Rong mơ và lá ổi kích thích hệ thống miễn dịch trên cá lóc | Công Ty TNHH KTCN Khoa Học Xanh

Cá lóc. Ảnh minh họa: Internet

Nghiên cứu của Nguyễn Như Huỳnh được thực hiện nhằm tìm hiểu hoạt tính kháng khuẩn của dịch chiết hỗn hợp rong mơ và lá ổi và xác định nồng độ hiệu quả để bổ sung vào thức ăn giúp phòng bệnh do vi khuẩn gây ra trên cá lóc.

Cá lóc (cá tràu, cá quả, cá chuối) là loại cá nước ngọt, thịt ngon, dễ nuôi. Tuy nhiên, những năm gần đây dịch bệnh xảy ra nhiều, điều kiện nuôi cũng trở nên khó khăn hơn. Ở Việt Nam, việc sử dụng thảo dược nhằm hạn chế và thay thế hóa chất, thuốc kháng sinh ngày càng được quan tâm và nghiên cứu. Trong khi đó, rong mơ và lá ổi là 2 đối tượng có sẵn từ tự nhiên và được ứng dụng rộng rãi trong y học từ xưa đến nay với nhiều đặc tính như tăng cường khả năng miễn dịch, kháng lại mầm bệnh.

Thách thức dịch bệnh do vi khuẩn trên cá lóc

Bệnh do nhóm vi khuẩn xuất hiện chiếm tỉ lệ khá cao 80- 100% (Lê Xuân Sinh và Đỗ Minh Chung, 2010). Tác nhân gây bệnh chủ yếu là Aeromonas, Edwardsiella, Streptococcusvà Pseudomonas lần lượt là 54,3%, 17,3%, 14,8% và 13,6% (Phạm Minh Đức và Trần Ngọc Tuấn, 2012). Ngoài ra vi khuẩn A. hydrophila được xác định là tác nhân gây bệnh xuất huyết trên cá lóc (Channa striata) và cá lóc đen(Ophiocephalus striatus).

Cá bị nhiễm vi khuẩn A. hydrophila thường bơi lờ đờ, thân, vây và xoang miệng xuất huyết, có vết loét ăn sâu vào cơ, xoang bụng có nhiều dịch đỏ, gan bầm đen, nội tạng xuất huyết. Mycobacterium poriferae cũng được ghi nhận gây bệnh trên cá lóc (Ophinocephalus striatus) với dấu hiệu mắt lồi, trên da có hiện tượng mất sắc tố, hoại tử, loét, trên bề mặt cơ thể có xuất hiện các đốm trắng nhỏ, vây cá bị mòn cụt.  Ngoài ra, bệnh do vi khuẩn Aeromonas schubertii gây ra trên cá lóc đồng (Channa striata) xuất hiện trong những năm gần đây gây thiệt hại lớn cho người nuôi vì nó rất khó điều trị .

Sử dụng rong mơ và lá ổi trong nuôi trồng thủy sản

thảo dược cho cá, lá ổi phòng bệnh cá, rong mơ nuôi cá, thảo dược thủy sản, thảo dược nuôi cá

Lá ổi và rong mơ là 2 thảo dược phổ biến ở Việt Nam.

Thành phần hóa học 

+ Lá ổi chứa nhiều hoạt chất hóa học và được xem là nguồn dược liệu đóng vai trò quan trọng, được ứng dụng rộng rãi trong y học cho đến ngày nay. Ổi có chứa polysaccharides, vitamin, tinh dầu (Macleod and Troconis, 1975), tannin, phenol, saponnins, alkaloids, glycosides, steroid, flavanoid (Geidam et al., 2007), carotenoid, lectins, vitamin, khoáng chất (Deo and Shastri, 2003), chất xơ và axit béo (Begum et al., 2002).

+ Rong mơ được biết đến là chất có khả năng tăng cường miễn dịch, kích thích tăng trưởng và kháng lại mầm bệnh. Trong rong mơ chứa nhiều hợp chất mang giá trị dinh dưỡng như các axít amin, các axít béo nhiều nối đôi, các vitamin và khoáng chất, polyphenol, các hợp chất chứa fucoidan (β-1,3-glucan), laminarin (β-1,3-1,6-glucan), alginate (β-1,4-glucan) có tác dụng kích thích hệ miễn dịch không đặc hiệu trên cá.

Nghiên cứu Giang et al. (2011) đã ly trích hỗn hợp polysaccharide từ rong nâu Sargassum hemiphyllum để tăng cường sức đề kháng và tỉ lệ sống của tôm thẻ chân trắng thông qua việc ngâm tôm vào trong nước biển có chứa hỗn hợp polysaccharide này. Kết quả cho thấy ở liều sử dụng 300-500 mg/l có tác dụng rất hiệu quả trong việc tăng cường miễn dịch của tôm và sức đề kháng đối với vi khuẩn gây bệnh V. alginolyticus. Nghiên cứu Rajendran et al. (2016) khi cho cá chép (Cyprinus carpio) ăn hỗn hợp polysaccharides chiết xuất từ rong nâu Padina gymnospora kích thích gia tăng các thông số miễn dịch bảo vệ cá khỏi các mầm bệnh phổ biến gây ra bởi vi khuẩn như Aeromonas hydrophila, Edwardsiella tarda. Kết thúc thí nghiệm cho thấy khi bổ sung 1% polysaccharides vào khẩu phần ăn cá chép nhiễm A. hydrophila đạt tỉ lệ sống cao nhất là 80% và 60% đối với cá nhiễm E. tarda.

Dịch chiết lá ổi (Psidium guajava) đã được xác định kháng lại 24 chủng vi khuẩn gây ra bệnh bao gồm vi khuẩn V. harveyi (9 chủng), V. lendidus (7 chủng), V. parahaemolyticus (2 dòng) và một dòng của V. minicus và A. hydrophila (Direkbusarakom et al., 1997). Ngoài ra, khi bổ sung dịch chiết từ lá ổi vào thức ăn tôm sú (penaeus monodon) với các nồng độ 0,025%; 0,05%; 0,1%; 0,2%; 0,4% có thể kích thích sự tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu đối với virus YHV, WSSV và vi khuẩn Vibrio harveyi (Yin et al., 2014). Nồng độ ức chế tối thiểu của chiết xuất ethanol từ ổi cho thấy có sự ức chế cao nhất đối với V. parahaemolyticus (0,1 mg/ml). Ngoài ra, hệ miễn dịch của cá trôi được cải thiện, tỉ lệ sống đạt 66,66% khi bổ sung 0,5% dịch chiết từ lá ổi vào thức ăn đồng thời kích thích tăng trưởng (Giri et al., 2015).

Rong mơ và lá ổi kích thích hệ thống miễn dịch trên cá lóc

– Quy trình ly trích lá ổi:

thảo dược cho cá, lá ổi phòng bệnh cá, rong mơ nuôi cá, thảo dược thủy sản, thảo dược nuôi cá

– Quy trình ly trích rong mơ:

thảo dược cho cá, lá ổi phòng bệnh cá, rong mơ nuôi cá, thảo dược thủy sản, thảo dược nuôi cá

Sau khi kiểm tra hoạt tính kháng khuẩn và xác định nồng độ ức chế tối thiểu đối với vi khuẩn A. schubertii, hỗn hợp này sẻ được bổ sung vào trong thức ăn của cá thí nghiệm với các hàm lượng 0g/kg, 4g/kg, và 8g/kg thức ăn với tỉ lệ dịch chiết rong mơ: dịch chiết lá ổi là 1: 1 trong hỗn hợp , cho ăn liên tục trong 30 ngày và sau đó tiến hành cảm nhiễm với vi khuẩn A. schubertii và quan sát trong vòng 14 ngày để theo dõi tỉ lệ chết của cá sau khi cảm nhiễm.

Kết quả

Thử hoạt tính kháng khuẩn: hỗn hợp (lá ổi+ rong mơ) có tính kháng khuẩn cao với đường kính vòng vô khuẩn đạt là 15 mm sử dụng ở nồng độ 100% (200 mg/ml) và khả năng kháng khuẩn giảm dần ở các nồng độ tiếp theo 50% (100 mg/ml) và thấp nhất ở nồng độ 25% (50 mg/ml) 11 mm.

Sau kết quả thăm dò hoạt tính kháng khuẩn, dịch chiết các loại thảo dược tiếp tục được xác định nồng độ ức chế tối thiểu. Kết quả cho thấy dịch chiết hỗn hợp có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn A. schubertii với nồng độ ức chế tối thiểu MIC 1024 µg/ml.

Sau 30 ngày bổ sung thảo dược tốc độ tăng trưởng, tăng trọng của các nhóm cá được bổ sung dịch chiết hỗn hợp rong mơ và lá ổi cao hơn so với nhóm không bổ sung và cao nhất ở nghiệm thức cho ăn nồng độ 8g/kg thức ăn. Sau 14 ngày cảm nhiễm với vi khuẩn, kết quả cho thấy tỉ lệ sống ở các nghiệm thức bổ sung dịch chiết hỗn hợp với liều lượng 4g/kg thức ăn cho tỉ lệ sống 100% và nghiệm thức bổ sung 8g/kg thức ăn cho tỉ lệ sống 73.3%, trong khi đó nghiệm thức đối chứng tỉ lệ sống chỉ đạt 36.7%.

thảo dược cho cá, lá ổi phòng bệnh cá, rong mơ nuôi cá, thảo dược thủy sản, thảo dược nuôi cá

Cá bị nhiễm A. schubertii với những nốt trắng li ti trên gan cá

Dịch chiết từ rong mơ và lá ổi đều có khả năng chống oxy hóa cao, với hoạt tính này của hỗn hợp giúp cá tăng cường quá trình trao đổi chất, kích thích sự hoạt động của emzym tiêu hóa góp phần làm giảm lượng thức ăn sử dụng và tích lũy năng lượng. Cũng nhờ vào đặc tính này của hỗn hợp giúp cá tăng cường sức đề kháng và tăng trọng nhanh hơn so với cá không được bổ sung. Do đó, bà con có thế tận dụng 2 nguồn thảo dược có sẳn trong tự nhiên để bổ sung vào thức ăn cho tôm, cá đảm bảo an toàn sinh học và giảm chi phí mang lại giá trị kinh tế cao.

Bà con nên bổ sung hỗn hợp rong mơ và lá ổi vào thức ăn cá với liều lượng từ 4-8g/kg thức ăn sẻ kích thích tăng trưởng, tăng cường miễn dịch, tăng cường tỉ lệ sống của cá khi mầm bệnh xuất hiện.

Rate this post

Viết một bình luận