhiêu trang 1 ngày đấy, sách giấy hay sách online đều được, miễn là tập đọc. Đọc to lên thành tiếng, đọc thật kỹ từng chữ đến khi nào ta nhập tâm đến nỗi trong khi nói chuyện bình thuờng ta cũng phát âm kỹ lưỡng từng chữ, là thành công. Nếu khi nói chuyện với mọi người mà còn phát âm vội vã, chưa tròn chữ thì phải luyện tập tiếp.

Một trong những mẹo nhỏ giúp nhanh chóng cải thiện được phát âm chính là đọc sách mỗi ngày

Một trong những mẹo nhỏ giúp nhanh chóng cải thiện được phát âm chính là đọc sách mỗi ngày

Còn việc nói ngọng L với N hay có lỗi về phát âm thì cái này cần có bài tập riêng. Yên tâm là tập được hết ạ, em có đứa bạn đại học quê Hưng Yên, năm đầu nó ngọng líu ngọng lô, lẫn lộn L với N, ấy thế mà nhờ bền bỉ kiên trì và quyết tâm cao độ, giờ nó đã nói rất chuẩn, thậm chí trở thành biên tập viên truyền hình nổi tiếng. Ai cũng choáng váng vì không nghĩ nó lại thay đổi một cách ngoạn mục như thế. Nên việc ngọng hay lỗi không có gì là đáng quan ngại đâu ạ, kiên trì luyện tập là được hết.

2.ĐIỀU KHIỂN ÂM LƯỢNG VÀ TỐC ĐỘ NÓI

Âm lượng khi nói: Nói quá khẽ như người hụt hơi, thầm thì, thều thào hoặc quá mạnh như quát mắng đều không được. Nên khống chế giọng nói với âm lượng vừa phải, đảm bảo nhả chữ rành rọt khúc chiết trong sáng các chị ạ. Thú thực với các chị em là trước đây chưa bao giờ em nghĩ rằng có ngày mình lại trở thành MC, BTV truyền hình và được các chị khen về giọng như thế. Bởi lẽ xuất phát điểm của em tiền sử có một giọng nói cực yếu và nhỏ. Em học khoa phát thanh-truyền hình của Học viện báo chí tuyên truyền, một con bé tỉnh lẻ tự ti giọng địa phương ở thủ đô, cũng khát khao lắm, thi thử giọng vào câu lạc bộ phát thanh của khoa nhưng bị rớt không biết bao nhiêu lần. Thầy cô bạn bè ái ngại bảo: “chắc em không phù hợp với lĩnh vực này, giọng em quá yếu, hụt hơi, âm vực bé nữa”. Em phải nghe câu nhận xét này rất nhiều lần, thất vọng lắm chứ. Nhưng biến đau thương thành hành động, chưa bao giờ chịu bỏ cuộc. Em luyện tập hàng ngày không nề hà, sau này khi thực tập thử việc ở Đài, mấy anh chị phụ trách cũng không muốn giao tin bài cho em đọc vì thật sự em không có năng lực đọc tốt, đọc truyền cảm. Em đọc đều đều như cơm nguội, thở hổn hển để lấy hơi. Nhưng em cứ mạnh dạn xin được đọc, và cố gắng luyện từ từ từng chút, từng chút một. Đến một ngày mọi thứ cũng khá dần lên.
Khi luyện tập, nên đứng trước gương cho dễ theo dõi chỉnh sửa ngôn ngữ cơ thể. Nếu muốn hạ thấp giọng thì trước hết phải điều chỉnh tâm trạng cho thật thoải mái, hoặc liên tưởng đến một số làn điệu quen thuộc. Ngoài ra còn phải luyện tập cách nói chuyện tỉ tê thầm thì, trong một đoạn có câu nói to cao giọng, có câu hạ thấp giọng thầm thì như gió thoảng, như vậy sẽ có tác dụng cuốn hút người nghe. Thực sự, “trăm hay không bằng tay quen”, chỉ có làm làm làm liên tục thì mới mong thay đổi. Từ chỗ yếu điểm về giọng rất lớn mà giờ đây nó lại điểm em được khen nhiều, há có phải là quá xứng đáng cho mọi nỗ lực?

Tốc độ nói: Nên tránh tiết tấu đều đều suốt từ đầu đến cuối khi nói, điều đó thật tẻ nhạt. “Khi khoan, khi nhặt”, có lúc nhanh hơn một chút, phải có lúc chậm hơn một chút, thậm chí có lúc dừng hẳn để mọi người suy nghĩ. Tránh nói quá nhanh hoặc quá chậm. Nói nhanh quá làm cho người nghe phải tiếp nhận một lượng thông tin lớn trong một thời gian ngắn khiến cho não họ không xử lý, phân tích, đón nhận kịp, và khiến họ bị quá tải, nghe vài phút là mệt. Ngược lại, nói quá chậm cũng làm bộ não người nghe không cần phải làm việc nhiều, và cũng sinh buồn ngủ. Ta phải khéo điều chỉnh tốc độ sao cho vừa phải, đừng nhanh, nhưng cũng đừng rề rà quá. Làm nhiều nói nhiều sẽ tự tiết chế được ạ.

>>Xem thêm: Cái tạo nên sự thu hút của một người phụ nữ với đàn ông

3. NGỮ ĐIỆU VÀ CẢM XÚC KHI NÓI

Đây cũng là một điều quan trọng trong việc hình thành được một giọng trong việc có một giọng nói có hồn, có dễ nghe hay không. Ngữ điệu chính là sự trầm bổng của các tiếng phối hợp với nhau, phù hợp đến mức nào đó với tình cảm và ý nghĩa cần biểu đạt. Ngữ điệu không đòi hỏi phải lả lướt như điệu nhạc, nhưng cũng rất cần sự êm ái. Ngữ điệu quyết định chính đến thông điệp của người muốn truyền đạt tới người nghe là cái gì bởi ý nghĩa của từ không chỉ nằm trong từ nói mà chủ yếu nằm trong cách thể hiện của người nói. 

Đối với công việc PTV như em, khi đọc lời bình cho tin bài, tác phẩm, mặc dù mình rất tự tin vào chất giọng rồi nhưng trước khi đọc bao giờ cũng dành thời gian để đọc kĩ, nghiền ngẫm, đặt mình vào bối cảnh của tác phẩm, vào nhân vật, vào góc nhìn nhận đa chiều để có thể “cảm” được văn bản. Có những đoạn đọc ngắn tí ti em cũng phải mất cả ngày trời để nghiền ngẫm, tìm hiểu cách đọc phù hợp. Hãy đặt cái Tâm vào câu nói, những lời phát ra sẽ có sinh khí của bạn chứ không phải chứ không phải là một giọng nói khô khan, không nhựa sống, đều đều và nhàm chán. Trong khi nói, tập trung nhấn mạnh từ nào, ngắt nghỉ, ngữ âm lên xuống khiến cho câu nói sinh động và linh hoạt hơn rất nhiều.

Có thêm một mẹo nhỏ nữa để tạo hiệu ứng khi nói là CƯỜI khi nói. Nghe mâu thuẫn, nhưng chính xác đó ạ. Mọi người sẽ ưu ái hơn khi đánh giá bạn và những lời bạn nói nếu giọng của bạn cởi mở, thân thiện và khích lệ. Đó cũng là cách hay để có giọng nói thân thiện và nồng ấm. Các chị không nên cười toe toét, cười há mồm há miệng mà chỉ cần hai mép hơi nhích lên là giọng nói của các chị sẽ nghe hấp dẫn hơn rồi, ngay cả khi nói qua điện thoại.

Tất nhiên, khi thảo luận những vấn đề nghiêm túc hay đề cập đến chuyện buồn thì không nên cười. Nhưng hãy nhớ là giọng nói cần có cảm xúc dù là bất cứ cảm xúc gì cũng có thể tạo hiệu ứng kỳ diệu. Kết hợp thêm cả ngôn ngữ hình thể, ánh mắt, nghiêng đầu, bàn tay, tư thế đứng, ngồi…khiến cho việc nói của chúng ta trở nên rất thu hút.

4. DINH DƯỠNG CHO GIỌNG NÓI

Em khuyên các chị em nên uống nhiều nước, ưu tiên nước ấm, sẽ làm cho giọng của mình ngọt ngào ấm áp hơn. Dây thanh quản của chúng ta rung động rất nhanh, lượng nước đầy đủ sẽ giúp nó luôn trơn tru. Ăn nhiều trái cây chứa nước cũng rất tốt cho giọng nói của mình đẹp hơn đó ạ. 

Uống nhiều nước đặc biệt là nước ấm, tránh xa các chất kích thích, ăn nhiều hoa quả giúp cho chị em có giọng nói ngọt ngào và trong sáng hơn

Uống nhiều nước đặc biệt là nước ấm, tránh xa các chất kích thích, ăn nhiều hoa quả giúp cho chị em có giọng nói ngọt ngào và trong sáng hơn

Các chị em cố gắng hạn chế các chất có cồn như rượu, bia, caffein, đặc biệt không hút thuốc. Rút kinh nghiệm từ em mà ra, hôm nào em uống rượu là y như rằng cổ họng nó khô khốc, dù có uống bao nhiêu nước bù vào nhưng vẫn không thể lấy lại giọng nói ngọt ngào ngay được. 

Nếu có chị em nào nỡ đang hút rồi mà muốn có giọng nó đẹp thì bỏ luôn và ngay nhé. Hút thuốc rất hại cho sức khỏe, có nguy cơ cao dẫn đến ung thư vòm họng, hít khói thuốc hay hút thuốc thụ động cũng làm sưng tấy dây thanh quản. Giọng sẽ khàn và rè rè. 

5.THÓI QUEN KHÔNG TỐT CHO GIỌNG CẦN BỎ

Đầu tiên là việc hắng giọng. Đừng hắng giọng nhiều quá các chị ạ. Khi hắng giọng, thanh quản đã xô các dây thanh quản vào nhau. Làm nhiều quá sẽ làm chúng tổn thương và khiến ta bị khản giọng. Cố gắng nhấp một ngụm nước hoặc nuốt khan thay vì hắng giọng. Nếu nhận thấy mình phải hắng giọng nhiều thì nên đi khám bác sĩ vì các chị có thể bị bệnh dị ứng hay xoang.

Khi ốm, đừng để giọng bị lây. Ngừng nói chuyện khi bị khàn giọng do cảm lạnh hay viêm nhiễm. Hãy lắng nghe giọng nói của mình. Nghỉ ngơi, không cố phá giọng. 

Khi cần phải nói trước công chúng, nói trước đông người, hay nói ngoài trời, các chị hãy cố gắng sử dụng loa để tránh phải căng giọng. Đừng cố gào thét thật to, việc đó chỉ làm cho thanh quản của chúng ta tệ hơn thôi.

Giữ ẩm phòng ở và nơi làm việc. Nhớ rằng độ ẩm tốt cho giọng của bạn. 

6.TẬP NÓI BẰNG GIỌNG BỤNG

Các chị em hãy nhớ tập luyện giọng nói bằng giọng cơ bụng. Tức là lấy hơi thở từ cơ bụng, chứ không được phải từ ngực, từ cổ và thanh quản. Người nói giọng bụng thì tiếng trầm và sâu lắng. Các chị có thể tập theo cách đơn giản như sau:

Bước 1: Tập lấy hơi từ bụng. Trước tiên đặt 2 tay lên ngực và bụng để xem cách hít thở sâu bình thường như thế nào. Kỹ thuật đúng là khi hít vào thì ngực xẹp ra nhưng bụng lại căng, khi thở ra thì ngực có phần nở và bụng lại xẹp vào. Chứ hầu như chúng ta khi thở ra thì bụng phưỡn ra một đống.
Sau đó chủ động dùng ý chí để điều khiển hơi thở, khi hít vào thì cùng lúc cố dồn khí xuống vùng bụng cái này trong chưởng nó gọi là “vận khí vào đan điền”. Lúc đó khi hít sâu, ngực hơi căng 1 chút, còn bụng căng nhiều hơn, khi thở ra thì bụng xẹp xuống và ngực cũng xẹp xuống 1 chút.

Bước 2:  Thân người đứng thẳng, hai bàn tay nắm lại, thẳng ra phía trước, song song mặt đất, thở ra từ từ.

Bước 3: Hất mạnh hai tay ra phía sau, luôn thẳng cánh tay, hít nhẹ nhàng và mau lẹ bằng mũi để làn hơi vào sâu trong phổi

– Dừng lại một vài giây để nén hơi và giữ lồng ngực căng, bụng bóp lại
– Đưa hai tay ra phía trước như lúc đầu và thở ra từ từ, ngực hạ xuống và bụng phình ra
– Cứ thế tiếp tục trong khoảng từ 20-30 phút.

Hoặc đơn giản hơn cho dễ hình dung: nếu các chị thở đúng kỹ thuật thì khi thở, hai vai sẽ nhô lên khi hít vào và hạ xuống khi thở ra, kể cả ngực cũng như vậy.
Các chị em cứ nghe em luyện lấy hơi bằng bụng trong khoảng 30 ngày mỗi ngày cần 5- 10 phút thôi sẽ quen. Lúc đó giọng nói, cột hơi của chúng ta sẽ dài sẽ khoẻ hơn, và nhất là nói giọng bụng giúp các chị nói cả ngày được mà không hề bị đau rát họng. Em đã thử và áp dụng ngay trong chính công việc của mình và thấy nó hiệu quả. Em làm giảng viên đi dạy nói cả buổi, còn đi làm MC, BTV nữa nên nói là công việc thường xuyên của em. 

Có một câu nói rằng “Những ấn tượng đầu tiên thường kéo dài mãi mãi” và cho dù các chị có nhận ra điều này hay không thì giọng nói vẫn luôn có tác động rất lớn tới ấn tượng của các chị khi giao tiếp với người khác. Giọng điệu thể hiện sự tôn trọng, tự tin, nhưng cũng đồng thời biểu lộ cảm xúc và sự chào đón của bạn với người đối diện.

Với sự chắt lọc và một chút kinh nghiệm của em, hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp mọi người có thể rèn luyện để có được GIỌNG NÓI ĐẸP
Mặt Xinh, Dáng Chuẩn rồi nay Luyện Giọng Đẹp nữa thì các chị sẽ có được cả thiên hạ luôn nha. 

>> Xem thêm: Thay đổi bản thân vì một câu nói của người khác

Rate this post

Viết một bình luận