Pizza 4P’s và triết lý “Từ nông trại đến bàn ăn”

BNEWS

Pizza 4P’s không chỉ là 1 chuỗi cửa hàng ăn thành công mà đằng sau đó còn là những câu chuyện kinh doanh khiến nhiều người nể phục.

Nếu đã từng đến Pizza 4P’s, chắc hẳn bạn sẽ không thể không bất ngờ về sự hoàn hảo ở nơi đây. Từ hương vị của những chiếc pizza hay những đĩa mỳ Ý được chăm chút tỉ mỉ, phong khách của quán hay thái độ của từng nhân viên chắc chắn sẽ làm hài lòng phần lớn những thực khách khó tính nhất.

Pizza 4P’s là hệ thống nhà hàng pizza của 2 nhà sáng lập người Nhật là ông Yosuke Masuko và vợ là bà Sanae Takasugi. Hiện công ty sở hữu tổng cộng 24 cửa hàng Pizza 4P’s (trong đó, 12 cửa hàng tại TPHCM, 8 cửa hàng ở Hà Nội, 2 cửa hàng ở Đà Nẵng và 1 cửa hàng ở Hải Phòng và Nha Trang), 5 trung tâm giao hàng và một nhà máy sản xuất phomai tại Đơn Dương, Đà Lạt.

* Khởi nghiệp từ câu nói của bạn gái cũ

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày nọ khi bạn gái cũ của Yosuke nói với anh “Này, sao chúng ta không xây một lò nướng bánh pizza ở sân sau nhỉ?”. Với sự giúp sức của những người bạn, Yosuke đã biến ước mơ của bạn gái thành sự thực và lò nướng bánh pizza sau nhà đã trở thành nơi tụ tập của nhóm bạn vào cuối tuần.

Đó là một nơi tràn ngập tiếng cười, và pizza là loại bánh mà bạn có thể tùy ý muốn bỏ thứ gì lên đó cũng được. Họ thảo luận với nhau xem pizza ai làm ngon nhất và tình bạn hữu ngày càng được thắt chặt. Tuy nhiên, chiếc lò pizza sau vườn đã bị phá hủy sau khi chính quyền lấy lại khu đất và bản thân Yosuke cũng chưa nảy sinh ra ý tưởng mở chuỗi nhà hàng pizza.

Sau này, Yosuke sang Việt Nam và làm việc cho một quỹ đầu tư mạo hiểm, trước đó anh theo học nguyên ngành xã hội học và phim ảnh tại Anh và Australia, còn vợ anh Sanae Takasugi học chuyên ngành chính trị Trung Quốc và truyền thông tại Nhật.

Hai người gặp nhau khi cùng làm chung tại quỹ CyberAgent và cùng ấp ủ cho mình kế hoạch khởi nghiệp mang tính sáng tạo. Công việc ổn định, lương cao, công ty thậm chí còn trả tiền thuê nhà và con gái lớn của họ khi đó mới 3 tuổi. Quyết định nghỉ việc để “làm một cái gì đó của riêng mình” là không dễ dàng với vợ chồng Masuko.

Ý tưởng mở một nhà hàng pizza đến với Masuko khi anh nhớ lại những bữa tiệc pizza sau vườn nhà ở Tokyo từ năm 2004. Yêu thích món ăn này, anh cùng với bạn bè tự mua gạch, đắp bùn để xây một lò gạch sau sân nhà, nghĩ ra những mùi vị mới, nướng bánh rồi chia sẻ cho nhau. Cảm giác hạnh phúc của những bữa tiệc pizza được Masuko nhớ đến giờ.

Nghỉ việc, với 100.000 USD dành dụm, 2 vợ chồng mở nhà hàng pizza đầu tiên trên đường Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM. Nơi này sau đó vì quá đông khách nên Masuko đã phải mở rộng sang ngôi nhà bên cạnh.

“Chúng tôi từng là những đứa con ngoan đến khi phải tranh cãi với bố mẹ để nghỉ việc và mở tiệm pizza”, Sanae nói.

Họ đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về công thức pizza, và điều này không gây khó khăn với vợ chồng Yosuke. Việc kết hợp giữa hương vị phương Tây và địa phương đã khiến hầu hết bạn bè xung quanh họ đều cảm thấy thích thú. Với phô mai, Yosuke nhận thấy rằng, việc nhập khẩu phô mai sẽ tăng chi phí trong khi không giữ được vị tươi ngon, và họ quyết định tự làm phô mai của riêng mình.

* Đưa giá trị “Từ nông trại đến bàn ăn”

Ngày mới mở tiệm, từ bột mỳ, nước sốt cà chua, pho mát… Pizza 4P’s đều nhập khẩu. Riêng pho mát Mozzarella – nguyên liệu chính để làm pizza (các loại pho mát chiếm đến 40% giá thành một chiếc pizza), phải vận chuyển bằng đường hàng không 2 lần mỗi tuần.

Sợ không đảm bảo độ tươi, Masuko quyết định tự học làm pho mát qua YouTube.

Nhận thấy có thể tự làm, họ mở hẳn nhà máy sản xuất tại Đà Lạt – nơi họ chọn được nguồn sữa nguyên liệu sau khi thăm nhiều trang trại ở TP.HCM, Củ Chi, Long Thành… vì có độ sạch, độ khô, độ thơm và mùi làm được pho mát ngon.

Mỗi sáng, hơn 2.000 lít sữa sau khi vắt, được chở từ 2 nhà cung ứng ở Đà Lạt và Bảo Lộc đến nhà máy pho mát, ngay lập tức được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp rồi lên lò ủ trong đêm để có được sữa đầu ra.

Sáng hôm sau, sữa này được ủ lên men và hoàn tất trong tối hôm đó. Quá trình làm pho mát tươi trong 48 giờ, sau đó phải được sử dụng ngay chứ không để được lâu. 2 chuyên viên người Nhật chịu trách nhiệm vận hành nhà máy.

Trước khi vận hành thành công, Masuko từng thất bại khi xây dựng một kho trữ pho mát ngay tại nhà máy, hay việc nhập khẩu men dịch vị từ Đan Mạch không hề dễ dàng.

Toàn bộ quá trình làm pho mát, từ nấu sữa, kéo pho mát tại nhà máy 4P’s được làm hoàn toàn thủ công như cách làm truyền thống Pháp, nên mùi vị tự nhiên và thơm ngon hơn các loại bán sẵn.

Burrata là loại phô mai có thể nói là gắn liền với tên tuổi của Pizza 4P’s. Những viên Burrata được làm tại Đà Lạt, ngay lập tức được đóng gói và vận chuyển vào thành phố HCM. Phô mai cực kỳ tươi và Burrata trong tiếng Ý có nghĩa là “viên bơ”, nó có vị béo ngậy, dịu và có mùi bơ, và nó là một sản phẩm đóng dấu “made by Pizza 4P’s”.

Masashi Kubuta, quản lý cơ sở sản xuất phomai tại Đơn Dương của Pizza 4P’s đã được đào tạo tại Pháp và anh đã gửi email cho Yosuke để xin việc sau khi tìm kiếm từ khóa “người làm phomai” khi còn ở Nhật. Với sữa tươi sản xuất tại nông trại và kĩ thuật chuyên nghiệp, Pizza 4P’s đã thành công trong việc sản xuất phô mai Burrata tại Việt Nam.

Ngoài sử dụng tại nhà hàng, phô mai của Pizza 4P’s còn nổi tiếng khi bán qua kênh Horeca (các nhà hàng, khách sạn…), một số chuỗi siêu thị mini và Box 4P’s (kênh bán thực phẩm trực tuyến của Pizza 4P’s).

“Chúng tôi đã chuyển từ pho mát nhập khẩu sang sử dụng phô mai của Pizza 4P’s. Thật khó để làm ra loại phô mai thế này tại Việt Nam!”, ông Sakal – bếp trưởng điều hành của khách sạn Sofitel Plaza Saigon, cho biết.

Phô mai tươi và rau chở từ các nhà cung cấp được tập kết tại nhà máy phô mai, vận chuyển ngay trong đêm đến các bếp của Pizza 4P’s ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng để sử dụng vào ngày hôm sau. Chỉ phục vụ những gì tươi ngon nhất, nếu không mua được thì tự làm. Rau hữu cơ, pho mát nhà làm… là những ví dụ của mô hình “từ nông trại đến bàn ăn” – giá trị cốt lõi khác tại 4P’s.

* Nói không với quảng cáo, theo “trend”

Các cửa hàng của Pizza 4P’s đa phần không thực hiện quảng cáo, mà hút khách nhờ truyền miệng và tiếng thơm có được. Đầu năm 2015, nhà hàng Pizza 4P’s tại Hà Nội vừa khai trương, chưa kịp quảng bá, vô tình được một cái tên sáng giá trong giới khởi nghiệp chụp ảnh đăng lên Facebook. Tấm ảnh được hơn 1.000 like và 168 share, đủ cho nhà hàng này đầy chỗ trong 3 tuần tiếp theo.

Với Yosuke và Sanae, cách quảng cáo tốt nhất là truyền miệng và việc của chủ nhà hàng và người đầu bếp là tập trung tốt nhất vào chất lượng của bánh. Và điều này cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang thành công, hầu hết các khung giờ đều kín chỗ và khách muốn đến Pizza 4P’s thường phải đặt trước.

Một xu hướng mà các chuỗi pizza đổ không ít nguồn lực để phát triển là giao hàng tận nhà và ứng dụng công nghệ để đặt và mua bánh. Song trái ngược với đó, Pizza 4P’s lại kiên quyết nói không với dịch vụ này và chỉ phục vụ khách hàng tại chỗ.

Song 2 năm dịch COVID-19 đã khiến Pizza 4P’s phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh đó. Trong 2 năm dịch 2020 và 2021, Pizza 4P’s báo lỗ lần lượt là 20,8 tỷ đồng và 38 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hiện tại còn 98,3 tỷ đồng so với con số 136 tỷ đồng năm trước. Trước đó, công ty kỳ vọng năm 2021 sẽ không lỗ.

Đơn hàng được ship tận nhà cho các khách hàng miễn phí, kể cả các món ăn tươi như phô mai burrira. Đứng sau các dịch vụ giao nhận đồ ăn của hãng là một hệ thống công nghệ và nhân sự của công ty, không cần thuê ngoài. Từ đó chuỗi nhà hàng đã xây dựng website riêng, thậm chí phát triển pin trong hộp giữ nhiệt để bảo quản món ăn. Quan trọng hơn, cách tạo website riêng này đã giúp hãng giảm thời gian giao hàng xuống nhiều.

Nhờ vận hành hệ thống bán hàng online riêng, Pizza 4P’s sau 8 tháng nhận đặt đồ đã có 60.000 đơn hàng, thu 30 tỷ đồng, xuất 17.000 hóa đơn đỏ trong hai tháng. Những thành tích trên là động lực để thương hiệu này đặt mục tiêu 1.000 nhà hàng.

Theo một bài báo đăng trên New York Times, tên đầy đủ của Pizza 4P’s là “Platform of Personal Pizza for Peace“, phản ánh nỗ lực tiếp tục lắng nghe khách hàng và không ngừng cải thiện trải nghiệm pizza của họ.

Mong muốn của Yosuke và Sanae là đem lại những trải nghiệm phong phú để giúp cho mỗi vị khách khi bước vào mỗi cửa hàng Pizza 4P’s sẽ gặt hái được những điều thú vị và tích cực. Năng lượng tích cực được lan tỏa qua những trải nghiệm ẩm thực và mỗi thực khách khi ra về đều có cảm nhận tích cực dù chỉ là một chút thôi.

Mọi hoạt động của Pizza 4P’s đều xoay quanh là “Omotenashi”, có nghĩa là tinh thần chào đón khách với tất cả lòng thành, thể hiện sự hiếu khách của người Nhật./.

Rate this post

Viết một bình luận