Chùa Vĩnh Nghiêm
Được coi là chốn tổ của Phật giáo Việt Nam, chùa Vĩnh Nghiêm mang lại cho du khách sự bình yên khi được chiêm ngưỡng những “bảo vật” của Phật Giáo. Bên cạnh đó, một ngôi chùa khác mang tên chùa Vĩnh Nghiêm thành phố Hồ Chí Minh được tạo nên lấy nguyên mẫu từ chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang cũng trở thành điểm đến văn hóa tâm linh cho du khách miền Nam.
Bài viết dưới đây cung cấp một số thông tin về chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang và chùa Vĩnh Nghiêm TP HCM, hy vọng sẽ hữu ích cho du khách trong chuyến đi sắp tới.
Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm
Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang: TT.Thích Thiện Văn, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bắc Giang.
Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm TP HCM (Quận 3): T.T Thích Thanh Phong.
Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm Quận 12 (TPHCM): T.T Thích Giác Dũng.
Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang
Chùa Vĩnh Nghiêm hay chùa Đức La là ngôi chùa cổ, là nơi lưu giữ lại bộ mộc bản gốc duy nhất của Phật phái Trúc lâm. Đã được UNESCO trao Bằng công nhận 3000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu ký ức thế giới.
Ngôi chùa còn là nơi đào tạo các tăng tài có lịch sử lâu đời nhất của Phật giáo Việt Nam và được truyền thừa qua nhiều thế hệ.
Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang ở đâu?
Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc trên một gò đồi thấp, nơi có vị trí cảnh quan đẹp, lưng tựa vào núi Cô Tiên, trước mặt là ngã ba nơi giao hòa của hai con sông: Sông Thương và sông Lục Nam tại ngã ba Phượng Nhãn. Chùa đặt đúng thế đất phong thủy của người xưa “đầu gối sơn, chân đạp thủy”. Xung quanh hai bên chùa là những thôn làng bình yên, những cánh đồng xanh tốt, những bờ tre cây đa, bến nước.
Với người dân xứ Kinh Bắc xưa, đây là nơi linh thiêng nhất trong vùng: “Thứ nhất chùa La, thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng”.
Chùa Vĩnh Nghiêm còn có tên gọi là chùa La, chùa Ông La, chùa Đức La, thuộc địa phận xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang.
Hướng dẫn đường đi chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang
Để di chuyển đến chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang, du khách có thể tham khảo: Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang Google maps để chuyến đi thêm thuận lợi.
Lịch sử hình thành chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang
Tương tuyền chùa Vĩnh Nghiêm được khởi dựng vào thời Lý (thế kỷ XI). Cuối thế kỷ XIII, Phật hoàng Trần Nhân Tông cho mở mang, xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo lớn của thời Trần, đổi tên chùa là Vĩnh Nghiêm, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Năm 2015, chùa được Nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Kiến trúc chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang
Với vai trò là một trong chốn tổ của Thiền phái, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô kiến trúc bề thế, nhiều hạng mục, mang tính quy chuẩn, mẫu mực của kiến trúc chùa tháp truyền thống. Đây là ngôi chùa cổ có kiến trúc giàu bản sắc Phật Việt nhất mà không ngôi chùa nào trong vùng có được, xứng danh là một “đại danh lam cổ tự”.
Diện tích chùa khoảng 1ha, bao quanh chùa là lũy tre dày đặc.
Du khách có thể đi theo lộ trình như: Cổng tam quan, đi sâu vào khoảng 100m nữa là bái đường hay còn gọi là chùa Hộ. Hai bên đường chùa được xây dựng những khóm thông khoảng tầm 1m để tạo thành tùng lâm.
Trên sân chùa có một bia đá to, gồm 6 mặt dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606). Ngay trước mặt tấm bia cổ là vườn tháp mộ của 5 vị sư: Phù Lãng Trung Pháp (hiệu Sa Môn), Thông Duệ Ứng Duyên, Thanh Quý, Tịnh Phương Sa Môn, Thanh Hanh và một số tháp khác.
Sau khi đã qua cổng Tam quan, du khách có thể đi đến Toà tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Nhà tổ Đệ nhất, Gác chuông, Nhà tổ Đệ nhị, hai dãy hành lang Đông Tây. Mỗi một kiến trúc tại đây đều được tu sửa theo lối cổ xưa để không làm mất bản sắc văn hóa hàng ngàn năm.
Thuyết minh về chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang
Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ, là nơi lưu giữ lại bộ mộc bản gốc duy nhất của Thiền phái Trúc Lâm, đã được UNESCO trao bằng công nhận 3.000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản Tư liệu ký ức thế giới. Chùa được công nhận là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam.
Chùa Vĩnh Nghiêm gắn liền với con đường du lịch tâm linh Tây Yên Tử, gắn với những mắt xích quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm thuộc cánh cung phía Tây, với các điểm danh lam, chùa chiền tại các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng của Bắc Giang như chùa Am Vãi, khu di tích Hòn Tháp – đỉnh Yên Mã…
Đặc biệt tại chùa hiện lưu giữ 3.050 bản ván khắc chữ Hán và chữ Nôm gồm các bộ kinh sách nhà Phật, sự nghiệp, trước tác của các vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển của Phật giáo, của dân tộc Việt Nam cùng nhiều sách hướng dẫn cách chữa bệnh bằng những cây thuốc dân gian…
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang
Trong chùa có tất nhiều tượng pháp, đủ loại tượng: Tượng Phật, tượng các vị Tổ dòng Trúc Lâm, tượng các vị sư Tổ sau này, tượng Hộ pháp, tượng La Hán…Trong số những đồ thờ tự ở đây, có chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn.
Các mộc bản đang lưu trữ tại chùa Vĩnh Nghiêm mang những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, 3.050 tấm mộc bản bằng chữ Hán và Nôm, số ít bằng chữ Phạn được khắc từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Nội dung trong mộc bản là các kinh, sách do Tam tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang cùng các hệ phái kế tiếp biên soạn.
Các mộc bản quý có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt, từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm, ngôn ngữ của người Việt ra đời từ thế kỷ XI.
Trong hệ thống mộc bản, ngoài phần kinh và giới luật là văn bản tôn giáo, có nhiều tác phẩm văn học, các tài liệu giá trị về mỹ học, y học, quá trình giao thoa văn hóa…
Thời gian mở cửa chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang
Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang mở cửa từ 7h sáng đến 18h chiều hàng ngày, từ thứ 2 đến Chủ Nhật. Vào những dịp mùng 1, ngày Rằm, ngày lễ đạo Phật, hay dịch Covid 19, chùa sẽ có thời gian đóng mở cửa khác nhau.
Chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn
Là một trong những ngôi chùa có lối thiết kế độc đáo, hiện đại tại Sài Gòn, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn không mất đi nét thanh tịnh, bình yên giữa lòng thành phố.
Tại TP HCM có hai nơi gọi là Vĩnh Nghiêm. Một là chùa Vĩnh Nghiêm quận 3 và chùa Vĩnh Nghiêm quận 12 (hay còn gọi là Tu viện Vĩnh Nghiêm)
Chùa Vĩnh Nghiêm TP HCM ở đâu?
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng vào năm 1964 và hoàn thành năm 1971. Ngôi chùa rộng hơn 6000m2 với kiến trúc mái ngói cong vút, cùng những đường chạm trổ, điêu khắc tỉ mỉ đã thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan mỗi năm.
Địa chỉ chùa Vĩnh Nghiêm TPHCM
Chùa Vĩnh Nghiêm Quận 3: Số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, ngôi chùa nằm cách chợ Bến Thành chỉ 3.5km. Google Maps
Chùa Vĩnh Nghiêm Quận 12 (Tu viện Vĩnh Nghiêm): Đường HT 31, Hiệp Thành, Quận 12, Google Maps
Chùa Vĩnh Nghiêm quận 12
Được biết, tu viện Vĩnh Nghiêm ở quận 12 cũng là cơ sở 3 của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Tu viện Vĩnh Nghiêm tọa lạc trên một diện tích rộng lớn (khoảng 17.000 m2), bao gồm các công trình chính như: chánh điện (Phật điện), Tổ đường, giảng đường, tháp chuông, tháp Quan Âm, nhà làm việc, nhà vong, nhà tăng, nhà trụ trì,…
Từ lúc khánh thành sau trùng tu cho đến nay, tu viện Vĩnh Nghiêm đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến chiêm bái. Kiến trúc mang đậm văn hóa truyền thống Á Đông và hồn Việt của tu viện rất thích hợp với phục trang áo dài mà nhiều bạn trẻ lựa chọn ăn vận khi đến đây.
Thời gian mở cửa chùa Vĩnh Nghiêm TP HCM
Chùa Vĩnh Nghiêm mở cửa đến mấy giờ?
-
Giờ mở cửa: 7h – 21h;
-
Giá vé: Miễn phí;
-
Bãi gửi xe máy: 339, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3;
-
Bãi gửi ô tô: 391A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 14, quận 3.
Chùa Vĩnh Nghiêm có mở cửa không?
Trong thời gian dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, người dân, du khách và phật tử cần theo dõi thông tin mở cửa của chùa Vĩnh Nghiêm.
Lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm quận 3
Sau khi hành hương từ Bắc vào Nam để truyền bá đạo phật, 2 vị nhà sư là Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm đã cho xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm. Ngôi chùa được lấy nguyên mẫu từ ngôi chùa cùng tên ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Bản vẽ của chùa được thực hiện bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng.
Thời điểm xây dựng chùa, người ta phải vận chuyển hơn 40.000 m2 đất từ Biên Hòa về để san lấp mặt bằng, do chùa nằm ở khu đất thấp. Kinh phí xây dựng chùa vào khoảng 98 triệu đồng do các Phật tử đóng góp. Đến năm 1971, chùa đã hoàn thành một số hạng mục như: tòa trung tâm, Bảo tháp Quan Thế Âm, cơ sở cho hoạt động xã hội…
Kiến trúc chùa Vĩnh Nghiêm – Nét giao thoa giữa cổ điển và hiện đại
Cổng Tam Quan
Cổng Tam Quan được xây dựng khá bề thế và đồ sộ, với thiết kế hình mái đỏ uốn cong như những ngôi chùa truyền thống khác. Hai bên cổng chùa là hai câu đối được chạm trổ tinh tế, phía trên là dòng chữ “Chùa Vĩnh Nghiêm” đầy trang nghiêm.
Khuôn viên chùa
Ngôi chùa với khuôn viên khá rộng. Khu vực nhà trong của khuôn viên là nơi làm nhà thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma. Ngoài ra, còn là nơi dùng để giảng đạo phật, và cũng là văn phòng, thư viện của chùa Vĩnh Nghiêm.
Tòa nhà trung tâm
Tòa nhà trung tâm của chùa bao gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Trong đó, tầng trệt bao gồm: phần ngoài nằm bên dưới sân thượng, cao 3,2m và phần trong nằm dưới Phật điện, cao 4,2m. Không gian của tầng trệt cũng được chia làm nhiều khu vực như: nhà thờ tổ, giảng đường, thư viện…
Trước tòa trung tâm là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đồ sộ. Sân thượng bao gồm, Phật điện và Tháp Quan Thế Âm. Về cơ bản, chùa được xây dựng theo lối kiến trúc khá giống so với những ngôi chùa truyền thống của miền Bắc.
Tháp Quan Thế Âm
Tòa tháp cao hơn 40m với 7 tầng cao uy nghi, tráng lệ. Không những vậy, trên đỉnh tháp có 9 bánh xe vòng tròn. Người ta gọi những hình khối tròn gọi là Long xa và Quy châu.
Tháp đá Vĩnh Nghiêm
Tháp đá Vĩnh Nghiêm nằm ở bên phải tính từ cổng Tam quan vào. Tháp đá được xây dựng vào năm 2013 để tưởng nhớ 2 vị đã có công xây dựng nên ngôi chùa. Đây là công trình tháp đá lớn nhất Việt Nam với độ cao lên đến 14m.
Tháp Xá Lợi cộng đồng
Tháp Xá Lợi cộng đồng nằm ở bên trái tính từ cổng Tam quan vào. Tuy không có kiến trúc đồ sộ như 2 công trình ở trên nhưng tháp Xá Lợi là nơi lưu giữ tro thi hài người đã khuất và gửi tại chùa. Không chỉ vậy, tháp còn là nơi đặt di cốt của các chư phật tử. Vì vậy, đa số người dân đến tháp đều để tưởng nhớ, thăm viếng.
Nhà hàng chay chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn
Nhà hàng Chay Vĩnh Nghiêm tọa lạc tại địa chỉ 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3, Tp.HCM (nằm ngay trong khuôn viên sân chùa Vĩnh Nghiêm), là một địa chỉ rất lý tưởng, với không gian thanh tịnh, thoáng rộng, sự kết hợp kiến trúc cổ điển và hiện đại, tạo cho thực khách cảm giác an lạc, sang trọng khi đến với nhà hàng
Thưởng thức các món chay ngon cùng người thân bè bạn tại nhà Hàng Chay Vĩnh Nghiêm, thực khách sẽ thực sự cảm thấy hài lòng với thức ăn và phong cách phục vụ nơi đây.
Các món chay tại nhà hàng Vĩnh Nghiêm chủ yếu được chế biến theo phong cách và khẩu vị của người Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà hàng còn khéo léo kết hợp hài hòa với phong cách ẩm thực Phương Tây để tạo nên sự phong phú của ẩm thực chay, và cũng là để tạo nên nét đặc trưng cho các món ăn ngon, bổ dưỡng của nhà hàng.
Review chùa Vĩnh Nghiêm
-
Chùa Vinh Nghiêm là nơi linh thiêng nên khi đến đây bạn không nên ăn mặc những trang phục quá màu mè và gây phản cảm làm mất đi tính trang nghiêm vốn có của chùa.
-
Đến chùa, bạn nên thành tâm cầu bình an và tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì mải mê chụp ảnh.
-
Khi đến chùa đi lễ nên hạn chế việc đốt vàng mã để giữ không khí thoáng đãng.
-
Nếu du khách đến dâng hương nên sắm lễ chay, không mua lễ mặn.
-
Không tùy ý đụng, chạm hay lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không được sự cho phép của nhà chùa.
-
Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ hay bàn ghế trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định để tránh làm ô nhiễm môi trường.
-
Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa để được sự đồng ý nếu muốn quay phim, chụp hình.
-
Không bỏ tiền vào tượng Phật, chỉ để tiền vào hòm công đức.
-
Chắp tay hình hoa sen và cúi chào sư thầy, sư cô.
-
Không mang theo vũ khí, chất gây cháy nổ, các chất ma túy, gây nghiện, văn hóa phẩm đồi trụy và các loại tài liệu chưa được sự kiểm duyệt và cho phép của nhà chùa.
-
Không tự ý xả rác bừa bãi trong khuôn viên chùa.
-
Tuyệt đối không tự ý đánh chuông, trống và các pháp khí của chùa.
Xem thêm:
_
Du khách có thể tham khảo thêm các thông tin tại:
Website chính thức của Di sản Tràng An: https://disantrangan.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/disantrangan.vn
Chia sẻ những bức hình đã chụp tại: https://www.facebook.com/groups/checkintrangan
Loading…