Vài năm trước, việc mua một cuốn sách ngoại văn ở Việt Nam không hẳn là điều dễ dàng. Hiện nay, lượng sách ngoại văn khá phong phú, mang đến cho độc giả nhiều lựa chọn hơn.
Một gian hàng sách ngoại văn tại Hội sách TP.HCM 2016 thu hút cả những du khách nước ngoài
Giải “cơn khát” cho độc giả
Cách đây không lâu, sách ngoại văn tồn tại trên thị trường sách Việt Nam nổi bật nhất vẫn là dòng sách ngoại ngữ. Những năm gần đây, sự xuất hiện của khá nhiều dòng sách khác như sách văn học, sách kỹ năng sống, sách giáo dục, sách khoa học, sách văn hóa… đã phần nào giải “cơn khát” sách ngoại văn cho độc giả.
Tại một siêu thị sách Nhân Văn hay nhà sách Fahasa, Phương Nam…, độc giả có thể dễ dàng tìm thấy các thể loại sách dạy và học tiếng Anh; sách và từ điển chuyên ngành; sách giáo dục… của các NXB Oxford, Cambridge, Macmillan, McGraw-Hill, Thomson, Pearson… Đây được coi là những quầy sách ngoại văn có quy mô lớn TP.HCM. Bạn Hoàng Uyên, SV năm 4 Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM chia sẻ: “Trước đây, muốn có sách ngoại văn gốc, mình thường nhờ người thân ở nước ngoài mua giúp. Hiện nay, việc này giống như trở bàn tay vì nhiều sách ngoại văn đã xuất hiện trên kệ sách ở những nhà sách lớn. Mình hay tìm những tài liệu, giáo trình chuyên ngành bằng tiếng Anh để có cơ hội tiếp cận các phương pháp, góc nhìn mới cũng như các thuật ngữ chuyên ngành trong lĩnh vực ngoại giao”. Không chỉ có trên kệ sách ở những nhà sách lớn, sách ngoại văn cũng “len lỏi” vào hệ thống những nhà sách có quy mô nhỏ hơn. Nhiều bạn tuổi “teen” vẫn hay truyền tai nhau về những nhà sách tiếng Anh tại TP.HCM như: BOA (Books of Awesome), Book a Life và tầng sách ngoại văn của Nhà sách Cá Chép…
“Tình hình sách ngoại văn của 9 tháng đầu năm nay trên thị trường xuất bản sách có nhiều tín hiệu vui. Có thể nói, nhu cầu về sách ngoại văn của người dân, nhất là của các bạn trẻ đang tăng cao”, ông Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng Giám đốc Công ty Văn hóa Phương Nam cho biết.
Những quyển sách “làm mưa làm gió” trên bảng xếp hạng sách Bestseller của Mỹ và nhiều nước khác đều nhanh chóng được các đơn vị này nhập về. Trên lĩnh vực sách ngoại văn dành cho thiếu nhi cũng không kém phần sôi động khi các NXB tiếp tục xuất bản những tác phẩm nổi tiếng của thế giới.
Nhu cầu sách ngoại văn tăng cao
Độc giả ngày càng mua và đọc nhiều sách ngoại văn là tín hiệu tích cực của ngành xuất bản trong xu hướng hội nhập nhanh chóng hiện nay. Thời gian gần đây, có những đầu sách, Việt Nam đã phát hành cùng lúc trên thế giới. Bà Nguyễn Thị Mỹ Loan, Phó Tổng giám đốc Fahasa cho biết: “Sức mua sách ngoại văn ở hệ thống các nhà sách của Fahasa tăng đáng kể. Sách ngoại văn đang được nhiều bạn trẻ quan tâm”. Đáp ứng nhu cầu này, Fahasa luôn chủ động, nỗ lực trong việc tìm kiếm những đầu sách ngoại văn chất lượng. Năm 2015, Fahasa đã phát hành tập 10 Old Shool (bản Anh ngữ) của NXB Penguin Group UK tại Việt Nam cùng thời điểm với hệ thống nhà sách trên thế giới như một cách thức hội nhập. Điều đó cũng góp phần giúp cho văn hóa đọc Việt đến gần với thế giới. Năm 2016, Fahasa cũng tiếp tục nhập khẩu và phát hành phần mới nhất của tác phẩm Harry Potter and the Cursed Child – part I & II của tác giả J.K Rowling (bản Anh ngữ) tại Việt Nam cùng thời điểm với các nước khác trên thế giới. Điều này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo độc giả, đặc biệt là những độc giả trẻ tuổi.
Hội sách Hà Nội 2016 vừa kết thúc với sự góp mặt của 20 NXB, tập đoàn xuất bản uy tín đến từ 13 quốc gia trên thế giới. Việc rất nhiều thương hiệu sách và đối tác trong ngành xuất bản nước ngoài lần đầu tiên tham gia Hội sách Hà Nội 2016 giúp cho độc giả Việt Nam được tiếp cận nhiều hơn với các đầu sách ngoại văn có bản quyền.
“Tình hình sách ngoại văn của 9 tháng đầu năm nay trên thị trường xuất bản sách có nhiều tín hiệu vui. Có thể nói, nhu cầu về sách ngoại văn của người dân, nhất là của các bạn trẻ đang tăng cao”, ông Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng Giám đốc Công ty Văn hóa Phương Nam cho biết. Tuy nhiên, một trong những rào cản để sách ngoại văn tiếp cận với thị trường Việt Nam nói chung và các hội sách nói riêng đó chính là giá sách vẫn còn tương đối cao so với khả năng đáp ứng từ phía những đơn vị xuất bản trong nước cũng như túi tiền của người mua sách.
Cùng với xu thế hội nhập quốc tế đang mở rộng, nhu cầu tìm hiểu và trao đổi kiến thức giữa các nước đang ngày càng phát triển. Sách ngoại văn là phương tiện, là cầu nối để quá trình giao lưu đạt hiệu quả hơn bởi nó là nguồn tài liệu hết sức đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm của độc giả. Tín hiệu vui từ sự phát triển của nguồn sách ngoại văn đã cho thấy sự cố gắng của hội xuất bản và những người làm sách trong quá trình nỗ lực để đưa sách đến với công chúng.
Bài, ảnh: Quyên Hà