Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là dạng rối loạn nhân cách thường gặp nhất với tỷ lệ chiếm khoảng 30 – 60%. Hội chứng này đặc trưng bởi sự nhạy cảm quá mức về các mối quan hệ, cảm xúc không ổn định và mơ hồ về lý tưởng, mục tiêu sống của bản thân.
Rối loạn nhân cách ranh giới là bệnh gì?
Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder – BPD) còn được gọi là rối loạn nhân cách tâm trạng không ổn định và rối loạn nhân cách thể bất định. BPD là một trong những dạng lâm sàng của rối loạn nhân cách nhóm B – nhóm tính cách đặc trưng bởi hành vi kịch tính, suy nghĩ bất ổn và thất thường.
Rối loạn nhân cách ranh giới là dạng nhân cách đặc trưng bởi sự bất ổn, nhạy cảm quá mức trong các mối quan hệ cá nhân, cảm xúc dao động mạnh, dữ dội và có cách nhìn nhận mơ hồ về bản thân. Người mắc chứng bệnh này không chịu đựng được sự cô đơn và nỗ lực thực hiện các hành vi để tránh bị bỏ rơi, thậm chí những hành vi này có thể gây hại cho bản thân và những người xung quanh.
Khoảng 2% dân số mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), trong đó chiếm 20% bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú, 10% bệnh nhân đến khám tâm thần và 30 – 60% số lượng bệnh nhân rối loạn nhân cách. Tỷ lệ mắc chứng bệnh này cao hơn ở nữ giới và bệnh nhân thường có một số rối loạn tâm thần khác như rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn hoảng sợ, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,…
Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách ranh giới
Đặc trưng lớn nhất của rối loạn nhân cách ranh giới là sự sợ hãi và lo âu quá mức về việc bị bỏ rơi (xảy ra hoặc chỉ là dự kiến). Nỗi sợ mạnh mẽ khiến bệnh nhân khởi phát trạng thái cảm xúc dữ dội như giận dữ, nóng nảy, gào khóc, đau khổ, hành vi tự hủy,… Đôi khi có đi kèm với các triệu chứng loạn thần kinh và trầm cảm.
Các triệu chứng điển hình của hội chứng rối loạn nhân cách ranh giới:
- Thường trực nỗi sợ hãi và lo lắng tột độ về việc bị bỏ rơi. Khi đối mặt với việc bị người khác chối bỏ, bệnh nhân thường phản ứng bằng các hành vi tự hủy, cảm xúc mạnh mẽ xen kẽ loạn thần và trầm cảm.
- Thậm chí người bệnh có thể tỏ ra vô cùng tức giận và khó chịu khi người khác đến muộn vài phút hoặc hủy hẹn. Với người mắc chứng bệnh này, đây đều là những dấu hiệu cho thấy đối phương muốn bỏ rơi bản thân. Chính sự nhạy cảm và sợ hãi quá mức khiến cho mối quan hệ của bệnh nhân dần trở nên căng thẳng và bất ổn.
- Vì lo sợ việc bị bỏ rơi nên người bệnh luôn cố gắng tạo dựng những mối quan hệ mới để có thay thế khi mối quan hệ cũ phải chấm dứt. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể đe dọa người khác không được bỏ rơi và phải đồng ý với những yêu cầu của bản thân bằng các hành vi như đe dọa tự sát, có hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc những người xung quanh.
- Sự thất thường trong cảm xúc và nỗi sợ hãi quá mức về việc bị bỏ rơi khiến bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ gìn các mối quan hệ. Hầu hết những người đã nhận thấy sự bất thường ở bệnh nhân đều cố gắng tránh xa và cố gắng chấm dứt mối quan hệ trong thời gian sớm nhất.
- Bệnh nhân thường không nhận định đúng đắn và mơ hồ về bản thân, gần như không nhận ra khuynh hướng nghề nghiệp, thế mạnh và mục tiêu trong cuộc sống.
- Người bệnh có xu hướng lý tưởng hóa và tôn sùng những người mà họ gặp gỡ trong cuộc sống. Tuy nhiên khi không nhận được sự quan tâm như mong muốn, bệnh nhân nhanh chóng hạ bệ, đánh giá thấp và thậm chí xúc phạm đến người này.
- Bệnh nhân có lối suy nghĩ trắng – đen rạch ròi. Ví dụ những người không đối xử tốt và bỏ rơi bản thân chính là người xấu. Bản thân người bệnh phân định sự tốt – xấu rõ ràng với mọi người và sự việc xung quanh. Hoàn toàn không nhận biết được mặt tốt, mặt xấu trong một cá thể mà chỉ đưa ra nhận định thông qua thái độ và sự chăm sóc đối với bản thân.
- Luôn thường trực sự lo âu hư vô và thường xuyên có cảm giác trống rỗng.
- Người bệnh mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới cũng có các triệu chứng loạn thần nhưng thường xảy ra trong thời gian ngắn và mức độ không đủ trầm trọng để đưa ra chẩn đoán mắc các loạn thần chuyên biệt.
- Cảm xúc dữ dội và bất ổn, bệnh nhân có thể vui sướng và hạnh phúc tột độ khi nhận được sự quan tâm của người khác. Nhưng rất nhanh chóng chuyển sang trạng thái tức giận, lo lắng, gào khóc khi ai đó có ý định hủy hẹn hoặc bỏ rơi bản thân. Sau những lời cay nghiệt, mỉa mai và giận dữ, bệnh nhân thường cảm thấy có lỗi và xấu hổ.
- Có những hành vi không kiểm soát và không quan tâm đến hệ quả như đánh bạc, đua xe, sử dụng chất gây nghiện, quan hệ tình dục không an toàn, chấm dứt những mối quan hệ đang tốt đẹp, bỏ dở công việc tốt,… Các hành vi hủy hoại này thường xảy ra khi bản thân người bệnh sắp đạt được mục đích. Điều này cho thấy sự mơ hồ của người bệnh về mục tiêu và lý tưởng sống.
- Có một số thời điểm bệnh nhân mất đi cảm nhận với thực tại, có hoang tưởng rằng đang có thế lực bí ẩn làm hại bản thân. Tình trạng này thường kéo dài trong khoảng vài phút đến vài giờ đồng hồ.
- Bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới vẫn có sự quan tâm và chăm sóc đến những người xung quanh nhưng chỉ khi bản thân người bệnh cảm nhận rằng người này sẽ ở bên cạnh và không bao giờ bỏ rơi họ.
- Người bệnh gần như không thể kiểm soát cảm xúc và đôi khi giận dữ, cáu gắt không rõ nguyên do.
- Đa phần các hành vi tự hủy hoại ở bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới là nhằm tạo ra áp lực để người khác phải đồng ý với những yêu cầu của bản thân. Tuy nhiên về lâu dài, bệnh nhân có thể mắc đồng thời nhiều bệnh tâm thần và dễ nảy sinh ý nghĩ, hành vi tự tử (nguy cơ cao gấp 40 lần so với người bình thường).
Nhìn chung, rối loạn nhân cách ranh giới có biểu hiện rất đa dạng nhưng trong tất cả các trường hợp đều thường trực sự lo lắng, sợ hãi và nỗ lực trong việc tránh bị bỏ rơi. Sự nhạy cảm quá mức của người mắc chứng bệnh này dẫn đến các mối quan hệ bất ổn, bệnh nhân rơi vào trạng thái trống rỗng và mơ hồ về giá trị, lý tưởng và mục tiêu sống.
Nguyên nhân gây bệnh rối loạn nhân cách ranh giới
Tương tự như các rối loạn nhân cách khác, nguyên nhân gây rối loạn nhân cách ranh giới vẫn chưa được biết rõ. Qua các nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng, cơ chế sinh bệnh có liên quan đến tổn thương thực thể ở não bộ và sang chấn tâm lý trong quá khứ.
Các nguyên nhân, yếu tố có liên quan đến bệnh rối loạn nhân cách ranh giới:
1. Tổn thương tâm lý
Hầu hết bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới đều có tổn thương tâm lý từ thời thơ ấu như bị bỏ rơi, lạm dụng thể chất, tình dục, mất cha mẹ, người thân từ sớm, bị ngược đãi hoặc được gia đình bao bọc quá mức,… Những sự kiện này dẫn đến việc bệnh nhân luôn lo sợ cảm giác bị bỏ rơi và nhạy cảm quá mức trong các mối quan hệ.
Ngoài rối loạn nhân cách ranh giới, các chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu cũng góp phần gây ra các chứng rối loạn nhân cách khác, bệnh đa nhân cách và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Số liệu thống kê cho thấy, đa phần bệnh nhân bị rối loạn nhân cách ranh giới đều có tiền sử PTSD. Điều này cho thấy vai trò của sang chấn tâm lý trong cơ chế bệnh sinh.
2. Di truyền
Di truyền là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc rối loạn nhân cách ranh giới. Cụ thể, người có họ hàng gần mắc chứng bệnh này sẽ có nguy cơ mắc bệnh tăng lên 5 lần so với người bình thường.
Hiện nay, loại gen và cách thức di truyền các bệnh tâm thần nói chung và rối loạn nhân cách ranh giới nói riêng đều chưa được xác định. Nhưng qua điều tra dịch tễ, có thể khẳng định vai trò của di truyền trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn nhân cách ranh giới.
3. Bất thường trong cấu trúc não bộ
Khi quan sát não bộ của người bị rối loạn nhân cách ranh giới, các bác sĩ nhận thấy sự rối loạn trong chức năng điều hòa và hệ thống neuropeptide. Tuy nhiên, tình trạng này không xảy ra ở tất cả các bệnh nhân nên vẫn không được là nguyên nhân chủ đạo gây ra chứng rối loạn nhân cách ranh giới.
Ngoài ra, nghiên cứu hình ảnh não bộ ở bệnh nhân BPD cũng cho thấy, các cơ quan chịu trách nhiệm phản ứng với stress và điều chỉnh cảm xúc bên trong não bộ như vùng vỏ não trước trán, hạch hạnh nhân và hồi hải mã có hiện tượng giảm hoạt động so với các vùng não khác. Bên cạnh đó, người mắc chứng bệnh này cũng gặp phải tình trạng mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là acid creatine, NAA, MRS,… và rối loạn hệ trục hạ đồi thị – tuyến yên – tuyến thượng thận.
4. Các yếu tố khác
Ngoài những nguyên nhân trên, rối loạn nhân cách ranh giới còn có liên quan đến những yếu tố như:
- Trẻ sinh sống với người mắc rối loạn nhân cách ranh giới, sau đó học tập theo suy nghĩ, cách hành xử và biểu lộ cảm xúc. Về lâu dài, nhân cách của trẻ trở nên méo mó và biểu lộ sự bất thường rõ rệt trong giai đoạn trưởng thành.
- Sự thay đổi của hormone estrogen cũng góp phần gây rối loạn nhân cách ranh giới. Ở những người có sẵn bệnh lý này, sự rối loạn nội tiết tố có thể làm nghiêm trọng các triệu chứng.
Rối loạn nhân cách ranh giới có nguy hiểm không?
Rối loạn nhân cách ranh giới là dạng thường gặp nhất của rối loạn nhân cách (chiếm từ 30 – 60%). Với sự nhạy cảm quá mức trong các mối quan hệ và cách biểu lộ cảm xúc dữ dội, người mắc chứng bệnh này gặp rất nhiều phiền toái trong cuộc sống. Khi nhận sự bất thường của người bệnh, đa phần những người xung quanh đều cố gắng chấm dứt mối quan hệ trong thời gian sớm nhất.
Hơn nữa, người bệnh thường có những hành vi hủy hoại khi gần đạt được mục tiêu đề ra như tự chấm dứt các mối quan hệ tốt đẹp, bỏ học khi chuẩn bị tốt nghiệp, bỏ dở công việc tốt,… Bệnh nhân cũng có các hành vi mang nguy cơ cao như quan hệ tình dục không an toàn, lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện, đánh bạc và đua xe. Do đó, tỷ lệ bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới có đời sống thiếu lành mạnh là rất cao.
Các hành vi này thường xảy ra ngay sau khi bị người khác bỏ rơi hoặc khi sắp đạt được mục tiêu. Ngoài sự sợ hãi và nhạy cảm quá độ về việc bị bỏ rơi, bệnh nhân BPD còn đặc trưng bởi sự mơ hồ về lý tưởng và mục tiêu sống. Chính vì vậy, chức năng xã hội, học tập và nghề nghiệp của bệnh nhân giảm đi đáng kể.
Bên cạnh các hành vi tự hủy hoại, bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới cũng có thể nảy sinh ý nghĩ và hành vi tự sát. Theo số liệu thống kê, khoảng 8 – 10% người mắc chứng này có hành vi tự tử – đặc biệt là với những người mắc đồng thời với các rối loạn tâm thần khác.
Chẩn đoán bệnh rối loạn nhân cách ranh giới
Tương tự như các rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách ranh giới được chẩn đoán thông qua tiêu chuẩn DSM-5. Bệnh nhân chỉ được chẩn đoán mắc bệnh lý này khi có biểu hiện rối loạn điều chỉnh cảm xúc (cảm xúc không ổn định), mơ hồ về hình ảnh cá nhân, sự bất ổn trong các mối quan hệ và đáp ứng ít nhất 5 biểu hiện sau:
- Nỗ lực để tránh việc bị bỏ rơi (tưởng tượng hoặc có thật)
- Bất ổn trong các mối quan hệ (nhanh chóng đi từ lý tưởng hóa sang hạ thấp, coi thường người khác)
- Lặp đi lặp lại các hành vi tự hủy hoặc đe dọa tự sát
- Thường trực cảm giác trống rỗng
- Cảm xúc không ổn định (xen lẫn lo âu, bồn chồn và hưng cảm quá độ)
- Không kiểm soát được cơn giận dữ, thường xuyên nổi giận không rõ nguyên nhân và có hành vi ẩu đả, gây hấn
- Có biểu hiện xung động trong ít nhất 2 tình huống gây hại cho bản thân như đua xe/ lái xe không thận trọng, ăn uống vô độ, quan hệ tình dục không an toàn, đánh bạc,…
Các triệu chứng này phải khởi phát trong giai đoạn đầu của thời kỳ trưởng thành hoặc xảy ra trong giai đoạn thanh thiếu niên. Nếu khởi phát sớm hoặc muộn hơn, đây có thể là biểu hiện của các rối loạn tâm thần khác.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác như các dạng loạn thần, rối loạn cảm xúc, rối loạn nhân cách dạng phân liệt, rối loạn nhân cách hoang tưởng, bệnh ái kỷ, rối loạn nhân cách lệ thuộc,…
Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách ranh giới
Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) có thể thuyên giảm dần theo thời gian nếu được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, không ít trường hợp gặp phải các vấn đề như lạm dụng chất gây nghiện, mắc các bệnh tâm thần khác và tự sát. Chính vì vậy, phát hiện sớm và điều trị BPD kịp thời là vô cùng quan trọng.
Tương tự như các rối loạn nhân cách khác, bệnh lý này được điều trị bằng trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể phải điều trị nội trú để tránh những hành vi tự hủy và gây hại cho những người xung quanh.
1. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là phương pháp chính đối với rối loạn nhân cách ranh giới. Mục tiêu của phương pháp này là cải thiện chức năng của bệnh nhân và giảm thiểu các hành vi tự hủy, tự sát. Ngoài ra, trị liệu tâm lý còn giúp cải thiện tình trạng lo âu, trầm cảm và một số rối loạn tâm thần đi kèm.
Lựa chọn đầu tiên trong trị liệu tâm lý là liệu pháp nâng đỡ nhằm giúp bệnh nhân giải tỏa các cảm xúc tiêu cực và giới hạn những hành vi tự hủy, gây hại cho bản thân và người khác. Sau đó, bệnh nhân sẽ được áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức để kiểm soát sự giận dữ, chế ngự nỗi sợ hãi và lo âu khi bị bỏ rơi, chỉ trích và phê bình. Đồng thời liệu pháp này cũng giúp bệnh nhân phát triển kỹ năng xã hội và thay đổi tư duy “trắng – đen” về mọi người, sự việc xung quanh.
Thông qua trị liệu tâm lý, bệnh nhân cũng sẽ nhận thức rõ những vướng mắc và vấn đề trong cuộc sống đều bắt nguồn từ cảm xúc và hành vi quá khích. Ngoài ra, liệu pháp này cũng giúp người bệnh hiểu rõ hơn về trạng thái tâm thần của những người xung quanh, từ đó khơi gợi lòng trắc ẩn và đồng cảm.
Bên cạnh liệu pháp nhận thức hành vi, bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới cũng có thể được điều trị bằng một số phương pháp tâm lý khác như:
- Liệu pháp phân tâm học
- Trị liệu tâm lý tập trung vào sự chuyển di
- Liệu pháp tập trung vào lược đồ
Trị liệu tâm lý là giải pháp tối ưu trong điều trị rối loạn nhân cách ranh giới. Tuy nhiên do cảm xúc có nét xung động cùng với sự nhạy cảm và sợ hãi quá mức về việc bị bỏ rơi nên bệnh nhân cần phải điều trị lâu dài. Ngoài hình thức trị liệu cá nhân, bệnh nhân cũng được trị liệu theo nhóm và gia đình để cải thiện khả năng tương tác xã hội, thấu hiểu và có sự đồng cảm với những người xung quanh.
2. Sử dụng thuốc
Thuốc được sử dụng để cải thiện các triệu chứng do rối loạn nhân cách ranh giới gây ra. Tùy theo triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng loại thuốc phù hợp nhất. Ngoài những lợi ích mang lại, bác sĩ cũng phải đánh giá nguy cơ và rủi ro trước khi đưa ra chỉ định.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn nhân cách ranh giới:
- Thuốc chống trầm cảm (chủ yếu là nhóm SSRIs): Được sử dụng để cải thiện tình trạng lo âu và các triệu chứng trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới.
- Thuốc an thần kinh: Nhóm thuốc này được sử dụng để cải thiện các rối loạn nhận thức có liên quan đến tư duy đen – trắng, hoang tưởng, tức giận, lo âu,… Thuốc an thần gây nghiện nhóm benzodiazepin cũng có thể được sử dụng nhưng do có khả năng gây nghiện nên ít được chỉ định,
- Thuốc điều chỉnh khí sắc: Có tác dụng cải thiện tình trạng cảm xúc không ổn định, xung động, lo âu và trầm cảm ở bệnh nhân BPD. Các loại thuốc điều chỉnh khí sắc thường được dùng bao gồm Carbamazepine, Lithium carbonate và Sertraline.
- Thuốc chống loạn thần: Thuốc chống loạn thần liều thấp (Olanzapine 2.5mg) có thể được sử dụng để cải thiện tình trạng hoang tưởng, ảo giác ở bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới.
Nếu được điều trị sớm và đúng cách, các triệu chứng của hội chứng rối loạn nhân cách ranh giới sẽ thuyên giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên với những trường hợp đi kèm với các rối loạn tâm thần khác, điều trị thường phải kéo dài và mức độ đáp ứng cũng hạn chế hơn.
3. Các biện pháp hỗ trợ
Sự lo lắng, sợ hãi quá mức về việc bị bỏ rơi khiến bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới luôn rơi vào trạng thái căng thẳng, tức giận, cảm xúc không ổn định và dễ phát triển thành trầm cảm, rối loạn lo âu. Do đó ngoài các phương pháp chuyên sâu, bệnh nhân cũng cần áp dụng một số biện pháp hỗ trợ để kiểm soát cảm xúc.
- Thực hiện một số liệu pháp thư giãn như hít thở sâu, ngồi thiền, âm nhạc trị liệu, liệu pháp mùi hương, nghệ thuật trị liệu,… để giải tỏa căng thẳng và lo âu. Các biện pháp này phần nào kiểm soát được sự nóng giận và nhạy cảm quá mức.
- Dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Nên lựa chọn các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng như yoga, bơi lội, đi bộ và đạp xe. Hoạt động thể chất không chỉ cải thiện sức khỏe thể chất mà còn góp phần giải tỏa lo âu, phiền muộn và giúp kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
- Luôn nhớ rằng lối sống không lành mạnh (dùng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, quan hệ tình dục không an toàn,…) chính là nguồn cơn của những rắc rối và vướng mắc trong cuộc sống. Đồng thời cần nỗ lực và nghiêm khắc với bản thân để duy trì lối sống lành mạnh, tránh tuyệt đối các hành vi tự hủy gây hại cho bản thân và những người xung quanh.
- Duy trì lối sống khoa học bằng cách ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, lên kế hoạch học tập và làm việc khoa học.
- Xây dựng mục tiêu và lý tưởng sống rõ ràng. Từ đó nỗ lực nâng cao năng lực bản thân, phát triển những thế mạnh sẵn có và nỗ lực cải thiện những mặt còn hạn chế. Để xác định được mục tiêu sống, bệnh nhân nên tiếp cận với những câu chuyện truyền cảm hứng, tham gia các hoạt động thiện nguyện và lắng nghe bản thân.
Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) gây ra rất nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là các mối quan hệ cá nhân và rủi ro về thể chất do các hành vi tự hủy (đánh bạc, đua xe, quan hệ tình dục không an toàn,…). Chính vì vậy, người bệnh cần có sự nỗ lực để vượt qua chứng bệnh này, từ đó xây dựng được các mối quan hệ lành mạnh và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.