Rứa là gì? Giải nghĩa một số cụm từ “rứa” – Thiết bị vệ sinh công nghiệp Palada

Nếu bạn là người miền Bắc hay miền Nam hẳn lần đầu được hỏi câu “Mi đi mô rứa?” sẽ mất vài giây “đứng hình” để hiểu xem người kia muốn nói gì đúng không? Có sự cố này là do sự khác nhau trong các dùng từ của các địa phương. Để hiểu mô tê răng rứa là gì, các bạn hãy khám phá trong bài viết dưới đây của Palada.vn nhé.

Mô tê răng rứa là gì?

Đầu tiên chúng ta phải hiểu được đại từ “mi” của người miền Trung tương đương với từ “mày” trong tiếng miền Bắc, nhưng không phải mang sắc thái miệt thị mà là để thể hiện sự thân mật.

Rứa tiếng miền Trung là gì?

Chữ “rứa” trong tiếng miền Trung tạm hiểu như chữ “thế”, thường đặt ở cuối câu nhằm mục đích hỏi.

Như vậy chi rứa nghĩa là gì? Chữ “chi” có ý nghĩa tương đương với chữ “gì”. “Làm chi” nghĩa là “làm gì”. Ví dụ người miền Trung nói: “Mi làm cái chi rứa?” thì dịch ra là “Mày đang làm gì thế?”. Từ này được dùng không chỉ ở miền Trung mà cả người miền Bắc, miền Nam cũng dùng khá thường xuyên nên nghĩa của nó khá là dễ hiểu.

Rứa hè là gì?

Từ “hè” lúc này chỉ có tác dụng tăng sức biểu cảm cho câu, chúng ta có thể hiểu “rứa hè” là “thế à” hay “thế ư”.

Chữ “mô” trong tiếng miền Trung mới thực sự là đặc trưng. “Mô” tạm hiểu là “đâu”, là một từ thường chỉ được dùng trong câu hỏi. Tuy nhiên, trong một vài ngữ cảnh thì từ “mô” được hiểu theo nghĩa khác. Ví dụ, “Hôm nay mi đi ăn chỗ mô rứa?” bạn phải hiểu rằng “Hôm nay mày đi ăn ở chỗ nào thế?”. “Mô” được dùng trong câu vừa rồi lại để chỉ địa điểm.

Nếu đặt trong ngữ cảnh khác thì “mô” – “đâu” có thể đóng vai trò là thán từ. Khi bạn hỏi: “sao mày gặp tao mà bơ đi thế?”, nếu một người miền Trung trả lời là “mô mà” thì bạn phải hiểu là “đâu có bơ!”, tức là phủ định vấn đề.

Chữ “răng” trong tiếng miền Trung có thể tạm hiểu là “sao”, thường được dùng trong câu hỏi. Ví dụ, “răng mà mi nói lạ rứa?” thì bạn phải hiểu là “sao mày nói lạ thế” hoặc “sao mày nói kỳ vậy”. Nếu “răng” nằm một mình thì nó có thể đóng vai trò như câu hỏi tỉnh lược. Ví dụ, một người vội vàng chạy vào, bạn hỏi “răng?” thì có nghĩa là “sao thế”, “sao mà vội thế?”

Chữ “tê” có nghĩa như là chữ “kia”. Ví dụ, người miền Trung hỏi “bên tê răng rứa?” thì nghĩa là “bên kia sao vậy?” hoặc “bên kia có chuyện gì thế?”.

Một số cách dùng từ địa phương của miền Trung

Đại từ tiếng miền Trung

Tau = Tao

Mi = Mày

Choa = Chúng tao

Bây = Các bạn

Ci, cấy = Cái.

Hấn = Hắn, nó

Danh từ tiếng miền Trung

Con du = con dâu

Chạc = Dây

Con me = Con bê

Chủi = Chổi

Nạm = Nắm

Tru = Trâu

Trốc gúi = Đầu gối

Mấn = Váy

Đọi = (cái) Bát

Trốc = Đầu.

Trốc tru = Đồ ngu.

Khu = Mông, đít.

Chỉ từ, thán từ tiếng miền Trung

Mồ = Nào.

Tề = Kìa

Nỏ = Không.

A ri = Như thế này

Ri = Thế này.

(Bây) Giừ = (Bây) Giờ

Chư = Chứ

Đại = 1. Khá. 2. Bừa

Nớ = Ấy.

Hầy = Nhỉ.

Rành = Rất.

Nhứt = Nhất.

Ví dụ:

Giừ mi đang ở chộ mô rứa? = Giờ bạn đang ở chỗ nào thế?

Cấy chi rứa = Cái gì thế?

A ri là răng rứa? = Như thế này là sao thế?

Câu chuyện 1:

Một anh chàng ngoài Bắc vào miền Trung, thấy cô gái xinh đẹp nên muốn làm quen, sau lời chào cô gái bắt đầu hỏi: “Răng anh ở chỗ ni?”

Anh chàng bực mình nghĩ đầu cô gái có vấn đề nên đáp:

– Răng tôi phải ở trong mồm chứ còn ở đâu?

Cô gái thấy anh chàng này quá bất lịch sự liền mắng:

– Răng anh ngu rứa?

Anh chàng khùng lên quát:

– Này cái cô kia, trong mồm tôi có một đống răng khôn…

– !!!!!

Hóa ra cô gái chỉ có ý định hỏi sao anh lại ở chỗ này thôi.

Câu chuyện 2:

Có ông nọ người miền Nam qua nhà bà kia người miền Trung thì đột nhiên bị con chó nhà đó lao ra cắn vào chân.

Hốt hoảng quá, ông la lớn:

– Chó, chó… chó.

Bà kia nghe tiếng la, sợ chó cắn khách liền từ trong nhà chạy ra vừa mắng chó để trấn an khách. Bà vừa chạy ra vừa thanh minh:

– Chó không răng mô anh, chó không răng mô anh.

Ông nọ vừa bị chó cắn tét cả chân, vừa bị xé rách cái quần. Giờ nghe bà kia nói thế, ông điên tiết quát lên:

– Chị thiệt là quá đáng, chị nói chó chị không răng mà nó cắn tôi toác cái chân, rách luôn cả cái quần.

Thật ra thì bà kia chỉ định nói là chó không có bệnh gì đâu để trấn an khách thôi mà.

Ngôn ngữ Việt Nam thật sự rất phong phú, càng đi nhiều và tiếp xúc với nhiều người thì chúng ta càng nhận ra điều đó là chân ái. Nếu các bạn còn bất cứ thắc mắc nào như mô tê răng rứa là gì hay muốn chia sẻ những câu chuyện dở khóc dở cười khi “bất đồng ngôn ngữ” của mình thì hãy để lại bình luận bên dưới cho chúng mình biết nhé.

Rate this post

Viết một bình luận