Câu lạc bộ Sinh viên vừa là một loại hình tổ chức, vừa là một phương thức hoạt động, là một bộ phận quan trọng của tổ chức Hội Sinh viên, nhằm hỗ trợ giải quyết những vấn đề phức tạp, quan trọng trong học tập và cuộc sống hàng ngày, đáp ứng những nhu cầu chính đáng của sinh viên.
Câu lạc bộ Sinh viên là nơi tập hợp những sinh viên có cùng sở thích, cùng nhu cầu nhằm một mục đích nhất định.
2. Mục đích, ý nghĩa:
– Câu lạc bộ Sinh viên là nơi có những hoạt động phong phú, phù hợp với nhu cầu lợi ích của sinh viên, tạo môi trường cho các sinh viên có khả năng và năng khiếu được bộc lộ, phát triển. Bên cạnh định hướng giá trị mới, tạo điều kiện cho sinh viên trưởng thành về mọi mặt.
Câu lạc bộ Sinh viên do Hội Sinh viên lập ra nhằm mục đích:
– Tạo điều kiện cho sinh viên giao tiếp, ứng xử, vui chơi giải trí lành mạnh, bày tỏ quan điểm, tâm tư nguyện vọng, đồng thời hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong học tập, công tác và trong cuộc sống.
– Giúp tổ chức Hội tập hợp, đoàn kết sinh viên thông qua các hoạt động của câu lạc bộ, như: Học tập, văn hoá, văn nghệ, sở thích, nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội khác, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội.
– Thông qua các hoạt động để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống của dân tộc cho sinh viên.
3. Chức năng, nhiệm vụ của Câu lạc bộ sinh viên:
3.1. Giáo dục, rèn luyện:
Câu lạc bộ Sinh viên là một trong những phương thức hoạt động sinh động, có hiệu quả của Hội, là công cụ để giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hoá, giáo dục truyền thống và giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên. Đồng thời là môi trường tiên tiến để mỗi thành viên tự điều chỉnh nhận thức, hành vi, rèn luyện, phấn đấu trưởng thành.
3.2. Tổ chức, giao tiếp, ứng xử:
Qua các loại hình sinh hoạt khác nhau của câu lạc bộ, sinh viên có dịp giúp nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống, phát huy mặt tích cực, cải thiện uốn nắn các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, kích thích tính chủ động, sáng tạo, tính tích cực xã hội, xây dựng nếp sống văn minh môi trường học đường lành mạnh.
3.3. Nâng cao nhận thức và rèn luyện kỹ năng:
Trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng, sở thích của từng đối tượng sinh viên với những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, Câu lạc bộ có trách nhiệm từng bước thoả mãn, đáp ứng nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt trong học tập, lao động và trong công tác cho sinh viên. Đồng thời giúp họ rèn luyện những kỹ năng cơ bản trong học tập, công tác và trong quan hệ xã hội.
4. Quy trình thành lập Câu lạc bộ:
– Khảo sát tình hình, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên:
+ Xây dựng mẫu phiếu khảo sát dựa trên mục đích và dự kiến các nội dung hoạt động của Câu lạc bộ và đặc thù của từng trường cho phù hợp (Phiếu dưới hình thức trắc nghiệm, rõ ràng, dễ hiểu, tránh quá dài).
+ Phát phiếu khảo sát, thu phiếu và tổng hợp số liệu.
– Căn cứ các chủ trương của Hội Sinh viên cấp trên và của trường, các chương trình hành động, các mục tiêu hoạt động của Hội đã đặt ra.
+ Đảm bảo việc thành lập Câu lạc bộ phù hợp với chủ trương, định hướng hoạt động, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của Hội đã đề ra.
– Căn cứ vào điều kiện thực tế đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Dự kiến nhân sự tham gia Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ, phụ trách các Ban của Câu lạc bộ và lực lượng tham gia Câu lạc bộ.
+ Dự kiến nguồn kinh phí để duy trì các hoạt động, địa điểm, các nguồn hỗ trợ từ nhà trường và các tổ chức khác cho Câu lạc bộ.
– Lựa chọn mô hình Câu lạc bộ (CLB) phù hợp:
+ Căn cứ kết quả khảo sát về nhu cầu và nguyện vọng của sinh viên.
+ Căn cứ vào thế mạnh và điều kiện thực tế.
– Xây dựng đề án thành lập CLB:
+ Nêu mục đích ý nghĩa việc thành lập CLB.
+ Đưa ra các nội dung hoạt động của CLB (có mấy nội dung chính).
+ Dự kiến bộ máy quản lý, điều hành CLB (Ban Chủ nhiệm, phụ trách các Ban).
+ Xây dựng quy chế hoạt động CLB (Cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Câu lạc bộ, quyền hạn của Ban Chủ nhiệm, từng thành viên Ban Chủ nhiệm và thành viên CLB).
+ Xây dựng điều lệ và nội quy hoạt động của CLB.
5. Phương pháp tổ chức một buổi sinh hoạt CLB:
5. 1. Xác định nội đung và hình thức sinh hoạt:
– Xác định nội dung: Là xác định chủ đề cho buổi sinh hoạt. Đây là khâu quan trọng nhất. Khi xác định được chủ đề thì mới xác định được toàn bộ công việc chuẩn bị kèm theo. Một buổi sinh hoạt chỉ nên nhằm vào một chủ đề, thậm chí một chủ đề có thể sinh hoạt nhiều buổi. Từ chủ đề đã được xác định Ban Chủ nhiệm huy động tất cả các hình thức sinh hoạt trong Câu lạc bộ để buổi sinh hoạt thêm phong phú, hấp dẫn.
Để xác định chủ đề sinh hoạt cho thiết thực và phù hợp, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ phải căn cứ vào tình hình chính trị trước mắt và nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của hội viên.
– Xác định hình thức thể hiện: Sau khi đã xác định nội dung cho buổi sinh hoạt, Ban Chủ nhiệm thống nhất hình thức thể hiện, có rất nhiều hình thức sinh hoạt Câu lạc bộ. Có thể sử dụng một số hình thức chính sau đây:
+ Diễn giảng: Gồm các chủ đề chính trị, thời sự, khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao kiến thức, trình độ thẩm mỹ, giáo dục nếp sống mới. Đây là dạng nói chuyện chuyên đề.
+ Hội thảo, tọa đàm là hình thức các thành viên Câu lạc bộ cùng tham gia thảo luận để làm sáng tỏ một quan điểm, một nhận định.
+ Sinh hoạt văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật.
+ Giới thiệu sách báo, trưng bày triển lãm.
+ Sinh hoạt ngoài Câu lạc bộ kết hợp với những hoạt động thể đục thể thao, tham quan du lịch…
– Phân công người phụ trách: Người phụ trách có thể là thành viên của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ hoặc chỉ là thành viên của Câu lạc bộ. Người phụ trách có trách nhiệm tiến hành toàn bộ công việc chuẩn bị kiểm tra và đôn đốc các khâu thực hiện. Người phụ trách phải hình thành đề cương chuẩn bị và có trách nhiệm điều hành buổi sinh hoạt.
– Tuyên truyền cổ động: Thông báo đến các thành viên Câu lạc bộ về buổi sinh hoạt và tiến hành tuyên truyền thông qua pa nô, áp phích, băng eo, tờ rơi…
5.2. Điều khiển sinh hoạt:
Trước khi vào nội dung chính của buổi sinh hoạt, người điều khiển chương trình hướng dẫn mọi người múa hát tập thể hoặc tổ chức các trò chơi. Người điều khiển chương trình phải linh hoạt, tuỳ cơ ứng biến nhưng phải nắm vững nội dung chính của buổi sinh hoạt để hướng mọi người đến những vấn đề chủ yếu đã đề ra.
Người điều khiển chương trình là linh hồn của buổi sinh hoạt, vì thế phải có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, có khả năng hướng dẫn mọi người. Người điều khiển chương trình cần ăn mặc gọn gàng, lịch sự.
6. Một số loại hình CLB sinh viên:
6.1. Câu lạc bộ học tập, nghiên cứu khoa học (NCKH):
Câu lạc bộ học tập, NCKH là tổ chức tự nguyện của sinh viên, trực thuộc Hội Sinh viên trường, được Ban Giám hiệu, Phòng đào tạo, Phòng khoa học, trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn và được sự bảo trợ của Ban Chủ nhiệm các khoa trong nhà trường. Câu lạc bộ hoạt động theo Điều lệ đã được BCH Hội Sinh viên trường thông qua.
Mục đích chủ yếu của CLB là tạo điều kiện, khuyến khích và tổ chức cho sinh viên thi đua học tập, tập sự NCKH, giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận với thực tế.
a. Cơ cấu tổ chức của CLB:
* Ban Chủ nhiệm: Là thường trực của CLB, số lượng thành viên tuỳ thuộc vào số lượng hội viên và các Ban trực thuộc, gồm Chủ nhiệm, 1 hoặc 2 Phó Chủ nhiệm, 1 Thư ký và các uỷ viên phụ trách các Ban. Thành viên Ban Chủ nhiệm là những hội viên có năng lực, nhiệt tình, tích cực trong hoạt động, do BCH Hội Sinh viên giới thiệu và thông qua tại Hội nghị hiệp thương các khoá. Nhiệm kỳ Ban Chủ nhiệm cùng với nhiệm kỳ BCH Hội Sinh viên.
* Các Ban của CLB: Tương ứng với các khoa của trường. Mỗi Ban gồm các hội viên thuộc khoa đó, có một Trưởng ban do Ban Chủ nhiệm CLB cử. Mỗi Ban có thể thành lập các tổ nhóm theo khóa, lớp, nhóm hội viên cho phù hợp với yêu cầu hoạt động của CLB và nhu cầu, sở thích của hội viên.
b. Nội dung hoạt động:
– Tổ chức cho hội viên đăng ký đề tài nghiên cứu, giới thiệu giảng viên hướng dẫn, cung cấp tài liệu nghiên cứu, thu nhận đề tài và đề nghị thành lập hội đồng thẩm định đề tài. Các đề tài nghiên cứu này do Ban Chủ nhiệm CLB đã liên hệ, thống nhất với các khoa chuyên môn hoặc do hội viên tự nghiên cứu. Nội dung các đề tài phải phù hợp với chương trình đào tạo của nhà trường. Thời gian nghiên cứu của đề tài do Ban Chủ nhiệm CLB quy định.
– Tổ chức báo cáo đề tài nghiên cứu của các hội viên, tổng kết đợt nghiên cứu, đề nghị khen thưởng, cộng điểm học tập cho những hội viên có đề tài nghiên cứu đạt kết quả tốt. Các Hội nghị Báo cáo Tổng kết cần tổ chức trang trọng, mời sinh viên trong trường tham gia, tạo không khí thi đua học tập NCKH trong sinh viên nói chung.
– Tổ chức các hoạt động bổ trợ thực tế, giúp sinh viên tiếp cận thực tế, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, bao gồm:
+ Tổ chức giao lưu sinh viên với các nhà doanh nghiệp, thăm quan thực tế các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực được đào tạo. Các địa điểm này do Ban Chủ nhiệm chịu trách nhiệm liên hệ. Tốt nhất là nên xây dựng mối quan hệ thường xuyên để tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ về kinh nghiệm và kinh phí của các doanh nghiệp.
+ Tổ chức các hình thức tập sự cho sinh viên theo chuyên ngành được đào tạo, có mời tư vấn là các nhà chuyên môn (có thể tổ chức ngay tại trường hoặc các cơ sở thực tế).
+ Tổ chức các cuộc thi về chuyên ngành (tham khảo phần hướng dẫn về tổ chức các cuộc thi các môn khoa học Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh).
+ Định kỳ tổ chức các cuộc hội thảo, thảo luận chuyên đề Nội dung các chuyên đề được thông báo trước để hội viên chuẩn bị giao cho một số hội viên CLB chuẩn bị sâu và trình bày trong hội thảo, nêu các vấn đề hội viên tập trung thảo luận.
+ Tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề, mời báo cáo viên là các nhà chuyên môn, các nhà khoa học, chuyên đề là các lĩnh vực mà sinh viên quan tâm, có tác dụng thiết thực cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên.
6.2. Câu lạc bộ sở thích:
Câu lạc bộ sở thích của sinh viên là nơi đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ ngơi và sáng tạo của sinh viên. Câu lạc bộ tham gia tích cực vào quá trình điều chỉnh việc sử dụng thời gian rỗi của sinh viên một cách có ích và lành mạnh. Cơ cấu tổ chức Câu lạc bộ sở thích như sau:
a) Ban Chủ nhiệm:
Ban Chủ nhiệm là cơ quan cao nhất, điều hành toàn bộ hoạt động của câu lạc bộ. Từ việc chuẩn bị nội dung tổ chức các buổi sinh hoạt, chi tiêu mua sắm các dụng cụ cần thiết, tuyên truyền cổ động, trang trí, tiếp đón và điều hành chúng đều thuộc công việc của Ban Chủ nhiệm.
Câu lạc bộ có trên 50 thành viên thì Ban Chủ nhiệm từ 5-7 người gồm 1 Chủ nhiệm, 2 Phó Chủ nhiệm và các uỷ viên.
– Chủ nhiệm Câu lạc bộ phải là người có năng lực tổ chức và hiểu biết về các hoạt động Câu lạc bộ, là người có uy tín trong Câu lạc bộ thì mới điều hành được công việc và điều khiển mọi người thực hiện kế hoạch của Câu lạc bộ. Qua thực tế hoạt động cho thấy: Chủ nhiệm Câu lạc bộ nên là cán bộ Đoàn hoặc cán bộ Hội của trường nhằm đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp của Hội với Câu lạc bộ.
– Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ trách nội dung phải là người năng nổ, có năng lực về những công việc chuyên môn của Câu lạc bộ. Có khả năng thay thế các nhóm trưởng chuyên trách trong Câu lạc bộ khi cần thiết.
– Phó Chủ nhiệm phụ trách vật chất, hậu cần tài chính của Câu lạc bộ phải là người tháo vát, lo mọi thứ về vật chất để duy trì mọi hoạt động của Câu lạc bộ.
b) Các Ban chức năng:
* Ban Tuyên truyền cổ động:
+ Tuyên truyền, giới thiệu về hình thức, nội dung của hoạt động sắp diễn ra và các hoạt động trong thời gian tới của CLB.
* Ban Nội dung:
+ Xây dựng nội dung chi tiết từng hoạt động và nội dung hoạt động tổng thể của CLB.
* Ban Hậu cần:
+ Đảm bảo về kinh phí, vật chất và các điều kiện để phục vụ cho các hoạt động của CLB được tổ chức thành công.
* Ban Quan hệ Đối ngoại:
+ Liên hệ với nhà trường, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội…để huy động các nguồn lực và sự hỗ trợ của các cá nhân, tập thể cho các hoạt động của CLB.
* Một số loại CLB sở thích như: CLB giọng hát hay sinh viên, CLB nữ sinh, CLB bóng đá, CLB cầu lông, CLB khiêu vũ, CLB thơ…
(sưu tầm)