Quảng Ninh – những điều tuyệt vời nhất

Quảng Ninh là tỉnhcó nhiều thành phố nhất Việt Nam

Tỉnh Quảng Ninh ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam. Phía bắc giáp huyện Phòng Thành và thị trấn Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc); phía đông là vịnh Bắc Bộ với bờ biển khúc khuỷu nhiều cửa sông; phía tây giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương; phía nam giáp Hải Phòng.

Đây là tỉnh duy nhất trong cả nước có 4 thành phố là: Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí và Hạ Long. Vịnh Hạ Long – di sản thiên nhiên thế giới ở Quảng Ninh là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Năm 2017, di sản này được xuất hiện trong phim bom tấn Hollywood – Kong: Skull Island.

Từ trên cao nhìn xuống, Hạ Long về đêm càng trở nên lung linh, huyền ảo

Từ trên cao nhìn xuống, Hạ Long về đêm càng trở nên lung linh, huyền ảo (Nguồn: vietbao.vn)

Quảng Bình và Ninh Bình cũng có bối cảnh xuất hiện trong Kong: Skull Island. Tuy nhiên, Quảng Bình chỉ có một thành phố là Đồng Hới, Ninh Bình có 2 thành phố là Tam Điệp và Ninh Bình.

Là tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng hòn đảo

 

Quảng Ninh là tỉnh miền núi – duyên hải, hơn 80% đất đai là đồi núi. Theo cổng thông tin điện tử của tỉnh, Quảng Ninh có hơn 2.000 hòn đảo, chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước (2.779 đảo). Vùng biển và hải đảo Quảng Ninh có địa hình độc đáo, có những đảo rất lớn như Cái Bầu, Bản Sen, có đảo chỉ như một hòn non bộ.

Trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, hàng nghìn đảo đá vôi nguyên là vùng địa hình karst bị nước bào mòn tạo nên muôn nghìn hình dáng bên ngoài và trong lòng là những hang động kỳ thú.

Vùng ven biển và hải đảo Quảng Ninh ngoài những bãi bồi phù sa còn những bãi cát trắng táp lên từ sóng biển. Có nơi thành mỏ cát trắng làm nguyên liệu cho công nghệ thuỷ tinh như Vân Hải, có nơi là bãi tắm tuyệt vời như Trà Cổ, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng…

Tỉnh Khánh Hòa chỉ có khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và các đảo san hô trong quần đảo Trường Sa. Tỉnh Kiên Giang có Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam và cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây.

UNESCO vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là Di sản thiên nhiên thế giới

 

Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, thuộc tỉnh Quảng Ninh. Vịnh có diện tích hơn 1.500 km2, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn.

Năm 1994, vùng lõi của vịnh Hạ Long có diện tích 434 km2 với 775 đảo (trong tổng số hơn 1.900 đảo của toàn vịnh) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và được tái công nhận lần hai vào năm 2000. Khu vực này còn được bình chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, năm 2011.

Trải qua quá trình kiến tạo ít nhất 500 triệu năm, vịnh Hạ Long đã trở thành nền tảng phát sinh các giá trị vô giá của loài người như đa dạng sinh học, văn hóa khảo cổ và các giá trị nhân văn khác. Những công trình nghiên cứu khảo cổ được thực hiện tại vịnh Hạ Long từ đầu thế kỷ thứ 20 đến nay cho thấy đây từng là cái nôi văn hóa của nhân loại.

Đối với người dân Việt Nam, vịnh Hạ Long còn mang ý nghĩa văn hóa, tinh thần, tâm linh to lớn, thể hiện qua truyền thuyết con rồng cháu tiên…, qua những chứng tích lịch sử ý nghĩa như thương cảng Vân Đồn, chiến tích Bãi Cháy…

Du lịch tàu trên vịnh Hạ Long đang trở thành một thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh

Du lịch tàu trên vịnh Hạ Long đang trở thành một thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Anninhthudo.vn)

Vịnh Hạ Long bao gồm nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: hòn Con Cóc, hòn Trống Mái, đảo Ngọc Vừng, đảo Ti Tốp, đảo Tuần Châu, hang Sửng Sốt, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ…

Mang vẻ đẹp thiên nhiên kỳ bí, đồng thời gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam từ ngàn xưa, vịnh Hạ Long từ lâu đã đi vào thơ ca. Tác giả của Ức trai thi tập – Nguyễn Trãi từng gọi nơi đây là “kỳ quan đá dựng giữa trời cao”.

Địa danh của Quảng Ninh gắn với chiến tích lừng lẫy của quân đội nhà Trần trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông

 

Trận Bạch Đằng năm 1288 được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Tại đây, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đã dùng kế cắm trận địa cọc trên sông, lừa quân đội nhà Nguyên Mông đi vào lúc thủy triều rút. Cùng với sức chiến đấu mãnh liệt của quân Đại Việt, giặc thiệt hại nặng nề. Hơn 40.000 binh sĩ nhà Nguyên Mông bị loại khỏi vòng chiến, nhiều hổ tướng trong đó có Ô Mã Nhi bị bắt sống, 400 thuyền chiến rơi vào tay quân nhà Trần. Đại thắng trên sông Bạch Đằng chấm dứt hoàn toàn âm mưu xâm chiếm Đại Việt của nhà Nguyên Mông.

Chiến tích vẻ vang trên sông Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo cùng với hai vị minh quân triều Trần là thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, đã lưu danh sử sách, là đề tài cho nhiều tác phẩm văn học thời trung đại. Tiêu biểu trong số đó là bài Phú sông Bạch Đằng của danh sĩ Trương Hán Siêu.

Ngày nay, bãi cọc Bạch Đằng vẫn còn dấu tích nằm trong khu đầm nước của xã Yên Giang thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Trong chuyến khai quật thám sát ở cánh đồng Yên Giang năm 2014, đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học đã phát hiện một cọc gỗ hình trụ có đường kính 27-28 cm, cao 1,2 m, chân được đẽo vát nhiều nhát nhỏ, cắm vào lớp bùn nâu, chạm đến lớp cát đáy sông – là chứng tích của trận thủy chiến lẫy lừng năm xưa.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt, ngày 27/9/2012, Thủ tướng quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là di tích quốc gia đặc biệt.

Vân Đồn (Quảng Ninh) là cảng ngoại thương đầu tiên của Việt Nam

 

Nằm phía đông nam tỉnh Quảng Ninh, Vân Đồn là huyện đảo có diện tích gần 600 km2, nằm trong vịnh Bái Tử Long và được chia thành hai quần đảo lớn nhỏ là Vân Hải và Cái Bầu. Vùng biển Vân Đồn được đặc biệt coi trọng vì có vị trí xung yếu trên đường hải vận Trung Quốc – Việt Nam kéo dài xuống Đông Nam Á. Chính vì vậy, nơi đây sớm trở thành trung tâm của con đường giao lưu kinh tế, văn hóa từ Bắc vào Nam.

Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, năm 1149, để đáp ứng nhu cầu trao đổi, buôn bán sản vật với thương nhân nước ngoài, vua Lý Anh Tông cho thành lập trang Vân Đồn. Đây cũng là thương cảng biển đầu tiên của Việt Nam trong giao thương với các nước khu vực Đông Á và thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia…

Sau khi được thành lập, Vân Đồn nổi lên là trung tâm mậu dịch và bang giao nổi tiếng trong khu vực. Những vật phẩm trao đổi với thuyền buôn ngoại quốc tại đây có đủ chủng loại từ lâm sản, hải sản hương liệu, lụa là, gấm vóc, nhưng chủ đạo vẫn là đồ sành sứ. Từ cảng Vân Đồn, sứ của Đại Việt được đem tới bán tại Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, thậm chí đến tận vùng Đông Âu.

Thương cảng Vân Đồn thịnh vượng suốt 3 triều đại là Lý, Trần, Hậu Lê (Lê sơ) rồi suy thoái và bị lãng quên dưới thời nhà Mạc.

Năm 2003, khu di tích thương cảng Vân Đồn được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia.

Vua Trần Nhân Tông đã sáng lập thiền phái Trúc Lâm khi tu hành tại núi Yên Tử

 

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai là Trần Thuyên, lên làm thượng hoàng ở tuổi 35. Sau thời gian chu du thiên hạ, thượng hoàng đi tu và trở thành thủy tổ của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đây là phái Thiền để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Từ năm 1298, Trần Nhân Tông khoác áo nhà sư đi thuyết pháp khắp nơi. Lý thuyết phái Trúc Lâm do ông khởi xướng là không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn nhớ đến cội nguồn. Buổi giảng kinh của Trần Nhân Tông thu hút hàng nghìn người tới nghe và tiếp thu tư tưởng.

Năm 1299, Trần Nhân Tông lên tu ở chùa Yên Tử (núi Yên Tử, Quảng Ninh), lấy pháp hiệu là Hương Vân đại đầu đà hoặc Trúc Lâm đại đầu đà, thu hút nhiều đệ tử. Ông được người đời suy tôn là Phật hoàng và được đánh giá là triết gia lớn của Phật học, giúp triết học Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ, thể hiện đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ người Việt Nam.

Năm 1308, Trần Nhân Tông qua đời tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử.

Quảng Ninh là tỉnh khai thác than đá chính của Việt Nam

 

Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều loại đặc thù, trữ lượng lớn, chất lượng cao như: than, cao lanh tấn mài, đất sét, cát thủy tinh, đá vôi…

Ảnh: Thoidai.com.vn

Ảnh: Thoidai.com.vn

Theo cổng thông tin điện tử của tỉnh, trữ lượng than đá ở đây vào khoảng 3,6 tỷ tấn, tập trung tại 3 khu vực: Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí – Đông Triều. Mỗi năm, các khu vực này cho phép khai thác khoảng 30-40 triệu tấn, đưa Quảng Ninh thành tỉnh khai thác than đá chính của Việt Nam.

Các mỏ đá vôi, đất sét, cao lanh… ở đây cũng có trữ lượng tương đối lớn, phân bố rộng khắp trong tỉnh. Nổi tiếng là mỏ đá vôi ở Hoành Bồ, Cẩm Phả; mỏ cao lanh ở các huyện miền núi Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên; mỏ đất sét ở Đông Triều, Hoành Bồ và thành phố Hạ Long… Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất vật liệu xây dựng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với những nguồn tài nguyên khoáng sản, du lịch đặc biệt, cùng vị trí chiến lược đã giúp Quảng Ninh trở thành vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam.

 

 

Rate this post

Viết một bình luận