Phụ nữ sau sinh, vấn đề sinh hoạt cần chú ý những gì?
Rất nhiều phụ nữ sau kỳ sinh nở cho rằng, trong thời gian ở cữ là cứ phải nằm trên giường, thậm chí có người cả tháng chỉ quanh quẩn trên giường, ăn uống cũng không rời khỏi giường. Thực ra, chú ý nghỉ ngơi là cần thiết, nhưng hoạt động một cách thích hợp cũng không kém phần quan trọng.
Những bà mẹ sinh đẻ thuận lợi, sau 6 – 8 giờ đã có thể tự ngồi dậy, sau 12 giờ đã có thể tự tới nhà vệ sinh, ngày hôm sau đã có thể đi lại được. Những bà mẹ có cắt nới tầng sinh môn khi sinh con có thể trở dậy vận động muộn hơn một chút.
Phụ nữ sau sinh cần giữ vệ sinh sạch sẽ
Ra khỏi giường vận động sớm có thể thúc đẩy sự hồi phục của cơ thể, đồng thời có lợi cho việc co bóp và trở về vị trí cũ của tử cung, đưa sản dịch thoát ra ngoài, từ đó giảm khả năng bị nhiễm khuẩn và còn có thể làm giảm khả năng mắc các bệnh tật trong thời kỳ sau đẻ, làm cho bàng quang phục hồi chức năng tốt, tránh nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, gia tăng công năng đường ruột, tăng cảm giác muốn ăn, tránh táo bón.
Sau khi sinh con, nên thay đổi tư thế nằm, nhất là nằm nghiêng vừa có thể tránh tử cung bị lệch về sau mà còn có lợi cho việc thoát sản dịch ra nhanh. Những người phải mổ đẻ, sau khi đã nằm bất động 8 tiếng thì có thể trở mình nằm nghiêng, sau mổ 24 giờ là đã có thể ngồi dậy, sau 48 giờ có thể ra khỏi giường đi lại nhẹ nhàng và bắt đầu cho con bú.
Vận động sớm sau khi mổ có thể giảm bớt nguy cơ dính ruột, nhưng khi mới vận động không nên quá lâu để tránh bị mệt, tăng dần theo thời gian. Thời gian bắt đầu ra khỏi giường và vận động có sự khác nhau tùy tình trạng cơ thể của mỗi người. Với những người mẹ thể chất yếu hay đẻ khó phải mổ thì không nên cố gắng vận động sớm.
Việc vận động ở đây chỉ sự vận động nhẹ nhàng chứ không phải hoạt động thể lực, càng không nên lao động chân tay quá sớm, rất dễ dẫn đến giãn thành âm đạo, hoặc sa tử cung. Nghỉ ngơi sau khi đẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian ở cữ.
Người mẹ sau khi vượt cạn cơ thể bị suy nhược, chức năng các cơ quan có sự biến đổi lớn, tạm thời mất cân bằng, cần phải ngủ (không ít hơn 10 tiếng/ngày) và nghỉ ngơi nhiều để nhanh chóng hồi phục nguyên khí, gánh vác nhiệm vụ nuôi con thiêng liêng của người mẹ.
Trước tiên, cần tạo cho hai mẹ con một môi trường dễ chịu, yên tĩnh, sáng sủa, sạch sẽ và vệ sinh. Phòng ngủ cần phải giữ nhiệt độ ổn định 22 – 24oC là tốt nhất. Mùa đông phòng phải ấm và có đủ độ ẩm cần thiết, nếu khô quá sẽ bị khô cổ họng, thậm chí xuất huyết niêm mạc mũi. Độ ẩm cao quá sẽ làm cho tuyến mồ hôi ở da không tiết ra được, cũng sẽ làm bà mẹ bứt rứt khó chịu.
Ngày nay, quan điểm “kỵ gió” đối với các bà mẹ và trẻ sơ sinh vẫn còn khá phổ biến. Thực ra, thông gió trong phòng rất tốt cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Người ta vẫn thường hay nói rằng, trong thời gian ở cữ, nếu gặp gió thì bà mẹ sẽ bị đau đầu, viêm khớp… thực tế đã chứng minh điều này hoàn toàn không có cơ sở. Tất nhiên, cũng không nên để gió thổi thẳng vào mặt tránh bị lạnh.
Khi thông gió cần phải phòng ngừa luồng gió đối lưu, mỗi lần thông gió khoảng 10 phút, mỗi ngày làm 2 lần sáng, tối. Môi trường tốt sẽ giúp cho bà mẹ và trẻ sơ sinh được khỏe mạnh.
Một số sinh hoạt cá nhân cần lưu ý:
Về ăn uống: Nên ăn các loại thức ăn nhẹ dễ tiêu, không có chất kích thích, nếu mổ đẻ thì chờ sau khi trung tiện mới được ăn. Hàng ngày có thể dùng nước nóng lau người, cần chú ý sự biến đổi của máu đẻ và giữ vệ sinh âm hộ, phòng ngừa nhiễm khuẩn vết thương vùng tầng sinh môn hay vết mổ ở bụng.
Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, cho dù tạm thời chưa có sữa thì cũng vẫn nên cho con bú để kích thích tiết sữa, đồng thời thực hiện việc massage bầu vú và tập thể dục sau đẻ. Trong thời kỳ sau đẻ, nếu có các biểu hiện bất thường như xuất huyết, sốt nóng, đau đớn thì phải đi bệnh viện ngay.
Thời gian bắt đầu tắm gội và cách thức tiến hành, các bà mẹ trong thời kỳ sau đẻ cần lưu ý để vừa giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ vừa tránh tổn thương cho vùng tầng sinh môn. 3 – 4 ngày sau sinh, da dẻ toàn thân bà mẹ có cảm giác dính do mồ hôi, cảm thấy bứt rứt khó chịu, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở, dễ dẫn đến một số bệnh tật, lúc này có thể tắm được, nhưng chỉ nên tắm đứng không nên tắm bồn. Vì lúc này miệng cổ tử cung vẫn chưa đóng kín, tắm bồn dễ làm cho nước bẩn đi vào tử cung gây viêm nhiễm. Có thể dùng nước ấm pha muối loãng hay dung dịch vệ sinh phụ nữ để rửa tầng sinh môn.
Sau khi sinh, tuyến vú sẽ phát triển mạnh, xung quanh đầu vú sẽ có sữa tiết ra, lúc này việc tắm rửa, làm sạch đầu và bầu vú là rất quan trọng tránh vi khuẩn xâm nhập gây viêm đầu vú và gây viêm tuyến vú. Thời gian sau đẻ, ngoài thân thể, tứ chi ra mồ hôi, đầu cũng ra mồ hôi nhiều, nếu không kịp thời gội sạch, tóc bết dính vào nhau lâu ngày dễ dẫn đến viêm da đầu, viêm nang lông tóc…
Việc gội đầu không cần thường xuyên như tắm, thông thường cứ cách 5 – 6 ngày gội đầu một lần là được. Khi gội đầu phải dùng nước nóng, phải sấy khô tóc ngay. Thường xuyên chải tóc không chỉ giữ được gọn gàng, sạch sẽ mà còn có thể thúc đẩy tuần hoàn máu ở da đầu, giúp cho tóc phát triển tốt hơn và không bị rụng, chú ý tránh bị cảm lạnh khi gội đầu.
Ngoài ra, cần chú ý vệ sinh răng miệng để phòng ngừa các bệnh về răng. Phải thường xuyên cắt móng tay và giữ vệ sinh sạch sẽ cho đôi tay. Các bà mẹ sau sinh cũng cần lưu ý việc xem vô tuyến.
Sau khi sức khỏe đã phần nào hồi phục, ngoài việc cho con bú, ăn uống nghỉ ngơi, người mẹ có thể nghe nhạc, xem vô tuyến nhằm điều tiết trạng thái căng thẳng của mình. Điều này rất có lợi cho lòng tự tin khi chăm sóc con nhỏ của người mẹ. Tuy nhiên, cần lưu ý là thời gian xem vô tuyến không nên kéo dài, khoảng cách đến màn hình không được quá gần để mắt không bị mỏi, không nên xem những chương trình gây xúc động mạnh…
BS. Lê Thu Hương