Đại học Luật Hà Nội là một trong những nơi đào tạo hàng ngàn cử nhân ngành luật, cung cấp đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý, cán bộ tư pháp của nước ta. Vậy trường luật có những ngành nào? Điểm chuẩn ra sao? Cơ sở vật chất hiện đại không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ nét nhất về Đại học Luật Hà Nội.
Xem thêm: Review trường Đại học Ngoại thương (FTU) – Lựa chọn hàng đầu cho giấc mơ kinh tế
1. Giới thiệu chung về HLU
Đại học Luật Hà Nội có tên tiếng Anh là Hanoi Law University
Tên viết tắt: HLU
Trường có địa chỉ tại số 87 đường Nguyễn Chí Thanh – Đống Đa – Hà Nội.
Đại học Luật Hà Nội thành lập vào ngày 10 tháng 11 năm 1979 với tiền thân là trường Đại học Pháp lý Hà Nội. Đến ngày 6 tháng 7 năm 1993 đổi tên thành Đại học Luật Hà Nội.
Trường có mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, chuyên đào tạo trong lĩnh vực pháp luật, là trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý hàng đầu nước ta và có vị thế trong khu vực.
2. Đời sống sinh viên
Cũng như rất nhiều sinh viên trường khác, sinh viên Luật Hà Nội cũng có vô vàn những điều thú vị mà không phải ai cũng biết.
Điều thứ nhất: Con trai Luật rất kiêu và chảnh đấy nhé, các bạn nữ nếu có ý định tán trai trường Luật thì hoặc là da mặt thật “dày” hoặc là bỏ ý định đó đi, vì nghe đâu khả năng trúng vietlott 5 lần liên tiếp còn cao hơn xác suất tán đổ trai HLU.
Điều thứ 2: Khi yêu con gái HLU, bạn sẽ chẳng sợ bị ai bắt nạt bởi các cô gái học luật luôn có 1 nghìn lẻ 1 cách để cho người đó ra tòa. Điều duy nhất bạn phải sợ khi yêu gái trường luật là…chính cô ấy.
Điều thứ 3: HLU có bộ 7 sát thủ nổi tiếng được các sinh viên truyền tai nhau qua nhiều thế hệ, đó là: hiến pháp, lý luận triết học, đường lối, công pháp, tài chính và đặc biệt là trùm cuối TOEIC.
Điều thứ 4: Học phí siêu rẻ là điều mà nhiều sinh viên HLU cảm thấy tự hào. Bởi vậy nên nếu trượt môn chỉ cần nhịn ăn vài bữa là đã đủ tiền học lại. Muốn biết học phí siêu rẻ ra sao thì đọc thêm phần học phí ở cuối bài nhé.
3. Cơ sở vật chất
Trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển, cơ sở vật chất của Đại học Luật Hà Nội bao gồm:
– 90 phòng học, giảng đường;
– 2 hội trường lớn với lần lượt 400 và 700 chỗ ngồi;
– 2 phòng thực hành tin học;
– 5 phòng thư viện với diện tích 1.382 mét vuông;
– 1 phòng đọc có diện tích 389 mét vuông.
Ngay từ những năm 1988, trường đã sử dụng hệ thống quản trị rất tiên tiến với phần mềm Libol được sử dụng rộng rãi để phục vụ quá trình tra cứu, quản lý người đọc…
Thư viện sử dụng hệ thống máy tính được kết nối với hai cơ sở dữ liệu pháp luật trực tuyến đồ sợ là Heinonline và Westlaw.
Nằm trên con đường Nguyễn Chí Thanh đẹp nhất Hà Nội với những hàng hoa sữa trải dài suốt con đường, mỗi mùa thu đến hương hoa sữa tỏa vào len lỏi từng góc giảng đường đầy thơ mộng. Quả là một đặc ân với những ai thích mùi hương đặc trưng này của Hà Nội.
Nếu hỏi sinh viên HLU về nơi hiện đại bậc nhất trường, chắc hẳn ai cũng sẽ tự hào giới thiệu tòa nhà A – tòa nhà biểu tượng của HLU. Được thiết kế dưới dạng hình chữ L (Law) với 15 tầng cao vút với hệ thống thang máy và phòng học vô cùng hiện đại. Đây không chỉ là giảng đường, mà sảnh nhà A cũng là nơi để các bạn sinh viên tập tành văn nghệ, tham gia các buổi họp đội – nhóm của các câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa…
4. Chương trình đào tạo
Đúng như cái tên – Đại học Luật Hà Nội, trường có thế mạnh đào tạo đội ngũ cử nhân ngành luật chất lượng và nổi tiếng của nước ta. Trường đào tạo ngành Luật với nhiều chuyên ngành khác nhau như Luật thương mại quốc tế, Luật kinh tế, các chương trình liên kết với đại học nước ngoài. Không chỉ vậy, trường còn đào tạo thêm chuyên ngành Ngôn ngữ Anh.
Không chỉ là những buổi học nhàm chán với trang giáo án dày cộp, sinh viên HLU còn được tham gia các phiên tòa lưu động của Tòa án tổ chức ngay tại trường. Các phiên tòa này sẽ giúp sinh viên biết được trình tự các bước của một buổi xét xử, được tiếp xúc trực tiếp với một vụ án trên thực tế từ đó áp dụng các kiến thức mà mình đã được học để đưa ra phán đoán về mức hình phạt với người phạm tội.
Reivew chi tiết các ngành đào tạo của HLU:
5. Cơ hội nghề nghiệp của sinh viên khi ra trường
Sinh viên ngành Luật khi ra trường có thể trở thành luật sư làm việc trong cơ quan nhà nước hoặc tòa án. Không chỉ vậy, người làm trong ngành luật có thể làm việc trong ngành công an, các công ty tư vấn luật hoặc các vị trí pháp chế của các công ty kinh doanh. Công việc của một nhân viên pháp chế là người có vai trò tạo ra các quy tắc, quy định trong nội bộ công ty, đồng thời tham gia việc điều tiết và kiểm soát các hoạt động của công ty tuân thủ theo luật (của doanh nghiệp và pháp luật). Bộ phận pháp chế của một công ty sẽ thực hiện các hoạt động lưu trữ tài liệu, xem xét quan hệ lao động, hợp đồng, giấy phép công nghệ thương hiệu, tư vấn pháp lý cho công ty…
Đối với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, sau khi ra trường các em có thể làm các công việc phiên dịch, biên dịch, tiếp viên hàng không, giảng viên tiếng Anh…
6. Mức học phí
Mức học phí của Đại học Luật Hà Nội năm học 2021 – 2022 có sự khác nhau giữa các chương trình đào tạo.
– Đối với chương trình đại trà: Mức học phí là 980.000 đồng/tháng (280.000 đồng/tín chỉ).
– Đối với chương trình chất lượng cao: Mức học phí là 3.025.000 đồng/tháng (1.015.000 đồng/tín chỉ).
– Đối với chương trình liên kết với Đại học Arizona (Hoa Kỳ): Mức học phí là 10.000 USD/1 năm học. Ngoài ra, Đại học Luật sẽ cập học bổng cho sinh viên là 2.000 USD.
Là một trường Luật hàng đầu của cả nước, với những sự đầu tư kỹ lưỡng trong cả việc giảng dạy, Đại học Luật Hà Nội luôn là sự lựa chọn hàng đầu của những ai có nguyện vọng theo đuổi ngành Luật và trở thành luật sư trong tương lai.