“Chìa khóa” là kỹ năng tự học, tự đọc
Các cán bộ làm công tác đào tạo trường ĐH cho rằng chủ động, kỹ năng tự học tốt sẽ là “chìa khóa” để học tập hiệu quả bậc ĐH.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhấn mạnh: “Kỹ năng tự học là cực kỳ quan trọng, nếu học trực tiếp cần kỹ năng tự học một phần thì ở hình thức trực tuyến kỹ năng này là yếu tố quan trọng hàng đầu”. Muốn vậy, sinh viên (SV) cần phải lập cho mình kế hoạch học tập tốt và đáp ứng được kế hoạch đó mỗi ngày.
Tiến sĩ Trần Thái Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng cho rằng ngoài học trên lớp, người học cần tự học từ các học liệu điện tử của trường, từ các thông tin tham khảo khác. “Để việc tự học hiệu quả, SV cần có kỹ năng đọc và nắm bắt thông tin tốt. Ban đầu có thể là đọc lướt để tìm nội dung mình cần đọc kỹ, đọc xong cần có khả năng tóm tắt, chọn lọc, đối chiếu với các tài liệu khác nhau. Quan trọng hơn, người học cần có tư duy phản biện với những thông tin mình đọc được, phân tích chuyển hóa thành kiến thức cho mình”, tiến sĩ Sơn nhấn mạnh.
Không chỉ kỹ năng đọc, theo tiến sĩ Sơn, việc thành thạo kỹ năng công nghệ thông tin cũng rất cần thiết khi học trực tuyến.
Từ kinh nghiệm bản thân, Mai Lê Thông, cựu SV tốt nghiệp xuất sắc ngành khoa học máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “Ngoài nghe giảng trên lớp, đọc sách là một cách để tìm kiếm thông tin tốt nhất. Không cần đọc quá nhiều, có thể chỉ cần đọc một cuốn sách được thầy cô đề xuất cho môn học. Quan trọng là không đọc sơ sài, phải đọc để hiểu tường tận kiến thức và thậm chí có thể giảng lại bài cho người khác”.
Lưu ý thêm với các tân SV về việc đọc sách, cựu SV ngành khoa học máy tính nói: “Để đọc sách tốt, trước tiên cần trang bị cho mình kỹ năng ngoại ngữ tốt. Ban đầu tiếp cận sách chuyên ngành bằng tiếng Anh sẽ gặp những từ ngữ khó hiểu nhưng ngay trong cuốn sách sẽ có những cách diễn giải khác nhau để lý giải các từ ngữ đó. Nếu vẫn bí thì trên internet luôn có sẵn những đáp án đã được nêu ra để giải đáp băn khoăn của những người trước đó”.
Ghi chép, chuẩn bị trước bài học, làm việc nhóm…
Thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung, giảng viên Khoa Lý luận chính trị Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng việc duy trì thái độ, thói quen học tập tích cực, nghiêm túc trong giờ học cũng tác động nhiều đến kết quả học tập. Do đó, khi học trực tuyến, SV vẫn nên duy trì thói quen ngồi học tại bàn, không vừa nằm vừa học hoặc vừa ăn, sinh hoạt cá nhân vừa học. Việc duy trì thói quen nghiêm túc này sẽ giúp tập trung vào bài giảng, không bị bỏ lỡ các kiến thức quan trọng, những dặn dò, nhắc nhở của giảng viên.
Ngoài ra, việc đặt câu hỏi hoặc tích cực trả lời câu hỏi dưới dạng phát biểu hoặc gửi tin nhắn đáp án cũng là cách để ghi nhớ bài học hoặc hiểu bài tốt hơn.
“Ghi chép lược ý nội dung bài học sẽ giúp SV nắm được các ý cốt lõi của bài học, hiểu và nhớ bài tốt hơn so với việc chỉ ngồi nghe hoặc ỷ lại vào tài liệu đã có. Việc này hữu ích khi học, khi kiểm tra thi cử cũng như cho công việc sau này rất nhiều”, thạc sĩ Nhung phân tích.
Số lượng môn học khá nhiều và hầu như đều rất mới mẻ, nằm ngoài hiểu biết sẵn có của SV. Do đó, việc chuẩn bị bài trước sẽ giúp SV có được sự liên hệ giữa điều mình đã đọc với điều thầy cô giảng, từ đó dễ dàng hơn trong việc làm chủ kiến thức. Hình thức chuẩn bị trước có thể là đọc tài liệu, giáo trình của môn học, xem các video bài giảng của các chuyên gia, giảng viên khác về nội dung mình sắp học, tìm tòi trên internet để mở rộng thêm các nội dung mà mình đã đọc mà chưa hiểu. Như vậy, khi vào giờ học, SV sẽ được khái quát lại những kiến thức này qua phần giảng giải của giảng viên, sự hiểu và sự nhớ sẽ tăng lên nhiều hơn.
Khi học trực tuyến hay trực tiếp thì sự chăm chỉ vẫn là một nhân tố bảo chứng cho kết quả học tập tốt khi đi kèm với phương pháp học hiệu quả. Bên cạnh đó, sự hợp tác trong học tập thông qua làm việc nhóm với bạn bè cùng lớp, hợp tác trong giờ học với giảng viên thông qua việc thực hiện các yêu cầu thực hành, tích cực tương tác trả lời, xây dựng bài học… chính là yếu tố giúp SV nhanh chóng hòa nhập vào không khí học tập tích cực, từ đó, hiệu quả học cũng sẽ tăng lên nhiều hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Kim Đức, giảng viên Khoa Kinh tế Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhắn nhủ thêm với tân SV: “Ghi chú và lên kế hoạch tất cả mọi việc, cẩn thận, thường xuyên điều chỉnh kế hoạch khi có trường hợp đột xuất xảy ra. Tập tính kỷ luật và nghiêm khắc với bản thân”.