Rối loạn kinh nguyệt nên uống thuốc gì? | Bệnh U xơ

Kinh nguyệt biểu thị cho sức khỏe sinh lý nữ. Một khi kinh nguyệt bị rối loạn, tất nhiên hệ thống sinh lý bên trong cơ thể sẽ ảnh hưởng theo.

Hiện nay, rối loạn kinh nguyệt có thể chữa trị bằng các loại thuốc Tây y và Đông y, mỗi phương pháp có những thế mạnh khác nhau. Sau đây là bài viết chi tiết về các loại thuốc chữa rối loạn kinh nguyệt

Điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng thuốc Tây y

Thuốc axit tranexamic

Axit tranexamic là loại thuốc giúp cầm máu để điều trị cho những trường hợp bị rong kinh (kinh nguyệt ra nhiều ngày). Loại thuốc này có thể làm giảm lượng máu chảy từ 30 đến 60%. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng làm giảm đau bụng kinh, điều chỉnh vòng kinh đều hơn hay có tác dụng ngừa thai.

Ngoài ra, Axit tranexamic còn được sử dụng để kiểm soát và hạn chế tình trạng chảy máu sau khi nhổ răng ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn đông máu, phòng ngừa chảy máu sau khi mổ hoặc bị chấn thương.

Cách dùng: Cứ sau 6 – 8 tiếng uống 1g PO. Uống từ thời điểm bắt đầu có kinh nguyệt đến ngày thứ 5.

Tác dụng phụ: Việc sử dụng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn như nhức đầu, đau cơ, đau lưng, đau bụng, mệt mỏi…

Chống chỉ định:

Nếu phụ nữ bị rối loạn đông máu, đông máu nội mạc, tắc động mạch võng mạc, huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối não, tắc mạch phổi thì không được sử dụng thuốc này.

Trường hợp phụ nữ bị suy thận, đang sử dụng phương pháp tránh thai nội tiết, bị chảy máu đường tiết niệu…thì nên thận trọng. Cần có tư vấn kỹ lưỡng từ bác sĩ trước khi sử dụng.

Thuốc chống viêm không steroid

Axit Mefenamic là một loại thuốc chống viêm không steroid, có tác dụng hạ thấp nồng độ Prostaglandin trong cơ thể, giúp phụ nữ giảm bớt những cơn đau bụng kinh kèm theo rong kinh. Loại thuốc này có thể làm giảm lượng máu chảy từ 20-50%.

Prostaglandin là một dạng hormon tổ chức (có tới hơn 20 loại riêng lẻ khác nhau), đóng vai trò là chất trung gian của quá trình cảm nhận đau và viêm. Phạm vi hoạt động của loại hormone này rộng khắp mọi nơi trên cơ thể. Ở những người bị rối loạn kinh nguyệt, Prostaglandin có thể kích thích các cơ tử cung co bóp mạnh mẽ hơn gây ra đau đớn và xuất huyết tử cung.

Liều dùng: Mỗi 8h uống 250-500mg PO. Uống liên tục từ ngày đầu tiên thấy kinh nguyệt cho tới ngày thứ 5 hoặc tới khi máu kinh ra hết.

Tác dụng phụ: Mefenamic axit ít gây ra tác dụng phụ hơn so với tranexamic axit. Tuy vậy, một số tác dụng ngoài mong muốn mà các chị em có thể gặp phải khi sử dụng loại thuốc này đó là buồn nôn, ợ nóng, khó tiêu, đau đầu, chóng mặt, ù tai, tăng nhịp tim…

Chống chỉ định:

Những người bị dị ứng với Aspirin hoặc các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid khác, bị suy thận, viêm loét đường tiêu hóa thì không nên sử dụng.

Những phụ nữ bị huyết áp cao, đang sử dụng thuốc chống đông máu, thuốc tăng kali máu thì cần thận trọng trước khi sử dụng. Cần có tư vấn kỹ lưỡng từ bác sĩ trước khi dùng thuốc

Thuốc tránh thai kết hợp drospirenone + ethinylestradiol

Thuốc tránh thai là một trong những phương pháp điều trị rối loạn kinh nguyệt phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay. Cụ thể là, loại thuốc tránh thai hằng ngày kết hợp từ 2 loại hormone nội tiết đó là estrogen (ethinyl estradiol) và progestin (drospirenone).

Loại thuốc này có khả năng ức chế quá trình rụng trứng bằng cách làm dày lớp dịch âm đạo ngăn chặn trứng và tinh trùng gặp nhau, từ đó giúp phụ nữ ngừa thai.

Thuốc tránh thai kết hợp cũng được coi là một loại thuốc điều kinh, giúp cho vòng kinh đều đặn hơn, giảm đau bụng và tình trạng rong kinh không rõ nguyên nhân (loại thuốc này có thể làm giảm khoảng 43% lượng máu mất đi).

Liều dùng: Uống 1 viên thuốc tránh thai phối hợp/ ngày vào một giờ nhất định. Uống vào ngày đầu tiên của kỳ kinh. Uống đều đặn trong 21 ngày.

Tác dụng phụ: Thuốc tránh thai kết hợp có thể gây ra một số tác dụng phụ như là đau nửa đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, sưng lợi, chán ăn, tăng giảm cân,…

Chống chỉ định:

Phụ nữ không sử dụng thuốc này trong các trường hợp sau: Bị bệnh tim mạch, rối loạn đông máu, cao huyết áp, tiểu đường, gan, ung thư nội mạc tử cung, phụ nữ mang thai … Không sử dụng nếu không có hướng dẫn của bác sĩ

Tuy nhiên, thuốc tránh thai hàng ngày chỉ được sử dụng cho các trường hợp rối loạn kinh nguyệt do nội tiết tố bị ảnh hưởng. Còn với những trường hợp rối loạn kinh nguyệt do các nguyên nhân khác sẽ không có tác dụng.

Thuốc tránh thai kết hợp norethindrone + ethinyl estradiol

Đây là một loại thuốc tránh thai kết hợp khác sử dụng 2 hormone là norethindrone (progestin) và ethinyl estradiol (estrogen). Ngoài tác dụng ngừa thai, loại thuốc này cũng có thể giúp cho kinh nguyệt đều hơn, giảm đau bụng kinh, giảm nguy cơ bị u nang buồng trứng và điều trị mụn trứng cá.

***

Bổ sung thêm:

1/ Trong một vài trường hợp, nếu các chị em bị rối loạn kinh nguyệt, nhất là là tình trạng rong kinh dài ngày do nội tiết thay đổi, do u xơ tử cung, u nang buồng trứng, đồng thời muốn ngừa thai lâu dài thì có thể sử dụng phương pháp đặt vòng tránh thai nội tiết để kiểm soát kinh nguyệt.

Phương pháp này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như là đau đầu, đau vùng chậu, mọc mụn trứng cá. Những trường hợp bị viêm âm đạo, viêm vùng chậu, tiền sử thai ngoài tử cung, thì không nên sử dụng.

2/ Nếu phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt là do những tổn thương thực thể như polyp cổ tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, việc điều trị bằng thuốc không có hiệu quả thì phải áp dụng các phương pháp khác như:

  • Phẫu thuật để loại bỏ u xơ, u nang buồng trứng, polyp tử cung. Những trường hợp nghiêm trọng, thậm chí có thể phải cắt bỏ toàn bộ tử cung hoặc buồng trứng để điều trị.
  • Thuyên tắc động mạch tử cung để ngăn chặn lưu lượng máu đến tử cung

Ưu – nhược điểm khi điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng thuốc Tây y

Ưu điểm:

  • Thuốc giúp cắt giảm nhanh chóng các triệu chứng khó chịu do rối loạn kinh nguyệt gây ra.
  • Cách sử dụng tiện lợi.

Nhược điểm:

  • Dùng thuốc không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe của chị em, thậm chí là làm giảm khả năng sinh sản.

Lời khuyên:

  • Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà khi chưa có chỉ định cụ thể của bác sĩ.
  • Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều, ngưng sử dụng hoặc sử dụng kéo dài hơn so với thời gian quy định.

Điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng thuốc Đông y

Đông y có lợi thế với các bài thuốc điều kinh cho phụ nữ. Thêm vào đó, các bài thuốc này còn có tác dụng điều hòa khí huyết, thanh nhiệt,…Vì thế, hiện nay nhiều chị em tin tưởng và chọn lựa phương pháp chữa rối loạn kinh nguyệt bằng Đông y.

Sau đây là một số bài thuốc Đông y nổi tiếng chữa rối loạn kinh nguyệt:

Bài thuốc chữa vô kinh, mất kinh

Bài 1: Đan sâm 8g; hoàng kỳ, bạch truật, đảng sâm, mỗi vị 12g; đương quy, sài hồ, thăng ma, bạch thược, ngưu tất, mỗi vị 8g; trần bì 6g; cam thảo 4g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

Bài 2 (Đại dinh tiễn): Đương quy 15g thục địa 15g câu kỳ tử 12g chích cam thảo 6g đổ trọng 15g ngưu tất 15g ngưu tất 15g nhục quế 12g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

Bài 3 (Đàm đạo thang): Trần bì,Chế bán hạ, Chỉ thực mỗi vị: 8-12 gam, Phục linh 12-16 gam, Cam thảo 4 gam, Chế nam tinh 4-8 gam. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, chia làm 2 lần nước để uống.

Bài thuốc chữa rong kinh

Bài thuốc 1 (Bát trân thang): Đương qui ( tẩm rượu), Đảng sâm, Bạch thược, Bạch truật ( sao), Thục địa, Bạch linh mỗi vị 12g, Xuyên khung 6 – 8g, Chích thảo 2 – 4g, Sinh khương 2 – 3 lát, Đại táo 2 quả. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều

Bài thuốc 1: Đan sâm, thục địa, hoài sơn, sài hồ, bạch thược, mỗi vị 12g; sơn thù, trạch tả, phục linh, đan bì, mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc 2 (Tiêu sài hồ thang): Sài hồ 12 – 16g, Hoàng cầm, Sinh khương, Đảng sâm mỗi vị: 8 – 12g, Bán hạ 8 – 12g, Chích Cam thảo 4 – 8g, Đại táo 4 – quả. Sắc uống mỗi ngày 1 thang

Bài thuốc chữa đau bụng kinh

Bài thuốc 1: Đan sâm, đương quy, sinh địa, mỗi vị 10g; hương phụ, bạch thược, xuyên khung, mỗi vị 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc 2: Ngưu tất 3,0g, Quế chi 3,0g, Thược dược 3,0g, Đào nhân 3,0g, Đương qui 3,0g, Mẫu đơn bì 3,0g, Diên hồ sách 3,0g, Mộc hương 1,0g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Máu kinh màu nhạt

Bài 1 (Bổ trung ích khí thang): Hoàng kỳ 20g, Chích thảo 4g, Thăng ma 4 – 6g, Đảng sâm 12 – 16g, Đương qui 12g, Sài hồ 6 – 10g, Bạch truật 12g, Trần bì 4 – 6g, Gia giảm thêm Nhục quế. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang

Ưu – nhược điểm khi điều trị rối loạn kinh nguyệt bằng thuốc Đông y

Ưu điểm:

  • Tác dụng thuốc lâu dài
  • Các bài thuốc an toàn và ít tác dụng phụ

Nhược điểm:

  • Mất công pha chế, sắc thuốc
  • Tác dụng của thuốc đến từ từ nên cần kiên trì sử dụng trong thời gian dài
  • Khó kiểm soát chất lượng nguyên liệu thuốc

Lời khuyên:

  • Tuyệt đối không tự ý bốc thuốc điều kinh khi chưa có hướng dẫn của thầy thuốc Đông y.
  • Lắng nghe chỉ dẫn của thầy thuốc để uống thuốc đúng cách.
  • Nên chữa bệnh và bốc thuốc tại những địa chỉ khám chữa bệnh Đông y uy tín.

Trên đây là bài viết tham khảo được Benhuxo.vn tổng hợp về các loại thuốc Tây y – Đông y chuyên dùng để chữa bệnh rối loạn kinh nguyệt. Khi có bệnh, các chị em cần tới bệnh viện để được kiểm tra và chẩn đoán, sau đó bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều trị phù hợp với tình trạng của bản thân, không nên tự làm thầy thuốc chữa bệnh tại nhà, để tránh mắc phải những sai lầm không mong muốn.

Rate this post

Viết một bình luận