5
(2)
Đi Thái Lan thì cần chuẩn bị gì? Ăn gì? Chơi gì? Ở đâu? Xài gì? Tất cả có trong bài này, lưu lại liền nhé các bạn!
Review du lịch Thái Lan chi tiết – hữu ích cho bạn đi Thái lần đầu
Trước chuyến đi:
Nên đem theo: paracetamol (panadol, eferalgan: giảm đau đầu, hạ sốt), cacbon (cầm tiêu chảy), nước biển khô (bổ sung nước khi bị tiêu chảy), berberin (nhiễm trùng đường ruột), salonpas, vitamin C (cho ngày dài tăng động), thuốc trị đầy hơi (thức ăn ở Thái cay nóng và dầu mỡ nên bạn nào bị bao tử chú ý)
Đặt mua sim + vé ARL + BTS Rabbit card trên Klook: Mua đi, bạn không bao giờ hối hận đâu. Sau khi xuống sân bay, theo Exit B, đi tới cuối đường, xuống thang máy, đi tới cuối đường gặp 7-11, quẹo và đi 1 đoạn sẽ thấy quầy Klook bên tay phải.
Vé ARL để di chuyển từ sân bay tới trung tâm. BTS tiện khi đi lại quanh Bangkok. Cầm vé ARL + thẻ Rabbit bạn sẽ dc đi như VIP lun, khỏi xíp hàng.
Về di chuyển thì grab, lineman. Lineman rẻ hơn nhưng khó bắt. Page Grab Promo Code Thailan có mấy mã code, vô xài dc cái nào thì xài cho đỡ tốn. (Mã DTACHAPPY, NEWUSER, WELCOME, FIRST50, 4WGP – thanh toán qua Visa, JOYBIKE mấy bạn coi có cái nào xài được không)
Bạn nào chưa bay sân mới thì bay 1 lần thử cho biết thôi chứ sân bay cũ tiện hơn. Giá cũng mềm hơn. Foodcourt sân bay cũ nhiều món ngon rẻ. Thủ tục cũng nhanh gọn.
Các điểm vui chơi: Hiện tại các app dịch vụ du lịch như divui, klook, tripadvisor có giá vé đều rẻ hơn khi mua tại chỗ và hỗ trợ thanh toán Visa, Master Card. Ngoài ra, thanh toán bằng visa trên KLook còn có thêm mã giảm 150k bill 1tr, giảm 250k cho bill 3tr, giảm 150k khi mua phương tiện di chuyển & wifi. Tính ra tiết kiệm được khá lắm.
– Đặt tour ở Klook xong còn được tặng voucher mua sim và phương tiện di chuyển trị giá 150k.
Những vật dụng cần thiết: kính mát, nón, túi nhỏ, giày thể thao, kem chống nắng.
Trang phục: Cập nhật thời tiết hiện nay ở Bangkok rất nóng nên các bạn chọn trang phục mỏng nhẹ sẽ dễ chịu và tiện di chuyển. Pattaya thì đỡ nóng hơn xíu nhưng vẫn gắt so với VN.
Phần dành cho nữ khi chỉ có hành lý xách tay: Kem dưỡng, kem nền, cc-bb cream, sữa rửa mặt, son kem, má hồng có rất nhiều trong 7-11. Nếu da bạn không quá kén thì để mấy thứ lỉnh kỉnh này ở nhà cũng được. Nhưng xịt khoáng, nước tẩy trang thì không phải 7-11 nào cũng có. Nên cần chiết ra chai dưới 100ml/chai và tổng thể tích không quá 1l.
Phần hành lý xách tay: Các bạn có thể cuộn quần áo thành dạng tròn sẽ xếp được nhiều hơn. Cái nào nặng nhưng nhỏ nhỏ có thể bỏ vào túi đeo bên người. Mình để ý thấy thường không cân ký túi này (miễn nhìn nhỏ gọn) vì vậy nếu sắp xếp hợp lý bạn có thể dư được xíu trọng lượng.
Sau đây là cảm nhận về các địa điểm mình đi, các bạn có thể đọc và sắp xếp theo lịch của mình nhé
Chỗ ở:
Greenary hostel: Tuyệt vời ông mặt trời. Phòng thơm tho, sạch sẽ, chủ nhiệt tình, quanh đó còn có khu chợ nhỏ. Nhiều quán ngon giá rẻ, thích vô cùng. Ở dưới mình sẽ review những chỗ ăn ở khu này.
Ở gần khu này có 1 tiệm massage giá rẻ nhưng cũng làm đã lắm. Có cô mặt dữ dữ nhưng massage bao phê. Body, foot vai, đầu lun cũng có 250b. Tiệm nhỏ vắng khách nên chất lượng.
Eco House: Khá sạch, giá mềm phòng 350k cũng có. Quanh đó ít đồ ăn, cũng hơi xa bts, bus. Nhưng ai chịu đi bộ thì cũng ok.
PR Apartment hoặc Encore Walking Guesthouse ở Pattaya: Dự định ban đầu mình chỉ ngủ ở Pat 1 đêm nên tiêu chí phòng đầu tiên là rẻ và sau đó thì mình hối hặn. Các bạn đừng book ở khu người Ấn hay đạo Hồi nhiều. Vì đồ ăn rất là không hợp với khẩu vị VN. Chỉ có ưu điểm duy nhất là gần Walking street và kế bên có 1 ngôi chùa – chợ khá vui.
Chợ đêm Asiatique: Giống chợ Bến Thành. Có món bán rẻ có món bán đắt, cũng nhộn nhịp đông vui. Có cái đu quay bự chụp hình ngộ ngộ
Chinatown: Điểm nhấn là đồ ăn: quán T&K, 1 quán nhậu seafood cũng đông người Việt và mấy quán đông người xếp hàng lắm. Vài quán streetfood ở đây khẩu vị hơi lạt. Ăn thấy không đậm đà như khu quận 5 bên mình nhưng lạ miệng rất đáng để thử.
Khaosan: Tây nhiều, cũng dạng quán bia nhậu nhẹt nhưng không ồn ào. Đợt mình đi sau hôm lễ Phật, cũng đông đúc nhưng không khí kiểu ‘sôi động trong khuôn khổ’ nên hỏng thấy zui. Ai đi nhóm bạn 4 người trở lên chắc hợp hơn. Couple với gia đình thì nên cân nhắc.
SiamParagon, SiamCenter, SiamDiscovery, SiamSquareOne, MBKcenter, SiamEmporium: điểm chung là đẹp, sang, hịn, mịn. Nhiều brand có chương trình khuyến mãi để shopping, Foodcourt choáng ngợp, khu vui chơi giải trí cũng vô số. Tích hợp nhiều thứ nên ai khó tính cũng sẽ tìm được thứ mình thích. Cái bạn cần làm là giở map ra coi chỗ nào gần với nhau thì xếp đi chung ngày cho tiện. Trung bình mình chỉ xem hông shopping nên 1,5h – 2 tiếng là xong 1 chỗ cỡ vừa. Bonus: Foodcourt Siam Paragon có xíu mại tôm ngon ơi là ngon. Như Baoz Dimsum zị đó.
SiamIcon: Khỏi bàn nhiều về ẻm nữa. Phải đi! Dù cái gì cũng mắc hơn mấy mall khác nhưng hỏng mua hỏng ăn cũng nên đi vì ánh sáng ở các khu luxury brand set up siêu lung linh. Mình chụp đại một tấm cũng đẹp nữa các mày. Quan trọng là bên kia sông có cái River City cũng xinh lung linh. Người không nhiều nên tha hồ sống ảo. Quanh đó là cái chợ nhỏ nhỏ cũng xôm tụ lắm.
SoHengTai: cũng gần gần River City dồn vô đi chung 1 buổi lun. Đây là tứ hợp viện 200 tuổi ở Thái. Có mấy góc để chụp hình thui chứ k phải chỗ vui chơi. Hơi nhỏ so với tưởng tượng.
RiverCity – IconSiam có chuyến tàu miễn phí qua lại. Đi vào buổi chiều có thể ngắm hoàng hôn trên sông Chao Phraya.
Ratchada Rot Fai Night Market: Vui lắm. Đủ thứ món. Sườn cây, hải sản xô, kem cuộn, sushi, ốc hương bự chà bá… Hải sản ở đây bán cũng rẻ, khá tươi. Quần áo thì không rẻ, mấy cái đồ lưu niệm cũng zậy.
Kế bên có cái Esplanade mall ăn uống tấp nập. Tầng 4 mall có phòng tranh 3D Art in Paradise.
Chatuchak: Mình đi 2 lần và thấy rất nhiều thứ để xem nhưng với thời tiết tháng 3, 4 thì bạn nào sức khoẻ yếu coi chừng xỉu á. Nóng kinh hồn và không một ngọn gió huhu. Giá thì không chênh lệch nhiều với mấy chợ nhỏ đâu. Trừ khi bạn mua số lượng lớn thì mới tiết kiệm. Nên tải app Chatuchak Guide để tránh lạc trôi. Foodcourt cũng đông nhưng đắm đuối quá ăn hết ngon.
Mình kể cái ngu của mình để mấy bạn né nhen: Lần đầu mình đi thì xếp lịch đi Chatuchak rồi ra sân bay. Vấn đề nảy sinh là cái hành lý. Đừng trông chờ vô cái lockbox hành lý vì rất đông người đến nên sẽ không tới lượt mình. Thế là mình chơi liều nhờ cô bán quầy đồ ăn ngay cổng giữ giùm rồi gửi cô 50b. May là không có gì xảy ra.
Bạn nào xếp lịch đi đâu trước khi ra sân bay thì lưu ý về thời tiết, quãng đường và hành lý nha.
Platinum mall: kiểu như chợ An Đông. Có một cô làm mình ấn tượng. Mình hỏi giá một bộ bằng tiếng Anh, cổ nhìn mình từ đầu đến chân xong trả lời bằng tiếng Việt và ánh nhìn không mấy thân thiện. Làm bớt vui.
Talad Neon Night Market: mô hình thu nhỏ của Ratchada. Không đông vui bằng, đồ ăn mắc hơn xíu. Nếu ai đi Ratchada rồi đi chỗ này sẽ bị hụt hẫng.
Platinum, Pratunammarket, Palladium night market, Talad Neon night market: Mấy khu này gần nhau. Nhét vô 1 ngày cho tiện. Platinum, Pratunam thì mở cửa sáng sớm và tầm 7h, 8h đóng cửa. Trên google treo vậy chứ khi mình đi 6h là thấy bắt đầu dẹp ời. 2 chợ còn lại là chợ đêm. 7h trở đi mới đông.
Nhận xét chung về mua sắm ở chợ: Theo mình quần áo, giầy dép, trang sức hay mấy thứ khác trừ thức ăn thì mua từ 3 món trở lên mới rẻ thôi. Và họ đồng lòng bán mức giá chung rồi. Không chênh lệch nhiều khi mua ít đâu. Nên thích gì thì mua thui khỏi lăn tăn.
Terminal 21: Foodcourt ở đây không phải quá ngon nhưng cũng nhìu món và rẻ. Có After You nè, ShabuShi nè, quán ăn khá nhiều và quan trọng có bồn cầu tự động nè. Mèn ơi, vô thử cho bít đi bà con. Đã dễ sợ. Terminal 21 ở Pattaya nhìn xinh hơn xíu. Chắc do mới xây.
Sampeng Market (đọc là Xẩm Phênh hay Xẩm Hên gì đó): gần khu Chinatown. Chợ này mình đi hỏi thời gian hoạt động hết cả thanh xuân luôn. Mỗi người trả lời 1 kiểu. Hình như có mở lúc 2 3h sáng nữa mình không chắc lắm, nghe nói là sạp chợ sáng tối khác nhau. Mình đi lúc 8h sáng thấy nhiều thứ để mua lắm. Phụ kiện, ly giữ nhiệt, vải vóc, đồ chơi trẻ em. Vui lắm. Bạn nào có dắt bé theo thì cho bé đi chợ này cũng được. Vì đa phần chợ có mái che và nhà cửa san sát nên không nóng nhiều.
MOCA Museum: Bảo tàng là sự kết hợp giữa góc chụp deep và cảm quan những tác phẩm nghệ thuật. Đa phần các tác phẩm là tranh và mang hơi thở Phật giáo. Giá vé 250b/ng tặng 1 chai nước.
Sukhumvitsoi38: khi mình tới thì chỉ có mấy quầy đồ ăn nhỏ nên hụt hẫng ghê lun. Vì nghe đồn con đường streetfood
SoiSilom20: con đường streetfood và hoa quả, quanh đó mấy con đường khác cũng đủ thứ món. Bạn nào thích lăn xả thì đi vòng vòng khu này chơi vui lắm
SoiPhetchaburi10: Vẫn là con đường streetfood nhưng quầy quán ở đây khẩu vị địa phương hơn, và đông dân local. Ai dễ ăn và muốn trải nghiệm thì nên ghé.
Burn Whale Buffet: Hải sản có tôm càng bé bé, tôm mũ ni bé bé, hàu cụm cụm thấy dễ thương, mực, bạch tuộc, ốc hương, vẹm xanh newzealand, cua… Nhân viên nhiệt tình, hải sản không tươi, được cái giá rẻ. Nằm gần Siam center.
Tuk tuk nên đi một lần cho biết thế nào gọi là vừa đi vừa cầu nguyện haha. Mà cũng vui nhớ đời. Hình như mình trả giá sát quá hay sao mà ông tuktuk chở mình chạy tới cua nào là ổng drift cua đó.
Hành trình PATTAYA
Đi xe bus 108b/ng. Xe thoải mái lắm. Tới nơi thì bắt Songtheow về khách sạn.
– Cách bắt: xác định hướng của khách sạn các bạn ở. Rồi đi xa xa khỏi bến xe xíu mới dễ bắt. Thấy xe nào có người ngồi sẵn thì cứ quơ tay nhiệt vào là xe dừng lại. Leo lên nhìn theo map. Nếu xe quẹo không đúng hướng mình muốn thì bấm chuông xin xuống, quay lại ngã rẽ bắt xe khác. Cứ mở map và nhìn vài lần là bạn sẽ hiểu. Đừng sợ đi sai. Lúc đầu mình cũng sợ nhưng khám phá được thì vui lắm, Thái Lan dễ thương ghê!
Mình dại dột đặt ở khu đạo hồi vì ham rẻ. Tối đó phải lấy bàn ghế chèn cửa cho đỡ bất an. Nếu chỗ nào đề nghị cọc thì bạn nên xin receipt xác nhận hoặc quay lại đoạn bạn đưa tiền cho nhân viên. Vào phòng thì nên chụp, quay lại hiện trạng phòng. Mình chưa gặp tình trạng bị bắt đền nhưng đề phòng vẫn hơn.
Walking Street: Đi xem cho biết, hông thích hợp bà bầu trẻ nhỏ. Đi đông vui hơn và đừng chụp hình mấy cổ. Có chị đi trước mình chụp bị phản ứng quá trời.
Central Festival mall: hơi chán chỉ có foodhall dưới tầng hầm là ngon bổ rẻ. Có món mì xào giòn thịt heo siêu mềm, mùi vị y chang VN.
Kế bên là con đường SoiBuakhao rất nhiều quán bar, club mini, streetfood và mini market, tree town (khu ăn nhậu nhỏ).
Massage Eden: Cũng gần Central Festival và đường Soi Buakhao. Các bạn search google map sẽ thấy. Nên gọi dt đặt chỗ trước để ng ta sắp xếp. Giá khá rẻ nên mình cũng không trông đợi nhiều. Làm cũng đỡ nhức mỏi thui chứ không đã lắm.
Nếu bạn nào không biết đi đâu thì xếp lịch buổi sáng đi mấy cái mall gần đó ăn uống, trưa chiều đi massage, tối dạo quanh đường Soi Buakhao này. Không quá ồn ào phức tạp, nhưng vẫn đông đúc. Ai chán Walking street thì ghé đây nha. Nhiều quán lắm. Tha hồ lựa.
Central Marina: cũng gần đó, mình đi trưa mà hỏng có ai hết. Cũng xinh xinh, có nhiều góc để chụp hình. Nên nếu bạn nào chỉ muốn đến sống ảo thì lựa giờ chiều chiều để khỏi đông đúc.
Kế bên PR Apartment có khu chợ kết hợp chùa. Mô hình chùa – chợ này nhất định phải đi khi đến Thái. Mình thấy rất hay. Mấy nhà sư hoà vào cuộc sống của người dân, giảng dạy, cầu an, truyền bá đạo Phật cho mọi người. Trong chợ thì kinh doanh nhiều lắm nhưng không thức uống có cồn nhé. Chợ cũng bự, có bán chuột hamster, thỏ, heo con, cho cừu uống sữa. Có trò thảy banh, ném trúng chỗ thì người trong lồng sẽ té xuống. Có kiểu ngồi bẹp trên đệm ăn lẩu, nồi lẩu kết hợp kiểu nướng – lẩu, giống lẩu cù lao bên mình.
– Ở đây cũng có mấy khu cho trẻ nhỏ chơi và cũng không chen chúc nhiều nên bạn nào đi gia đình khỏi lo nha.
Do mình đi 2 nên chọn tour đảo Kor Larn. Nếu bạn nào đi dưới 4 ng thì nên chọn tour cho gọn. Vì giá thuê từng trò chơi khá mắc. Mà tour trên Klook lại rẻ, vui nữa.
Đặt qua app và kèm mã giảm khi thanh toán qua thẻ visa nên chỉ 1tr1. Mình sẽ review từng trò để mấy bạn lựa
Ăn sáng nhẹ trước nha vì tour không kèm ăn sáng. Đừng ăn no quá lát chơi trò chơi không được đó. Và đừng đem theo nhiều đồ quá vì khó di chuyển. Nên mặc đồ bơi sẵng luôn vì không tiện để thay, người quản trò cũng hối nữa.
Trò dù lượn chơi đầu tiên, có nhúng ướt người tuỳ theo tâm trạng anh lái tàu, mình thì nhúng xíu ướt chân thôi nhưng bạn mình bị như thịt bò nhúng lẩu. Nhúng xong kéo xong nhúng rồi cho trườn một đoạn trên mặt nước luôn. Nhưng không có sao đâu, đừng sợ nhen.
Trò tiếp theo là đi bộ dưới biển: Trò này theo mình đánh giá là nhiều trục trặc có thể xảy ra nếu bạn không tuân theo lời hướng dẫn viên. HDV nói bằng tiếng anh khá kỹ. Đại ý là tuyệt đối không cúi xuống hay ngẩng đầu lên vì sẽ bị sặc nước. Nhìn thẳng hay quay trái phải thì ok. Và khi vừa đeo cái mũ vào bạn sẽ rất đau tai. Hãy thò tay vào mũ, bịt mũi lại, hít sâu bằng miệng, và phồng má lên đẩy mạnh luồng khí về 2 bên lỗ tai. Làm lại nhiều lần cho đến khi bớt đau. Đến khi bạn thật sự sẵn sàng thì ra hiệu với HDV. Xuống dưới biển được sờ vào san hô và được phát miếng bánh mì cho bầy cá bu lại ăn. Có mấy con đớp nhầm vào tay mình làm mún nướng tụi nó ghê.
Xong 2 trò này thì đi lên đảo để chơi thuyền chuối và motorboat jet ski: Trò này cũng không có gì khó, tung toé giữa trưa hè, vừa mát vừa đã, leo lên thuyền rồi HDV làm hết thôi. Lúc chơi thuyền chuối HDV có ra dấu bằng tay lật qua lật lại, ý hỏi là mình có muốn lật té xuống nước không. Cứ quất đi mấy bạn. Vui quên lối về lun.
Trò cuối cùng là lặn Snorkeling: HDV phát cho cái ống thở rồi ụp mặt xuống biển ngắm san hô và đàn cá bơi lội. Có thuyền hơi cỡ bự cho ng già trẻ em lun nên khỏi lo.
Tour có phát khăn bự (mất đền 200b), nước suối sau mỗi trò, ăn trưa hơi chán, free ghế ngồi trên bãi biển, free toilet, lúc về được phát lon coca. Tủ giữ đồ thì 100b, mà khi lên đảo mới có tủ nha, nên đừng xách gì nhiều và cũng không cần thiết tốn 100b. Ở đảo có trái dừa nhỏ, ngọt nước ngon cơm, ngon lắm. Ai thích dừa thì ăn thử nhen. 60b/ trái, 2 trái 100b. Lúc về nên tip cho các HDV. Họ sẽ tự chia nhau. Hình 100b/khung/2 tấm lấy hay không tuỳ mình, CD quay chương trình thì free cho mỗi người. Chuyến đi kết thúc lúc 4h, 4h30. Xe đưa đón về tận khách sạn.
Theo Trần Hồng Xuân
Xem thêm cái bài viết:
Ngôi chùa tuyệt đẹp ở Thái Lan được giới trẻ rần rần check-in
Z9 Resort – Resort nổi trên sông ở Thái Lan – đẹp như Maldives thu nhỏ
Đảo Koh Kood – hòn đảo tình nhân ở Thái Lan có thể bạn chưa biết
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY
Đánh giá 5 / 5. Lượt: 2
Hotline đặt Combo – Phòng khách sạn – Tour du lịch – Vé máy bay giá siêu tốt: 0908 341 702