Rau kinh giới là loại rau thơm, thường thấy trong các loại rau sống dùng cho món nước, một số món chiên hoặc món hấp . Vậy chuyên mục Mẹo vào bếp sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về rau kinh giới là gì? Tác dụng của kinh giới, phân biệt giữa tía tô và kinh giới ra sao qua những thông tin ngay bên dưới.
1. Rau kinh giới là gì?
Rau kinh giới còn có tên khác là kinh giới rìa, kinh giới trồng, giả tô, khương giới hoặc bạch tô. Nó cũng có tên khoa học là Elsholtzia cristata, thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae) và có nguồn gốc từ châu Á.
Kinh giới thường mọc ở những địa hình nhiều nắng như khu vực có đồi núi, đất bỏ hoang, bờ sông suối hoặc trong rừng. Ngày nay, phần lớn rau kinh giới được tìm thấy ở Ấn Độ, Đông Á và châu Âu, trong đó có Việt Nam.
Cây kinh giới có thân mọc thẳng, hình vuông với chiều cao từ 30 – 50cm. Hoa kinh giới nhỏ, có màu tím nhạt và mọc thành cụm bông ỏ đầu cành. Toàn thân cây (kể cả lá) đều có hương thơm, vị cay hơi nhẵn đắng. Phiến lá dài, thuôn nhọn có hình răng cưa và có cuống.
2. Tác dụng của rau kinh giới
Rau kinh giới là một loại rau thơm và cũng được sử dụng để làm thuốc vì có nhiều lợi ích như sau:
Hỗ trợ điều trị bệnh cảm cúm
Nhờ lượng tinh dầu đáng kể, rau kinh giới có thể khắc phục được tình trạng của bệnh cảm cúm, gồm có nhức mỏi và sốt. Vì thế, bạn hãy thử dùng lá kinh giới để sắc nước uống cùng với việc bổ sung một số thảo mộc khác như xuyên nhung, cam thảo hoặc cát cánh để tăng thêm tính hiệu quả nữa nhé!
Hỗ trợ điều trị chảy máu cam
Rau kinh giới cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị chảy máu cam, kể cả việc đại và tiểu tiện ra máu. Bạn hãy thử dùng hoa kinh giới đem sao đen trên chảo, rồi đun sôi cùng với 200ml nước lọc, sắc thành khoảng 100ml. Sau đó, bạn chia thành 2 lần để uống trong ngày sẽ cải thiện được tình trạng chảy máu cam.
Ngoài ra, nếu bạn đại tiện ra máu thì hãy dùng bột (được nghiền từ lá kinh giới) hòa tan với nước cháo gạo nếp, rồi chia uống khoảng 3 lần/ngày cho đến khi bệnh được cải thiện.
Đối với trường hợp tiểu tiện ra máu, bạn dùng lá kinh giới và sa nhân, rồi đem sao khô trên chảo và nghiền thành bột nhuyễn. Tiếp đó, bạn hòa tan với nước hồ nếp, dùng khoảng 3 lần/ngày sẽ cải thiện được tình trạng.
Hỗ trợ điều trị dị ứng
Nếu da bạn thường hay bị dị ứng hoặc viêm ngứa do dị ứng thức ăn hoặc thời tiết, thì hãy dùng phần ngọn cây kinh giới (gồm cả bộ phận hoa) rồi sao trên chảo cho nóng già.
Sau đó, bạn cho chúng vào miếng vải gạc nhỏ và tiến hành chà xát với lực vừa phải lên chỗ bị ngứa. Áp dụng khoảng vài lần thì vùng da bị ngứa sẽ được cải thiện đáng kể.
Hỗ trợ điều trị mụn
Rau kinh giới cũng mang lại hiệu quả trong việc điều trị mụn nhọt, nhưng tốt nhất là bạn nên sử dụng ngay khi mụn mới khởi phát. Lúc này, bạn hãy rửa sạch rau kinh giới, nghiền nát và chắt lấy nước để thoa lên vùng da bị mụn. Đợi cho đến khi nước khô trên bề mặt da thì bạn mới rửa lại với nước sạch.
Ngoài ra, việc dùng rau kinh giới cũng mang lại hiệu quả sáng da, đồng thời bạn có thể kết hợp với tía tô, ngải cứu, chanh tươi và muối biển để có được kết quả tốt nhất. Chẳng hạn, bạn dùng hết tất cả nguyên liệu này đun sôi với khoảng 500ml nước, rồi xông vào da mặt mỗi ngày khoảng 10 – 15 phút. Sau đó, bạn chỉ cần chăm sóc da bình thường trước khi đi ngủ.
Áp dụng khoảng 2 – 3 tuần, mỗi tuần 3 lần thì làn da bạn sẽ cải thiện độ sáng hơn. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa mỗi người mà công dụng của rau kinh giới sẽ có hiệu quả khác nhau, bạn nhé! Đặc biệt, phải ngưng ngay nếu thấy da có biểu hiện bất thường như ngứa, sưng, ửng đỏ hoặc làm cho tình trạng mụn nặng thêm.
3. Kinh giới có phải là tía tô?
Nhiều người hay nhầm lẫn giữa kinh giới và tía tô, vì chúng có hình dạng và hương vị khá giống nhau. Tuy nhiên, đây là hai loại khác nhau bạn nhé, hãy dựa vào một số đặc điểm như sau:
Kinh giới
Tía tô
Tên khoa học
Elsholtzia ciliate
Perilla frutescens
Tên gọi khác
Giả tô, bạch tô, khương giới,…
Tử tô (thường gọi hạt), tô diệp (gọi lá) và tô ngạnh (gọi cành)
Hình dáng
Nhỏ hơn chút so với tía tô với chiều rộng trung bình từ 1 – 4cm và chiều dài từ 2 – 5cm.
Lớn hơn kinh giới vớ chiều rộng từ 2 – 10cm và chiều dài từ 4 – 12cm.
Màu sắc
Lá màu xanh
Lá màu tím hoặc có mặt phía trên là màu xanh nhưng mặt dưới là màu tím.
Hương vị
Nhiều tinh dầu hơn tía tô nên có hương vị nồng và cay hơn.
Ít tinh dầu hơn kinh giới cũng có vị cay nồng thơm.
Với chia sẻ phía trên, hy vọng bạn hiểu hơn về rau kinh giới là gì? Tác dụng của kinh giới cũng như phân biệt giữa tía tô và kinh giới ra sao rồi nhé! Chúc bạn có món ăn ngon cùng hai loại rau thơm này.
*Tổng hợp và tham khảo thông tin từ nguồn Wikipedia.
Biên tập bởi Nguyễn Loan Minh Trang • Đăng 30/03/2021