Quanh vụ danh hài Hoài Linh ‘ôm’ 14 tỷ tiền ủng hộ bà con miền Trung suốt 6 tháng
25 tháng 5 2021
Diễn viên hài nổi tiếng Hoài Linh đang vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận sau khi lộ tin giữ số tiền người hâm mộ gửi ủng hộ bà con miền Trung trị giá hơn 14 tỷ đồng suốt sáu tháng qua.
Lý do được Hoài Linh đưa ra là định đi trao trước Tết 2021 nhưng ‘dịch bùng’ nên phải hoãn. Sau đó định đi từ 10-17/5 nhưng lại ‘dịch bùng’, nên phải hoãn tiếp.
“Tôi là người của công chúng, cần phải làm gương, không thể tập trung đông người… Mọi người hãy tin vào sự minh bạch của tôi.”
“Tôi sẽ thực hiện sứ mệnh này và có các chứng từ, giấy xác nhận của địa phương nơi đoàn từ thiện của tôi đến trao.”
“Bởi lẽ, khi tiến hành đi trao số tiền này, tôi đều phải thông qua chính quyền địa phương và có sự xác nhận của địa phương khi tiếp nhận số tiền giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả sau thiên tai…”, Hoài Linh nói trong clip gửi một số cơ quan truyền thông Việt Nam.
Tuy nhiên Hoài Linh không nói vì sao lại không đề cập đến việc này suốt sáu tháng qua.
Giải thích của danh hài dường như không thuyết phục được người hâm mộ. Nhiều ý kiến trái chiều, chủ yếu là chỉ trích, đã bùng lên trên các diễn dàn mạng xã hội.
Mạng xã hội nói gì?
Trên Facebook của Hoài Linh, thời điểm 11/11/2020, ông đăng thông tin nhận được hơn 13 tỷ đồng và ‘chốt’ không nhận quyên góp nữa để ‘hướng về miền Trung’. (Mới đây, báo chí Việt Nam dẫn lời Hoài Linh rằng con số thực là hơn 14 tỷ đồng).
Dưới bài đăng này là rất nhiều bình luận khen ngợi từ người hâm mộ.
Tài khoản tên Mua Thu Trai Tim viết: “Cảm ơn chú đã hướng về Miền trung ruột thịt. Và cả nước ta đặt niềm tin vào chú rất lớn. Chúc chú manh khỏe gặp nhiều may mắn, luôn luôn thành công trong sự nghiệp của mình. Người có trái tim thánh thiện của cả nhân loại!”
Nhưng mới đây đã thêm các bình luận trái chiều:
Tài khoản Duyên Duyên đáp lại Mùa Thu Trái Tim: “Rồi đến bây giờ người dân miền Trung đã có ai nhận được đồng nào chưa?”
Tài khoản Gia Gia: “Trái tim thì ai cũng có nhưng có một sự thật nghiệt ngã là đứng trước lợi ích tuyệt đối như vậy thì đố thằng nào không động tâm đấy. Nếu cho tôi một tỉ để bán danh dự thì chắc chắn tôi không bán đâu nhưng mà 14 tỉ là tôi bán luôn ấy… Hay là đợi đến mùa lũ năm nay phát một thể (Tiền lãi của 14 tỉ đó đến nay cũng không hề nhỏ đâu).”
Đặng Trọng Tình: “Chung tay góp khi đồng bao nguy cấp, cần thiết ngay lúc đấy để khắc phục khó khăn… Nếu bận không kham được thì đừng lên tiếng quyên góp.. Ăn rồi thì mới im như thóc thế.”
Cũng có vài tiếng nói lẻ loi ủng hộ, như của bạn Lyl Tây:
“Chưa công khai là chưa sử dụng. Có thể vì công việc bận chứ muốn ăn chặn thì đã sao kê abc để lừa mấy đứa bây rồi. Sao cứ thấy sồn sồn vậy sau này ai dám đứng ra gọi từ thiện… Để dư luận dịu xuống rồi sẽ có câu trả lời thôi. Bây giờ lên tiếng cũng có ai lọt lỗ tai đâu.”
“Sau đợt gọi ủng hộ miền Trung xong là một loạt biến cố xảy ra. Người thân mất rồi đến anh em chí cốt là chú Chí Tài mất. Công việc kinh doanh trầm hương, v.v.. Nói chung là giờ cứ chờ câu trả lời chứ đoán mò cũng không ích lợi gì. Ai tin thì tin. Ai ủng hộ thì ủng hộ. Mình vẫn giữ quan điểm tin. Vậy thôi.”
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Các gia đình chịu thiệt hại sau mưa lũ ở miền Trung Việt Nam
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Sau cơn lũ
Nhưng ý kiến của Lyl Tâyngay lập tức bị làn sóng phản đối nhấn chìm:
Lucas Tran đáp: “Lyl Tây, bạn nói chán thật… thế Thuỷ Tiên không bận gia đình, bận chồng con, bận ca hát mà người ta còn lội nước tới tận nơi trao tiền cho bà con. Lúc đó nhà cửa mất, hoa màu vật nuôi chết mới cần tiền để tái thiết cuộc sống. Giờ miền Trung nóng đến 40C đã được nhận một đồng nào của Hoài Linh chưa?
Nhật Huy: “Chắc chú mua đất hết rồi. Sáu tháng trôi qua nay đọc báo mới nhớ, chú thiệt tài tình, thiệt biết cách làm giàu đúng lúc.”
Facebook Hoàng Hải Vân: “Cứu trợ khẩn cấp, nhưng ảnh nhận tiền nửa năm mà không mang đi phân phối. Ảnh không hề nghĩ người đói có chờ đến nửa năm mới được ăn không? Người màn trời chiếu đất có chờ được đến nửa năm mới có chỗ ở không? Người không có sinh kế có chờ đến nửa năm mới đươc sinh sống không? Người bệnh tật có chờ đến nửa năm mới được chữa bệnh không?”
Nhiều người so sánh Hoài Linh với ca sỹ Thủy Tiên. Cũng ‘dịch bùng’ nhưng Thủy Tiên đã kịp cho xây gần xong 10 nhà chống lũ cho bà con ở Hà Tĩnh và mới đây đã công khai hình ảnh trên Facebook cá nhân.
Một số nghệ sỹ kêu gọi dù khó thông cảm nhưng đừng ‘vùi dập’ Hoài Linh.
Nguồn hình ảnh, Facebook Thuy Tien
Chụp lại hình ảnh,
Ca sỹ Thủy Tiên thông báo đã cho xây gần xong 10 nhà chống lũ ở Hà Tĩnh
Theo dõi trên Facebook chính thức của Hoài Linh thì thấy trong sáu tháng qua, danh hài chủ yếu cập nhật thông tin về việc bận rộn dựng kênh Youtube và Tiktok riêng.
Trước đó, tháng 12/2020, Hoài Linh bận đứng ra tổ chức tang lễ cho nghệ sỹ Chí Tài và giúp đưa thi hài đồng nghiệp về Mỹ.
Khía cạnh pháp lý
Vậy danh hài Hoài Linh có vi phạm pháp luật hay không? Và cần phải làm gì để chấn chỉnh những sự việc tương tự trong tương lai cũng là vấn đề dư luận đang quan tâm.
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công nói với báo Tuổi Trẻ rằng “việc này cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động cứu trợ”.
Ông Đồng nói hiện có Luật dân sự và hai nghị định 64 (2008) và 93 (2019) liên quan đến công tác quyên góp cứu trợ, và hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện, nhưng không được thiết kế để khuyến khích các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp.
Do đó, điều cần thiết là xây dựng một bộ luận để bảo vệ vệ lợi ích của người đóng góp, cũng là giúp bảo vệ uy tín cho nghệ sĩ làm từ thiện.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng NHQuang & Cộng sự) nói với Tuổi Trẻ rằng hiện nay chưa có pháp luật hướng dẫn cụ thể những hoạt động từ thiện kiểu này. Các văn bản liên quan như nghị định 64 (2008) và 93 (2019) thì không tương thích, không đầy đủ.
Nghị định 64 cấm cá nhân không được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ… Thế nhưng theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, các tổ chức, cá nhân cũng có thể tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ để hỗ trợ đồng bào phải chịu thiệt hại do thiên tai, lũ lụt một cách tự nguyện mà không vi phạm điều cấm của pháp luật.
Luật sư Lập cho rằng nên cho phép cá nhân làm từ thiện nhưng cần đưa ra cách thức, tiêu chuẩn hoạt động, và có cơ chế giám sát.
Cá nhân vận động tài trợ sẽ phải thông báo với chính quyền
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Theo Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Dự thảo nghị định sẽ được trình Chính phủ ban hành trong tháng 6, theo Tuổi Trẻ.
Theo dự thảo, cá nhân muốn vận động nguồn tài trợ thì phải thông báo với chính quyền nơi mình cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động.
Còn khi đi làm từ thiện thì cá nhân phải thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương – nơi tiếp nhận hỗ trợ – để được hướng dẫn, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
Cá nhân này còn phải có trách nhiệm công khai nguồn đóng góp tự nguyện như qua Facebook, email… cho người tài trợ, tùy theo thỏa thuận giữa hai bên.
Cá nhân đứng ra vận động cũng sẽ phải cam kết với nhà tài trợ về thời gian triển khai công tác cứu trợ.
Địa phương tiếp nhận tài trợ cũng phải có quy định thời gian tiếp nhận khoản tài trợ đến khi nào.