“Râu ria” về rồng

1. Nơi nào rồng không xuất hiện?

Rồng “định cư” gần như khắp Trái Đất, trừ duy nhất một nơi. Đó là Nam Cực. Dường như vùng đất này giá băng đến nỗi ngay cả trong tưởng tượng, người ta cũng không cho rồng sinh sống ở đây.

Cũng không phải là không có lý, đối với một sinh vật mê lửa như rồng thì băng tuyết không có chút hấp dẫn nào. Vả lại, rồng thích sống trong nước chứ không phải… nước đá.

Rồng không phải là loài ưa sống trong… nước đá

2. Rồng ở đâu trong thế giới phẳng?

Không phải khái niệm “thế giới phẳng” ngày nay mà là Trái Đất phẳng con người vẫn tin tưởng trước khi chuyến hải hành của Christopher Columbus chứng minh hành tinh này hình cầu.

Thời đó, truyền thuyết kể rằng có một loài rồng, hoặc quái vật biển, trấn giữ ở rìa Trái Đất. Chúng sẵn sàng “xơi tái” bất cứ thủy thủ nào dám to gan dong buồm đến. Bản đồ thế giới thậm chí còn đánh dấu những nơi rồng sinh sống ở các mép và không quên ghi chú “Nơi đây có rồng”. Chính câu chuyện này đã góp phần cầm giữ bước chân khám phá của con người khi ấy.

Ở mép các bản đồ cổ xưa luôn có chú thích về rồng

3. Rồng có mấy ngón chân?

Trong các câu chuyện cổ, ngón chân của rồng nhiều lúc còn được quan tâm hơn cả bản thân chúng. Đa phần các loài rồng có 3 ngón, nếu có 4 ngón thì là loài rồng đất. Rồng 5 ngón chân được tôn sùng hơn tất thảy.

Chỉ có hoàng đế hay một nhân vật cực kỳ cao quý mới có quyền mặc áo có hình rồng 5 ngón chân. Thời cổ xưa, nếu thường dân nào cả gan mặc bất cứ thứ gì có biểu tượng rồng 5 ngón, anh ta chắc chắn chỉ có đường chết.

Rồng 5 ngón chân được tôn quý nhất

 

4. Biểu tượng của chiến tranh

Khác với rồng phương Đông được trọng vọng, rồng phương Tây thường bị xem là hiện thân của quỷ dữ. Một con rồng phương Tây điển hình có thể bay và thở ra lửa.

Bị khoác lên mình đặc tính tham lam, hung ác, các con rồng phương Tây đóng vai thần giữ của, canh gác các kho báu. Sâu xa hơn, rồng phương Tây thể hiện mặt tối trong con người, là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong mỗi bản ngã.

Ngoài ra, rồng còn là biểu tượng của chiến tranh. Chiếc thuyền của người Viking còn được gọi là thuyền rồng do có hình đầu rồng ở mũi thuyền. Cưỡi “thuyền rồng”, các chiến binh Viking vượt biển chinh chiến khắp nơi, gieo rắc không ít lo sợ. 

  

Thuyền rồng của người Viking

 

Đến thế kỷ 16 xuất hiện thuật ngữ “

dragoon

” để chỉ những binh lính sử dụng loại súng có tên gọi “rồng”. Súng rồng thực ra là súng ngắn Wheelock được trang hoàng đầu rồng ở phần họng súng.

5. Tiền thân của rồng

Trong dân gian Nhật Bản lưu truyền đến 9 loại rồng, hầu hết đều được cho là tiến hóa từ cá. Khi chuyển biến từ cá sang rồng, chúng dần dần phô bày sức mạnh và nhận được sự kính trọng của dân chúng.

9 loài rồng Nhật Bản là đại diện cho các sức mạnh trong tự nhiên. Được nói đến nhiều nhất, được kỳ vọng nhiều nhất và mang tính cạnh tranh cao nhất chính là rồng lửa. Tham vọng, nóng nảy cũng là đặc tính nổi bật của rồng lửa.

Rồng Nhật Bản có đến 9 loại

  

Là đối cực của rồng lửa, rồng nước thường có cái nhìn tích cực khi phân tích cũng như tiếp cận vấn đề. Chính vì vậy, chúng đỡ ích kỉ và thèm khát quyền lực hơn các loài rồng khác.

6. Cuộc chiến rồng Đông – Tây

Ở phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc, rồng được trọng vọng cực kỳ. Trong nhiều câu chuyện, rồng là linh vật mang đến phú quý và nếu một nhân vật nào đó biến thành rồng ở cuối chuyện, đó là sự thần kỳ.

Rồng Đông – Tây có rất ít điểm chung

  

Ngược lại, biến thành rồng trong văn hóa phương Tây là sự trừng phạt. Ví dụ trong một truyện cổ, một hoàng tử đã nhẫn tâm sát hại vua cha để giành lấy quyền lực và của cải. Vị vua hấp hối đã nguyền con mình biến thành rồng và rồi con rồng bị chính một người anh em tham lam khác giết chết. Kẻ thủ ác sau đó lại bị hóa kiếp thành rồng.

Có rất ít điểm chung giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây, từ hình dáng đến tập tính sinh hoạt. Trong khi rồng phương Đông thường sống trong nước, như hồ hoặc đại dương, thì rồng phương Tây ẩn náu ở sa mạc hoặc thậm chí trong lửa.

Rate this post

Viết một bình luận